Rà soát công tác chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

18/10/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Sáng 17/10/2022, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì buổi làm việc với các cơ quan hữu quan nhằm rà soát công tác chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì buổi làm việc

Báo cáo về công tác chuẩn bị Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XV, Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần cho biết, thời gian qua, các cơ quan hữu quan đã chủ động phối hợp chặt chẽ chuẩn bị các nội dung bảo đảm yêu cầu, điều kiện đặt ra để kịp trình Quốc hội; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các nội dung của kỳ họp.

Theo Phó Tổng Thư ký Quốc hội, đến thời điểm này, Văn phòng Quốc hội đã nhận được hồ sơ tài liệu của 10 dự án, dự thảo, báo cáo; báo cáo giải trình của 1 dự án Luật; 37/70 báo cáo và các tài liệu tham khảo gửi đại biểu tự nghiên cứu. Hiện nay, vẫn còn một số nội dung đang được Chính phủ, cơ quan thẩm tra, cơ quan hữu quan chỉnh lý theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 16 để hoàn thiện hồ sơ tài liệu, kịp gửi đến các đại biểu Quốc hội trước khai mạc kỳ họp.
Tổng Thư ký Quốc hội đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn chủ trì, phối hợp triển khai tổ chức nghiên cứu, biên dịch, tổng hợp thông tin, tài liệu tham khảo phục vụ đại biểu Quốc hội tại kỳ họp.

Liên quan đến các điều kiện bảo đảm về hậu cần, cơ sở vật chất, kỹ thuật, an ninh, an toàn Kỳ họp, Phó Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối và phục vụ tốt nhất cho kỳ họp. Đến nay, công tác chuẩn bị về các điều kiện bảo đảm về cơ sở vật chất, kỹ thuật, an ninh, an toàn, lễ tân, hậu cần, y tế, an toàn vệ sinh thực phẩm, phương tiện đi lại phục vụ đại biểu, khách mời... đã cơ bản hoàn tất để sẵn sàng phục vụ kỳ họp.

Báo cáo thêm về công tác chuẩn bị kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Kỳ họp thứ 4 sắp tới có hai điểm mới,  Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) và sẽ áp dụng luôn quy định mới là đối với Luật, Nghị quyết nào cần biểu quyết toàn văn thì cơ quan chủ trì soạn thảo phải gửi cho Văn phòng Quốc hội để gửi trước cho đại biểu Quốc hội nghiên cứu ít nhất một ngày trước khi biểu quyết. “Tại Kỳ họp này, Văn phòng Quốc hội quyết tâm thực hiện nhanh công tác ghi âm, gỡ băng, hiệu đính ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội tại hội trường và tại Tổ, nhằm kịp thời tổng hợp các ý kiến đóng góp, quyết tâm làm công tác này thật chuyên nghiệp và hiệu quả.”- Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khẳng định.

Cũng tại cuộc họp, đại diện Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng báo cáo về công tác chuẩn bị, đảm bảo các vấn đề phát sinh, đảm bảo an ninh, an toàn; công tác phòng, chống dịch; công tác thông tin và tuyên truyền để phục vụ cho Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Cho đến thời điểm hiện nay cơ bản đã hoàn tất và sẵn sàng cho kỳ họp.
 
Quang cảnh buổi làm việc

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận, đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Tổng Thư ký Quốc hội, Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, các Phó Tổng Thư ký Quốc hội; các Lãnh đạo cấp Vụ, cán bộ, chuyên viên các đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội đã rất trách nhiệm, quyết liệt, phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tham mưu chuẩn bị phục vụ về nội dung cũng như cơ sở vật chất, kỹ thuật và các điều kiện bảo đảm cho Kỳ họp thứ 4.

Nhấn mạnh, từ nay đến ngày khai mạc kỳ họp không còn nhiều thời gian, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Văn phòng Quốc hội tiếp tục đổi mới quyết liệt, bảo đảm hiệu quả, chất lượng công tác chuẩn bị kỳ họp; cẩn trọng, kỹ lưỡng, chủ động với các tình huống và có phương án hợp lý. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng lưu ý, khả năng điều chỉnh chương trình kỳ họp có thể linh hoạt trong quá trình điều hành từng phiên họp cụ thể, do đó, tính chủ động cần được đặc biệt chú trọng.

Về công tác phối hợp chuẩn bị nội dung kỳ họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chủ động phối hợp tốt và ở mức cao nhất trong công tác lập pháp; phối hợp với các cơ quan khẩn trương xây dựng sớm dự thảo các Nghị quyết sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp; dự thảo trước khung Nghị quyết chung kỳ họp; phối hợp rà soát, hoàn tất các báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ và tại hội trường, bảo đảm thuyết phục; hoàn thiện và sớm trình các văn bản phục vụ điều hành phiên chất vấn của Chủ tịch Quốc hội.

Bên cạnh đó, tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ thực hiện quy trình miễn nhiệm, bầu và phê chuẩn các chức danh: Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Nêu vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý công tác nhân sự cần được ưu tiên bố trí ngay đầu kỳ họp để các chức danh mới được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn sẽ kịp thời trình các nội dung thuộc trách nhiệm tại kỳ họp, vì vậy khâu nhân sự cần đặc biệt cẩn trọng, bảo đảm chặt chẽ về quy trình.

Về công tác thông tin, truyền thông, đưa tin về hoạt động của Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội yêu cầu cần chủ động truyền thông trước, trong và sau kỳ họp. “Tinh thần là đổi mới, đa dạng, có chiều sâu, điểm nhấn, tạo sức lan tỏa, cộng hưởng... Thông điệp mỗi kỳ họp cần rõ, nhất là hiệu ứng, phản ứng chính sách từ việc thực hiện những quyết đáp linh hoạt trước vướng mắc của thực tiễn cuộc sống để giải quyết các nhiệm vụ cấp bách. Nội dung quan trọng cần được chuyển tải đầy đủ, đậm nét đến cử tri và Nhân dân cả nước về các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, chất vấn; ý nghĩa của các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua; sự nỗ lực, đổi mới trong hoạt động của Quốc hội…” - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội yêu cầu.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng lưu ý, các hoạt động truyền thông bên lề nghị trường cần bảo đảm đa dạng, sinh động, toàn diện, song phải có sự chọn lọc nhân tố mới, đề cao tính tiêu biểu, nói lên tiếng lòng của cử tri, Nhân dân./.

Phương Ngọc

Xem thêm »