Nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu, Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Xuân Tiên
Theo Ban Chủ nhiệm đề tài, trải qua gần 30 năm hoạt động, KTNN đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính hàng trăm nghìn tỷ đồng. Qua kiểm toán, thông qua hoạt động đánh giá văn bản quản lý Nhà nước (QLNN), KTNN đã phát hiện và kiến nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hàng nghìn văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), văn bản quản lý trái pháp luật hoặc không phù hợp với thực tế, nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, chính sách, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng tài chính, tài sản công.
Trên thực tế, các văn bản quản lý mà Kiểm toán viên nhà nước (KTVNN) gặp phải trong hoạt động kiểm toán là hết sức đa dạng và phức tạp, đòi hỏi phải có quy trình đánh giá một cách chặt chẽ và khoa học. Việc đánh giá phải dựa trên cơ sở các quy định của pháp luật và phải có căn cứ khoa học, tránh sự chủ quan, áp đặt tuỳ tiện.
Tuy nhiên, hiện nay KTNN chưa có sự nghiên cứu cụ thể, thấu đáo về vấn đề này; chưa xây dựng được quy trình đánh giá văn bản QLNN trong hoạt động kiểm toán, hoạt động này chủ yếu dựa vào kinh nghiệm cá nhân của KTVNN, chưa bảo đảm tính chuyên nghiệp và khoa học. Mặt khác, hoạt động đánh giá văn bản QPPL là công việc khó, phạm vi tác động rộng, đòi hỏi trình độ chuyên sâu, tốn nhiều công sức, thời gian, trong khi trình độ hiểu biết pháp luật và kỹ năng, kinh nghiệm đánh giá văn bản của một số KTVNN còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Chính vì những lý do nêu trên mà việc nghiên cứu đề tài
“Giải pháp nâng cao chất lượng đánh giá văn bản QLNN trong hoạt động kiểm toán của KTNN” có tính cấp thiết cả về lý luận và thực tiễn.
Cũng theo Ban đề tài, việc nghiên cứu Đề tài trên nhằm đưa ra được Quy trình đánh giá văn bản QLNN trong tổ chức thực hiện kiểm toán của KTNN và các giải pháp tổ chức thực hiện; đánh giá tính hợp hiến, hợp pháp của các văn bản QLNN trong hoạt động kiểm toán của KTNN.
Ngoài phần mở đầu và kết luận, đề tài được kết cấu thành 3 chương: Chương I - Cơ sở lí luận về đánh giá văn bản QLNN trong hoạt động kiểm toán của KTNN; Chương II - Thực trạng đánh giá văn bản QLNN trong hoạt động kiểm toán của KTNN”; Chương III - Quan điểm và giải pháp nâng cao chất lượng đánh giá văn bản QLNN trong hoạt động kiểm toán của KTNN.
Nhận xét về đề tài, Hội đồng nghiệm thu cho rằng, đề tài
“Giải pháp nâng cao chất lượng đánh giá văn bản QLNN trong hoạt động kiểm toán của KTNN
” của Ban đề tài có ý nghĩa cả về mặt lý luận và thực tiễn xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của KTNN hiện nay là cần phải nâng cao năng lực hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế, để từ đó nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của công tác kiểm toán.
Cùng với đó, mục tiêu nghiên cứu của đề tài rõ ràng, cụ thể, thiết thực. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu phù hợp với mục tiêu, đảm bảo xác định được nội dung và cơ sở để khẳng định được kết quả nghiên cứu đúng đắn, sát thực nhằm đạt được mục tiêu đã định. Đề tài là một công trình nghiên cứu công phu, chất lượng, thể hiện được sự nghiêm túc, trách nhiệm của Ban chủ nhiệm trong quá trình nghiên cứu.
Tuy nhiên, để đề tài có giá trị cao hơn, Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban đề tài: Tại Chương 1 cần bổ sung yêu cầu của đánh giá văn bản QLNN trong hoạt động kiểm toán; điều chỉnh mục tiêu nghiên cứu của đề tài cho phù hợp với tên của đề tài và kết quả nghiên cứu.
Điều chỉnh phạm vi nghiên cứu của đề tài cho phù hợp: “Phân tích, đánh giá sự chồng chéo, mâu thuẫn, trái pháp luật của văn bản QLNN trong tổ chức thực hiện kiểm toán của KTNN” thành “Phân tích, đánh giá sự chồng chéo, mâu thuẫn, trái pháp luật của văn bản QLNN thông qua hoạt động kiểm toán của KTNN”; rà soát, điều chỉnh các nội dung, kết quả nghiên cứu tại các Chương sau cho phù hợp là “trong hoạt động kiểm toán của KTNN”.
Về kinh nghiệm quốc tế, cần nghiên cứu cách thức tiếp cận việc đánh giá văn bản cũng như thực hiện việc đánh giá văn bản của các SAI (các Cơ quan Kiểm toán tối cao) thì sẽ có giá trị ứng dụng cao hơn cho KTNN Việt Nam.
Bổ sung đầy đủ các giải pháp để khắc phục các tồn tại, hạn chế theo kết quả nghiên cứu tại Chương II; Chương III cần bổ sung đầy đủ các giải pháp để khắc phục các tồn tại, hạn chế theo kết quả nghiên cứu tại Chương II...
Kết luận nghiệm thu, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu Đoàn Xuân tiên cho biết, hoạt động đánh giá văn bản QPPL nói riêng và văn bản QLNN nói chung là một trong những nhiệm vụ quan trọng của KTNN. Hầu hết các cuộc kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ… đều phải tiến hành kiểm toán đánh giá văn bản QLNN cũng như các văn bản QPPL. Trên thực tế thời gian qua, KTVNN chưa quan tâm nhiều đến việc kiểm toán nội dung này, nguyên nhân là do còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Do đó, việc nghiên cứu đề tài này là rất cần thiết trong việc xây dựng cẩm nang hướng dẫn đối với việc kiểm toán đánh giá văn bản QLNN trong hoạt động kiểm toán của KTNN.
Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Ban Chủ nhiệm đề tài trong quá trình tổ chức nghiên cứu. Đề tài có giá trị lý luận và ứng dụng thực tiễn, cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Bên cạnh đó, vẫn còn một số nội dung cần phải điều chỉnh, bổ sung. Chủ tịch Hội đồng yêu cầu Ban Chủ nhiệm đề tài tiếp thu có chọn lọc ý kiến của các thành viên trong Hội đồng để tiếp tục rà soát, chỉnh sửa và hoàn thiện đề tài trong vòng 30 ngày kể từ ngày nghiệm thu.
Đề tài được Hội đồng thống nhất xếp loại Khá./.
Thanh Trang