Cùng dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy - Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát; Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển; Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh; Thứ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung; các thành viên Đoàn giám sát...
Tiếp và làm việc với đoàn có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Nguyễn Thị Yến; Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ; đại diện lãnh đạo HĐND tỉnh, các sở, ban ngành liên quan.
Báo cáo với Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Công Vinh cho biết, trong giai đoạn 2016-2021 việc cung cấp năng lượng trên địa bàn được bảo đảm, đặc biệt là cung cấp điện và khí thiên nhiên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và an ninh - quốc phòng.
Tổng công suất nguồn phát điện toàn tỉnh đến năm 2021 đạt khoảng 4.909 MW, chiếm khoảng hơn 7% tổng công suất nguồn điện quốc gia (khoảng 69.300MW). Cơ cấu nguồn điện trên địa bàn chủ yếu là nhiệt điện khí, không có nguồn nhiệt điện than, chưa có nguồn điện gió, thủy điện với quy mô rất nhỏ.
Dự báo nhu cầu công suất cực đại của tỉnh sẽ đạt khoảng 2.331MW vào năm 2025 và 3.335MW vào năm 2030, với năng lực truyền tải và phân phối của lưới điện với tổng công suất nguồn điện hiện tại là 4.909MW, chưa kể các dự án nguồn điện sẽ triển khai đầu tư trong giai đoạn 2023-2030 theo Quy hoạch điện VIII, khả năng cung cấp nguồn điện cho tỉnh vẫn đáp ứng tốt, nhu cầu điện so với tổng công suất nguồn điện tại chỗ là không thiếu. Mặc dù vậy, trong trường hợp hệ thống điện quốc gia thiếu nguồn điện thì Bà Rịa - Vũng Tàu cũng có thể bị ảnh hưởng do chịu sự điều tiết, cắt giảm để chia sẻ nguồn điện với các vùng, địa phương khác theo phân bổ của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia.
Về khả năng cung cấp xăng dầu, khí đốt, giai đoạn 2016 - 2021, tổng sản lượng khí đốt đạt 51.548 triệu m3, dầu thô khai thác đạt 70,8 triệu tấn. Về hạ tầng các kho dự trữ xăng dầu trên địa bàn tỉnh có 13 kho đã đưa vào vận hành với tổng sức chứa 698.575 m3. Nhìn chung hạ tầng dự trữ xăng dầu, khí đốt của Tỉnh đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng cho biết, việc phát triển năng lượng vẫn còn những hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, với sự phát triển tại Côn Đảo, ngành điện đã và đang tăng cường đầu tư nhiều tổ máy phát điện diesel tại Nhà máy điện An Hội để nâng cao khả năng cấp điện cho Côn Đảo. Trong quá trình vận hành thường xảy ra sự cố hư hỏng, các tổ máy phát điện vận hành thiếu linh hoạt, độ dự phòng thấp. Nguồn nhân lực để bảo trì sửa chữa và vật tư thiết bị thay thế tại chỗ không đáp ứng được mà phải di chuyển, vận chuyển từ đất liền ra đảo gặp rất nhiều khó khăn, bị động và không an toàn. Do đó, việc triển khai nghiên cứu đầu tư dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo là rất cần thiết và cấp bách.
Tại buổi làm việc với Đoàn giám sát, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đề xuất UBTVQH kiến nghị Quốc hội, Chính phủ nhiều vấn đề như hướng dẫn, hỗ trợ và tạo điều kiện cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được phát triển trở thành Trung tâm công nghiệp, dịch vụ cung ứng về năng lượng tái tạo ngoài khơi cho cả khu vực miền Nam nói riêng và cả nước nói chung; sớm bố trí vốn để đầu tư dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để Tập đoàn điện lực Việt Nam có cơ sở triển khai các bước tiếp theo, phấn đầu hoàn thành dự án kéo điện lưới quốc gia ra huyện Côn Đảo vào năm 2026, đáp ứng mong mỏi, kỳ vọng của cử tri và Nhân dân Côn Đảo nói riêng và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói chung.
Trao đổi tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao kết quả đạt được của địa phương trong thực hiện các chính sách về năng lượng để bảo đảm an ninh năng lượng cho tỉnh, góp phần ổn định an ninh năng lượng của quốc gia.
Đoàn giám sát cũng đặt ra nhiều vấn đề cần làm rõ, trong đó có việc đảm bảo an ninh năng lượng; cơ chế, chính sách trong thực hiện vấn đề dự trữ xăng dầu; việc cung cấp điện cho sản xuất vẫn phụ thuộc vào sự điều động điện lưới quốc gia, vấn đề đảm bảo tự chủ năng lượng cho sản xuất trong trường hợp khó khăn, vướng mắc; hỗ trợ đảm bảo chính sách bao phủ cấp điện cho người dân vùng sâu, vùng xa.
Quy hoạch các phân ngành năng lượng (điện, dầu khí, năng lượng tái tạo…) có liên quan tới nhiều quy hoạch khác trong điều kiện nhiều quy hoạch chưa được phê duyệt nên rất khó khăn cho việc đồng bộ hóa và triển khai quy hoạch năng lượng.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đạt được trong thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021. “Các dự án đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội và du lịch, bảo đảm an ninh năng lượng của tỉnh, đóng góp vào phát triển nguồn năng lượng quốc gia.”- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục làm tốt công tác quản lý, đảm bảo an ninh năng lượng, dự trữ xăng dầu, quan tâm cải cách thủ tục hành chính, số hóa trong quản lý nhà nước; có định hướng tuyên truyền, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công tác phát triển năng lượng của địa phương.
Đồng thời, cần có giải pháp hiệu quả để giảm hệ số đàn hồi điện, tỷ lệ tốc độ tăng trưởng điện so với tốc độ tăng GDP, tổn thất điện năng trong quá trình truyền tải điện; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương để sớm có điện lưới quốc gia cho Côn Đảo; có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi triển khai các công trình điện lực, công trình năng lượng, nhất là về thủ tục đất đai và bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất.
Riêng đối với dự án điện lưới cho Côn Đảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, hiện các đảo Phú Quý, Cô Tô, Lý Sơn, Cù Lao Chàm đều đã triển khai xong việc cung cấp điện ổn định, chỉ còn Côn Đảo, di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt là chưa có, cần phải được ưu tiên. UBTVQH và các cơ quan của Quốc hội ủng hộ việc đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp thu các ý kiến và có báo cáo bổ sung gửi Đoàn giám sát, trong đó cần làm rõ, cụ thể hơn về bất cập, hạn chế của các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực năng lượng tại các Luật, Nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn và đề xuất hướng sửa đổi cụ thể.
Đối với những kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của tỉnh, Đoàn giám sát sẽ ghi nhận và báo cáo với Quốc hội để kịp thời tháo gỡ và có giải pháp hỗ trợ./.
Phương Ngọc