Quán triệt, triển khai thực hiện các quy định mới ban hành của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác tổ chức xây dựng Đảng

27/07/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Sáng 26/7/2023, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện các quy định mới ban hành của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác tổ chức xây dựng Đảng. Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương chủ trì Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Ban Tổ chức Trung ương

Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến 67 điểm cầu các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương. Dự Hội nghị tại điểm cầu Ban Tổ chức Trung ương có đại diện Lãnh đạo và Vụ trưởng Vụ tổ chức, cán bộ các ban Đảng Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng; Lãnh đạo Ban Cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội, Ban Công tác đại biểu Quốc hội thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội Trung ương; các đồng chí Lãnh đạo Ban và lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị của Ban Tổ chức Trung ương. 

Tại hội nghị, đồng chí Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương giới thiệu một số điểm mới trong Quy định số 114-QĐ/TW, ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Theo đó, Quy định số 114-QĐ/TW thay thế Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23-9-2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. 

Về hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ quyền hạn, Quy định số 114-QĐ/TW bổ sung một số hành vi mới như: Lồng ghép ý đồ cá nhân khi thực hiện các khâu trong công tác cán bộ vì động cơ, mục đích vụ lợi hoặc có lợi cho nhân sự trong quá trình thực hiện công tác cán bộ; khi nhận được đơn thư phản ánh, tố cáo hoặc biết nhân sự có hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ nhưng thỏa hiệp, dung túng, bao che không xử lý theo thẩm quyền, xử lý không đúng quy định hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý. Liên quan đến hành vi chạy chức, chạy quyền, Quy định bổ sung thêm hành vi mới, đó là: Chạy tuổi, thâm niên công tác, danh hiệu thi đua, khen thưởng, bằng cấp, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, chỉ định, điều động, luân chuyển, biệt phái, phong, thăng quân hàm... nhằm mục đích đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có được chức vụ, quyền lợi.

Quy định số 114-QĐ/TW cũng đề cập đến trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị trong việc chuyển đổi vị trí công tác, địa bàn, lĩnh vực đối với cán bộ tham mưu, theo dõi, phụ trách công tác cán bộ vi phạm kỷ luật, có dư luận xấu. Không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh liên quan như thành viên trong cùng ban thường vụ cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị; người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cùng địa phương, cơ quan, đơn vị; người đứng đầu cấp ủy hoặc người đứng đầu cơ quan hành chính và người đứng đầu các cơ quan: Nội vụ, Thanh tra, Tài chính, Ngân hàng, Thuế, Hải quan, Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên Môi trường, Quân đội, Công an, Toà án, Viện Kiểm sát ở Trung ương hoặc cùng cấp ở một địa phương. Trường hợp không có phương án nhân sự đáp ứng yêu cầu mà nhân sự là người có quan hệ gia đình được tín nhiệm cao phải báo cáo và được sự đồng ý của cấp ủy cấp trên trực tiếp trước khi bố trí.

Đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã giới thiệu Quy định số 113-QĐ/TW ngày 10/7/2023 của Ban Bí thư về “Thí điểm giao quyền cấp trên cơ sở cho đảng ủy cơ sở mà cấp trên trực tiếp không phải là tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương”. Theo đó, Quy định số 113-QĐ/TW quy định về nguyên tắc, điều kiện, thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn của đảng ủy cơ sở được thí điểm giao quyền cấp trên cơ sở. Áp dụng đối với đảng ủy cơ sở trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước (trừ đảng ủy cơ sở xã, phường, thị trấn và đảng ủy cơ sở trong lực lượng vũ trang). Điều kiện, thẩm quyền thí điểm giao quyền cấp trên cơ sở gồm: Đảng bộ cơ sở có vị trí quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh; có nhiều đơn vị thành viên là tổ chức cơ sở trong cùng một cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước; hoạt động phạm vi rộng (nhiều tỉnh, thành phố); có số lượng từ 400 đảng viên trở lên; là đảng bộ có 3 năm liền hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

Đại biểu ở các điểm cầu đã bày tỏ đồng tình cao với các quy định mới được ban hành, trong đó Quy định số 114-QĐ/TW đã kế thừa những nội dung còn nguyên giá trị trong Quy định số 205-QĐ/TW, phù hợp các văn bản của Đảng mới ban hành, đồng thời tiếp thu đầy đủ các quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực đối với công tác cán bộ, đáp ứng yêu cầu tình hình hiện nay.

Theo Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí, các quy định mới ban hành là khung pháp lý quan trọng, tuy nhiên để thực hiện có hiệu quả thì phải hết sức quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, lựa chọn được người đứng đầu có bản lĩnh, có trách nhiệm, gương mẫu trong công việc. 

Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Nguyễn Hữu Đông nhấn mạnh quyết tâm trong việc quán triệt, cụ thể hóa các quy định, rà soát đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định mới. Qua rà soát sơ bộ ở cấp tỉnh có 1 trường hợp, Tỉnh ủy Sơn La đã có kế hoạch luân chuyển trường hợp này theo tinh thần Quy định số 114-QĐ/TW.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, trong quá trình thực hiện Quy định số 205-QĐ/TW, Hà Nội đã thực hiện nghiêm việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, xây dựng và ban hành 1 Nghị quyết, 5 quy định về công tác cán bộ. Trong đó, có Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31/5/2021 về tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và các nhiệm kỳ tiếp theo...
 
Đ/c Trương Thị Mai nhấn mạnh một số yêu cầu trong thực hiện các quy định mới ban hành


Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai khẳng định, trong những nhiệm kỳ gần đây, nhất là từ năm 2019 khi ban hành Quy định số 205-QĐ/TW, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thể hiện quyết tâm rất cao trong việc đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực trong công tác cán bộ. Việc triển khai thực hiện Quy định số 205-QĐ/TW đã từng bước khắc phục tình trạng lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng chức vụ quyền hạn thao túng trong công tác cán bộ; sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Đối với Quy định số 114-QĐ/TW, theo đồng chí Trương Thị Mai, đây là quy định khó vì liên quan đến con người, động chạm đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của mỗi cán bộ. Để thực hiện tốt quy định, các cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu các cấp cần tiếp tục quán triệt, cụ thể hoá Quy định theo phạm vi chức trách; trong quá trình tổ chức thực hiện cần thường xuyên kiểm tra, giám sát, khi phát hiện dấu hiệu bất bình thường, có dư luận bức xúc thì kịp thời kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định. 

Trong thời gian tới, Ban Tổ chức Trung ương sẽ tập trung tham mưu xây dựng quy định về thẩm quyền của người đứng đầu trong công tác cán bộ; quy định đối với cán bộ trẻ, cán bộ có năng lực nổi trội; quy định về phát hiện, bố trí, sử dụng nhân tài… để bổ sung cho việc thực hiện Quy định số 114-QĐ/TW, bảo đảm các quy định ngày càng tiến bộ, thực chất, đáp ứng yêu cầu cao hơn của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là trách nhiệm của toàn Đảng. Người có vị trí càng cao thì càng phải gương mẫu, tự giác, càng phải chấp hành nghiêm các quy định của Đảng. Khuyến khích Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp cùng các tầng lớp nhân dân tham gia giám sát, phản ánh để góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. /.

Hà Linh
 

Xem thêm »