Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc

07/06/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) – Ngày 6/6/2023, dưới sự chủ trì điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội họp phiên họp toàn thể tại hội trường, tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội vè hai nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Ủy ban Dân tộc.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên họp

Trong buổi sáng, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội. Tại phiên chất vấn đã có 35 đại biểu chất vấn, 11 đại biểu tranh luận, tập trung vào những nội dung: Giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực; Công tác quy hoạch, sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm; Thực trạng việc làm cho người lao động và giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tạo việc làm cho người lao động trong giai đoạn hiện nay; Giải pháp khắc phục bất cập, hạn chế trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội: Doanh nghiệp trốn đóng, chiếm dụng, nợ tiền bảo hiểm xã hội, tình trạng cấu kết, lập khống, làm giả hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm, chi sai chế độ; Công tác quản lý Quỹ Bảo hiểm xã hội, giải pháp khắc phục tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng gia tăng.
 
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn

Tham gia trả lời chất vấn có: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ, Y tế, Tư pháp; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
 
Đại biểu Quốc hội chất vấn nhiều vấn đề “nóng” về giáo dục nghề nghiệp

Chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH về nhóm vấn đề giáo dục, đào tạo nghề, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (Quảng Ngãi) đề nghị Bộ trưởng cho biết cụ thể những chính sách về giáo dục nghề nghiệp và khi nào được thực hiện? Bao giờ giáo dục nghề nghiệp mới là bậc học của hệ thống giáo dục quốc dân được học sinh lựa chọn?  

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (An Giang) đề nghị Bộ trưởng làm rõ giải pháp chấn chỉnh tình trạng chồng chéo, trùng lắp ngành nghề đào tạo, phân luồng học sinh và chủ động dự báo nhu cầu đào tạo nghề theo từng lĩnh vực, trình độ làm căn cứ xây dựng kế hoạch tuyển sinh phù hợp với xu hướng chuyển dịch lao động hiện nay. Chấn chỉnh những bất hợp lý trong việc chồng chéo, phân tán, trùng lắp trong ngành nghề đào để giúp công tác giáo dục nghề nghiệp gắn chặt hơn với thị trường lao động và nhu cầu nguồn nhân lực trong thời gian tới?

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và giải pháp để nâng tỉ lệ lực lượng lao động qua đào tạo ở khu vực nông thôn? giải pháp của Bộ để nâng tỉ lệ lực lượng lao động này, tạo điều kiện cho lực lượng lao động ở nông thôn được có cơ hội tìm kiếm việc làm, nâng cao tay nghề?

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp khắc phục tình trạng lãng phí trong đào tạo trung cấp nghề?
Đại biểu Trần Quốc Quân (Long An) đề nghị Bộ trưởng cho biết các giải pháp cụ thể trong việc đầu tư, nâng cao chất lượng đào tạo tại hệ thống các trường nghề nhằm đáp ứng kịp thời, cung cấp đủ nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển của vùng?

Đại biểu Phúc Bình Niê Kdăm ( Đắk Lắk) đặt câu hỏi chất vấn về giải pháp khắc phục tình trạng thiếu nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin hiện nay, trách nhiệm của Bộ LĐ,TB&XH về vấn đề này?

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) nêu thực trạng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa được quan tâm đúng mức; hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn không đồng đều; công tác dự báo nhu cầu đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm có mặt còn hạn chế. Đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và giải pháp để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động trong thời gian tới?

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) đề nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ LĐ,TB&XH và Bộ Giáo dục đào tạo trong quản lý Nhà nước về nguồn nhân lực chất lượng cao? chất lượng cao quy định ở trình độ nào? có quy định ngành nghề, lĩnh vực cụ thể để tránh lãng phí nguồn lực này không?
 
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) chất vấn về số lượng đào tạo lao động chưa tỷ lệ thuận với chất lượng lao động, tỷ lệ mất việc làm, thất nghiệp trong thanh niên rất lớn. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng thể nêu quan điểm về vấn đề này? đưa ra giải pháp chiến lược, định hướng đào tạo nghề cho thanh niên, nhất là thanh niên miền núi, dân tộc thiểu số để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương.
 
Trả lời chất vấn của đại biểu liên quan đến giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua Chính phủ đã hoàn thiện cơ cấu, hệ thống giáo dục nghề nghiệp, Quốc hội đã thông qua Luật Giáo dục Đại học, Luật Giáo dục và Luật dạy nghề. Quy mô tuyển sinh hiện nay khoảng 2 triệu sinh viên, học sinh học nghề.

Bộ trưởng thẳng thắng nhìn nhận, giáo dục nghề nghiệp cả về quy mô và chất lượng còn nhiều điều cần quan tâm, đổi mới và cải thiện; chính sách pháp luật, chế độ chính sách ưu đãi cho học sinh vào trường nghề chưa nhiều; muốn đổi mới giáo dục nghề nghiệp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm thay đổi nhận thức trong xã hội. 

Về các giải pháp thu hút học sinh học nghề, theo Bộ trưởng vấn đề quan trọng nhất là sự ủng hộ của các bậc cha mẹ, bản thân người học; ra trường có việc làm, thu nhập ổn định, cuộc sống tương đối tốt; sau khi ra trường có nhu cầu học lên được học liên thông… Từ định hướng này, trong thời gian tới, Bộ sẽ thiết kế chính sách cho sinh viên học nghề.

Thời gian qua, 63 tỉnh thành đã cùng với Bộ tiến hành quy hoạch lại mạng lưới giáo dục nghề nghiệp, sáp nhập các trường trung cấp, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, một trường cao đẳng ở một địa phương có thể dạy nhiều hệ khác nhau, nhiều chương trình khác nhau theo đúng tinh thần Nghị quyết 19 của Trung ương. Cùng với đó, hệ thống trường nghề của các Bộ, ngành, đoàn thể cũng được sắp xếp lại theo tinh thần quy về một đầu mối, theo đúng Chiến lược giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 tầm nhìn năm 2045, để tránh trùng lặp về chức năng, về ngành nghề đào tạo như hiện nay.
 
Các đại biểu tham dự phiên họp

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận quy hoạch mạng lưới đào tạo nghề nghiệp còn bất cập, chồng chéo. Tình trạng chung hiện nay của các trường nghề là tuyển sinh được thì đào tạo, chưa thực sự gắn với nhu cầu thị trường. Cùng trên một địa bàn có nhiều trường nghề khác nhau, có nhiều ngành nghề khác nhau, trùng nhau, dẫn đến số học viên không đáp ứng được yêu cầu, khó tìm việc sau khi đào tạo xong. Chính vì vậy, thời gian tới, đào tạo cần gắn với nhu cầu thị trường, cần làm quyết liệt hơn việc dự báo cung cầu, chỉ tiến hành đào tạo khi xác định được nhu cầu. Bên cạnh đó, các trường cần liên kết, hợp tác chặt chẽ, đặt hàng được các doanh nghiệp, để học viên đào tạo ra có việc làm, có nghề nghiệp ổn định. 

Về nhân lực trong lĩnh vực công nghệ, Bộ trưởng cho biết, nước ta có nhiều lợi thế phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số, nhưng nước ta lại thiếu nhất lực lượng, cụ thể thiếu khoảng 1 triệu. Chính phủ đã đưa ra các giải pháp để mở chương trình đào tạo công nghệ thông tin tại các trường đại học, có kế hoạch bài bản để đào tạo bổ sung lực lượng trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Về nâng cao chất lượng cơ sở giái dục nghề nghiệp, sắp tới Bộ LĐ,TB&XH sẽ quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tiếp tục sắp xếp lại mạng lưới ở địa phương gắn với quy hoạch phát triển kinh tế  - xã hội, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành nghề, lĩnh vực và xếp mạng lưới các cơ sở của các Bộ, ngành.

Trả lời chất vấn về việc thực hiện chính sách đối với học sinh, sinh viên theo Quyết định 53 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư để hướng dẫn thực hiện quyết định này. Tuy nhiên, thông tư này qua quá trình triển khai cũng đã bộc lộ nhiều bất cập. Bộ trưởng cho biết trong thời gian tới sẽ điều chỉnh các chế độ cho phù hợp, kinh phí sẽ được cân đối trong dự toán ngân sách Nhà nước, phân bổ trực tiếp cho các địa phương thực thi vấn đề này, đồng thời sớm sửa đổi thông tư để điều chỉnh các chế độ.
 
Tham gia trả lời về chất vấn của đại biểu liên quan đến đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan cho biết, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Bộ đã thiết kế phát triển khu vực kinh tế nông thôn gắn với nâng cao kiến thức, kỹ năng cho lao động nông nghiệp, lao động phi nông nghiệp là yêu cầu bức thiết.

Bộ NN&PTNT và Bộ LĐ,TB&XH đã thiết kế hệ thống chương trình, nhưng nhu cầu lao động xuất phát từ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương của từng cấp xã, cấp huyện, tỉnh. Bộ trưởng khẳng định, đào tạo nghề nông thôn không chỉ là đào tạo nghề nông, mà đã chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Tuy nhiên, kinh tế nông nghiệp là một chuỗi ngành hàng và những giá trị tích hợp, cần thêm những ngành nghề khác.

Căn cứ vào nhu cầu của địa phương, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung đào tạo theo nhu cầu gắn với sự phát triển của địa phương. Bộ cũng đã đề ra kế hoạch tái cấu trúc đào tạo nghệ nông thôn gắn với sự phát triển nông thôn. Thực hiện Nghị quyết 19, một trong những giải pháp đầu tiên là nâng cao năng lực của người nông dân, gắn liền với kiến thức và kỹ năng làm ngề nông cũng như những ngành nghề phi nông nghiệp, với tư duy của nền kinh tế nông nghiệp chứ không chủ là tư duy sản xuất nông nghiệp. Do vậy, cùng cần đào tạo theo chuỗi ngành hàng từ sản xuất, đến bảo quản, thu hoạch, chế biến, thương mại điện tử; mỗi khâu có ngành nghề kèm theo…. Bộ đã xây dựng 5 vùng nguyên liệu và đào tạo theo đúng qu trình để phát huy tất cả nguồn nhân lực phục vụ cho vùng nguyên liệu… Ngoài ra, Bộ cũng cấu trúc lại hệ thống các trường của Bộ, trong đó đã đặt hàng, giao nhiệm vụ, gắn với sự phát triển kinh tế  - xã hội của địa phương. Bộ cũng yêu cầu các trường, viện nghiên cứu chuyển giao tiến bộ kỹ thuật – đây cũng là cách để đào tạo nghề cho nông dân, để người nông dân nhận những giải pháp hữu ích, cũng được đào tạo, sử dụng nguồn lực đó hiệu quả…

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH đã trả lời các câu hỏi của các đại biểu liên quan đến việc: Chậm, trốn đóng bảo hiểm; an sinh xã hội; ưu tiên dân số vàng, dân số trẻ; thị trường lao động; đào tạo và cấp chứng chỉ đào tạo nghề; tình trạng thiếu việc làm; lao động Việt nam bị lừa đi xuất khẩu lao động; lao động Việt Nam bỏ trốn khi tham gia xuất khẩu lao động tại nước ngoài; thành lập Quỹ hỗ trợ người lao động; giải pháp hỗ trợ lao động nữ mất việc làm ở tuổi ngoài 40; tăng năng suất lao động của Việt Nam; hỗ trợ đời sống công nhân tại các khu công nghiệp; việc thu bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với các hộ kinh doanh cá thể; tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần; nâng cao chất lượng, uy tín các sàn giao dịch việc làm; Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; chậm giải ngân tiền thuê nhà hỗ trợ người lao động trong dịch COVID-19;  ký hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội… 
 
Tổ chức triển khai hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết thúc nhóm vấn đề thứ nhất, nêu rõ: Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi; đại biểu đặt câu hỏi ngắn gọn, trách nhiệm, đi thẳng vào vấn đề mà người dân, cử tri và doanh nghiệp đang rất quan tâm; Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời đúng trọng tâm, giải trình đầy đủ, thỏa đáng các vấn đề mà đại biểu Quốc hội nêu, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp và cam kết với Quốc hội về việc hoàn thiện các thể chế, chính sách, pháp luật cũng như tổ chức thực hiện những nội dung thuộc lĩnh vực trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ LĐ,TB&XH. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH, các Bộ trưởng có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội, đồng thời chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp đề ra, trong đó tập trung:
 
Tổ chức triển khai hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, nhất là các quy định, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và Chiến lược quy hoạch, Đề án về phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm gắn với thị trường lao động theo hướng mở, liên thông, hiện đại, hội nhập và thích ứng; tiếp tục rà soát, sắp xếp cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, hoàn thiện cơ chế và thực hiện tự chủ theo lộ trình, áp dụng quản trị tiên tiến đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, gắn với yêu cầu và xu hướng phát triển của thị trường lao động; tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra; định kỳ đánh giá, xếp loại chất lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tăng cường nguồn lực, ưu tiên ngân sách nhà nước cho giáo dục nghề nghiệp; chuyển nhanh cơ chế cấp phát ngân sách sang đặt hàng giao nhiệm vụ…
 
Trong năm 2023 rà soát, thống kê đầy đủ, nghiên cứu, đề xuất biện pháp giải quyết dứt điểm đối với số chủ hộ kinh doanh cá thể đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trên nguyên tắc đóng - hưởng, bảo đảm quyền lợi của đối tượng tham gia bảo hiểm cũng như giải quyết dứt điểm các trường hợp thu chi bảo hiểm xã hội không đúng quy định; chủ động rà soát để kịp thời phát hiện, giải quyết các trường hợp phát sinh khác mà pháp luật về bảo hiểm xã hội chưa quy định; đồng thời, làm rõ trách nhiệm, đề xuất hướng xử lý đối với từng cá nhân, cơ quan, tổ chức để xảy ra tình trạng này.
 
Phối hợp với các Bộ, ngành đẩy mạnh tái cơ cấu lại các ngành, nhất là các ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày theo hướng xanh, đáp ứng các yêu cầu cạnh tranh và hội nhập quốc tế; chủ động ứng phó, có giải pháp hỗ trợ kịp thời, bảo đảm an sinh xã hội, giảm bớt khó khăn cho người lao động và người sử dụng lao động; tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giải thích chính sách, ứng dụng khoa học, công nghệ, công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước trong tổ chức thực hiện chính sách và chế độ về bảo hiểm xã hội.
 
Hoàn thiện chính sách pháp luật và bảo hiểm xã hội, chuẩn bị hồ sơ dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, tháng 10/2023 và xem xét thông qua vào Kỳ họp đầu năm 2024; việc sửa đổi, bổ sung chính sách bảo hiểm xã hội cần bảo đảm mở rộng, khuyến khích người lao động, người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân theo Nghị quyết 28 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; khắc phục hiệu quả tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, hưởng bảo hiểm xã hội một lần, mượn hồ sơ của người khác tham gia bảo hiểm xã hội, mua bán, thu gom sổ bảo hiểm xã hội của người lao động và các hành vi trục lợi khác; bảo đảm công tác quản lý đầu tư Quỹ bảo hiểm xã hội an toàn, sinh lời, cân đối thu chi trong dài hạn.
 
Tòa án Nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với Bộ LĐ,TB&XH, Bộ Công an, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẩn trương tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục khởi kiện liên quan đến bảo hiểm xã hội; đồng thời, xem xét thụ lý và đưa ra xét xử một số vụ trốn đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.
 
Rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Việc làm để tạo nhiều cơ hội việc làm cho người dân; chủ động phòng ngừa thất nghiệp, xây dựng hệ thống thông tin và dự báo thị trường lao động thực sự đáp ứng yêu cầu của thị trường, doanh nghiệp với quá trình phát triển kinh tế số; khẩn trương hoàn thành hệ cơ sở dữ liệu về lao động và thị trường lao động, hướng tới quản trị thị trường lao động, việc làm hiện đại, linh hoạt và chủ động; sớm có giải pháp cụ thể, giảm dần tỷ lệ lao động làm việc trong khu vực phi chính thức, hướng tới việc làm bền vững, việc làm xanh và thu nhập thỏa đáng.
 
Tăng tốc, tạo chuyển biến căn bản trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia vùng dân tộc thiểu số

Từ 14h30 đến 17h00 cùng ngày,  Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh về nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực dân tộc. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường; Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
 
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trả lời chất vấn

Tại phiên chất vấn đã có 62 đại biểu đăng ký chất vấn, trong đó, có 35 đại biểu tham gia chất vấn với 28 đại biểu nêu câu hỏi và 7 đại biểu tham gia tranh luận. Còn 27 đại biểu đăng ký nhưng chưa được đặt câu hỏi do hết thời gian, các đại biểu gửi nội dung chất vấn để Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc trả lời bằng văn bản theo quy định.

Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội chiều 6/6/2023, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã trả lời đầy đủ, đi thẳng vào vấn đề các nội dung thuộc trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc và công tác phối hợp với các Bộ, ngành trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Chính sách thu hút nguồn lực hỗ trợ đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong chính sách dân tộc liên quan đến phân định các xã, thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi. Việc giải quyết khó khăn về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS, khắc phục tình trạng du cư, du canh tự phát, chặt phá rừng...

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh khẳng định, công tác dân tộc là nhiệm vụ chiến lược lâu dài, cấp bách của Đảng và Nhà nước ta, được thực hiện thông qua các chủ trương của Đảng, các quy định pháp luật và hệ thống chính sách liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, góp phần quan trọng trong thực hiện chiến lược đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.

Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và người dân tộc thiểu số. Cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương và sự nỗ lực cố gắng vươn lên của đồng bào các dân tộc, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS đã có bước phát triển rõ rệt, cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực, sinh kế của người dân ngày càng đa dạng, phong phú, thu nhập được cải thiện, an ninh trật tự được giữ vững, khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố và tăng cường. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 được thiết kế với 10 dự án thành phần có sự tham gia của nhiều Bộ, ngành, được triển khai trên địa bàn 51 tỉnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi…

Bộ trưởng cho biết, việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, đời sống của đồng bào DTTS vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, bất cập. Chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS, đã được ban hành khá đầy đủ, Hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia đã được ban hành nhưng chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, dẫn đến việc triển khai các chính sách vùng đồng bào DTTS gặp khó khăn.

Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết, Ủy ban Dân tộc đã có báo cáo gửi Quốc hội về một số nội dung đề nghị trả lời chất vấn, trong đó có 4 nội dung lớn. Ủy ban Dân tộc tiếp tục lắng nghe, giải trình, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội.

Sau phần trả lời của Bộ trưởng Hầu A Lềnh, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tham gia giải trình một số nội dung đại biểu quan tâm. Phó thủ tướng thẳng thắn nhận trách nhiệm: "Với trách nhiệm người được phân công chỉ huy tổ chức thực hiện ba Chương trình mục tiêu quốc gia, tôi xin nhận khuyết điểm trước Quốc hội và đặc biệt xin nhận khuyết điểm trước bà con đang sống ở vùng DTTS và miền núi vì Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi và cả hai Chương trình còn lại đã thực hiện không đúng yêu cầu đặt ra, rất chậm".

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, tổng hợp đến ngày 31/5/2023, phần vốn của năm 2022 cho Chương trình này chỉ đạt 58,49% vốn đầu tư phát triển, riêng vốn năm 2023 chỉ đạt 17%. Mặt khác, giai đoạn một của chương trình chỉ còn 2,5 năm nữa để thực hiện, rất nhiều khu vực, nhiều đồng bào DTTS, những người thụ hưởng Chương trình này đang sống ở vùng phên giậu đất nước, đang cố gắng chịu đựng rất nhiều khó khăn để giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, quan trọng là làm sao tháo gỡ để Chương trình có thể chạy và chạy thật nhanh thời gian tới.

Phó Thủ tướng cho biết, một trong những khó khăn khi thực hiện Chương trình là có rất nhiều văn bản, ba Chương trình mục tiêu quốc gia có đến 73 văn bản, riêng Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi được tích hợp từ 118 chính sách, 10 dự án, 22 tiểu dự án và 55 nội dung thành phần, chịu sự quản lý của 23 Bộ, ngành Trung ương. “Sau khi yêu cầu các địa phương báo cáo, Chính phủ đã ghi nhận 339 thắc mắc ở cơ sở vì không biết làm thế nào cho đúng. Các Bộ, ngành sau đó có 59 văn bản trả lời, giải quyết được 261 thắc mắc, chiếm 70%. Những nội dung còn lại đang được tháo gỡ bằng cách sửa đổi quy định, điều chỉnh một số thông tư, trong đó, việc sửa đổi Nghị định 27 là khó nhất, phấn đấu ban hành trước 15/6/2023” - Phó Thủ tướng thừa nhận.
 
Kết luận nội dung chất vấn thuộc lĩnh vực công tác dân tộc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, với đặc thù là một quốc gia có nhiều dân tộc cùng sinh sống, Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định và nhất quán về chính sách dân tộc theo nguyên tắc các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển; vấn đề dân tộc và công tác dân tộc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách; là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của hệ thống chính trị.

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, trách nhiệm, thẳng thắn và xây dựng. Câu hỏi của các vị đại biểu Quốc hội đã bám sát nội dung nhóm vấn đề chất vấn. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã chuẩn bị tốt nội dung, nắm chắc vấn đề, sâu sát với thực tiễn, tập trung trả lời vào các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm, giải trình khá đầy đủ các vấn đề còn bất cập, hạn chế, đồng thời, đề xuất phương hướng nhằm khắc phục những bất cập trong lĩnh vực phụ trách. Qua chất vấn và trả lời chất vấn đã làm rõ thêm trách nhiệm của Chính phủ, Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan trong việc thực hiện chính sách dân tộc.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, các Bộ trưởng, Trưởng ngành có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp đã đề ra nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tập trung quyết liệt triển khai các giải pháp để thực hiện hiệu quả Kết luận 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội; nghiên cứu sửa đổi Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, định hướng quan trọng về chính sách dân tộc cho giai đoạn 2021 - 2030. Huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; trong đó, tập trung vào địa bàn đặc biệt khó khăn, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn và có khó khăn đặc thù…

Sớm hoàn thành việc rà soát, tổng hợp, sửa đổi, bổ sung danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I giai đoạn 2021 - 2025; lập danh sách các xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã, thôn chia tách, sáp nhập hoặc đề nghị điều chỉnh tên gọi; trên cơ sở đó, nghiên cứu, đề xuất giải pháp cụ thể đối với việc phân định vùng dân tộc và miền núi theo trình độ phát triển phù hợp với thực tiễn và các quy định hiện hành.

Đồng thời, tập trung triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia 1719; thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề cho các hộ đồng bào DTTS chưa có hoặc thiếu đất ở, đất sản xuất. Hạn chế tối đa chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích ngoài lâm nghiệp; hoàn thành việc giao đất, giao rừng, cho thuê rừng gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, bảo đảm tất cả diện tích rừng và đất được quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp phải được giao, cho thuê đến những chủ rừng thực sự./.

Khánh Vy
 
 
 
 
 
 
 

Xem thêm »