Chú trọng nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả kiểm toán môi trường

18/08/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Thời gian qua, cùng với các nội dung, lĩnh vực kiểm toán khác, kết quả kiểm toán môi trường (KTMT) đã góp phần quan trọng vào kết quả kiểm toán chung của Kiểm toán nhà nước (KTNN). Trong bối cảnh KTNN sẽ tăng cường số lượng các cuộc KTMT, gắn với nâng cao chất lượng kiểm toán đòi hỏi các đơn vị kiểm toán, kiểm toán viên cần phải không ngừng nỗ lực đổi mới phương pháp, cách thức tổ chức thực hiện kiểm toán để đáp ứng tốt hơn yêu cầu đặt ra.  

KTNN không ngừng nâng cao năng lực kiểm toán môi trường. Ảnh tư liệu

Bám sát định hướng trong xây dựng nội dung kiểm toán

So với nhiều Cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) trên thế giới, cơ quan KTNN Việt Nam được đánh giá là chưa có nhiều kinh nghiệm về KTMT. Dù là lĩnh vực kiểm toán mới và được triển khai trong một vài năm gần đây song KTMT cũng đã được quan tâm, chú ý trong các chính sách, pháp luật cũng như thực tiễn triển khai.

Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã xem xét, đánh giá mức độ hiệu quả, hiệu lực của các chính sách, quy định được ban hành bởi Chính phủ nhằm mục đích đạt được các mục tiêu bảo vệ môi trường. Từ đó, KTNN chỉ ra những điểm bất cập, hạn chế trong quá trình triển khai, cũng như đưa ra kiến nghị kiểm toán tới Quốc hội, Chính phủ để điều chỉnh các quy định, chính sách một cách kịp thời, hiệu quả. Đặc biệt, việc lựa chọn các nội dung để thực hiện KTMT thời gian qua của KTNN được đánh giá là phù hợp với định hướng lớn của Đảng, Nhà nước, các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm, cũng như phù hợp với điều kiện nguồn lực của KTNN.

Nêu cụ thể về vấn đề này, KTNN khu vực I cho biết, trên cơ sở bám sát định hướng kiểm toán, các cuộc KTMT do đơn vị đề xuất, thực hiện đã đề cập đến nhiều phạm vi, đối tượng liên quan đến môi trường, điển hình như cuộc kiểm toán về quản lý, sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường và thực hiện đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác thải, nước thải mà đơn vị triển khai kiểm toán năm nay. Tuy nhiên, so với mong đợi của công chúng, cũng như đòi hỏi từ thực tiễn, các cuộc kiểm toán vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; nội dung kiểm toán chưa khai thác được sâu. Trong khi thực tiễn đời sống, xã hội còn nhiều vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường ngày càng tác động xấu tới lợi ích cộng đồng, xã hội như: Ô nhiễm nguồn nước; ô nhiễm không khí; ô nhiễm từ các chất thải độc hại; ô nhiễm từ sự ảnh hưởng của quá trình phát triển kinh tế - xã hội... chưa được đề cập một cách rõ nét, sâu sắc trong các hoạt động kiểm toán.

Xuất phát từ thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng, trên cơ sở bám sát các định hướng lớn của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của lãnh đạo KTNN, các cuộc KTMT cần đi sâu vào những nội dung kiểm toán về môi trường có ảnh hưởng hoặc được dự báo ảnh hưởng lớn đến đời sống, xã hội… Từ kinh nghiệm kiểm toán, KTNN chuyên ngành III cho biết, khi lựa chọn chủ đề, xây dựng kế hoạch KTMT hằng năm cần nghiên cứu những chủ đề kiểm toán mới, mang lại nhiều giá trị gia tăng trong tương lai như kiểm toán việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Trong đó, có những nội dung kiểm toán đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa các đơn vị kiểm toán, thậm chí là giữa các SAI, điển hình như cuộc kiểm toán việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công do KTNN Việt Nam phối hợp với SAI Thái Lan và Myanmar thực hiện ở cấp độ khu vực vừa qua.
 
Thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao năng lực kiểm toán

Trong bối cảnh yêu cầu, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước đặt ra cho KTNN ngày càng lớn, việc đổi mới, nâng cao năng lực kiểm toán, từ đó tiến tới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm toán, trong đó có KTMT là yêu cầu bức thiết.

Lưu ý hoạt động KTMT được thực hiện tại KTNN hiện nay vẫn chủ yếu được lồng ghép trong các cuộc kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, ít cuộc KTMT mang tính chất kiểm toán hoạt động hoặc được thực hiện một cách độc lập nên kết quả kiểm toán chưa được như kỳ vọng, một số đơn vị kiểm toán đề nghị cần có sự thay đổi theo định hướng xây dựng KHKT năm 2023 và trung hạn 2023-2025, đó là tăng cường kiểm toán hoạt động đối với các nội dung, chủ đề kiểm toán.

Nêu cụ thể về vấn đề này, đại diện Phòng KTMT (KTNN chuyên ngành III) cho biết, với nguồn lực hiện tại, KTNN có thể tăng cường áp dụng loại hình kiểm toán hoạt động trong việc đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả đối với các chương trình, hoạt động liên quan tới các mục tiêu phát triển bền vững. Điều này cũng sẽ đặt ra những thách thức nhất định cho kiểm toán viên, bởi KTMT vốn là lĩnh vực kiểm toán mới, lại được triển khai với loại hình kiểm toán có độ khó cao như kiểm toán hoạt động. Tuy nhiên, “không vì khó mà bỏ qua, bởi chỉ có tăng cường kiểm toán hoạt động mới giúp đánh giá một cách toàn diện công tác quản lý, sử dụng nguồn lực, trách nhiệm quản lý trong công tác bảo vệ môi trường” - đại diện Phòng KTMT cho biết.

Trong bối cảnh KTNN đang tập trung xây dựng và tăng cường năng lực KTMT, các ý kiến cũng đề nghị cần chú trọng đào tạo đội ngũ kiểm toán viên KTMT với các hình thức đào tạo chuyên sâu, mời chuyên gia nước ngoài chia sẻ kinh nghiệm; cử cán bộ tham gia các khóa học tại nước ngoài, tìm kiếm các dự án tài trợ cho phát triển KTMT... Với đặc thù KTMT thường kết hợp của nhiều loại hình kiểm toán, trong đó, kiểm toán hoạt động giữ vai trò chủ đạo, vì vậy, đòi hỏi kiểm toán viên phải có kiến thức và kỹ năng kiểm toán tương đối toàn diện, đặc biệt là các kỹ năng như: xây dựng tiêu chí, đánh giá trọng yếu, rủi ro kiểm toán...

Dưới góc độ nghiên cứu, nắm bắt kinh nghiệm KTMT từ các SAI, PGS,TS. Nguyễn Hữu Ánh (Viện Kế toán - Kiểm toán) cho rằng, KTNN cần tiếp tục xây dựng và phát triển các hướng dẫn, phương pháp KTMT theo hướng tuân thủ Hệ thống chuẩn mực kiểm toán quốc tế. Trong đó, chú trọng đổi mới phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu, trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán, coi đây là công cụ hỗ trợ đắc lực để tìm ra bằng chứng thuyết phục; đẩy mạnh việc sử dụng chuyên gia tư vấn, kiểm toán hiện trường, áp dụng hệ thống thông tin địa lý trong KTMT...
 
 Theo định hướng xây dựng kế hoạch kiểm toán năm 2023 và trung hạn 2023-2025, các đơn vị được yêu cầu nghiên cứu thực hiện các cuộc kiểm toán liên quan đến các chủ đề giám sát tối cao của Quốc hội và giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó đối với mỗi đơn vị đã thành lập phòng KTMT lựa chọn tối thiểu 2 chủ đề kiểm toán/năm để tổ chức thực hiện kiểm toán; đồng thời không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng kiểm toán.


NGUYỄN LỘC
(Báo Kiểm toán số 33/2022)

Xem thêm »