(sav.gov.vn) - Ngày 28/10/2022, tại Trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) - 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa, Trưởng Nhóm chiến lược về Kiểm toán hoạt động (KTHĐ) của KTNN đã có buổi làm việc với Đoàn công tác của Quỹ kiểm toán và trách nhiệm giải trình Canada (CCAF), do ông John Affleck, chuyên gia của CCAF làm Trưởng đoàn đang có chuyến thăm và làm việc tại KTNN, nhằm triển khai chương trình đào tạo nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ Kiểm toán viên nhà nước Việt Nam.
Quang cảnh buổi làm việc
Cùng tham dự buổi làm việc có Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Nguyễn Việt Hùng và 4 Tổ trưởng Nhóm xây dựng tài liệu đào tạo về KTHĐ, gồm: Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Trần Đức Lâm; Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán Vũ Duy Bắc; Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Lăng Trịnh Mai Hương; Phó Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Hà Minh Tuấn.
Phát biểu chào mừng Đoàn công tác của CCAF đến thăm và làm việc với KTNN Việt Nam, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa đánh giá cao quan hệ hợp tác giữa KTNN và CAAF trong thời gian qua, đặc biệt là những hỗ trợ trong việc tăng cường năng lực KTHĐ dành cho KTNN. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, kể từ khi thiết lập quan hệ hợp tác vào năm 2008, hai Bên đã tổ chức nhiều hoạt động hợp tác hiệu quả, thiết thực như trao đổi Đoàn, tổ chức hội thảo, đào tạo và cấp học bổng cho Kiểm toán viên… Đặc biệt là Chương trình hỗ trợ KTNN về giám sát lập pháp quốc tế (ILOP) của CAAF thông qua việc xây dựng các quy định, hướng dẫn về KTHĐ, tăng cường năng lực về KTHĐ của KTNN.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước khẳng định phát triển kiểm toán hoạt động là một trong những mục tiêu chiến lược của KTNN, phù hợp với xu thế và thông lệ quốc tế nhằm nâng cao chất lượng và hiệu lực kiểm toán. Trong giai đoạn tới, KTNN tiếp tục chú trọng phát triển loại hình kiểm toán này, do đó, KTNN đánh giá cao việc CAAF hợp tác và hỗ trợ KTNN thực hiện mục tiêu chiến lược KTHĐ.
Báo cáo về tiến độ xây dựng và hoàn thiện 04 bộ tài liệu về KTHĐ gồm: Sự tham gia của các đơn vị được kiểm toán; Phân tích nguyên nhân gốc rễ; Thu thập, phân tích bằng chứng kiểm toán; Bình đẳng giới. Trong thời gian Đoàn công tác CCAF làm việc với KTNN Việt Nam, các chuyên gia đã dành nhiều thời gian quý báu để cùng trao đổi, thảo luận và đưa ra các ý kiến đề xuất nhằm hoàn thiện các nội dung tài liệu đã được các Nhóm xây dựng. Qua các phiên làm việc, các Nhóm và chuyên gia đã kịp thời bổ sung nhiều nội dung bổ trợ của tài liệu như các bài tập tình huống, các video clip liên quan tới từng nhóm nội dung. Các Nhóm cũng lên phương án xây dựng thời gian biểu các khóa học đảm bảo phù hợp với kế hoạch công tác, dẫn chứng nhiều ví dụ gắn với hoạt động thực tiễn của KTNN Việt Nam thay cho các ví dụ từ phía Canada, nhằm giúp người học dễ tiếp cận với các vấn đề về lý thuyết và thực tiễn.
Đối với nhóm Sự tham gia của các đơn vị được kiểm toán, Nhóm trưởng Hà Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm toán cho biết, do đây là nội dung được tổ chức khóa đào tạo thí điểm (dự kiến sẽ được tổ chức vào tuần đầu tháng 11/2022), nên đến thời điểm hiện tại Nhóm và các chuyên gia của CCAF đã hoàn thiện cơ bản các slide, kịch bản cũng như video kèm theo bài giảng “Nhóm sẽ hoàn thiện phần phụ đề cho video và tiến hành đào tạo trong 2 ngày. Ngoài việc cho ý kiến hoàn thiện tài liệu, Nhóm cũng đề nghị phía CCAF cử chuyên gia cùng tham dự khóa học và trả lời những nội dung được học viên đặt ra cũng như chia sẻ thêm kinh nghiệm của chuyên gia đối với học viên. Sau khi kết thúc khóa học, Nhóm sẽ cùng với các chuyên gia của CCAF tiếp tục hoàn thiện các slide và kịch bản giảng trước khi chính thức ban hành Tài liệu đào tạo trong quý I/2023” – Ông Hà Minh Tuấn cho biết thêm.
Đối với Nhóm Bình đẳng giới, theo Tổ trưởng Trần Đức Lâm, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, đây là vấn đề mới, KTNN Việt Nam chưa thực hiện cuộc kiểm toán nào về nội dung này, vì vậy Nhóm đề nghị phía CCAF cung cấp tài liệu về một cuộc kiểm toán Bình đẳng giới mà Canada đã thực hiện cũng như đưa ra nhiều ví dụ cụ thể về nội dung này. Ngoài ra, ông Trần Đức Lâm cũng đề nghị các chuyên gia, giảng viên đến từ CCAF bổ sung thêm trong tài liệu giảng dạy các bài tập tình huống về Bình đẳng giới, nhằm giúp học viên có thể tiếp cận và hiểu rõ hơn về quy trình thực hiện một cuộc kiểm toán Bình đẳng giới và những lưu ý cần biết trong quá trình thực hiện cuộc kiểm toán về nội dung này.
Đánh giá cao về chất lượng, hiệu quả của các Nhóm xây dựng tài liệu đào tạo về KTHĐ của KTNN Việt Nam, ông John Affleck – Chuyên gia của CAAF cho biết, CAAF sẽ hỗ trợ tối đa cho KTNN trong việc soạn thảo các tài liệu cũng như tổ chức các khóa đào tạo nâng cao nghiệp vụ cho các Kiểm toán viên nhà nước Việt Nam về các lĩnh vực kiểm toán bình đẳng giới; Sự tham gia của các đơn vị được kiểm toán; Phân tích nguyên nhân gốc rễ; Thu thập, phân tích bằng chứng kiểm toán. “Chúng tôi sẽ tìm những chuyên gia có chuyên môn tốt, nhiều kinh nghiệm thực tế để phối hợp với các Nhóm công tác của KTNN Việt Nam nhằm đảm bảo chất lượng, tiến độ ban hành tài liệu đào tạo cũng như chất lượng các khóa đào tạo tại Việt Nam.”- ông John Affleck nói.
Thảo luận về kế hoạch hợp tác trong thời gian tới, các Nhóm công tác của KTNN và chuyên gia CCAF thống nhất thời gian dự kiến, trong 3 tuần, từ tuần cuối tháng 2 đến 2 tuần đầu tháng 3/2023 sẽ hỗ trợ KTNN giảng dạy 4 tài liệu của Nhóm xây dựng tài liệu về KTHĐ đã được hoàn thiện sau khi buổi làm việc của Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa với CCAF, tổ chức khóa đào tạo chủ đề mới “Kỹ năng phỏng vấn”. Đồng thời, phía CCAF cam kết sẽ tăng cường hỗ trợ KTNN tổ chức và tham gua các khóa đào tạo tại Việt Nam, Cannada và xây dựng tài liệu đào tạo KTHĐ chuyên sâu trong một số lĩnh vực như môi trường, việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và ứng phó với các khủng hoảng mang tính toàn cầu.
Kết luận buổi làm việc, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa khẳng định: Với sự ủng hộ, giúp đỡ nhiệt tình của CAAF, cũng như sự tham gia trách nhiệm, chất lượng của các Nhóm công tác, các tài liệu, chương trình đào tạo năng lực của Kiểm toán viên đã được nâng lên. KTNN đã thực hiện nhiều cuộc KTHĐ nhằm đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực của các chương trình kiểm toán, trong việc quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước giao các Nhóm công tác chuẩn bị kỹ lưỡng cho khóa đào tạo thí điểm về Sự tham gia của các đơn vị kiểm toán trong tuần tới, để qua đó đánh giá được các nội dung cũng như kịch bản giảng dạy của khóa học, tiến tới hoàn thiện các tài liệu có liên quan, sớm trình Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành các tài liệu giảng dạy.
Quỹ Kiểm toán và trách nhiệm giải trình Canada (CAAF) là một tổ chức và diễn đàn phi lợi nhuận nhằm tăng cường kiểm toán hoạt động (KTHĐ) trong khu vực công, công tác giám sát và trách nhiệm giải trình tại Canada và nước ngoài. Để thực hiện mục tiêu này, CAAF thực hiện nghiên cứu, giáo dục và chia sẻ kiến thức, kết nối các thành viên, đối tác và các bên cùng quan tâm.
CAAF và KTNN bắt đầu mối quan hệ hợp tác vào năm 2008. CAAF đã hỗ trợ KTNN phát triển KTHĐ qua những hoạt động nổi bật: Xây dựng các quy định, hướng dẫn về KTHĐ; Tuyển chọn và cấp học bổng cho công chức KTNN tham dự Khóa học về KTHĐ tại Canada. Từ năm 2008 đến nay, đã có 16 công chức của KTNN tham gia Khóa học này. Khóa học 2022-2023, Kiểm toán viên KTNN khu vực XII Hồ Thì Quỳnh Châu đã phỏng vấn thành công và sẽ nhập học trong thời gian tới.
KTNN Việt Nam cũng tổ chức thực hiện các cuộc KTHĐ. Từ năm 2014 đến nay, KTNN đã thực hiện hơn 100 cuộc KTHĐ, trong đó có KTHĐ, kiểm toán môi trường và kiểm toán công nghệ thông tin (CNTT). Kết quả của các cuộc KTHĐ, kiểm toán môi trường, kiểm toán CNTT đã nêu bật được những bất cập, hạn chế của hệ thống quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ trong một số lĩnh vực chuyên môn sâu; đưa ra các đánh giá tương đối toàn diện về những ưu điểm và những hạn chế, phân tích được nguyên nhân cụ thể và đánh giá được tác động của những hạn chế, làm căn cứ để đưa ra được các kết luận rõ ràng và các kiến nghị khả thi đối với một số vấn đề nổi cộm được dư luận xã hội quan tâm. Qua đó đã nhận được sự đồng thuận cao từ các đơn vị được kiểm toán, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý Nhà nước, tăng cường trách nhiệm giải trình và tính minh bạch của các cơ quan quản lý Nhà nước; gia tăng lợi ích xã hội và niềm tin của người dân vào chủ trương, chính sách của Đảng; đồng thời góp phần tăng uy tín của KTNN, đáp ứng kỳ vọng của Quốc hội và công chúng./.
Phương Ngọc