Thủ tướng Võ Văn Kiệt và dấu ấn với Kiểm toán nhà nước!

24/11/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Chặng đường lịch sử hình thành và phát triển của Kiểm toán nhà nước (KTNN) không thể không nhắc đến Thủ tướng Võ Văn Kiệt - người đã quyết định sáng suốt về việc thành lập cơ quan KTNN, một công cụ của nền kinh tế thị trường.  

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt với Tổng Kiểm toán nhà nước đầu tiên Vương Hữu Nhơn. Ảnh tư liệu

Những ngày này, nhiều hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23/11/1922 - 23/11/2022) đã được tổ chức tại nhiều địa phương để tưởng nhớ và tôn vinh những đóng góp to lớn của ông đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam cũng như sự phát triển của đất nước. Cùng với nhân dân cả nước, các thế hệ cán bộ, công chức đã và đang công tác tại KTNN lại có dịp được nhắc đến cố Thủ tướng với tấm lòng thành kính và tri ân ông vì tư duy đổi mới và cũng bởi ông là người đặt viên gạch đầu tiên về việc thành lập cơ quan KTNN với sự ra đời của Nghị định số 70/CP ngày 11/7/1994 của Chính phủ (Nghị định 70).
 
Tác giả bài viết vẫn còn lưu giữ Nghị định có bút phê của Thủ tướng sau khi đã ban hành:“Không phổ biến Nghị định này trên phương tiện thông tin đại chúng”. Đem thắc mắc này hỏi lại những lãnh đạo đầu tiên của KTNN, tôi được giải thích rằng, đất nước đang chuyển đổi từ nền kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường, nhất là đang thực hiện công cuộc cải cách hành chính và tinh giản biên chế nên việc thành lập một cơ quan mới không đơn giản và không phù hợp lắm. Thế nhưng, xu thế kinh tế thị trường không thể không có KTNN và dần dần các cơ quan nhà nước, người dân sẽ hiểu, ủng hộ sự phát triển KTNN. Có thể nói, đây là một quyết định phù hợp trong bối cảnh bấy giờ và sự lớn mạnh của KTNN hiện nay là một minh chứng cho thấy đó là một quyết định sáng suốt.
 
Một dấu ấn nữa về Thủ tướng Võ Văn Kiệt liên quan đến địa vị pháp lý của cơ quan KTNN. Theo lời kể của người được giao nhiệm vụ đi khắc con dấu của KTNN hồi ấy (ông Trần Xuân Huấn khi đó là Phó Văn phòng KTNN), do Điều 1 Nghị định 70 quy định KTNN giúp Thủ tướng Chính phủ… (điều này có nghĩa KTNN sẽ là một bộ phận trực thuộc Văn phòng Chính phủ để giúp Thủ tướng Chính phủ) nên không thể có con dấu hình Quốc huy và cơ quan khắc dấu không đồng tình (bởi đó là quy định). Thông tin này đến Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông đã chỉ đạo trợ lý làm việc với cơ quan khắc dấu, yêu cầu phải khắc dấu có hình Quốc huy cho KTNN với câu nói nổi tiếng: “KTNN mà không có dấu Quốc huy thì thành lập để làm gì và làm sao phát huy được!”.
 
Tại sao Nghị định 70 không ghi rõ KTNN là cơ quan thuộc Chính phủ mà chỉ là cơ quan giúp Thủ tướng Chính phủ? Đem câu hỏi này tới những người đầu tiên là lãnh đạo KTNN, tôi được giải thích rõ hơn: Thủ tướng muốn khi KTNN mới thành lập còn non trẻ, là công cụ kinh tế thị trường đầu tiên và rất mới mẻ ở Việt Nam, nếu trước mắt quy định thành lập KTNN để giúp Thủ tướng Chính phủ thì điều này dễ tạo sự đồng thuận hơn và dễ dàng chỉ đạo khi hoạt động. Và đúng như vậy, sau 2 năm thành lập, Luật Ngân sách nhà nước năm 1996 ra đời đã quy định KTNN là cơ quan thuộc Chính phủ. Đây là quy định tại văn bản luật đầu tiên về địa vị pháp lý của KTNN trong luật không phải chuyên ngành về KTNN. Có lẽ đây là một đặc ân, một ngoại lệ cho KTNN lúc bấy giờ.
 
Một dấu ấn nữa phải kể đến là nhân kỷ niệm 1 năm Ngày thành lập KTNN, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt sang thăm và nói chuyện với cán bộ KTNN. Khi đó, cơ quan KTNN chỉ có khoảng hơn 100 người. Sau khi nghe báo cáo, Thủ tướng căn dặn và ôn tồn chỉ đạo các công việc cần làm. Ông nói: “Làm nghề kiểm toán, đi kiểm tra người khác thì phải hơn người ta một cái đầu người ta mới tâm phục, khẩu phục. Anh em kiểm toán cố gắng không phụ lòng mong đợi và hy vọng này. Mình tới đây sẽ nghỉ, các cậu cố gắng xây dựng KTNN lớn mạnh và có đề xuất chính sách, ưu tiên gì mới nhằm phát triển KTNN xứng tầm thì mình sẽ ủng hộ và làm phải nhanh lên để KTNN lớn mạnh như Phù Đổng”.
 
Trong Thư khen và động viên cán bộ, công chức KTNN (tháng 5/2004), Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhấn mạnh: “…Những năm tháng đầu tiên, tuy gặp phải nhiều khó khăn nhưng KTNN đã hoạt động khá hiệu quả, tự khẳng định được mình. KTNN đã phát hiện, kiến nghị xử lý và thu hồi về ngân sách hàng nghìn tỷ đồng từ các lĩnh vực quản lý thu chi ngân sách, quản lý và sử dụng vốn nhà nước…”. Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng đánh giá cao những nhận định có cơ sở của KTNN về các cơ quan, đơn vị, địa phương và các lĩnh vực mà KTNN kiểm toán. “Những số liệu và kiến nghị kiểm toán đã mang lại nhiều thông tin xác thực, rất cần thiết trong lĩnh vực điều hành, quản lý ngân sách và tài chính công; là một trong những cơ sở thực tế tin cậy để các cơ quan nhà nước nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và ban hành các chế độ chính sách cho phù hợp với thực tế phát triển kinh tế - xã hội của đất nước” - Thủ tướng Võ Văn Kiệt khẳng định trong Thư.
 
Cũng trong Bức thư này, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã bày tỏ hy vọng với những kết quả đáng khích lệ ban đầu, KTNN sẽ tiếp tục phát huy tính độc lập, khách quan trong hoạt động kiểm toán, góp phần tốt hơn giúp các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường hiệu quả quản lý, điều hành lĩnh vực ngân sách nhà nước trên phạm vi quốc gia và từng Bộ, ngành, địa phương. Để đáp ứng được yêu cầu đó, theo Thủ tướng, cần xây dựng được lực lượng đủ mạnh để có thể làm rõ, làm tới cùng đối với những đơn vị, những cá nhân có dấu hiệu không lành mạnh trong quản lý tài chính. “Một yếu tố không thể thiếu được để thực hiện tốt nhiệm vụ này là mỗi cán bộ, kiểm toán viên KTNN, ngoài việc luôn học hỏi, trau dồi vững vàng về chuyên môn, giỏi về nghiệp vụ, đủ dũng khí trong hoạt động kiểm toán, cần dám chịu trách nhiệm trước sự thật, đặt lợi ích của nhân dân, của đất nước lên trên hết...” - Bức thư có đoạn viết.
 
Những người đã, đang công tác ở KTNN và các thế hệ sau luôn ghi nhớ công ơn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt về việc thành lập và phát triển KTNN. Nhiều quyết sách mang tính đột phá và đổi mới của ông, trong đó có quyết định thành lập KTNN càng cho chúng ta thấy rõ tầm nhìn sáng suốt, tư duy phát triển kinh tế thị trường cũng như việc phát triển các công cụ của thị trường phục vụ hội nhập quốc tế của vị Thủ tướng vì dân!/.
 
Điều 1 Nghị định số 70/CP:  “Nay thành lập KTNN để giúp Thủ tướng Chính phủ thực hiện chức năng kiểm tra, xác nhận tính đúng đắn, hợp pháp của tài liệu và số liệu kế toán, báo cáo quyết toán của các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, đơn vị kinh tế nhà nước và các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội sử dụng kinh phí do ngân sách nhà nước cấp”.

Điều 73 Luật Ngân sách nhà nước năm 1996:  “KTNN là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện việc kiểm toán, xác định đúng đắn, hợp pháp của các số liệu kế toán, báo cáo quyết toán của các cơ quan nhà nước, các đơn vị có nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước theo quy định của Chính phủ”.

 TS. LÊ ĐÌNH THĂNG
(Báo Kiểm toán số 47/2022)

 

Xem thêm »