Cùng dự có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà; Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc; Bí thư Huyện ủy Lạc Sơn Hoàng Đức Chính; Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh Hòa Bình Nguyễn Cao Sơn.
Về phía tỉnh Hòa Bình có: Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Bùi Đức Hinh; Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bùi Tiến Lực; Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Toàn; đại diện các sở, ban, ngành; huyện ủy, UBND huyện Đà Bắc cùng 170 cử tri thuộc các xã trên địa bàn huyện.
Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc thông tin đến cử tri những kết quả quan trọng của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; hoạt động của ĐBQH tỉnh tại kỳ họp ...
Theo đó, sau 23 ngày làm việc chia làm 2 đợt, đợt 1 từ ngày
22/5-10/6/2023; đợt 2 từ ngày
19/6-24/6/2023, với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, khẩn trương và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra, đã thông qua 08 Luật, 17 Nghị quyết, cho ý kiến lần 2 đối với 01 dự án Luật, cho ý kiến lần đầu đối với 08 dự án Luật khác; giám sát tối cao chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, quyết định các vấn đề về nhân sự, kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; xem xét báo cáo về tổng hợp kiến nghị của cử tri và Nhân dân, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, cùng một số nội dung quan trọng khác.
Thông tin về hoạt động của ĐBQH tỉnh tại kỳ họp, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH Đặng Bích Ngọc cho biết, các ĐBQH trong Đoàn đã tham gia đầy đủ, nghiêm túc chương trình nghị sự của Quốc hội với tinh thần trách nhiệm cao, dành thời gian nghiên cứu tài liệu, tích cực tham gia đóng góp ý kiến tâm huyết, trách nhiệm tại các phiên thảo luận. Tại kỳ họp, các đại biểu trong Đoàn đã tham gia 17 lượt ý kiến phát biểu tại Tổ, 05 lượt ý kiến phát biểu tại hội trường, trong đó đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành nhiều nội dung vướng mắc từ cơ sở và đã được Quốc hội xem xét, tiếp thu. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tích cực tham gia, đóng góp nhiều ý kiến vào các nội dung quan trọng trình và xin ý kiến tại kỳ họp.
Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đã tiếp tục phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri và Nhân dân tỉnh Hòa Bình đến với nghị trường Quốc hội; kiến nghị một số vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách nhằm giúp địa phương kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Tại kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đã chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải với nhiều nội dung liên quan đến ý kiến, kiến nghị của cử tri và tình hình thực tiễn ở tỉnh Hòa Bình; tham gia phát biểu về hoạt động giám sát tối cao; kiến nghị các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; ưu tiên nguồn lực cho y tế cơ sở, y tế dự phòng...
Bày tỏ sự tin tưởng vào hoạt động của Quốc hội và Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình, cử tri ghi nhận và đánh giá cao hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh đã đóng góp chung vào thành công của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Ý kiến đóng góp của Đoàn mang tính thực tiễn, có chất lượng, thể hiện trách nhiệm với cử tri và nhân dân.
Với tinh thần thẳng thắn, cử tri huyện Đà Bắc đã có các kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và tỉnh Hoà Bình nhiều ý kiến, trong đó tập trung vào các nội dung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2023, giải pháp nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2023 – 2025; quy định quản lý, tổ chức thực hiện CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN); việc sử dụng nguồn vốn đường giao thông đến trung tâm xã, đường liên xã; CTMTQG xây dựng nông thôn mới; việc thực hiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên địa bàn huyện; việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn y tế tại xã, phường, thị trấn; phụ cấp ưu đãi nghề trong lĩnh vực y tế; chính sách về chế độ bảo hiểm y tế vùng DTTS&MN; chế độ chính sách người có công...
Bên cạnh đó, cử tri huyện Đà Bắc quan tâm các cơ chế chính sách liên quan đến đất đai và đề nghị Trung ương có cơ chế ưu tiên thủ tục thực hiện về đất đai đối với những dự án đầu tư có sử dụng đất rừng có diện tích chiếm dụng ít thuộc các CTMTQG. Địa hình huyện Đà Bắc chủ yếu là đồi núi cao, việc xây dựng đầu tư cơ sở hạ tầng đa số phải sử dụng một phần diện tích đất rừng, tuy nhiên hiện thủ tục về đất đai chuyển mục đích sang loại đất khác để thực hiện đầu tư xây dựng đòi hỏi phải có thời gian nhất định và trình các cấp có thẩm quyền quyết định, do vậy ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, giải ngân của các dự án đầu tư.
Các vấn đề quy hoạch các khu công nghiệp, đền bù đất cho người dân, giải quyết vướng mắc trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... cũng được cử tri nêu các khó khăn, vướng mắc trong thực thi và đề nghị Lãnh đạo địa phương có hướng giải quyết.
Các ý kiến khác đề nghị các cấp có thẩm quyền nghiên cứu có các chính sách ưu đãi, thu hút để người dân của địa phương được vay vốn với lãi suất thấp để phát triển sản xuất, mở rộng quy mô, lĩnh vực và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác.
Đối với việc áp dụng các quy định đầu tư xây dựng, cử tri nêu một số khó khăn về sử dụng nguồn vốn đường giao thông đến trung tâm xã, đường liên xã, hiện nay phần lớn đường giao thông đến trung tâm xã thuộc huyện Đà Bắc đã được đầu tư xây dựng, những nơi chưa được đầu tư hoặc là được đầu tư nhưng đã xuống cấp thường là những nơi rất khó khăn, nguồn ngân sách địa phương còn hạn chế. Dẫn lại nội dung “ngân sách Trung ương hỗ trợ bình quân 1.600 triệu đồng/km để đầu tư cứng hóa đường đến trung tâm xã chưa được cứng hóa” được quy định tại Khoản 5, Điều 3, Quyết định số 4/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về mức hỗ trợ và cơ chế hỗ trợ sử dụng vốn đầu tư công để thực hiện một số nội dung thuộc Dự án 1 và Tiểu dự án 1, Dự án 4 của CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025, cử tri cho rằng điều này đã gây rất nhiều khó khăn cho địa phương trong việc sử dụng nguồn vốn này để đầu tư. Các cử tri kiến nghị nâng định mức hỗ trợ từ ngân sách Trung ương đối với đầu tư đường đến trung tâm xã, đường liên xã để phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, đề nghị các Bộ, ngành Trung ương có hướng dẫn đối với các công trình dự án đã được phê duyệt dự án trước khi có Quyết định số 4/2023/QĐ-TTg.
Ngoài ra, có ý kiến cử tri đề cập về dự án “Nâng cấp đường Tỉnh lộ 433 huyện Đà Bắc thành đường Quốc lộ 32D theo Quyết định số 1454/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Cử tri cho rằng, để đầu tư xây dựng dự án trên theo quy hoạch cần nguồn kinh phí lớn, trong khi nguồn lực của tỉnh còn khó khăn, vì vậy kiến nghị Đoàn ĐBQH tỉnh Hoà Bình có ý kiến với Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương ưu tiên hỗ trợ kinh phí để tỉnh Hoà Bình sớm triển khai dự án, tạo điều kiện giúp Đà Bắc khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa của huyện.
Tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Đà Bắc, Lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ban, ngành tỉnh Hòa Bình đã giải đáp các ý kiến, kiến nghị phản ánh của cử tri thuộc thẩm quyền.
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn phát biểu
Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cảm ơn sự có mặt đông đủ của cử tri và nhân dân huyện Đà Bắc.
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh, các ý kiến, kiến nghị của cử tri huyện Đà Bắc đã được Đoàn ĐBQH tỉnh ghi chép đầy đủ, Đoàn sẽ giám sát việc thực hiện của các cấp, các ngành và báo cáo cử tri trong các cuộc tiếp xúc cử tri gần nhất.
Cho rằng, các ý kiến phát biểu đều sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm, đề cập các vấn đề cụ thể, rõ ràng, Tổng Kiểm toán nhà nước đã làm rõ hơn các nội dung cử tri quan tâm và khẳng định sẽ cùng Đoàn ĐBQH tỉnh Hoà Bình phản ánh những kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân huyện Đà Bắc và tỉnh Hoà Bình đến với Quốc hội, Chính phủ và các ban, Bộ, ngành Trung ương, địa phương; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với điều kiện của huyện Đà Bắc nói riêng, tỉnh Hoà Bình nói chung.
Tổng Kiểm toán nhà nước cùng các thành viên Đoàn ĐBQH tỉnh Hoà Bình đã trao 100 suất quà và 30 chiếc xe đạp cho các hộ chính sách, hộ khó khăn và học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn trên địa bàn các xã thuộc huyện Đà Bắc
Tại hội nghị, Tổng Kiểm toán nhà nước cùng các thành viên Đoàn ĐBQH tỉnh Hoà Bình đã trao 100 suất quà và 30 chiếc xe đạp cho các hộ chính sách, hộ khó khăn và học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn trên địa bàn các xã thuộc huyện Đà Bắc. Được biết, 30 chiếc xe đạp dành tặng học sinh được Vụ Chế độ & Kiểm soát chất lượng Kiểm toán thuộc Kiểm toán nhà nước trao lần này nằm trong tổng số 70 chiếc xe đạp được đơn vị trao trên địa bàn 3 huyện Kim Bôi, Đà Bắc, Tân Lạc thuộc tỉnh Hoà Bình./.
Phương Ngọc