UBTVQH biểu quyết tán thành thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030

13/07/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) – Chiều 13/7/2023, tiếp tục chương trình làm việc phiên họp 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), UBTVQH đã biểu quyết thông qua về nguyên tắc đối với Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030 với 100% đại biểu tán thành.

100% đại biểu tán thành thông qua về nguyên tắc đối với Nghị quyết

Trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của UBTVQH về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà  cho biết, quan điểm xây dựng Nghị quyết nhằm: Thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2023 – 2030; gắn việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách chính sách tiền lương, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của hệ thống chính trị, bảo đảm xây dựng chính quyền địa phương hoạt động hiệu lực, hiệu quả; bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận của Nhân dân; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền địa phương.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn hoặc các quy hoạch khác có liên quan; chú trọng đến các yếu tố đặc thù và bảo đảm chất lượng đô thị theo quy định.

Dự thảo Nghị quyết được xây dựng bám sát các mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể đã được xác định tại Nghị quyết số 37-NQ/TW và Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị.
 
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày dự thảo tờ trình của Chính phủ

Dự thảo Nghị quyết gồm 4 chương, 25 điều với các nội dung cơ bản như: Đối tượng thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030; Nguyên tắc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; Tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sau sắp xếp; Trình tự, thủ tục, hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030; Sắp xếp tổ chức bộ máy, số lượng lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư do thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính; Sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công sau sắp xếp đơn vị hành chính; Áp dụng chế độ, chính sách đặc thù đối với đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã hình thành sau sắp xếp; Công nhận đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sau sắp xếp thuộc đối tượng khu vực III, khu vực II, khu vực I, đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Đạt chuẩn nông thôn mới; Vùng an toàn khu, huyện nghèo, xã an toàn khu, xã đảo, xã bãi ngang, ven biển, khu vực biên giới; Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, Anh hùng lao động.

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết nhằm kịp thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, tạo cơ sở pháp lý tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030; cho rằng, việc xây dựng và ban hành Nghị quyết này theo trình tự, thủ tục rút gọn là phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; hồ sơ dự thảo Nghị quyết đủ điều kiện để trình UBTVQH xem xét, thông qua…

Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định của dự thảo Nghị quyết về phạm vi các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện phải sắp xếp; các trường hợp không bắt buộc sắp xếp đơn vị hành chính do có yếu tố đặc thù và các nguyên tắc sắp xếp đơn vị hành chính vì đã quán triệt đầy đủ chủ trương tại các Nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị. Bên cạnh đó, đề nghị trong các giai đoạn sau này, cần tiếp tục nghiên cứu để có giải pháp xử lý, sắp xếp cả đối với những đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có diện tích tự nhiên hoặc quy mô dân số quá lớn, gấp rất nhiều lần so với tiêu chuẩn quy định nhằm bảo đảm yêu cầu về quản lý Nhà nước, phù hợp với năng lực của bộ máy chính quyền và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Ủy ban Pháp luật cũng cơ bản tán thành với quy định các đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp phải đáp ứng các tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số theo quy định, trừ trường hợp nhập từ 03 đơn vị hành chính cùng cấp trở lên hoặc có yếu tố đặc thù mà không thể nhập, điều chỉnh thêm với đơn vị hành chính cùng cấp khác.

Đối với tiêu chuẩn của đơn vị hành chính đô thị dự kiến hình thành sau sắp xếp, Ủy ban Pháp luật tán thành việc quy định các đơn vị này phải đáp ứng tiêu chuẩn về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội, loại đô thị hoặc trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị theo quy định tại Nghị quyết của UBTVQH về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính. 

Ủy ban Pháp luật thấy rằng, các quy định về quy trình, thủ tục, hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong dự thảo Nghị quyết đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu đơn giản hóa quy trình, thủ tục, hồ sơ nêu trong Thông báo kết luận của UBTVQH hội tại phiên họp thứ 23. 

Để bảo đảm tiến độ thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, đề nghị Chính phủ chỉ đạo, quán triệt đến các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính nội bộ, rút ngắn thời gian xem xét, giải quyết để kịp trình UBTVQH xem xét, quyết định, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2023 - 2025 trong năm 2024.

Qua rà soát, Ủy ban Pháp luật đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định về việc rà soát, công nhận đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã hình thành sau sắp xếp là đơn vị hành chính miền núi, vùng cao; nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo Nghị quyết quy định về chế độ, chính sách hỗ trợ đối với người là cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý thôi giữ chức vụ, chức danh do sắp xếp đơn vị hành chính để bảo đảm thực hiện đầy đủ tinh thần của Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Để triển khai Nghị quyết của UBTVQH, Chính phủ sẽ ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phù hợp với từng giai đoạn 2023 - 2025 và 2026 - 2030. 

Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ nghiên cứu, quy định trong Kế hoạch này trách nhiệm cụ thể của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp để việc tổ chức thực hiện Nghị quyết được đồng bộ và thuận lợi.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải đạt được rất nhiều mục tiêu. Trong đó, phải giảm đơn vị hành chính góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế, giảm chi tiêu cho ngân sách Nhà nước. Mục tiêu hướng đến là tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý Nhà nước, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chính phủ, Bộ Nội vụ luôn luôn lưu tâm mục tiêu này, nhất là đối với các đơn vị hành chính cấp huyện, các tỉnh miền núi với diện tích lớn nhưng dân số lại ít, hay những đơn vị hành chính đô thị diện tích nhỏ nhưng dân số đông để có tính toán kỹ lưỡng. Theo đó, vừa đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong quản lý Nhà nước, vừa đảm bảo được khả năng tiếp cận và đáp ứng các nhu cầu thiết yếu, nhất là y tế, giáo dục, các dịch vụ hành chính công khác.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, hiệu quả của sắp xếp đơn vị hành chính không chỉ đơn thuần là đo lường việc cắt giảm được bao nhiêu đơn vị hành chính, tinh giản được bao nhiêu biên chế. Điều quan trọng nhất là hiệu quả thực chất của bộ máy chính quyền, chất lượng các dịch vụ công mà người dân và doanh nghiệp được thụ hưởng và sự phát triển kinh tế - xã hội trên các địa bàn được sắp xếp.

Theo Chủ tịch Quốc hội, việc sắp xếp một phần đơn vị hành chính nông thôn với đơn vị hành chính đô thị hay việc thành lập thành phố trong thành phố nên có đề án riêng.

Về kinh phí thực hiện, Chủ tịch Quốc hội nhất trí với việc Trung ương cần có hỗ trợ nhưng cần tiếp tục rà soát để quy định theo hướng phải được lập dự toán và thể hiện trong dự toán của ngân sách Trung ương, không nên lấy trong dự phòng ngân sách Trung ương. Trường hợp phân cấp cho địa phương chi tiêu cần quy định rõ trong nghị quyết để địa phương có cơ sở thực hiện và có thể có định hướng rõ. Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là nội dung cần quy định kỹ lưỡng hơn bảo đảm phù hợp với Luật Ngân sách Nhà nước, đồng thời bảo đảm cho địa phương chủ động sử dụng, bởi sắp xếp đơn vị hành chính có nhiều việc phải làm chỉ địa phương mới hiểu rõ các nội dung cần chi tiêu.

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định yêu cầu, các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến tại phiên thảo luận, lấy ý kiến Chính phủ, hoàn thiện dự thảo xin ý kiến UBTVQH bằng văn bản trước khi Chủ tịch Quốc hội ký chứng thực ban hành.
 
Theo Nghị quyết vừa thông qua, các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2023-2025 gồm những nơi có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% quy định; huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 200% quy định; xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% quy định.

Đến năm 2030, sáp nhập huyện, xã còn lại có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% quy định; huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 200% quy định; xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 300% quy định.

Theo số liệu báo cáo của 63 địa phương, trong giai đoạn 2023-2025, sẽ tiến hành sắp xếp đối với khoảng 33 đơn vị hành chính cấp huyện và hơn 1.300 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp, chưa tính số đơn vị hành chính thuộc diện khuyến khích sắp xếp do địa phương có nhu cầu.

Ngọc Bích
 
 
 
 

Xem thêm »