Tổ chức lồng ghép tối đa khi triển khai các cuộc kiểm toán chuyên đề

15/02/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Ngày 14/2/2022, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước - 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, Lãnh đạo KTNN đã nghe, cho ý kiến về công tác xây dựng đề cương kiểm toán Chuyên đề việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 (Chuyên đề việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động) và đề cương kiểm toán Chuyên đề việc quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư cho lĩnh vực khoa học công nghệ giai đoạn 2020-2022 tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương (Chuyên đề việc quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư cho lĩnh vực khoa học công nghệ). Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn chủ trì buổi làm việc.

Toàn cảnh buổi làm việc

Tham dự buổi làm việc có các Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh, Nguyễn Tuấn Anh, Doãn Anh Thơ, Hà Thị Mỹ Dung; đại diện Lãnh đạo Vụ Tổng hợp, Vụ Chế độ &KSCL Kiểm toán, Vụ Pháp chế; các Kiểm toán trưởng, đại diện Lãnh đạo KTNN khu vực I, IV và XIII, KTNN chuyên ngành III- đơn vị được giao chủ trì xây dựng các đề cương và tổng hợp kết quả kiểm toán 2 chuyên đề cùng tổ soạn thảo xây dựng đề cương thuộc đơn vị.

Báo cáo tại buổi làm việc, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III Lê Tùng Lâm cho biết: Để góp phần thực hiện kiểm toán việc tổ chức thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, KTNN chuyên ngành III đã tập trung nguồn lực nghiên cứu, xây dựng Đề cương, chuẩn bị chu đáo cho công tác kiểm toán Chuyên đề Việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

Ngoài nội dung khái quát về việc thực hiện chính sách, dự thảo đề cương kiểm toán đề cập tới mục tiêu kiểm toán; phân tích thông tin để đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ, rủi ro, trọng yếu kiểm toán; xác định đơn vị, nội dung, vấn đề cần tập trung kiểm toán cũng như những nội dung kiểm toán cụ thể tại các đầu mối kiểm toán.

Cụ thể, về mục tiêu kiểm toán chủ yếu, tập trung đánh giá việc tuân thủ các quy định của pháp luật, chế độ, chính sách hiện hành trong quản lý và sử dụng tài chính thực hiện chính sách (về giải pháp, tổ chức thực hiện để đạt mục tiêu của chính sách) và phân tích nguyên nhân tồn tại, hạn chế khi thực hiện (cả về kinh phí và mục tiêu của Chính sách).

Các nội dung kiểm toán được xác định trong đề cương gồm nội dung kiểm toán tại cơ quan Trung ương, ở đây là tại Bộ Lao động Thương binh & Xã hội (LĐTB&XH) và nội dung kiểm toán cấp tỉnh và cấp huyện, tại các Sở, phòng LĐTB&XH, Sở Tài chính, phòng Tài chính Kế hoạch, các phòng, ban chuyên môn trực thuộc UBND cấp huyện được phân cấp thực hiện.

Theo dự thảo đề cương kiểm toán, phạm vi, giới hạn kiểm toán là nguồn ngân sách Nhà nước sử dụng để thực hiện chính sách và thời kỳ kiểm toán năm 2022 và trước sau có liên quan.

Dự kiến KTNN chuyên ngành III sẽ thực hiện kiểm toán tại Bộ LĐTB&XH. Các KTNN khu vực thực hiện kiểm toán lồng ghép trong cuộc kiểm toán ngân sách địa phương (NSĐP). Đối với địa phương không có trong KHKT NSĐP trong năm 2023, KTNN khu vực có trách nhiệm tổng hợp số liệu trên cơ sở báo cáo tình hình thực hiện của các tỉnh trong khu vực được giao phụ trách.

Theo dự thảo đề cương, KTNN chuyên ngành III sẽ lập BCKT đối với Bộ LĐTBXH và tổng hợp Báo cáo kết quả kiểm toán chuyên đề của toàn ngành. Dự kiến, Báo cáo lần 01 thực hiện sau khi kết thúc các cuộc kiểm toán NSĐP triển khai vào đợt 1, đợt 2 (31/7/2023) để kịp báo cáo Quốc hội kỳ họp cuối năm. Các cuộc kiểm toán đợt 3 và đợt 4 sẽ được tổng hợp bổ sung để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp tiếp theo hoặc trong BCKT báo cáo tổng quyết toán NSNN cuối năm.
 

Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III Lê Tùng Lâm báo cáo tại buổi làm việc

Báo cáo về Chuyên đề Việc quản lý sử dụng kinh phí đầu tư cho lĩnh vực khoa học công nghệ, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III Lê Tùng Lâm cho biết, dự thảo đề cương gồm 3 phần, gồm cơ sở pháp lý và công tác quản lý Nhà nước về khoa học công nghệ (KHCN); đề cương kiểm toán và hồ sơ mẫu biểu kiểm toán.

Đề cương kiểm toán cũng xác định 4 mục tiêu chính, trong đó nhấn mạnh tới việc thông qua kiểm toán chỉ ra các tồn tại, hạn chế, bất cập để kiến nghị với đơn vị được kiểm toán chấn chỉnh công tác quản lý và hoạt động của đơn vị; kiến nghị cấp có thẩm quyền hoàn thiện các cơ chế, chính sách còn bất cập; phát hiện kịp thời các sai phạm, hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để kiến nghị xử lý theo đúng quy định của pháp luật; đảm bảo kinh phí đầu tư cho lĩnh vực KHCN được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả. Đồng thời, cung cấp những thông tin, số liệu tin cậy cho Quốc hội, HĐND các cấp và các cơ quan có thẩm quyền thực hiện chức năng giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đối với lĩnh vực KHCN.

Kiểm toán trưởng Lê Tùng Lâm cho biết, ngoài thực hiện mẫu biểu quy định của KTNN, đơn vị cũng xây dựng hồ sơ mẫu biểu kiểm toán, gồm Biên bản kiểm toán, Báo cáo kiểm toán, các phụ lục và các mẫu biểu riêng áp dụng cho cuộc kiểm toán để tổng hợp số liệu và tình hình kiểm toán phù hợp với đặc thù của từng cuộc kiểm toán.

Cũng theo Kiểm toán trưởng Lê Tùng Lâm, để đảm bảo chất lượng đề cương kiểm toán và tính khả thi, hiệu quả, hiệu lực của cuộc kiểm toán chuyên đề, KTNN chuyên ngành III đã tích cực khảo sát, thu thập thông tin xây dựng đề cương và gửi lấy ý kiến đóng góp của các đơn vị trong toàn Ngành.

Tham gia thảo luận, cho ý kiến tại buổi làm việc, đại diện một số đơn vị tham mưu và khu vực đánh giá cao việc xây dựng và hoàn thiện dự thảo đề cương 2 cuộc kiểm toán chuyên đề do KTNN chuyên ngành III chủ trì thực hiện. Nhiều ý kiến lưu ý đơn vị chủ trì làm rõ về thông tin và một số văn bản pháp lý có liên quan. Các hồ sơ mẫu biểu kèm theo dự thảo đề cương cũng được đề nghị rà soát đảm bảo tính logic và phù hợp. Có ý kiến cho rằng, đề cương kiểm toán Chuyên đề việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động cần thể hiện được rõ mục tiêu kiểm toán để đánh giá được hiệu lực của Chương trình cũng như xác nhận số kinh phí hỗ trợ. Một lưu ý khác cần ứng dụng công nghệ thông tin và thông tin từ cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an và thông tin từ cổng dịch vụ công; đồng thời đánh giá được trách nhiệm của Bộ Tài chính và các đơn vị có liên quan. Cũng có ý kiến còn băn khoăn về thời gian tổ chức kiểm toán, làm sao vừa đảm bảo thời gian báo cáo vừa không ảnh hưởng đến hoạt động thường xuyên của đơn vị được kiểm toán…

Đối với đề cương kiểm toán Chuyên đề việc quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư cho lĩnh vực khoa học công nghệ, các ý kiến cũng đề nghị làm rõ mục tiêu kiểm toán, trong đó cần chú trọng tới việc xác định tính đúng đắn, trung thực của số liệu kinh phí đầu tư cho KHCN giai đoạn 2020-2022 cũng như đánh giá tính tuân thủ, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý và sử dụng ngân sách Nhà nước đầu tư cho KHCN giai đoạn 2020-2022 và một số lưu ý về xây dựng biểu số liệu để đánh giá chỉ tiêu liên quan đến việc phân bổ kinh phí cho KHCN được quy định tại Luật KHCN và Quyết định về Chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030...
 
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ cho ý kiến tại buổi làm việc

Phát biểu làm rõ hơn những vấn đề trọng tâm về 2 đề cương trên, các Phó Tổng Kiểm toán nhà nước đều thống nhất cho rằng, đề cương đã được xây dựng công phu, tuy nhiên cần xác định rõ các mục tiêu của từng Chuyên đề kiểm toán. Đối với đề cương Chuyên đề việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, có ý kiến cần bổ sung nội dung kiểm toán làm rõ số liệu người lao động được hỗ trợ, thời điểm giải ngân hỗ trợ người lao động của từng địa phương để đánh giá số lao động được hưởng chính sách, tính kịp thời trong triển khai thực hiện chính sách của các địa phương; có ý kiến cần đánh giá rõ nguyên nhân việc số liệu giải ngân thấp so với dự kiến ban đầu…

Đối với đề cương Chuyên đề việc quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư cho lĩnh vực khoa học công nghệ, các ý kiến của các đồng Phó Tổng Kiểm toán nhà đề nghị đánh giá cơ chế bố trí chi ngân sách nhà nước hằng năm cho KHCN; cần khai thác thông tin, kết quả kiểm toán việc quản lý, sử dụng kinh phí KHCN tại các Báo cáo kiểm toán của KTNN đã phát hành để tổng hợp Báo cáo kiểm toán chuyên đề, xác định cách thức triển khai kiểm toán phù hợp…
 
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn phát biểu kết luận buổi làm việc

Kết luận buổi làm việc, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đánh giá cao nỗ lực của đơn vị chủ trì cũng như sự phối hợp tích cực của các đơn vị trong xây dựng đề cương. Ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Kiểm toán nhà nước giao KTNN chuyên ngành III nghiên cứu, tổng hợp và tiếp thu tối đa các ý kiến, đặc biệt là ý kiến của các Phó Tổng Kiểm toán nhà nước nước để hoàn thiện đề cương đảm bảo chất lượng.

Dẫn lại nội dung tại khoản 3 Điều 7 Nghị quyết số 43/2022/QH15: “Kiểm toán nhà nước tổ chức thực hiện kiểm toán hằng năm việc tổ chức thực hiện Chương trình, bảo đảm thực hiện nhanh, hiệu quả, công khai, minh bạch, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối các năm 2022, 2023 và kỳ họp giữa năm 2024”, Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh, các đơn vị liên quan, Vụ Tổng hợp có trách nhiệm xây dựng đề cương báo cáo tổng hợp về các nội dung được đề cập trong Nghị quyết 43/2022/QH15 làm cơ sở để các đơn vị trực thuộc triển khai phù hợp với nhiệm vụ của từng đơn vị, thuận lợi cho công tác tổng hợp, đảm bảo hằng năm có báo cáo chung về kết quả kiểm toán Chương trình trước Quốc hội.  

Về phương án tổ chức kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu thực hiện tối đa việc lồng ghép kiểm toán chuyên để trong các cuộc kiểm toán Kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, Kiểm toán ngân sách địa phương của các KTNN chuyên ngành và khu vực./.
 
Phương Ngọc
 

Xem thêm »