Giải pháp nâng cao hiệu quả ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học do Kiểm toán nhà nước thực hiện

04/07/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) – Sáng ngày 04/7/2022, tại Hà Nội, Hội đồng Khoa học (HĐKH) của Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã tổ chức nghiệm thu Đề tài khoa học cấp cơ sở: “Giải pháp nâng cao hiệu quả ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học (NCKH) do Kiểm toán nhà nước thực hiện” do Ths. Trần Văn Thắng và Ths. Tô Hoàng Việt Linh đồng chủ nhiệm. Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng Nghiệp vụ Kiểm toán (ĐT & BDNVKT), ThS. Trần Kim Lộc làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.

Trình bày báo cáo tại buổi nghiệm thu, Ban Chủ nhiệm đề tài cho biết, sau hơn 27 năm xây dựng và phát triển, cùng với việc triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ công tác chuyên môn thì công tác nghiên cứu khoa học (NCKH) của KTNN đã có nhiều đóng góp có giá trị vào việc xây dựng hệ thống cơ sở lý luận gắn với thực tiễn hoạt động của toàn Ngành như: Xây dựng Luật KTNN, xây dựng và ban hành một số quy trình nghiệp vụ trong công tác chuyên môn… Việc đẩy mạnh công tác NCKH của KTNN thời gian qua đã đạt được một số thành tựu nhất định, đáng khích lệ cả về số lượng và chất lượng các đề tài nghiên cứu.

Công tác NCKH của KTNN gồm có 03 hoạt động cơ bản: NCKH, tổ chức NCKH và ứng dụng kết quả NCKH. Ba hoạt động này có mối liên hệ mật thiết với nhau, hoạt động này là tiền đề của hoạt động kia, tương tác, hỗ trợ lẫn nhau. Trong ba hoạt động đó, việc ứng dụng kết quả NCKH đang là một vấn đề đặt ra đối với công tác NCKH của KTNN. Đây là một trong những hạn chế của công tác NCKH của KTNN mà các thành viên Hội đồng Khoa học của KTNN đã chỉ ra trong nhiều năm qua do việc ứng dụng kết quả nghiên cứu của các đề tài vào thực tiễn vẫn còn hạn chế.

Trên thực tế, phần lớn các đề tài được đưa vào nghiên cứu thời gian qua đều phản ánh, giải quyết các vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn của Ngành hoặc của đơn vị. Chính vì vậy, tính ứng dụng của các đề tài là rất rõ, được thể hiện ngay trong các nội dung nghiên cứu đề xuất, đặc biệt là các đề tài theo đặt hàng của Lãnh đạo KTNN. Tuy nhiên, không phủ nhận rằng hiện nay một số ban chủ nhiệm đề tài chưa đầu tư thích đáng cho việc triển khai ứng dụng sau khi sản phẩm đã được nghiệm thu, chất lượng của một số đề tài chưa cao nên ít thu hút được người quan tâm, làm giảm tính ứng dụng của kết quả nghiên cứu.

Nhận thức được điều đó, Ban chủ nhiệm đã lựa chọn đề tài: “Giải pháp nâng cao hiệu quả ứng dụng kết quả NCKH do Kiểm toán nhà nước thực hiện” để đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả ứng dụng các kết quả NCKH do KTNN thực hiện vào thực tiễn tổ chức và hoạt động của Ngành.

Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục các từ viết tắt, danh mục tài liệu tham khảo, nội dung chính của đề tài  gồm 02 chương: Chương 1 -Tổng quan về ứng dụng kết quả NCKH của KTNN; Chương 2 - Giải pháp nâng cao hiệu quả ứng dụng kết quả NCKH do KTNN thực hiện.
 


Tại buổi nghiệm thu, các thành viên trong Hội đồng đã đóng góp nhiều ý kiến để Ban đề tài chỉnh sửa hoàn thiện để nâng cao chất lượng đề tài. Trong đó, các thành viên trong Hội đồng yêu cầu Ban Đề tài xem xét, bổ sung tồn tại, hạn chế liên quan đến kiến nghị của một số đề tài NCKH thường chung chung, lặp đi lặp lại với các đề tài nghiên cứu trước đó, và không dựa vào kết quả nghiên cứu để đưa ra kiến nghị tại Mục 1.5.2; cần có đánh giá về việc KTNN chưa ứng dụng các phần mềm đánh giá mức độ sao chép (copy) của các đề tài NCKH, để từ đó đưa ra các khuyến nghị cụ thể; cân nhắc phân tích thêm vai trò của HĐKH trong chủ trương, định hướng và có kiến nghị với HĐKH của KTNN vì đây là cơ quan ảnh hưởng lớn đến công tác NCKH của KTNN.

Kết luận tại buổi nghiệm thu, Giám đốc Trường ĐT & BDNVKT Trần Kim Lộc đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Ban Chủ nhiệm đề tài trong quá trình tổ chức nghiên cứu. Đề tài đã làm rõ về cơ sở lý luận và thực tiễn trong ứng dụng kết quả NCKH của KTNN, đồng thời đã đưa ra một số giải pháp nâng cao hiệu quả ứng dụng kết quả NCKH do KTNN thực hiện.

Để đề tài đạt chất lượng tốt nhất, Hội đồng nghiệm thu yêu cầu Ban Chủ nhiệm đề tài cần bổ sung một số nội dung: Cần bổ sung phạm vi về nội dung và không gian nghiên cứu của đề tài. Tại Chương 1 cần bổ sung nội dung về tổ chức ứng dụng kết quả NCKH; kinh nghiệm của một số Bộ, ngành về ứng dụng kết quả NCKH; tồn tại, hạn chế về kiến nghị của các đề tài chưa gắn với kết quả nghiên cứu; đánh giá về ứng dụng phần mềm đánh giá mức độ sao chép của các đề tài để đề xuất kiến nghị. Tại Chương 2 cần bổ sung kiến nghị về trách nhiệm của đơn vị chủ trì thực hiện đề tài trong quá trình triển khai nghiên cứu; phân tích về vai trò của HĐKH trong việc định hướng NCKH và đề xuất kiến nghị đối với HĐKH của KTNN; giải pháp về xây dựng và ban hành quy định ứng dựng kết quả NCKH của KTNN để định hướng cho công tác ứng dụng và triển khai ứng dụng kết quả NCKH của KTNN; kiến nghị về nguồn kinh phí để triển khai công tác ứng dụng kết quả NCKH…

Đề tài được Hội đồng nghiệm thu thông qua và xếp loại xuất sắc, đạt 88,2 điểm./.

Thanh Trang
 
 

Xem thêm »