Quyết liệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022

01/11/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Theo tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 31/10/2022, giải ngân vốn đầu tư công của cả nước ước đạt 298 nghìn tỷ đồng, đạt 51,34% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2021 4,46%, tuy nhiên số tuyệt đối giải ngân năm 2022 cao hơn cùng kỳ là 40.387 tỷ đồng, tăng khoảng 16%.

Giải ngân vốn đầu tư công

Lý giải về số liệu thống kê giải ngân vốn đầu tư công nêu trên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết: “Tỷ lệ phần trăm giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn so với năm 2021 là do cộng thêm 38 nghìn tỷ giao bổ sung dự toán năm 2022 vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua và được Thủ tướng Chính phủ giao trong đầu tháng 10/2022. Nếu không tính con số này thì tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 54,94%, gần bằng so với năm 2021. Tuy nhiên, năm 2021, giải ngân cả năm thường dồn vào 3 tháng cuối năm, đặc biệt quy định về ngân sách giải ngân đến 31/01/2022 và khả năng năm 2022 sẽ giải ngân được hơn 90%”.

Như vậy, chỉ còn 3 tháng để kết thúc giải ngân vốn đầu tư công của năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ nhóm giải pháp tích cực hơn, quyết liệt hơn nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công để có thể đạt được con số giải ngân cao vào thời điểm 31/1/2023, cụ thể:

Theo đó, phải thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như của Chính phủ trong: Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 15/9/2022 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022; Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 17/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia những tháng còn lại năm 2022 và nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2023; qua các lần họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, cũng như thông qua các Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với các Bộ, ngành, địa phương.

Các Bộ, ngành, địa phương là phải chỉ đạo quyết liệt, đôn đốc các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án và đặc biệt là các nhà thầu phải thực hiện để có khối lượng thì mới giải ngân vì sẽ không thể giải ngân vốn từ Kho bạc mà không có khối lượng đi kèm. Do vậy, những tháng cuối năm phải có khối lượng tương đối lớn mới có thể giải ngân được số tiền còn lại của năm 2022.

Các Bộ, ngành, địa phương phải chuẩn bị trước các thủ tục hành chính để giải ngân vốn đầu tư công khi có khối lượng, tránh tình trạng dồn dập, không để rơi vào thời điểm cuối tháng 12 hoặc cuối tháng 1/2023, khiến bộ máy hành chính Nhà nước và hệ thống Kho bạc vất vả và có thể bị nghẽn mạng.

Về công tác chuẩn bị kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công của năm 2023, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, kế hoạch ngân sách và đầu tư công năm 2023 đã trình Quốc hội với lượng vốn cao hơn năm 2022 hơn 100 nghìn tỷ, áp lực giải ngân của năm 2023 rất lớn. Do vậy, cần phải chuẩn bị từ sớm, từ xa để bước sang năm 2023 có thể triển khai thực hiện được ngay, nhằm giảm nhẹ gánh nặng cũng như sức ép của thời điểm cuối năm.

Được biết, nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, Chính phủ đã thành lập 6 tổ công tác, trong đó 4 đồng chí Phó Thủ tướng là Tổ trưởng 4 tổ, Tổ thứ 5 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ trưởng,  Tổ thứ 6 do Bộ trưởng Bộ Tài chính là Tổ trưởng. Các Tổ thường xuyên đi kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn cho các Bộ, ngành, địa phương trong giải ngân vốn đầu tư công./.

Khánh Vy
 
 
 
 
 

Xem thêm »