Việc Kiểm toán nhà nước (KTNN) tham gia ý kiến về dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) và phương án phân bổ ngân sách trung ương (NSTƯ) còn gặp một số thách thức. Để ý kiến của KTNN có chất lượng hơn, trở thành nguồn thông tin quan trọng, tin cậy, giúp Chính phủ, Quốc hội, hội đồng nhân dân xem xét, quyết định dự toán ngân sách hằng năm, phương án phân bổ ngân sách và quyết định các công trình, dự án quan trọng, cần hoàn thiện một số giải pháp.
Cần hoàn thiện các giải pháp để nâng cao chất lượng ý kiến của KTNN về dự toán ngân sách. Ảnh: quochoi.vn
Thách thức đối với Kiểm toán nhà nước khi tham gia ý kiến về dự toán ngân sách
Việc Kiểm toán nhà nước (KTNN) tham gia ý kiến về dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) và phương án phân bổ ngân sách trung ương (NSTƯ) còn gặp một số thách thức. Để ý kiến của KTNN có chất lượng hơn, trở thành nguồn thông tin quan trọng, tin cậy, giúp Chính phủ, Quốc hội, hội đồng nhân dân xem xét, quyết định dự toán ngân sách hằng năm, phương án phân bổ ngân sách và quyết định các công trình, dự án quan trọng, cần hoàn thiện một số giải pháp.
Thiếu thông tin và thiếu cả quy định
Điều 10 (nhiệm vụ của KTNN) Luật KTNN năm 2015 và Điều 23 (nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN) Luật NSNN năm 2015 đã quy định trách nhiệm trình ý kiến của KTNN để Quốc hội xem xét, quyết định dự toán NSNN, quyết định phân bổ NSTƯ, quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, phê chuẩn quyết toán NSNN; tham gia với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ trong việc xem xét dự toán NSNN, phương án phân bổ NSTƯ, phương án điều chỉnh dự toán NSNN, phương án bố trí ngân sách cho chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định và quyết toán NSNN.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia về tài chính, ngân sách, trong đó có TS. Lê Đình Thăng - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II, trong quá trình tham gia ý kiến về dự toán NSNN, KTNN đang gặp một số thách thức. Thách thức lớn nhất là hệ thống thông tin về dự toán NSNN đến KTNN không kịp thời, đầy đủ. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật vẫn thiếu quy định cụ thể về trách nhiệm chủ động cung cấp thông tin, tài liệu về dự toán NSNN cho KTNN và chưa có chế tài xử lý đối với việc không cung cấp, chậm cung cấp tài liệu theo đề nghị của KTNN.
Hai là, do ngân sách của nước ta lồng ghép từ địa phương đến trung ương nên KTNN cần phải tham gia ý kiến về dự toán ngân sách với hội đồng nhân dân địa phương để có thông tin từ các địa phương trên cả nước làm cơ sở hình thành ý kiến độc lập của KTNN về NSNN. Tuy nhiên hiện nay, quy định này chưa có.
Ba là, thách thức về nguồn nhân lực của KTNN. KTNN không thể tổ chức bộ phận chuyên nghiệp chỉ để tham gia ý kiến về dự toán NSNN trong khi việc tham gia ý kiến về dự toán của Quốc gia đòi hỏi ý kiến mang tính chuyên gia.
Giải pháp nâng cao chất lượng ý kiến của Kiểm toán nhà nước
Để khắc phục tình trạng trên, theo TS. Lê Đình Thăng, thứ nhất, cần tăng cường truyền thông về KTNN để đại biểu Quốc hội, công chúng hiểu đúng về công cụ kiểm toán, sử dụng thông tin của KTNN về ngân sách, về chính sách ngân sách hiệu quả nhất. Điều này cũng sẽ tạo áp lực để KTNN nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động và chất lượng tham gia ý kiến vào dự toán ngân sách thường niên.
Thứ hai, cần bổ sung quy định để KTNN tham gia ý kiến về dự toán ngân sách với hội đồng nhân dân địa phương. Đây là hoạt động không những giúp hội đồng nhân dân có ý kiến độc lập khi xem xét, quyết định dự toán ngân sách địa phương mà còn củng cố hệ thống thông tin để hình thành ý kiến của KTNN về NSNN trước khi trình Chính phủ, Quốc hội xem xét, quyết định.
Thứ ba, cần sự đồng bộ giữa các cơ quan nhà nước (cần có đủ thời gian để các cơ quan thực hiện nhiệm vụ). Tuy nhiên, lịch biểu tài chính quốc gia đã rõ ràng và cũng rất hạn hẹp. Vì vậy, KTNN cần chủ động thực hiện sớm, thậm chí trước khi Chính phủ hướng dẫn lập dự toán, KTNN cần tổ chức làm việc với các địa phương, các Bộ, ngành, tham vấn chuyên gia trong và ngoài Ngành để tổng hợp thông tin, đưa ra ý kiến độc lập trình Quốc hội về dự toán ngân sách cho năm tới.
Thứ tư, khi chuẩn bị ý kiến về dự toán, KTNN phải dựa trên kết quả kiểm toán (số liệu kiểm toán, những đánh giá về chính sách cũng như việc thực hiện chính sách tài khóa của Chính phủ…) để hình thành ý kiến về dự toán năm tiếp theo. Bên cạnh đó, cần tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa KTNN với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương trong việc phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu. Tăng cường đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đầu mối kiểm toán của KTNN kết nối dữ liệu với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính công, tài sản công; từng bước nghiên cứu các phần mềm ứng dụng phân tích, dự báo thu, chi NSNN nhằm phục vụ tốt việc lập báo cáo ý kiến về dự toán NSNN…/.
THÙY ANH
(Báo Kiểm toán số 44/2022)