Vai trò của Kiểm toán nhà nước trong việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý phần vốn Nhà nước đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ

06/07/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Sáng 06/7/2022, tại Hà Nội, Kiểm toán nhà nước (KTNN) tổ chức Hội thảo “Kiểm toán đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ”. Hội thảo diễn ra dưới sự chủ trì của Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung và Giám đốc Trường Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Trần Kim Lộc.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung và Giám đốc Trường Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Trần Kim Lộc đồng chủ trì Hội thảo

Tham dự Hội thảo có: Phó Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Nguyễn Hồng Long; các đại biểu đại diện: Ban Nội chính Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Hiệp hội Kế toán, Kiểm toán Việt Nam; UBND TP. Hà Nội; đại diện các Tập đoàn, Tổng công ty, các Trường đại học, Học viện; đại diện một số doanh nghiệp kiểm toán độc lập; đại diện Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc KTNN.

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý phần vốn Nhà nước đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ

Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung nêu rõ, Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) luôn là lực lượng nòng cốt, góp phần chủ yếu để kinh tế Nhà nước thực hiện vai trò chủ đạo, nền tảng, phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, góp phần quyết định thực hiện thắng lợi toàn diện chủ trương, Nghị quyết của Đảng. Thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng, nhiều chính sách về đổi mới, sắp xếp, phát triển DNNN được ban hành, đặc biệt là những quy định theo hướng thu hẹp ngành, lĩnh vực, trong đó có việc giảm dần DNNN với số vốn Nhà nước trên 50% vốn điều lệ giảm dần.

Cũng theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung, hiện nay, việc quản lý vốn Nhà nước tại các DNNN còn bất cập, hệ thống các văn bản chế độ quản lý tài chính của Nhà nước chưa chú ý quan tâm điều chỉnh nhiều đến loại hình Doanh nghiệp (DN) này, vẫn còn tình trạng thất thoát, lãng phí, sử dụng vốn không hiệu quả, gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế.

Cụ thể như, việc xác định vốn Nhà nước đầu tư tại DN đang còn có nhiều cách hiểu khác nhau và được quy định tại nhiều Luật, chưa có sự thống nhất; chưa đảm bảo được yêu cầu về sự tách bạch giữa quyền sở hữu vốn và quyền quản lý, giám sát vốn Nhà nước tại DN, chưa đảm bảo tính khách quan, minh bạch trong hoạt động giám sát của chủ sở hữu với giám sát của quản lý Nhà nước; công tác giám sát, quản lý vốn, tài sản của Nhà nước còn nhiều hạn chế, có sự can thiệp hành chính vào quản lý, điều hành của DN, ảnh hưởng đến hiệu quả trong sản xuất kinh doanh.

Cùng với đó, thẩm quyền, trình tự, thủ tục liên quan việc đầu tư, xây dựng cũng như đầu tư ra nước ngoài, liên doanh, liên kết còn nhiều kẽ hở, chồng chéo giữa các văn bản pháp luật; quy định về quyền sử dụng đất vẫn còn nhiều vướng mắc, chênh lệch lớn giữa khung giá do Nhà nước quy định và giá thị trường là nguyên nhân dẫn đến nhiều tiêu cực. “Những vướng mắc, bất cập trên đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động của các DNNN. Ngoài ra, việc thiếu sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cơ quan kiểm tra độc lập cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng sử dụng vốn, tài sản không đúng mục đích, không hiệu quả” - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết.
 

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung phát biểu đề dẫn Hội thảo

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung nhấn mạnh: Với quan điểm “ở đâu có tài sản công, tài chính công, ở đó có sự kiểm tra, giám sát của Kiểm toán nhà nước”, nhằm đảm bảo nhiệm vụ “thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công” của KTNN theo tinh thần của Hiến pháp, Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 và các Luật có liên quan.

Theo quy định tại Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015: KTNN kiểm toán DN do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Đối với DN do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống, khi cần thiết, Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định lựa chọn mục tiêu, nội dung và phương pháp kiểm toán cho phù hợp.

Với 6 bài tham luận và 3 ý kiến trao đổi tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng bàn thảo và làm rõ một số vấn đề về thực trạng quản lý, việc kiểm tra, giám sát đối với vốn của Nhà nước tại các DN do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ. Đồng thời tập trung vào vai trò của KTNN trong việc kiểm toán các DN này, góp phần làm minh bạch, bền vững nền tài chính quốc gia; làm rõ các vướng mắc, bất cập đối với cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin giữa KTNN với các cơ quan quản lý Nhà nước và các DN. Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả kiểm toán đối với DN do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ.
 
KTNN góp phần tăng tính minh bạch, nâng cao hiệu quả và thúc đẩy công tác cổ phần hóa thông qua hoạt động kiểm toán DNNN

Trong bài tham luận “Vai trò của KTNN trong nâng cao hiệu quả công tác quản lý phần vốn Nhà nước đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ”, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Nguyễn Hồng Long khẳng định: Trong xu thế hội nhập hiện nay và phát triển kinh tế quốc tế theo hướng toàn cầu hóa, vai trò của các cơ quan thực hiện chức năng kiểm tra, kiểm soát và giám sát các hoạt động kinh tế - tài chính - ngân sách ngày càng được tăng cường nhằm không ngừng nâng cao tính minh bạch và lành mạnh hóa nền tài chính quốc gia; đồng thời gia tăng tính hiệu lực và hiệu quả của bộ máy Nhà nước đối với nền kinh tế - xã hội. Với vai trò là công cụ hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra lĩnh vực tài chính công, tài sản công, KTNN đã góp phần tăng tính minh bạch, nâng cao hiệu quả và thúc đẩy công tác cổ phần hóa thông qua hoạt động kiểm toán DNNN. “Trong hoạt động xác định giá trị DN, KTNN tiến hành kiểm tra tính chính xác của kết quả xác định giá trị DN do các đơn vị tư vấn định giá đưa ra, giúp ngăn chặn nguy cơ thất thoát vốn Nhà nước đầu tư tại DN do bị định giá thấp, đồng thời góp phần tối đa hóa lợi ích chính đáng của Nhà nước thu về thông qua cổ phần hóa. Vì vậy kiểm toán góp phần làm minh bạch công tác xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp, giảm nguy cơ thất thoát vốn Nhà nước” - ông Nguyễn Hồng Long cho biết.
 
Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Nguyễn Hồng Long phát biểu tham luận tại Hội thảo

Cũng theo ông Nguyễn Hồng Long, giai đoạn hậu cổ phần hóa cũng còn nhiều sai sót, tồn tại cả về xử lý tài chính cũng như công tác quản lý, sử dụng tài sản công, đặc biệt là đất đai. Đối với đất đai, đây là lĩnh vực nhạy cảm, tiềm ẩn nhiều rủi ro, sử dụng sai mục đích, đặc biệt khi liên quan đến cổ phần hóa. Ông Nguyễn Hồng Long dẫn chứng, thời gian qua nhiều nhà đầu tư quan tâm đến DN cổ phần hóa chỉ vì các khu đất “vàng”, “kim cương” do các đơn vị này nắm giữ. Vì vậy, vai trò của KTNN đặc biệt quan trọng, qua các cuộc kiểm toán đã chỉ ra được một số vấn đề sai phạm từ cả phía DN và cơ quan quản lý Nhà nước.

Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cũng chỉ ra một số tồn tại khi tổng kết đánh giá sau cổ phần hóa, cụ thể hiện chưa có bức tranh tổng thể tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN sau cổ phần hóa, vì vậy chưa có đánh giá tổng thể về việc các mục tiêu sau cổ phần hóa có được thực hiện hay không, đặc biệt các vấn đề như: Sử dụng tài sản, đất đai sau cổ phần hóa; việc sử dụng lao động sau cổ phần hóa… Bên cạnh đó, rất khó khăn để tiếp cận các DNNN nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ để đánh giá tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh. “Và để làm được nội dung này thì chỉ có KTNN có cơ sở pháp lý để thực hiện theo khoản 10 điều 55 Luật Kiểm toán nhà nước” - ông Nguyễn Hồng Long nói.

Về một số  kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý phần vốn Nhà nước và giải pháp nhằm nâng cao vai trò của KTNN, ông Nguyễn Hồng Long cho biết cần hoàn thiện các quy định pháp luật về đất đai, đặc biệt quy định chặt chẽ, siết chặt việc quản lý các loại đất, phát huy hiệu quả sử dụng đất; KTNN kiểm tra các DN trước khi cổ phần hóa về việc kiểm toán giá trị DN; xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia đồng bộ về DNNN, tài sản Nhà nước để kiểm soát, giám sát, thanh tra, kiểm tra; nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DN sau cổ phần hóa….

Đối với KTNN, cần nâng cao và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán, xây dựng các phần mềm hỗ trợ hoạt động kiểm toán theo lĩnh vực kiểm toán trong môi trường công nghệ thông tin; nâng cao năng lực đội ngũ công chức, Kiểm toán viên nhà nước; tiến hành kiểm toán tất cả các bước trong quá trình cổ phần hóa, hậu cổ phần hóa. Theo đó, thực hiện kiểm toán theo loại hình kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động để đánh giá toàn diện quá trình cổ phần hóa và có những ý kiến đóng góp cho việc hoàn thiện chính sách về việc cổ phần hóa, hậu cổ phần hóa.
 
Nâng cao chất lượng kiểm toán DN do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ

Để nâng cao chất lượng kiểm toán DN do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ, theo Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp của KTNN Lê Thị Thu Hương: Từ năm 2017 đến năm 2020, KTNN ban hành các văn bản hướng dẫn mục tiêu, trọng tâm, nội dung kiểm toán chủ yếu từng năm. Trong đó, tập trung kiểm toán trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đại diện phần vốn Nhà nước trong quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, nhất là trách nhiệm trong việc yêu cầu DN phân phối và nộp NSNN khoản lợi nhuận, cổ tức được chia tương ứng với phần vốn Nhà nước; tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, sử dụng vốn Nhà nước; việc chấp hành nghĩa vụ với NSNN của doanh nghiệp.

Trên cơ sở các hướng dẫn từ khi Luật Kiểm toán nhà nước có hiệu lực, KTNN đã tổ chức kiểm toán các cuộc kiểm toán độc lập và kiểm toán các công ty liên kết lồng ghép với kiểm toán báo cáo tài chính (BCTC) Công ty mẹ.

Thống kê từ khi Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 có hiệu lực đến 30/6/2022, đối với doanh nghiệp có vốn Nhà nước dưới 50%, KTNN đã thực hiện kiểm toán và phát hành 06 cuộc kiểm toán độc lập và 23 cuộc kiểm toán các công ty liên kết lồng ghép với kiểm toán BCTC Công ty mẹ - các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước với tổng kiến nghị tăng thu NSNN 89 tỷ đồng, cụ thể 06 cuộc kiểm toán độc lập 16 tỷ 192 triệu đồng, 23 cuộc kiểm toán các công ty liên kết lồng ghép 72 tỷ 808 triệu đồng, chủ yếu là các khoản thu do sai sót trong kê khai, xác định thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN, tiền thuê đất… các đơn vị chưa thực hiện đúng theo các quy định của Luật thuế và các quy định của Nhà nước có liên quan.
 
Quang cảnh Hội thảo

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, đối với đánh giá trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đại diện phần vốn Nhà nước tại các DN có vốn Nhà nước dưới 50%, các Báo cáo kiểm toán (BCKT) đã có một số phát hiện chủ yếu xoay quanh việc chỉ đạo công tác đầu tư chưa hiệu quả; chưa thực hiện việc rà soát, kiểm soát ban hành các cơ chế chi và ký kết các hợp đồng thuê dịch vụ đối với các đại lý tổ chức; chưa đề cập đầy đủ đến các kết quả kinh doanh lỗ như kinh doanh bảo hiểm, các khoản đầu tư do phân bổ chi phí chung, tình hình xử lý các khoản đầu tư tồn đọng và các biện pháp khắc phục cụ thể; chưa xây dựng và ban hành các quy trình quản lý phục vụ giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định số 87/2015/NĐ-CP; chưa ban hành Quy chế quản lý người đại diện vốn của Công ty tại các doanh nghiệp nhận đầu tư; chưa thực hiện đánh giá Người đại diện vốn theo quy định.

Bà Lê Thị Thu Hương cũng đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ, cụ thể:
Tổ chức khảo sát thu thập thông tin, xây dựng và thực hiện Kế hoạch kiểm toán (KHKT) đối với DN có dưới 50% vốn Nhà nước phù hợp với các quy định của KTNN và bám sát Quyết định số 22/QĐ-KTNN hướng dẫn kiểm toán DN do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống. Thông qua quá trình kiểm toán, phát hiện các vướng mắc, tồn tại để bổ sung, điều chỉnh các văn bản quy định, hướng dẫn của KTNN liên quan đến kiểm toán DN có dưới 50% vốn Nhà nước, làm căn cứ, cơ sở để tổ chức thực hiện kiểm toán có hiệu quả.

Làm tốt công tác truyền thông để tuyên truyền, phổ biến về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN trong kiểm toán các DN có dưới 50% vốn Nhà nước.
Từng bước xây dựng, cập nhật kho dữ liệu thông tin về các DN có dưới 50% vốn Nhà nước, trong đó chú trọng các thông tin về tỷ lệ vốn góp của các chủ sở hữu, thông tin về quản lý sử dụng đất đai, đầu tư XDCB, các chính sách tài chính đặc thù, các chính sách quản trị… để phục vụ cho công tác xây dựng KHKT trung hạn, hàng năm, từng cuộc kiểm toán.

Chú trọng, tăng cường kiểm toán tuân thủ, đánh giá trách nhiệm người đại diện phần vốn Nhà nước tại DN theo quy định trong kiểm toán các DN có dưới 50% vốn Nhà nước; thu thập bằng chứng kiểm toán đầy đủ và phù hợp với các đánh giá, nhận xét, kiến nghị kiểm toán; nâng cao chất lượng BCKT, biên tập kiến nghị kiểm toán cụ thể, rõ đối tượng kiến nghị và đảm bảo tính khả thi của kiến nghị kiểm toán.

Đối với các cuộc kiểm toán lồng ghép với kiểm toán BCTC của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước, nên có thêm lựa chọn kiểm toán đối với các DN có dưới 50% vốn Nhà nước kể cả các công ty có kết quả kinh doanh thua lỗ để đánh giá cụ thể nguyên nhân gây lỗ, từ đó có kiến nghị/khuyến nghị đối với DN trong quản lý vốn và tài sản DN nói chung trong đó có phần vốn của Nhà nước./.

Phương Ngọc
 

Xem thêm »