Xây dựng hướng dẫn kiểm toán việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế

05/01/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Ngày 5/1/2023, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) – 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, Hội đồng khoa học KTNN đã tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 2021 “Xây dựng hướng dẫn kiểm toán việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế” do Ths. Nguyễn Viết Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Ths. Nguyễn Như Quỳnh, Phó Trưởng phòng KTNN chuyên ngành Ia làm chủ nhiệm. TS. Hà Thị Mỹ Dung, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Khoa học KTNN là Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.

Quang cảnh buổi nghiệm thu

Theo Ban Đề tài, tháng 5/2017, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Kế hoạch đề ra 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam gồm 115 mục tiêu cụ thể tương ứng với các mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình nghị sự 2030 của Liên hiệp quốc.

KTNN Việt Nam là thành viên tích cực và trách nhiệm của Tổ chức quốc tế các Cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) từ năm 1996, tuy nhiên, hoạt động kiểm toán việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) theo cam kết của Chính phủ Việt Nam trong Kế hoạch hành động nêu trên còn khá mới mẻ và chưa mang tính hệ thống.

Do vậy, việc nghiên cứu và tổng hợp một cách toàn diện và hệ thống kinh nghiệm quốc tế nhằm định hình và xây dựng tài liệu hướng dẫn kiểm toán việc thực hiện SDGs tại Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, phù hợp quy định của Luật số 55/2019/QH14 ngày 26/11/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN và các quy định pháp luật có liên quan, định hướng phát triển KTNN đến năm 2030 trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030) và thông lệ, chuẩn mực kiểm toán công quốc tế là rất cấp thiết. “Đề tài tiến hành nghiên cứu tình hình thực hiện SDGs của Việt Nam hiện nay, so sánh cách thức tiếp cận và thực hiện các cuộc kiểm toán liên quan đến SDGs của các cơ quan kiểm toán công quốc tế, nhằm mục đích Xây dựng hướng dẫn kiểm toán việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế để nâng cao hiệu quả kiểm toán của KTNN phù hợp với thông lệ quốc tế và bối cảnh của Việt Nam, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện SDGs của Việt Nam và khẳng định vai trò, trách nhiệm của KTNN trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội và môi trường của đất nước nói chung” – Chủ nhiệm Đề tài Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh.
 

Ban Chủ nhiệm Đề tài báo cáo trước Hội đồng

Cũng theo ông Nguyễn Việt Hùng, Đề tài được kết cấu thành 3 chương, Chương 1: Những vấn đề chung về thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững và kiểm toán việc thực hiện SDGs; Chương 2: Thực trạng kiểm toán việc thực hiện SDGs tại Việt Nam và thông lệ quốc tế; Chương 3: Xây dựng và tổ chức thực hiện Hướng dẫn kiểm toán việc thực hiện SDGs tại KTNN.

Đề tài được thực hiện với mục tiêu hệ thống hóa những vấn đề chung về thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và kiểm toán việc thực hiện SDGs; đánh giá thực trạng kiểm toán việc thực hiện SDGs và trình bày một số thông lệ quốc tế từ đó rút ra bài học kinh nghiệm của KTNN Việt Nam cũng như đề xuất định hướng để xây dựng và áp dụng Hướng dẫn kiểm toán việc thực hiện SDGs tại KTNN.

Đề tài cũng chỉ ra giá trị và lợi ích của các Cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI) khi tham gia thực hiện SDGs, như góp phần thúc đẩy việc thực hiện hiệu quả và hiệu lực SDGs của mỗi quốc gia; hoạt động của SAI góp phần xây dựng một nền tảng môi trường tài chính ổn định, minh bạch, tạo động lực thực hiện SDGs của quốc gia. Đặc biệt, hoạt động kiểm toán của SAI góp phần chỉ ra kịp thời các hạn chế trong quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị, thúc đẩy việc thực hiện SDGs của quốc gia...

Theo Ban Đề tài, trong thời gian vừa qua, KTNN Việt Nam chưa thực hiện một cuộc kiểm toán việc thực hiện SDGs mà mới thực hiện kiểm toán một số lĩnh vực liên quan đến sự sẵn sàng thực hiện SDGs.

Từ năm 2019 đến nay, KTNN đã triển khai thực hiện được nhiều cuộc kiểm toán liên quan đến lĩnh vực môi trường. Các cuộc kiểm toán đã được thực hiện dưới hình thức kiểm toán hoạt động theo thông lệ quốc tế, tập trung đi sâu đánh giá tính kinh tế, tính hiệu lực, tính hiệu quả. Trong giai đoạn 2018-2021, các hoạt động kiểm toán của KTNN đều tập trung đánh giá việc thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì SDGs của Chính phủ. Nổi bật, trong năm 2021, cuộc kiểm toán hợp tác “Việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công gắn với việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững” do KTNN Việt Nam chủ trì, phối hợp thực hiện đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Bên cạnh các cuộc kiểm toán môi trường, KTNN đã thực hiện kiểm toán sự sẵn sàng thực hiện SDGs thông qua các cuộc kiểm toán Chương trình mục tiêu quốc gia như: Kiểm toán Chương trình xóa đói, giảm nghèo, Chương trình nông thôn mới (liên quan đến Mục tiêu 1); Kiểm toán chương trình các bệnh xã hội nguy hiểm (Mục tiêu 3); Kiểm toán Chương trình giáo dục đào tạo (Mục tiêu 4); Kiểm toán Chương trình dân số và kế hoạch hóa gia đình (Mục tiêu 5); Chương trình quốc gia cho vay và giải quyết việc làm (Mục tiêu 8), Kiểm toán Chương trình quốc gia về công nghệ thông tin (Mục tiêu 9), Kiểm toán Chương trình 5 triệu ha rừng (Mục tiêu 15)…
Kết quả và kiến nghị của các cuộc kiểm toán Chương trình mục tiêu kể trên chính là những kết quả đạt được của KTNN trong việc thực hiện kiểm toán sự sẵn sàng thực hiện SDGs.

Tại buổi nghiệm thu, các thành viên Hội đồng đánh giá Ban Chủ nhiệm Đề tài đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong nghiên cứu, tìm hiểu để thực hiện Đề tài và đưa ra được một số định hướng, giải pháp về xây dựng và tổ chức thực hiện Hướng dẫn kiểm toán việc thực hiện SDGs từ bước chuẩn bị, thực hiện, lập báo cáo và theo dõi, đánh giá tác động của cuộc kiểm toán. “Những đề xuất này có giá trị thực tiễn cao và phù hợp với yêu cầu thực tiễn tổ chức kiểm toán việc thực hiện SDGs của KTNN.” - đại diện Hội đồng nghiệm thu khẳng định.

Để Đề tài hoàn thiện hơn, các thành viên Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban Đề tài xem xét về cơ sở pháp lý cho kiểm toán SDGs tại Việt Nam và các quy định về kiểm toán SDGs tại Việt Nam; cân nhắc bổ sung Kinh nghiệm của một số SAI trong triển khai kiểm toán việc thực hiện SDGs để rút ra kinh nghiệm cho KTNN Việt Nam.

Về giải pháp áp dụng Hướng dẫn kiểm toán việc thực hiện SDGs tại KTNN, Hội đồng nghiệm thu cũng lưu ý Ban Đề tài cần xây dựng các giải pháp áp dụng Hướng dẫn bám sát các nội dung liên quan đến việc lựa chọn chủ đề kiểm toán; thiết kế cuộc kiểm toán; tổ chức thực hiện kiểm toán; báo cáo kết quả kiểm toán; theo dõi và đánh giá tác động của cuộc kiểm toán. Ngoài ra, Đề tài cần bổ sung nội dung Tổ chức thực hiện Hướng dẫn, điều kiện thực hiện các hướng dẫn kiểm toán SDGs…
 
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu phát biểu kết luận buổi nghiệm thu

Kết luận buổi nghiệm thu, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung đề nghị Ban Đề tài tiếp thu tối đa ý kiến của các thành viên trong Hội đồng để hoàn thiện Đề tài; đồng thời lưu ý phần cơ sở lý luận của Đề tài cần bổ sung thêm các khái niệm về Phát triển bền vững và kiểm toán về phát triển bền vững.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cũng đề nghị Ban Đề tài cần đi sâu vào đánh giá thực trạng hoạt động kiểm toán SDGs của KTNN, đồng thời làm rõ những kết quả, hạn chế trong hoạt động kiểm toán nội dung này cũng như có so sánh, đánh giá thông qua việc đưa ra một số ví dụ cụ thể đã được các SAI quốc tế thực hiện có kết quả nổi bật. Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cũng gợi mở, đề xuất Ban Đề tài nghiên cứu, tham khảo thêm các nội dung có liên quan của INTOSAI nhằm vận dụng vào thực tiễn tại Việt Nam.

Đề tài được Hội đồng nghiệm thu xếp loại Khá./.

Phương Ngọc
 

Xem thêm »