Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam Ngô Văn Tuấn hội đàm trực tuyến với Chủ tịch Ủy ban Kiểm toán Nhật Bản

22/11/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) – Sáng 22/11/2022, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) – 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đã Hội đàm trực tuyến với Chủ tịch Ủy ban Kiểm toán Nhật Bản Morita Yuri.

Quang cảnh buổi Hội đàm trực tuyến

Cùng dự Hội đàm có Chánh Văn phòng KTNN Lưu Trường Kháng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Đỗ Văn Tạo, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Vũ Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Nguyễn Bá Dũng, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VII Vũ Văn Cường và Giám đốc Trung tâm Tin học Phạm Thị Thu Hà.

Phát biểu tại Hội đàm, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn bày tỏ vui mừng trước sự phát triển vượt bậc của mối quan hệ Việt Nam-Nhật Bản nói chung và của hai cơ quan Kiểm toán nhà nước Việt Nam và Ủy ban Kiểm toán Nhật Bản nói riêng. “Trong quá trình phát triển, KTNN Việt Nam đã luôn nhận được sự hỗ trợ của Ủy ban Kiểm toán Nhật Bản, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), đặc biệt trong công tác trao đổi kinh nghiệm, đào tạo bồi dưỡng về các lĩnh vực kiểm toán như kiểm toán thuế, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán, kiểm toán công nghệ thông tin” – Tổng Kiểm toán nhà nước nói.

Chia sẻ về hoạt động của KTNN Việt Nam, ông Ngô Văn Tuấn cho biết, sau 28 năm hình thành và phát triển, KTNN Việt Nam ngày càng khẳng định được vai trò là công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước Việt Nam, giúp cho công tác quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công ngày càng có hiệu quả. Trong 2 năm qua, tuy dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề, song KTNN Việt Nam không ngững nỗ lực, tìm tòi nhiều giải pháp để thực hiện kiểm toán hiệu quả như ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data)… vào hoạt động kiểm toán. Tính đến ngày 31/10/2022, KTNN Việt Nam đã xét duyệt 224 kế hoạch kiểm toán, triển khai 218/234 Đoàn kiểm toán, kết thúc 207 Đoàn kiểm toán, xét duyệt 233 dự thảo Báo cáo kiểm toán, phát hành 228 Báo cáo kiểm toán.
 

Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam Ngô Văn Tuấn chia sẻ một số hoạt động của KTNN Việt Nam với Chủ tịch Ủy ban Kiểm toán Nhật Bản

Chia sẻ về các hoạt động trong thời gian tới, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, KTNN Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai thực hiện thành công Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, với 3 trụ cột phát triển cùng 07 nội dung chính gồm: Khuôn khổ pháp lý; hệ thống tổ chức bộ máy; nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng kiểm toán; hội nhập và hợp tác quốc tế; phát triển cơ sở vật chất, thông tin tuyên truyền và nghiên cứu khoa học về phát triển cơ sở vật chất; công nghệ thông tin và công nghệ cao.

Trong hợp tác quốc tế, KTNN Việt Nam xác định sẽ tiếp tục là thành viên có trách nhiệm trong việc xây dựng và thực hiện các cam kết, thỏa thuận đa phương; hoàn thành tốt vai trò thành viên Ban điều hành Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao Châu Á (ASOSAI) nhiệm kỳ 2021-2024; Ứng cử thành viên Ủy ban Kiểm toán của ASOSAI giai đoạn 2024 - 2027. “KTNN Việt Nam luôn coi trọng việc tăng cường mối quan hệ song phương với các đối tác truyền thống. Đặc biệt, Ủy ban Kiểm toán Nhật Bản luôn là một trong các đối tác hàng đầu, quan trọng của KTNN Việt Nam” – Tổng Kiểm toán nhà nước khẳng định.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn mong muốn hai Cơ quan sẽ tiếp tục duy trì, phát huy những thành quả trong thời gian tới, tiếp tục trao đổi các đoàn Lãnh đạo cấp cao giữa hai Cơ quan KTNN và các Đoàn làm việc chuyên môn để học tập chia sẻ về các chủ đề mà hai Bên có thế mạnh và quan tâm.

Ủy ban Kiểm toán Nhật Bản tiếp tục cử chuyên gia sang đào tạo cho các Kiểm toán viên của KTNN Việt Nam về những lĩnh vực hoạt động hoặc tăng cường hơn nữa hoạt động chia sẻ kinh nghiệm về các lĩnh vực mà Ủy ban Kiểm tra Nhật Bản có thế mạnh như kiểm toán môi trường, kiểm toán công trình xây dựng, kiểm toán ứng phó với thảm họa thiên tai, kiểm toán công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin, trong hoạt động kiểm toán...

Bên cạnh đó, Uỷ ban Kiểm toán Nhật Bản cùng KTNN Việt Nam thúc đẩy hợp tác thông qua tài trợ của tổ chức JICA, giúp nhiều cán bộ, công chức của KTNN Việt Nam có thể tham gia các khóa đào tạo do JICA tài trợ. “Với bề dày kinh nghiệm và những giá trị mà Uỷ ban Kiểm toán Nhật Bản đã đóng góp cho các tổ chức kiểm toán khu vực và quốc tế đến nay, KTNN Việt Nam mong muốn 02 Bên sẽ tiếp tục ủng hộ, phối hợp chặt chẽ với nhau trên các diễn đàn đa phương thuộc Tổ chức quốc tế các Cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI), ASOSAI. Đặc biệt, với vai trò là Chủ tịch Ủy ban Phát triển năng lực ASOSAI và cùng là thành viên Ban điều hành nhiệm kỳ 2021-2024, Ủy ban Kiểm toán Nhật Bản sẽ hỗ trợ KTNN Việt Nam thực hiện những nội dung và kế hoạch chiến lược ASOSAI giai đoạn mới 2022-2027, tiếp tục thúc đẩy hoạt động phát triển năng lực của ASOSAI vì cộng đồng chung ASOSAI.” – Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh.
 
Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam Ngô Văn Tuấn và Chủ tịch Ủy ban Kiểm toán Nhật Bản Morita Yuri chụp ảnh lưu niệm trực tuyến

Phát biểu tại Hội đàm, Chủ tịch Ủy ban Kiểm toán Nhật Bản Morita Yuri đã chia sẻ về tình hình hoạt động của Ủy ban Kiểm toán Nhật Bản. Theo đó, Uỷ ban Kiểm toán (UBKT) Nhật Bản được thành lập vào năm 1869, là một tổ chức độc lập theo quy định của Hiến pháp, độc lập với Nội các và không phụ thuộc vào Quốc hội cũng như các tòa án Nhật Bản. Đối tượng kiểm toán của Uỷ ban Kiểm toán Nhật Bản được chia thành hai loại: Những đối tượng mà UBKT Nhật Bản phải kiểm toán thường xuyên (đối tượng kiểm toán bắt buộc) và Những đối tượng kiểm toán nếu thấy cần thiết (đối tượng kiểm toán không bắt buộc). Để tiến hành kiểm toán các đối tượng kiểm toán không bắt buộc cần phải có quyết định của Hội đồng kiểm toán.

Tất cả quyết toán thu chi quốc gia hàng năm đều do UBKT Nhật Bản thực hiện kiểm toán và Nội các phải đệ trình báo cáo kiểm toán, cùng với bản quyết toán cho Quốc hội vào năm tài khóa tiếp theo, gồm các lĩnh vực: Ngân sách và tài sản Nhà nước, thuế, an sinh xã hội, công trình công cộng, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, ODA, doanh nghiệp công. Các báo cáo về tài sản Nhà nước, tín dụng Nhà nước và công nợ, các tài khoản của các cơ quan do Nhà nước cấp vốn cũng như các cơ quan địa phương nhận sự hỗ trợ về tài chính từ Nhà nước cũng thuộc đối tượng kiểm toán của UBKT Nhật Bản.

Trong năm 2021 và 2022, tuy bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 song UBKT Nhật Bản đã thực hiện nhiều cuộc kiểm toán trên các lĩnh vực về an sinh xã hội, các dự án công…, tập trung vào một số dự án công nghệ thông tin, phần lớn các dự án đang được tiến hành. Theo ông Morita Yuri, UBKT Nhật Bản thường tiến hành kiểm toán sau khi các dự án đã hoàn thành. tuy nhiên, để linh hoạt thích ứng với hoàn cảnh mới, UBKT Nhật Bản đã tiến hành kiểm toán song song trong lúc dự án đang được tiến hành. “Trong thời đại cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 diễn ra mạnh mẽ, Ủy ban Kiểm toán Nhật Bản luôn cố gắng thích ứng, thực hiện số hóa dữ liệu điện tử để có thể giúp công tác kiểm toán được triển khai một cách hiệu quả nhất.” - Chủ tịch UBKT Nhật Bản cho biết.

Cảm ơn và ghi nhận những định hướng trong mối quan hệ hợp tác giữa hai Cơ quan trong thời gian tới, Chủ tịch UBKT Nhật Bản cho biết sẽ nỗ lực hỗ trợ các mong muốn của KTNN Việt Nam về chuyên môn.  Đặc biệt, trong thời gian tới, UBKT Nhật Bản sẽ tăng cường mời đại diện của KTNN Việt Nam tham gia các Hội thảo, tọa đàm trực tuyến, tập huấn nâng cao năng lực để cùng chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức quý báu trong công tác kiểm toán của mỗi Cơ quan…

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cảm ơn và đánh giá cao niềm tin, sự ủng hộ của Ủy ban Kiểm toán Nhật Bản dành cho KTNN Việt Nam trong thời gian qua; tin tưởng mối quan hệ giữa hai cơ quan ngày càng phát triển sâu rộng, thiết thực và hiệu quả. Đồng thời khẳng định KTNN Việt Nam luôn sẵn sàng hợp tác và ủng hộ Ủy ban Kiểm toán Nhật Bản trong khuôn khổ song phương lẫn đa phương trong thời gian tới.

Ngay sau buổi Hội đàm, KTNN Việt Nam đã có buổi tọa đàm chuyên môn trực tuyến với UBKT Nhật Bản về “Hệ thống và hoạt động kiểm toán trên nền tảng công nghệ thông tin”./.

M. Thúy
 

Xem thêm »