(sav.gov.vn) - Sáng 19/10/2022, tại Hà Nội, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm toán tổ chức nghiệm thu Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Xây dựng các tiêu chí đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu kiểm toán trong kiểm toán ngân sách địa phương của Kiểm toán nhà nước” do ThS. Phan Thanh Hải, ThS. Ngô Thị Hằng Nga đồng chủ nhiệm. Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng Kiểm toán Lê Đức Luận làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.
Báo cáo tại buổi nghiệm thu, Ban chủ nhiệm đề tài cho biết: Kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu là xu hướng tất yếu của Kiểm toán nhà nước (KTNN) các nước trên thế giới, nhưng với KTNN Việt Nam lĩnh vực kiểm toán NSĐP còn rất mới mẻ về nhận thức và thực tiễn, gặp không khó khăn do chưa xây dựng được bộ tiêu chí đánh giá rủi ro xác định trọng yếu kiểm toán. Vì vậy, việc nghiên cứu đề tài “Xây dựng các tiêu chí đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu kiểm toán trong kiểm toán ngân sách địa phương của Kiểm toán nhà nước” là cần thiết.
Đề tài gồm 141 trang, nội dung được chia làm 3 chương: Chương 1: “Cơ sở lý luận về tiêu chí đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán trong kiểm toán ngân sách địa phương (NSĐP) gồm 52 trang; Chương 2: Thực trạng xây dựng tiêu chí đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán trong kiểm toán NSĐP (28 trang); Chương 3: Xây dựng tiêu chí đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán trong kiểm toán NSĐP (60 trang).
Với nền tảng tiếp cận phương pháp luận duy vật biện chứng; tiếp cận hệ thống, tiếp cận lịch sử trong nghiên cứu khung lý luận; đánh giá thực tiễn và đề xuất các phương hướng đổi mới tổ chức kiểm toán, ban nghiên cứu đã vận dụng phương pháp tổng hợp, phân tích, so sánh, mô hình hóa… đề tài đã hệ thống hóa và phát triển cơ sở lý luận về tiêu chí đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán trong kiểm toán NSĐP; phân tích và đánh giá thực trạng xây dựng tiêu chí đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán trong kiểm toán NSĐP của KTNN; phân tích và đánh giá thực trạng áp dụng tiêu chí đánh giá rủi ro xác định trọng yếu kiểm toán trong kiểm toán NSĐP; chỉ ra những hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế trong việc áp dụng, sử dụng hệ thống tiêu chí đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán. Đồng thời, đề xuất một số nhóm tiêu chí đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán; điều kiện và lộ trình thực hiện.
Theo đánh giá của Hội đồng nghiệm thu, Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu của đề tài được trình bày theo bố cục các phần rõ ràng, mạch lạc, logic phù hợp với từng nội dung được đề cập; Định hướng và các giải pháp được đề xuất sát thực, có tính khả thi về việc xây dựng tiêu chí đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong kiểm toán NSĐP; Kết quả nghiên cứu của đề tài có thể cung cấp những căn cứ thiết thực để KTNN khu vực, các đơn vị tham mưu của KTNN tham khảo trong việc đưa ra các quyết định về tổ chức, điều hành hoạt động kiểm toán NSĐP.
Tuy nhiên, để đề tài có giá trị ứng dụng cao hơn và hoàn thiện hơn, Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban chủ nhiệm đề tài nghiên cứu và bổ sung những nội dung mới liên quan đến đề tài nghiên cứu về “Kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán trong kiểm toán
Báo cáo tài chính, Báo cáo quyết toán ngân sách địa phương”; Mục 1.1.1 cần lấy các ví dụ liên quan đến NSĐP để dẫn chứng; Mục 1.1.3.2 đề nghị chuyển vào đúng mục 1.1.3; Bổ sung khái niệm “
phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên việc đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán” để cho phù hợp với mục đích xây dựng mục 1.1.2 của đề tài; Biên tập rõ nội dung về Kinh nghiệm Quốc tế về chủ đề nghiên cứu, trong đó đặc biệt kinh nghiệm về xây dựng bộ tiêu chí đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán trong kiểm toán NSĐP; trên cơ sở đó để có cách tiếp cận khoa học trong điều kiện thực tiễn của hoạt động kiểm toán NSĐP ở Việt Nam; Nên bổ sung kiến thức lý luận về “Đặc điểm của ngân sách địa phương” trên các giác độ thu, chi, cân đối để tạo lập cơ sở cho việc xây dựng tiêu chí đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán trong kiểm toán NSĐP.
Kết luận buổi nghiệm thu, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu Lê Đức Luận đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Ban chủ nhiệm đề tài trong quá trình tổ chức nghiên cứu. Đề tài đã được tổ chức nghiên cứu một cách nghiêm túc và công phu, có giá trị lý luận và ứng dụng thực tiễn. Kết quả nghiên cứu cơ bản đáp ứng được các yêu cầu đặt ra, song còn một số hạn chế nhất định cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện.
Đề tài được Hội đồng nghiệm thu thông qua và xếp loại khá./.
Hà Linh