Kiểm toán nhà nước tham dự Hội thảo quốc tế về tăng cường tác động của kiểm toán hoạt động đối với nền kinh tế xanh

07/06/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Từ ngày 05-07/6/2023 tại Jarkata, Indonesia đã diễn ra Hội thảo quốc tế về “Tăng cường tác động của kiểm toán hoạt động đối với nền kinh tế xanh” do Ủy ban Kiểm toán Indonesia (BPK) chủ trì. Hội thảo có sự tham gia của đại diện đến từ 14 Cơ quan Kiểm toán tối cao và đại diện của Liên  hiệp quốc, Tổ chức quốc tế các Cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI), Tòa Thẩm kế châu Âu (ECA), Ngân hàng Thế giới (World Bank) và nhiều Bộ, ngành, cơ sở nghiên cứu, trường đại học có liên quan của Indonesia.

Đoàn đại biểu cấp kỹ thuật của KTNN Việt Nam tham dự Hội thảo

Đoàn đại biểu cấp kỹ thuật của Kiểm toán nhà nước Việt Nam tham dự hội thảo gồm 04 thành viên do ông Nguyễn Việt Hùng - Phó Vụ Trưởng Vụ Hợp tác quốc tế làm Trưởng đoàn.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về 02 nhóm vấn đề chính về “Hệ sinh thái xanh” và “Tác động của kiểm toán đối với nền kinh tế xanh”.

Theo đó, hội thảo tập trung xác định các nhóm đối tượng hữu quan, và phân tích vai trò của từng nhóm trên khi tham gia vào nền kinh tế xanh; chia sẻ, thảo luận về các thách thức đặt ra, những thông lệ tốt và giải pháp nhằm tăng cường tác động của kiểm toán hoạt động đối với nền kinh tế xanh, đặc biệt thông qua việc kiểm toán đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals - SDGs) của mỗi quốc gia.
 
Các đại biểu trao đổi
 
Các khái niệm về “kinh tế xanh”, “đổi mới xanh” đang ngày càng được quan tâm tại các chương trình nghị sự quốc tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và nguy cơ suy thoái kinh tế hiện nay. Để đối phó với những tác động tiêu cực của tăng trưởng kinh tế đối với môi trường, cộng đồng quốc tế nói chung và các Cơ quan Kiểm toán tối cao các nước đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp để duy trì một nền kinh tế - xã hội bền vững. Mục đích của kinh tế xanh là hướng đến phúc lợi cho con người và giảm thiểu rủi ro môi trường trong dài hạn, với một số yếu tố cơ bản xác định đầu vào cốt lõi là đầu tư vào vốn tự nhiên, giảm phát thải các-bon trong nền kinh tế và tạo việc làm xanh. Trái ngược với các nền kinh tế hoạt động dựa trên các nguồn tài nguyên không thể tái tạo và các phương pháp kém hiệu quả, kinh tế xanh dựa trên các hoạt động kinh doanh và các giao dịch kinh tế khác mà không phụ thuộc hoặc gây tổn hại đến môi trường.

Ý tưởng của kinh tế xanh là cam kết vừa gia tăng giá trị kinh tế, vừa bảo vệ môi trường, đồng thời vẫn mang lại lợi nhuận. Tăng trưởng xanh tập trung vào việc sử dụng năng lượng một cách có trách nhiệm, quan tâm đến sự nóng lên toàn cầu, sử dụng tài nguyên và tái trồng rừng, ngăn ngừa ô nhiễm và thiệt hại môi trường.

Các yếu tố ảnh hưởng đến đổi mới xanh chủ yếu bao gồm các chính sách điều tiết mang tính hành chính, chính sách điều tiết dựa trên thị trường và cơ cấu tổ chức doanh nghiệp. Các chính sách quản lý hành chính liên quan đến các chương trình giảm phát thải tự nguyện, thực thi môi trường,... các chính sách điều tiết dựa trên thị trường liên quan đến kinh doanh công bằng môi trường, thương mại khí thải các-bon, thương mại khí thải lưu huỳnh đi-ô-xít,... cơ cấu tổ chức doanh nghiệp liên quan đến áp lực của các bên liên quan, hệ thống quản lý chất lượng môi trường. Kết quả đổi mới xanh là một nhân tố quan trọng góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, hỗ trợ các doanh nghiệp đạt được sự cân bằng giữa hoạt động kinh tế và hoạt động môi trường.
 
Tham gia đóng góp với Hội thảo, đại biểu đến từ Kiểm toán nhà nước Việt Nam đã có trao đổi, thảo luận về vai trò của Quốc Hội, Chính Phủ và thiết chế cần thiết để một Cơ quan Kiểm toán tối cao thực hiện những cuộc kiểm toán liên quan đến vấn đề nền kinh tế xanh.
 
Kiểm toán nhà nước Việt Nam tham gia trao đổi, thảo luận

Kết thúc hội thảo, các đại biểu thống nhất về vai trò, tầm quan trọng của kiểm toán hoạt động đối với nền kinh tế xanh; đồng thời đề cao tầm quan trọng của việc tăng cường phối hợp giữa các bên hữu quan tham gia với Cơ quan Kiểm toán nhà nước trong hoạt động kiểm toán; tăng cường sự phối hợp giữa các Cơ quan Kiểm toán tối cao trong chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp thực hiện kiểm toán những cuộc kiểm toán môi trường có tính phức tạp do môi trường ngày nay đã trở thành vấn đề không biên giới./.

M. Trung
 

Xem thêm »