Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương - Trưởng đoàn giám sát chủ trì cuộc làm việc.
Tham dự cuộc làm việc về phía Đoàn giám sát có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K’đăm - Phó trưởng Đoàn giám sát; Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình - Phó trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát. Về phía Chính phủ có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ.
Trình bày Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo giai đoạn 2016 - 2021, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết, theo báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương cho thấy, so với giai đoạn 2011 - 2016, số lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước các cấp để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tăng 67,6%; số lượt đoàn đông người tăng 9,2% nhưng số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan nhà nước giảm 16,1%. Về tiếp công dân, cơ quan hành chính các cấp đã tiếp 2.781.675 lượt công dân, với 1.458.952 vụ việc, có 24.363 lượt đoàn đông người.
Về kết quả tiếp nhận, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, cơ quan hành chính các cấp tiếp nhận 2.204.138 đơn các loại, trong đó 372.000 đơn khiếu nại, 173.914 đơn tố cáo, 1.632.839 đơn kiến nghị, phản ánh; có 1.299.268 đơn đủ điều kiện xử lý. Hiện đã giải quyết 169.713/175.315 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 96,8%.
Chính phủ đề xuất Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện trong quá trình hoàn thiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, và các lĩnh vực phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo.
Theo đánh giá của Đoàn giám sát, việc thực hiện giải quyết khiếu nại thời gian qua đã cơ bản được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục và thẩm quyền theo quy định của pháp luật; nhiều vụ việc gây bức xúc trong nhân dân, được dư luận quan tâm đã được giải quyết kịp thời, nghiêm minh, khách quan, thấu tình, đạt lý, đúng quy định của pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân. Tuy nhiên, việc tiếp nhận, xử lý đơn thư còn hạn chế, vẫn còn có sự nhầm lẫn trong việc phân loại đơn, giữa đơn khiếu nại, tố cáo với đơn kiến nghị phản ánh đấn đến việc tham mưu, áp dụng pháp luật trong xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân có trường hợp còn thiếu chính xác hoặc sai sót nhất định…
Các thành viên Đoàn giám sát cho rằng, về cơ bản, đến nay nước ta đã xây dựng được hệ thống chính sách, pháp luật bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo của công dân một cách minh bạch, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Tuy nhiên, thực tế giám sát cũng đã cho thấy việc thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo thời gian qua còn một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục. Do đó, các thành viên Đoàn giám sát đề nghị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Thanh tra Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các quy định về tiếp công dân, giải quyết, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cơ quan, của ngành và địa phương mình, nhất là quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan có trách nhiệm trong việc tổ chức, thực hiện công tác tiếp công dân, nhất là sự phối hợp giữa cơ quan hành chính với cơ quan tư pháp…
Về thực hiện các quy định của pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo, theo ghi nhận của Đoàn giám sát, các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp đã có nhiều cố gắng trong công tác tiếp nhận, thụ lý và giải quyết đơn tố cáo thông qua việc ban hành các quy định hướng dẫn về quy trình, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức cá nhân, nhất là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân có thẩm quyền xác minh, giải quyết tố cáo. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lúng túng, thiếu thống nhất trong việc xử lý đơn tố cáo; công tác thẩm tra, xác minh giải quyết vụ việc tố cáo nhiều nơi chưa kỹ, thiếu chủ động… Do đó, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành và UBND các địa phương chấn chỉnh, tăng cường hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với một số lĩnh vực phát sinh nhiều tố cáo; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thi hành kết luận giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý nghiêm minh đối với cán bộ vi phạm được phát hiện qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo…
Tại cuộc làm việc, đại diện Chính phủ, các Bộ, ngành đã giải trình, làm rõ một số vấn đề Đoàn giám sát quan tâm cũng như các nội dung, đề xuất đưa vào dự thảo Báo cáo kết quả giám sát và dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương giao Thường trực Đoàn giám sát tiếp tục nghiên cứu các ý kiến tại cuộc làm việc, bổ sung, hoàn thiện dự thảo Báo cáo kết quả giám sát và dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.
Hà Linh