Hoàn thiện hướng dẫn về thu thập và hệ thống hóa bằng chứng thực hiện kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước

27/05/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) – Chiều ngày 26/5/2023, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) – 111 Trần Duy Hưng, Hà Nội, Hội đồng khoa học KTNN tổ chức họp nghiệm thu Đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở “Xây dựng, hoàn thiện hướng dẫn về thu thập và hệ thống hóa bằng chứng thực hiện kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước” do ThS. Phạm Quang Hưng và ThS. Đinh Thanh Phương đồng chủ nhiệm. Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VII, ThS. Ngô Minh Kiểm làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.

Chủ tịch Hội đồng Nghiệm thu, ThS. Ngô Minh Kiểm phát biểu tại buổi nghiệm thu

Báo cáo tại buổi nghiệm thu, Ban Đề tài cho biết, qua ba lần ban hành quy trình kiểm tra thực hiện kiến nghị kiểm toán của KTNN đã có nhiều cải tiến, tạo thuận lợi cho hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kiến nghị kiểm toán. Tuy nhiên, cả ba quy trình đã ban hành và hệ thống văn bản quản lý điều hành hoạt động kiểm toán của KTNN hiện tại vẫn chưa có quy định cụ thể về việc thu thập bằng chứng cho việc xác nhận kiến nghị đã được thực hiện; hoặc từ những hồ sơ, chứng từ đã có cần phải kết hợp thêm những bằng chứng để có thể ghi nhận việc đã thực hiện mà chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của Kiểm toán viên nhà nước (KTVNN) trong Đoàn kiểm tra thực hiện kiến nghị.
 
Thực tế, đã có trường hợp KTVNN không đủ kinh nghiệm để đánh giá những hồ sơ, chứng từ được đơn vị cung cấp và không ghi nhận việc thực hiện kiến nghị một cách thỏa đáng, dẫn đến kiến nghị kiểm toán tồn đọng nhiều năm, trong khi đơn vị được kiểm toán đã hoàn thiện việc thực hiện theo quy định.
 
Xuất phát từ thực tế trên, nhóm tác giả đề xuất nghiên cứu đề tài “Xây dựng, hoàn thiện hướng dẫn về thu thập và hệ thống hóa bằng chứng thực hiện kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước” với kỳ vọng kết quả nghiên cứu sẽ có giá trị thực tiễn trong việc kiểm tra, thực hiện kiến nghị kiểm toán thông qua việc xây dựng một hướng dẫn cụ thể về hệ thống bằng chứng tương ứng với từng nhóm kiến nghị kiểm toán.
 
Ngoài phần mở đầu và kết luận, đề tài được kết cấu thành 2 chương: Chương 1 - Những vấn đề cơ bản về thực hiện kiến nghị kiểm toán và thực trạng việc thu thập bằng chứng thực hiện kiến nghị của KTNN; Chương 2 - Xây dựng, hoàn thiện hướng dẫn về thu thập và hệ thống hóa bằng chứng thực hiện kiến nghị kiểm toán của KTNN.
 
Ban Chủ nhiệm đề tài

Nhận xét về đề tài, Hội đồng nghiệm thu cho rằng, đề tài “Xây dựng, hoàn thiện hướng dẫn về thu thập và hệ thống hóa bằng chứng thực hiện kiến nghị kiểm toán của KTNN” là công trình nghiên cứu khoa học có tính thực tiễn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay của KTNN. 
 
Đề tài đã thể hiện tương đối phù hợp cả về nội dung và kết cấu; đã phân tích được thực trạng công tác kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán và hệ thống hóa bằng chứng thực hiện kiến nghị kiểm toán của KTNN.
 
Tuy nhiên, để đề tài có giá trị cao hơn, Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban Đề tài bổ sung một số nội dung về các dạng kiến nghị của KTNN đối với từng lĩnh vực cụ thể: Kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ cơ chế, chính sách; kiến nghị kiểm đểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan đến các sai phạm; kiến nghị các cơ quan Thanh tra, điều tra xử lý theo quy định của pháp luật...
 
Bên cạnh đó, tác giả cũng cần biên tập lại một số nhận xét mang tính chủ quan như: Một số kết luận, kiến nghị còn mang tính chung chung, thiếu tính khả thi, thiếu bằng chứng thuyết phục và chưa rõ chế tài xử lý; vẫn cón một số kết luận, kiến nghị kiểm toán còn mang tính vi mô, tính vĩ mô chưa nhiều nên chưa đáp ứng yêu cầu quản lý vĩ mô của Nhà nước; bổ sung phương pháp thu thập bằng chứng đối với kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ cơ chế, chính sách của các Bộ, ngành trong Báo cáo kiểm toán ngân sách địa phương...
 
Kết luận buổi nghiệm thu, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu, Ths.Ngô Minh Kiểm đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Ban Chủ nhiệm Đề tài trong quá trình tổ chức nghiên cứu, khẳng định đề đề tài có giá trị lý luận và ứng dụng thực tiễn, cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
 
Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu yêu cầu Ban Chủ nhiệm đề tài tiếp thu có chọn lọc ý kiến của các thành viên trong hội đồng để tiếp tục rà soát, hoàn thiện đề tài trong vòng 30 ngày kể từ ngày nghiệm thu.
 
Đề tài đã được Hội đồng thống nhất và xếp loại “Khá”./.
 
Thanh Trang

Xem thêm »