Thời gian điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2021 của TP Hồ Chí Minh không đảm bảo theo quy định
Năm 2021, UBND TP Hồ Chí Minh đã thực hiện lập, phân bổ và giao dự toán theo các hướng dẫn của Bộ Tài chính và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân (HĐND) TP Hồ Chí Minh; dự toán chi NSĐP năm 2021 của Thành phố đã chú trọng tăng tỷ trọng chi đầu tư, bảo đảm chi trả nợ, chi cho con người, an sinh xã hội và chi cho quốc phòng, an ninh; tập trung bố trí cho những nhiệm vụ quan trọng; thực hiện sắp xếp hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập theo chủ trương của Chính phủ.
Mặc dù trong điều kiện dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước nói chung và TP Hồ Chí Minh nói triêng, nhưng với sự nỗ lực phấn đấu, thu NSNN của TP Hồ Chí Minh vượt 09% dự toán Trung ương giao và dự toán HĐND TP thông qua, tăng 07% so với năm 2020, đảm bảo nguồn thu NSĐP để tổ chức thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn năm 2021. Việc quản lý, điều hành chi ngân sách của TP cơ bản đã được thực hiện trên cơ sở các quy định của Luật NSNN, các chế độ, chính sách hiện hành của Trung ương và HĐND TP ban hành.
Kiểm toán nhà nước chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong thu ngân sách, chi đầu tư xây dựng cơ bản của thành phố Hồ Chí Minh
Về quản lý thu thuế, việc xây dựng kế hoạch kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế chưa đảm bảo một số tiêu chí tại ứng dụng phần mềm phân tích thông tin rủi ro của người nộp thuế (TPR), Quyết định số 746/QĐ-TCT về Quy trình kiểm tra thuế.
Quy trình kiểm tra thuế của Tổng cục Thuế; thanh kiểm tra ngoài nội dung theo quyết định thanh kiểm tra; chưa thực hiện đầy đủ quy trình, quy định về áp dụng quản lý rủi ro để phân loại và xếp hạng mức độ rủi ro đối với người nộp thuế phục vụ công tác xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong quản lý hoàn thuế theo hướng dẫn tại Thông tư số 204/2015/TT-BTC, Thông tư số 31/2021/TT-BTC; một số doanh nghiệp thuộc trường hợp kiểm tra sau hoàn thuế theo quy định tại Thông tư 26/2015/TT-BTC chưa được Cục Thuế kiểm tra, thanh tra sau hoàn trong thời hạn 01 năm kể từ ngày có quyết định hoàn thuế; quản lý nợ thuế chưa hoàn thành chỉ tiêu thu nợ được giao.
Về quản lý tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, còn tình trạng các khu đất đang được các tổ chức sử dụng nhưng chưa được xác định nghĩa vụ tài chính do các sở ngành chưa xác định giá đất; các khu đất chưa có quyết định giao đất, hợp đồng thuê đất hoặc hết hạn hợp đồng thuê đất đang tạm xác định nghĩa vụ tài chính theo bảng giá đất hàng năm.
Về tuân thủ Luật và chế độ thu tại các đối tượng nộp thuế, kết quả kiểm tra, đối chiếu 281 doanh nghiệp có: 239 doanh nghiệp sai sót, chưa kịp thời trong việc chấp hành kê khai, nộp thuế. KTNN xác định và kiến nghị tăng thu NSNN 276,5 tỷ đồng, giảm thuế GTGT đầu vào được khấu trừ 23,9 tỷ đồng, giảm số lỗ doanh nghiệp kê khai 556,6 tỷ đồng; 26 doanh nghiệp có dấu hiệu kê khai thuế chưa đúng quy định. Ngoài ra, có 09 doanh nghiệp không cung cấp đầy đủ hồ sơ tài liệu phục vụ cho công tác đối chiếu thuế vi phạm quy định tại Điều 68 Luật KTNN, 02 doanh nghiệp có hoạt động mua bán xăng dầu nhưng không có giấy phép kinh doanh theo quy định tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Qua rà soát hồ sơ kê khai giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) theo Nghị định số 92/2021/NĐ-CP của Chính phủ, có 352 doanh nghiệp kê khai không đúng đối tượng được giảm theo quy định, số thuế TNDN phải nộp bổ sung 7,7 tỷ đồng.
Về chi đầu tư xây dựng cơ bản, trong công tác lập và phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn (KHĐTCTH) giai đoạn 2021-2025:
KHĐTCTH nguồn ngân sách TP HCM giai đoạn 2021-2025 xây dựng, trình và được Thủ tướng Chính phủ thông báo thấp hơn so với tổng kế hoạch vốn khoảng 176.730 tỷ đồng. Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho UBND TP nội dung “Bố trí vốn trung hạn bằng với giá trị vốn đã bố trí trong kế hoạch vốn (KHV) năm 2021 đối với các dự án đã có quyết định đầu tư nhưng chưa bồi thường, chưa thi công, chưa tổ chức lựa chọn nhà thầu, chưa triển khai đầu tư xây dựng và chưa có khả năng tiếp tục triển khai thực hiện”, theo đó, đã tạm dừng không tiếp tục bố trí vốn đối với 148 dự án đã giao KHV trong năm 2021 là những dự án đã có quyết định phê duyệt quyết định đầu tư, có khả năng dẫn tới nợ đọng XDCB.
Về trình tự, thủ tục lập và phân bổ KHĐTCTH, KHĐTCTH không thể hiện một số chỉ tiêu, không phân loại dự án theo thời gian thực hiện được quy định tại Điều 51 Luật Đầu tư công; chưa tổ chức và thực hiện thẩm định KHĐTCTH của sở, ban, ngành thuộc thẩm quyền theo đúng quy định tại Điều 55 Luật Đầu tư công mà chỉ tổ chức rà soát tham mưu cho UBND Thành phố.
Phân bổ vốn điều lệ cho một số Quỹ tài chính khi chưa xác định được tiêu chí để phân loại; chưa bố trí vốn thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư đối với dự án trọng điểm, có tính chất kết nối liên vùng theo quy định tại Điều 4 Nghị quyết 973/NQ-UBTVQH ảnh hưởng đến việc chuẩn bị đầu tư dự án và triển khai thực hiện KHĐTCTH; phân bổ và giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn đối với 05 dự án trọng điểm sử dụng vốn ODA, 04 dự án thực hiện đầu tư trong kỳ, và các dự án chuyển tiếp chưa bảo đảm bố trí đủ vốn để hoàn thành chương trình, dự án theo tiến độ đầu tư đã được phê duyệt theo quy định tại Điều 51 Luật Đầu tư công.
Việc chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án trong hai giai đoạn đầu tư công, giai đoạn 2016-2020 và 2021-2025 chưa xác định và cân đối được nguồn vốn dẫn tới khi xây dựng KHĐTCTH giai đoạn 2021-2025 có 148 dự án đã có quyết định phê duyệt dự án không cân đối được nguồn vốn nên đề xuất tạm dừng chưa tiếp tục triển khai, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
Quản lý nợ thuế của TP Hồ Chí Minh chưa hoàn thành chỉ tiêu thu nợ được giao
Công tác lập, thẩm định, phân bổ và giao kế hoạch đầu tư công (KHĐTC) năm 2021 chưa tuân thủ đầy đủ trình tự, thủ tục lập và thẩm định KHĐTC, thời gian điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn.
NSNN năm 2021 không đảm bảo theo quy định; giao KHV cho 93 dự án nhưng sau đó không cân đối được nguồn vốn phải tạm dừng thực hiện; phân bổ kế hoạch vốn cho 2.666 dự án trước khi có quyết định điều chỉnh thời gian thực hiện, chưa tuân thủ quy định tại Điều 51 Luật Đầu tư công và khoản 3 Nghị quyết số 81/NQ-HĐND của HĐND TP; bố trí kế hoạch vốn năm 2021 cho 1.307 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 có thời gian bố trí vốn quá thời gian quy định.
Việc quản lý, thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công (KHVĐTC) năm 2021 qua kiểm toán cho thấy, tổng số vốn KHĐTC của TP đã giải ngân đạt tỷ lệ 62%, thấp hơn tỷ lệ bình quân chung cả nước và thấp hơn tỷ lệ các chủ đầu tư đã đăng ký với UBND TP. Trong đó, 414 dự án được bố trí KHV 2.335 tỷ đồng nhưng chưa giải ngân; 73 dự án tỷ lệ giải ngân thấp hơn 30% KHV năm 2021 được giao, số vốn còn lại phải hủy bỏ 8.787 tỷ đồng; 532 dự án có tỷ lệ giải ngân thấp hơn tỷ lệ bình quân chung của TP, với giá trị KHV không được giải ngân 9.471 tỷ đồng.
Trong quản lý dự án đầu tư còn thực hiện chưa đúng quy định của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu và các văn bản pháp luật có liên quan khác. Qua kiểm toán chi tiết các dự án, KTNN kiến nghị xử lý tài chính 134,6 tỷ đồng và kiến nghị khác 29,1 tỷ đồng.
Công tác thanh toán, tạm ứng và thu hồi vốn tạm ứng chưa kịp thời thu hồi số vốn đầu tư tạm ứng đã quá thời hạn thu hồi theo quy định; tổng số dư tạm ứng quá hạn đến 31/01/2022 của 173 dự án 1.754,2 tỷ đồng.
Chi thường xuyên của thành phố Hồ Chí Minh còn nhiều bất cập cần khắc phục
Về công tác lập và giao dự toán, các cấp ngân sách khi giao dự toán chưa giảm trừ dự toán chi hoạt động đối với số lượng biên chế giảm; giao dự toán kinh phí chi tăng thu nhập theo Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐND của HĐND TP chưa theo thứ tự ưu tiên nguồn kinh phí thực hiện theo quy định.
Trong thực hiện tổ chức chính quyền đô thị, công tác quản lý, điều hành địa phương còn một số vướng mắc:
Trong lĩnh vực ngân sách, UBND quận là đơn vị dự toán trực thuộc UBND Thành phố dẫn đến tình trạng không đảm bảo kịp thời kinh phí thực hiện nhiệm vụ cấp bách, quốc phòng, an ninh, công tác phòng, chống, khắc phục thiên tai, dịch bệnh và nhiệm vụ đột xuất trên địa bàn (do không còn kết dư ngân sách địa phương). Sở Tài chính quá tải trong thẩm định phương án tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp thuộc 16 quận (hơn 960 đơn vị) giai đoạn 2022-2025; phân bổ, bổ sung điều chỉnh dự toán ngân sách trên hệ thống Tabmis các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc 16 UBND quận.
Trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, vướng mắc trong thực hiện chính quyền đô thị, theo đó Nghị quyết 131/2020/QH14 và Luật Đầu tư công năm 2019 không quy định việc HĐND TP quyết định kế hoạch ĐTCTH và hàng năm vốn ngân sách các quận thuộc Thành phố; chưa có văn bản hướng dẫn trình tự, thủ tục lập, thẩm định, trình UBND TP phê duyệt KHĐTCTH và hàng năm của các quận; đối với nợ đọng XDCB các quận không được tiếp tục bố trí KHV năm 2022 do các dự án không thuộc KHĐTCTH giai đoạn 2021-2025 của UBND TP. Ngoài ra chưa có văn bản quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án sử dụng vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách TP.
Trong thực hiện cơ chế tài chính đặc thù theo Nghị quyết 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội, đến nay một số nội dung triển khai chậm so với kế hoạch, chưa đạt được mục tiêu đề ra và trong điều kiện TP đã thực hiện tổ chức chính quyền đô thị, cần tiếp tục kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết mới phù hợp với cơ chế chính quyền đô thị, đồng thời có giải pháp, nghiên cứu nhằm phát huy tối đa cơ chế, chính sách như: Phân cấp quản lý một số lĩnh vực quản lý đầu tư, tài chính ngân sách; quản lý kinh tế; một số nội dung đặc thù trong lĩnh vực tài chính - ngân sách nhằm khắc phục hạn chế đã nêu tại phần đánh giá vướng mắc khi thực hiện tổ chức chính quyền đô thị; cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Thủ Đức.
Nguồn cải cách tiền lương (CCTL) ngân sách bố trí năm 2021 còn một số tồn tại, cụ thể TP giao dự toán cho các đơn vị dự toán và các quận, huyện cân đối chi thường xuyên (phần chênh lệch lương cơ sở 280.000 đồng) và chi tăng thu nhập theo Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐND chưa theo thứ tự ưu tiên nguồn kinh phí thực hiện theo quy định. Qua kiểm toán, căn cứ theo số liệu tại ngày 31/7/2022 xác định cấp thừa nguồn CCTL các quận, huyện (sau khi loại trừ nguồn đã sử dụng để chi tăng thu nhập theo Nghị quyết số 04/2022/NQ-HĐND của HĐND Thành phố trong năm 2022 và số KTNN đã kiến nghị năm trước) là 1.938 tỷ đồng; chưa thu hồi kịp thời nguồn 10% tiết kiệm (nguồn 14) của các đơn vị dự toán về ngân sách các cấp theo quy định tại Thông tư số 109/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính; số dư nguồn CCTL từ NSNN (mã nguồn 14) của các sở, ngành TP phải thu hồi 184,4 tỷ đồng, do ngân sách chưa điều chỉnh giảm đầy đủ nguồn CCTL theo quy định.
Theo số liệu thu chi ngân sách đến thời điểm ngày 31/7/2021, có 10 quận, huyện bị hụt thu điều tiết ngân sách, tuy nhiên ngân sách TP chưa bố trí đủ nguồn kinh phí phòng, chống dịch Covid-19 các quận do một số chế độ chi chưa đảm bảo đủ cơ sở cấp kinh phí, song UBND quận và phường chưa trình cấp có thẩm quyền phương án xử lý tài chính phù hợp theo quy định tại Điều 52, 59 Luật NSNN và Nghị định 33/2021/NĐ-CP của Chính phủ, mà sử dụng nguồn CCTL và số kinh phí tồn từ nguồn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên để đảm bảo các nhiệm vụ chi chưa phù hợp quy định.
Lĩnh vực chi các dịch vụ công ích đô thị còn tồn tại, hạn chế, hầu hết các quận, huyện được kiểm toán chưa triển khai thực hiện hoặc thực hiện chưa phù hợp với Quyết định số 38/2018/QĐ-UBND của UBND TP; chưa thực hiện đầu thầu hoặc thực hiện đấu thầu chậm so với chủ trương của TP và quy định tại Nghị định số 32/2017/NĐ-CP của Chính phủ; xây đơn giá dự toán để thực hiện đấu thầu chưa phù hợp quy định.
Các sở, ngành được kiểm toán, các đơn vị sự nghiệp công lập chưa lập Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc đã lập đề án nhưng vẫn chưa hoàn chỉnh để trình UBND Thành phố phê duyệt theo quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ.
Về nợ chính quyền địa phương, giải ngân vốn ODA vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ giải ngân trong năm 2021 là 1.339,7 tỷ đồng, chỉ đạt 15% tổng kế hoạch vốn đầu tư giao trong năm. Qua kiểm toán tổng hợp, còn tồn tại dự án có Hiệp định vay và hợp đồng vay lại đã được ký kết từ các năm trước nhưng chưa thực hiện rút vốn theo kế hoạch giải ngân, lũy kế đến thời điểm 31/12/2021, ngân sách Thành phố đã trả các khoản phí cam kết 42,9 tỷ đồng và dự án vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng do tiến độ thực hiện chậm, hiệp định vay tài trợ cho dự án đã đóng do hết thời hạn giải ngân số lãi và phí quản lý đã gốc hóa là 173.869,58 USD.
Về kế toán và quyết toán ngân sách, qua kiểm toán cho thấy, TP Hồ Chí Minh vẫn tồn đọng số dư tạm ứng ngoài dự toán bằng lệnh chi tiền, chưa thu hồi kịp thời theo quy định tại Điều 6 Luật
NSNN 22.603,8 tỷ đồng. Tại thời điểm kiểm toán, Kho bạc Nhà nước (KBNN) còn theo dõi khoản tạm ứng 94,5 tỷ đồng, được UBND TP phê duyệt sử dụng từ nguồn dự phòng ngân sách TP bố trí cho các công trình khẩn cấp phòng chống dịch bệnh Covid-19, UBND TP đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu quyết định giao kế hoạch vốn cho các công trình nêu trên từ nguồn dự phòng ngân sách năm 2022 bố trí cho chi đầu tư phát triển, Sở Tài chính nhập dự toán nguồn chi đầu tư phát triển, tuy nhiên tại thời điểm kiểm toán vẫn chưa được Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất ghi danh mục KHV đầu tư năm 2022 theo quy định.
Về thực hiện chính sách xã hội lĩnh vực giáo dục, dạy nghề trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2021 (XHH GDDN), thành phố chưa xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho mục đích xã hội hóa; chưa báo cáo tình hình thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển XHH lĩnh vực giáo dục của địa phương và gửi các Bộ quản lý chuyên ngành để tổng hợp theo quy định tại Nghị định 69/2008/NĐ-CP. TP không có danh mục XHH để công bố rộng rãi trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia danh mục các dự án kêu gọi XHH, làm cơ sở xác định số lượng nhà đầu tư quan tâm thực hiện dự án như quy định tại Nghị định số 25/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Các cơ quan quản lý Nhà nước không thực hiện thanh kiểm tra các nội dung liên quan đến việc đáp ứng tiêu chí về quy mô, tiêu chuẩn của cơ sở XHH theo quy định tại Quyết định 1466/QĐ-TTg, Quyết định 693/QĐ-TTg và Quyết định 1470/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc xác nhận tiêu chí về quy mô, tiêu chuẩn chủ yếu dựa trên số liệu báo cáo của các cơ sở XHH.
Trong giai đoạn 2015-2021, trên địa bàn Thành phố có 27 dự án trường phổ thông tư thục được cấp phép; 284 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, 36 khu đất được giao theo hình thức chỉ định. Tuy nhiên chỉ có 02 dự án được Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận, trình UBND TP ban hành quyết định chủ trương đầu tư; có 36 dự án được Cục Thuế phê duyệt và ban hành quyết định miễn giảm tiền thuê đất để thực hiện XHH lĩnh vực giáo dục dạy nghề. Đến thời điểm kết thúc kiểm toán, cơ quan thuế chưa được UBND TP giao chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện kiểm tra, xác định việc đáp ứng các tiêu chí, quy mô, tiêu chuẩn do Thủ tướng Chính phủ quyết định của cơ sở thực hiện xã hội hóa tại thời điểm dự án hoàn thành đưa vào hoạt động theo quy định tại mục 4 khoản 3 Điều 1 Nghị định 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014, để bảo đảm việc miễn, giảm tiền thuê đất theo đúng qui định./.
Khánh Vy