Hội nghị giao ban Kiểm toán nhà nước tháng 7/2023: Nâng cao chất lượng, tránh chồng chéo và chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán

07/08/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Ngày 7/8/2023, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN), Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước đã chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến tháng 7/2023. Hội nghị đã thảo luận về kết quả thực hiện công tác tháng 7, kế hoạch công tác tháng 8/2023; tình hình hoạt động kiểm toán; kiểm soát chất lượng kiểm toán; công tác xây dựng các văn bản của KTNN cùng một số nội dung quan trọng khác.

Quang cảnh Hội nghị

Dự họp có các Phó Tổng Kiểm toán nhà nước: Nguyễn Tuấn Anh, Đặng Thế Vinh, Doãn Anh Thơ, Hà Thị Mỹ Dung, Bùi Quốc Dũng; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc KTNN có trụ sở tại Hà Nội và các KTNN khu vực; Chủ tịch Công đoàn, Bí thư Đoàn Thanh niên KTNN…

Theo báo cáo kết quả công tác tháng 7/2023 do Chánh Văn phòng KTNN Lưu Trường Kháng trình bày, các đơn vị trong toàn Ngành đã khẩn trương, tập trung giải quyết, hoàn thành các nhiệm vụ theo kế hoạch.

Nổi bật, trong tháng đã hoàn thành tổng hợp kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán của các KTNN chuyên ngành, khu vực gửi Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội phục vụ Phiên giải trình “ Việc thực hiện kết luận, kiến nghị KTNN đến hết niên độ NSNN năm 2021"; ban hành Báo cáo kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và Nghị quyết của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4 gửi các đơn vị theo quy định; triển khai kiểm toán Đoàn kiểm toán 02 vụ việc theo chỉ đạo của Ban cán sự đảng KTNN; cung cấp hồ sơ, tài liệu, báo cáo kiểm toán cho các cơ quan liên quan.

Cùng với đó, cơ bản hoàn thành việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý theo tiến độ; tích cực tham gia ý kiến vào các văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ, ngành gửi lấy ý kiến; phối hợp cung cấp kịp thời các báo cáo, tài liệu theo yêu cầu cảu các cơ quan chức năng, các Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội; đã tổ chức thành công Đại hội Công đoàn KTNN lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028...

Đối với công tác kiểm toán, tính đến 20/7/2023, toàn Ngành đã tổ chức xét duyệt 96 KHKT, triển khai 90 Đoàn kiểm toán, kết thúc 48 Đoàn kiểm toán, xét duyệt 66 dự thảo Báo cáo kiểm toán (BCKT) và phát hành 41 BCKT.

KTNN cũng đã ban hành công văn gửi các đơn vị trong Ngành về triển khai thực hiện một số nội dung của Nghị quyết số 91/2023/QH15 về phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2021; công văn về việc tổ chức xây dựng Báo cáo ý kiến trình Quốc hội và tham gia thảo luận, thẩm tra về dự toán NSNN năm 2024; ban hành công văn gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về cung cấp thông tin tài liệu về dự toán NSNN năm 2024…

KTNN cũng đã có ý kiến góp ý vào dự toán của Dự án Xây dựng mô hình quản trị thông minh tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh theo đề nghị của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; tổng hợp báo cáo kết quả kiểm toán liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 theo yêu cầu của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện pháp luật về NSNN năm 2022 và 06 tháng đầu năm 2023 trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, văn hóa - thể thao - du lịch, thông tin - truyền thông, tín ngưỡng - tôn giáo, thanh niên - trẻ em theo yêu cầu của Ủy ban văn hóa, giáo dục của Quốc hội…

Về công khai kết quả kiểm toán, KTNN đã đăng tải công khai Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2022 và báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán trên Cổng thông tin điện tử của KTNN.

Trong công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán, Vụ Chế độ & Kiểm soát chất lượng kiểm toán (KSCLKT) đã thực hiện giám sát 54 Đoàn kiểm toán, kiểm soát trực tiếp 03 Đoàn, hoàn thành kiểm soát hồ sơ sau khi phát hành BCKT cuộc Kiểm toán Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương: Phú Thọ, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bình Phước, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... Qua công tác KSCLKT cho thấy, các đơn vị đã bám sát hướng dẫn về mục tiêu, trọng yếu và nội dung kiểm toán chủ yếu của Ngành, việc ghi chép nhật ký kiểm toán cơ bản tuân thủ quy định về hồ sơ mẫu biểu, thực hiện đúng quy định về chế độ báo cáo định kỳ.

Bên cạnh đó, công tác tổ chức cán bộ và đào tạo; xây dựng văn bản pháp luật và văn bản quản lý; hợp tác quốc tế; thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại tố cáo; công nghệ thông tin; báo chí, tuyên truyền... tiếp tục được triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra.

Về kế hoạch công tác tháng 8/2023, Chánh Văn phòng KTNN Lưu Trường Kháng  nêu 13 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, toàn Ngành tập trung tổ chức, triển khai thực hiện tốt KHKT năm 2023 đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả; tiếp tục đôn đốc việc thực hiện nghiêm kết luận, kiến nghị của KTNN và tích cực cập nhật đầy đủ thông tin, dữ liệu hoạt động kiểm toán lên phần mềm theo quy định; bố trí nhân sự phù hợp, khẩn trương trả lời khiếu nại, kiến nghị kiểm toán của đơn vị được kiểm toán; kịp thời số hóa các Báo cáo kiểm toán đã phát hành để cung cấp cho Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội theo quy định.

Bên cạnh đó, chuẩn bị tốt cho phiên giải trình với Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội về tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; xây dựng, thẩm định; trình Tổng Kiểm toán nhà nước dự kiến KHKT năm 2024 và KHKT trung hạn 2024-2026 của các đơn vị trong Ngành; bám sát kế hoạch và triển khai tốt các hoạt động KSCLKT, xây dựng văn bản pháp luật, công tác thanh tra, hợp tác quốc tế, đào tạo, nghiên cứu khoa học; công nghệ thông tin, truyền thông và các hoạt động tổ chức kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập KTNN…
 
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Thống nhất với nội dung của các báo cáo được trình bày tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi, đánh giá về kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác của Ngành cũng như của các đơn vị trong thời gian qua; đồng thời đề xuất giải pháp, chia sẻ những kinh nghiệm hay để nâng cao hơn nữa chất lượng thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là nhiệm vụ kiểm toán trong thời gian tới.

Phát biểu chỉ đạo, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn bày tỏ sự đồng tình với các nội dung được báo cáo cũng như các ý kiến phát biểu tại Hội nghị. Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu Văn phòng KTNN nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến được trao đổi để hoàn thiện các báo cáo.

Về các nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 8/2023, Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu toàn Ngành chuẩn bị tốt Phiên giải trình của Ủy ban Tài chính Ngân sách về việc thực hiện kết luận, kiến nghị KTNN đến hết niên độ NSNN năm 2021. “Đây là dịp để chúng ta đánh giá chất lượng việc thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN trong thời gian qua, qua đó tìm ra những nguyên nhân và các giải pháp giải quyết những nội dung còn tồn đọng. Mọi hoạt động kiểm toán luôn được công khai minh bạch và hướng tới mục tiêu đảm bảo chất lượng, chất lượng hơn và chất lượng hơn nữa trong hoạt động của KTNN.”- Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh.

Một nhiệm vụ trọng tâm khác được Tổng Kiểm toán nhà nước giao các đơn vị là tập trung thực hiện tốt KHKT với yêu cầu là nâng cao chất lượng, tránh chồng chéo và chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán; đồng thời khẩn trương công khai BCKT theo quy định.

Về xây dựng KHKT năm 2024, yêu cầu các đơn vị bám sát hướng dẫn về xây dựng KHKT năm 2024 và KHKT trung hạn 2024-2026, đảm bảo đúng phương châm của ngành là “làm ít nhưng chất”, trong đó đặc biệt lưu ý về nguyên tắc, định hướng xây dựng KHKT năm 2024; ưu tiên, chú trọng lựa chọn tổ chức kiểm toán các vấn đề, lĩnh vực “nóng” được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm như việc quản lý sử dụng tài nguyên đất đai, quản lý môi trường... “Thông qua hoạt động kiểm toán để khẳng định được uy tín, tiếng nói và hình ảnh của KTNN, đóng góp thiết thực vào công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.”- Tổng Kiểm toán nhà nước nói.

Về công tác chuẩn bị ý kiến của KTNN về dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024, Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu nâng cao chất lượng ý kiến của KTNN; các đơn vị cần chủ động phối hợp với các Bộ ngành, địa phương để thu thập đầy đủ thông tin về lập dự toán NSNN…

Về các mặt công tác khác, Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu toàn Ngành tập trung nguồn lực thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm toán trong năm; khẩn trương trả lời khiếu nại, kiến nghị kiểm toán của đơn vị được kiểm toán; đồng thời xác định rõ trách nhiệm trong việc chậm trả lời kiến nghị, khiếu nại kiểm toán (đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán; đơn vị phối hợp); các đơn vị cần tăng cường ứng dụng CNTT trong mọi hoạt động nhằm khai thác, phát huy được hiệu quả công việc, tập trung nguồn lực cho công tác chuyển đổi số trong toàn Ngành.

Cùng với đó, xây dựng phương án luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác theo Nghị quyết của Ban cán sự đảng, Lãnh đạo KTNN; thực hiện đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, đặc biệt pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bảo mật thông tin; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, gắn với hoạt động thực tiễn của Ngành.

Đối với các hoạt động kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập KTNN, Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu các Tiểu ban tổ chức kỷ niệm 30 năm thành lập KTNN bám sát kế hoạch hoạt động của từng Tiểu ban để tổ chức thực hiện, đảm bảo tiến độ theo yêu cầu./.

Phương Ngọc
 
 
 

Xem thêm »