Công khai kết quả kiểm toán ngân sách địa phương năm 2022 và Chuyên đề việc quản lý, sử dụng Quỹ bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2020-2022 tại tỉnh Lào Cai

23/10/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Thực hiện Quyết định số 338/QĐ-KTNN ngày 31/03/2023 của Tổng Kiểm toán nhà nước, từ ngày 05/4/2023 đến ngày 29/5/2023, Đoàn kiểm toán thuộc Kiểm toán nhà nước khu vực VII đã thực hiện cuộc kiểm toán Ngân sách địa phương năm 2022 của tỉnh Lào Cai và Chuyên đề “Việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2020-2022 tại tỉnh Lào Cai”.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Kết quả kiểm toán đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý điều hành thu, chi ngân sách, quản lý sử dụng tài chính, tài sản công; việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh Lào Cai.

Kết quả kiểm toán ngân sách địa phương năm 2022 tại tỉnh Lào Cai

Kết quả kiểm toán ngân sách địa phương năm 2022 của tỉnh Lào Cai cho thấy, năm 2022 là năm đầu thực hiện thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2022-2025, tỉnh Lào Cai đã có nhiều cố gắng trong quản lý, chỉ đạo, điều hành dự toán NSNN năm 2022, thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 23/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; địa phương đã ban hành Chỉ thị số 17/CT-UBND với 11 nhóm giải pháp, nhiệm vụ cụ thể gắn với việc triển khai 06 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành năm 2022 của Chính phủ cho phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý điều hành thu chi ngân sách, quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công của tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.

Về thu ngân sách:

Dự toán thu nội địa năm 2022 xây dựng bằng 106,5% số ước thực hiện năm 2021, tuy nhiên số ước thực hiện năm 2021 mới chỉ bằng 79,6% số thực hiện năm 2021. Một số chỉ tiêu lập, giao dự toán thu nội địa chưa sát với khả năng thực hiện. Tại 05 huyện, thị xã, thành phố được kiểm toán: giao dự toán thu tiền sử dụng đất chưa sát với khả năng thực hiện; giao dự toán còn chưa bao quát hết nguồn thu...

Công tác quản lý nợ thuế: Chưa đầy đủ nợ tiền thuê đất 3,134 tỷ đồng, nợ tiền sử dụng đất 12,533 tỷ đồng, tiền chậm nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất 1,716 tỷ đồng vào ứng dụng quản lý thuế tập trung TMS. Tại 05 huyện, thị xã, thành phố được kiểm toán chi tiết: một số huyện chưa đạt chỉ tiêu thu tối thiểu; phân loại nợ đọng tiền sử dụng đất chưa phù hợp so với hướng dẫn.

Công tác quản lý tiền thu sử dụng đất, tiền thuê đất: (i) Một số tổ chức hoạt động khai thác khoáng sản chưa làm thủ tục thuê đất (Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam; Công ty CP Xây dựng Việt Thái và Công ty CP Xây lắp và Vận tải Long Vũ); trong đó, đối với Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam, diện tích sử dụng chưa có hồ sơ thuê đất được Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường xác định ngày 05/8/2019, đồng thời ngày 12/12/2019 UBND tỉnh Lào Cai đã yêu cầu Sở hướng dẫn, đôn đốc Công ty khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, các thủ tục thuê đất, nhưng đến thời điểm kiểm toán (năm 2023), đơn vị chưa có hồ sơ thuê đất theo quy định; (ii) Thông tin diện tích đất tại Phiếu chuyển thông tin số 986/VPĐK-ĐKCG ngày 06/12/2022 của Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh Lào Cai đối với thửa đất thuộc tuyến đường đi khu du lịch Cát Cát/Từ cổng Bảo tồn đến đường lên lầu vọng cảnh của Công ty Cổ phần đầu tư Việt Nhật thuê thực hiện xây dựng khu du lịch sinh thái Việt Nhật (ghi vị trí còn lại sau vị trí 4 với diện tích 22.110m2) chưa đúng với quy định tại Quyết định số 19/2020/QĐ-UBND ngày 18/6/2020 của UBND tỉnh Lào Cai (chỉ quy định vị trí 1, 2, 3 và 4, không có vị trí còn lại), dẫn đến xác định đơn giá thuê đất có thể chưa phù hợp; (iii) Các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính khối tỉnh chưa làm thủ tục thuê đất theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 56 Luật Đất đai số 45/2013/QH13; (iv) Một số tổ chức, cá nhân được Nhà nước cho thuê đất đã bỏ địa chỉ kinh doanh nhiều năm chưa được xử lý thu hồi đất thuê, Chi cục Thuế khu vực Lào Cai - Mường Khương không tiếp tục xác định tiền thuê đất hàng năm cho 07 tổ chức được Nhà nước cho thuê đất đã bỏ địa chỉ kinh doanh, chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi đất là chưa đúng quy định tại điểm i khoản 1 Điều 64 Luật đất đai số 45/2013/QH13; (v) Tại thị xã Sa Pa, việc áp dụng giá đất để tính tiền sử dụng đất đối với ông Nguyễn Văn Tiến chưa phù hợp giá đất trong quyết định của UBND tỉnh Lào Cai (hiện nay Chi cục thuế đã hủy thông báo và đã đề nghị Văn phòng Đăng ký đất đai, Phòng Tài nguyên và Môi trường kiểm tra và xác định lại vị trí và giá đất).

Năm 2022 căn cứ vào các bản tự kê khai của Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND tỉnh Lào Cai ban hành 10 quyết định tạm tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản quặng Apatit loại 3 đối với Công ty (chưa xác định số chính thức) là chưa phù hợp với quy định tại Điều 5 Nghị định số 67/2019/NĐ-CP ngày 31/7/2019 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
Chi nhánh Công ty cổ phần xây dựng giao thông 18 tại Chi cục Thuế huyện Văn Bàn chưa quy đổi từ số lượng quặng thành phẩm ra số lượng quặng nguyên khai để áp dụng thu phí bảo vệ môi trường.
 
Về chi thường xuyên:
 
Chi các chương trình mục tiêu, bổ sung có mục tiêu: Kinh phí hết nhiệm vụ chi chưa nộp trả cấp trên 64,497 tỷ đồng.

Chi chuyển nguồn: Chi chuyển nguồn còn cao; chuyển nguồn ngân sách năm 2022 sang năm 2023 kinh phí hết nhiệm vụ chi, chưa nộp trả 37,696 tỷ đồng.

Số liệu báo cáo địa phương nguồn cải cách tiền lương (CCTL) còn dư năm 2022 chuyển sang năm 2023 là 729,217 tỷ đồng; số kiểm toán là 778,065 tỷ đồng; nguồn chuyển năm sau tăng so với số báo cáo của địa phương 48,848 tỷ đồng.

Tạm ứng ngân sách từ nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi ngân sách tỉnh, lũy kế đến 31/12/2021 là 33,048 tỷ đồng, số dư ứng chưa thu hồi là 28,092 tỷ đồng.
 
Ứng trước dự toán từ ngân sách Trung ương lũy kế đến 31/12/2021 để thực hiện các dự án, công trình xây dựng cơ bản là 589,030 tỷ đồng (không phát sinh ứng trước trong năm 2022), đến thời điểm kiểm toán (tháng 5/2023) Trung ương chưa bố trí dự toán để thu hồi vốn ứng trước.

Đối với Quỹ Phát triển đất tỉnh Lào Cai: Đến ngày 31/12/2022, dư nợ vốn ứng quá hạn 781,728 tỷ đồng; dự nợ phí ứng vốn quá hạn phải trả 22,196 tỷ đồng. Đến ngày 15/5/2023, số dư nợ vốn ứng quá hạn 657,412 tỷ đồng; dư nợ phí ứng vốn quá hạn phải trả 24,414 tỷ đồng.

Đối với Quỹ bảo vệ môi trường tỉnh Lào Cai: Còn 11 Công ty chưa thực hiện ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường lũy kế đến năm 2022 số tiền 15,246 tỷ đồng.

Theo Quyết định số 213/QĐ-UBND ngày 17/01/2017 của UBND tỉnh Lào Cai, Ban quản lý Khu du lịch sinh thái Hàm Rồng thị xã Sa Pa là đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên; đơn vị không lập Đề án thu phí quy định của khoản 1 Điều 6 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23/8/2016 của Chính phủ. Tuy nhiên theo quy định tại Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND ngày 10/7/2020, Nghị quyết số 28/2021/NQ-HĐND ngày 8/12/2021 của HĐND tỉnh Lào Cai, phí tham quan danh lam thắng cảnh trên địa bàn thị xã Sa Pa do UBND thị xã Sa Pa thu được điều tiết 100% cho ngân sách thị xã. UBND thị xã Sa Pa không lập, tổng hợp dự toán chi của Ban quản lý Hàm Rồng trong dự toán chi ngân sách địa phương năm 2022, tự cân đối ngân sách địa phương, cấp hỗ trợ kinh phí cho Ban quản lý Hàm Rồng để duy trì hoạt động.
 
Về chi đầu tư:

Nguồn vốn ngân sách địa phương trong kế hoạch đầu tư công năm 2022 của UBND tỉnh chưa có danh mục dự án chi tiết trước 31/12/2021 với tổng số tiền là 1.582,469 tỷ đồng, chưa phân bổ chi tiết kế hoạch vốn trung ương hỗ trợ 100 tỷ đồng trước 31/12/2021 là chưa phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14; 04/05 huyện, thị xã, thành phố được kiểm toán chi tiết chưa ưu tiên bố trí vốn năm 2022 để thanh toán nợ đọng XDCB theo quy định. Một số dự án được bố trí vốn nhưng chưa giải ngân hoặc tỷ lệ giải ngân thấp.
 
Nợ đọng XDCB đến hết năm 2021 là 245,883 tỷ đồng (ngân sách tỉnh), nợ đọng XDCB đến hết năm 2022 là 307,231 tỷ đồng, trong đó nợ phát sinh trong năm 2022 là 61,348 tỷ đồng. Vốn năm 2023 đã phân bổ để trả nợ, đến hết tháng 6/2023 còn nợ 100,910 tỷ đồng.

Kiểm toán chi tiết tại 05 huyện, thị xã, thành phố: Còn trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án khi chưa có văn bản thống nhất theo Nghị quyết của HĐND (huyện Mường Khương); chưa kịp thời giảm trừ thuế GTGT từ 10% xuống 8% của khối lượng đã thực hiện, nghiệm thanh toán từ ngày 01/02/2022 đến hết 31/12/2022 theo quy định (03/05 huyện)
 
Qua kiểm toán chi tiết một số dự án cho thấy: (i) Công tác lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư còn hạn chế, dẫn đến phải điều chỉnh chủ trương đầu tư (huyện Văn Bàn 01 dự án; thành phố Lào Cai 02 dự án); phê duyệt điều chỉnh quy mô dự án Kè 2 bên suối khu trung tâm xã Bản Hồ, thị xã Sa Pa (bảo vệ dân cư), nạo vét lòng suối chưa đúng với chủ trương đầu tư được duyệt, dẫn đến mất tiền khảo sát, thiết kế (tiền khảo sát, lập dự án 87 triệu đồng, tiền thiết kế 209 triệu đồng) nhưng không sử dụng do cắt giảm 01 tuyến kè (Tuyến kè bờ tả Suối Nậm Pu 200m); quy mô công trình giữa chủ trương đầu tư và dự án được duyệt chưa thống nhất (huyện Bảo Yên 02 dự án); (ii) Công tác khảo sát, thiết kế còn hạn chế, dẫn đến phải điều chỉnh (thành phố Lào Cai 01 dự án; huyện Văn Bàn 04 dự án); chậm phê duyệt điều chỉnh thiết kế - dự toán công trình (Sở Giao thông vận tải - Xây dựng 01 dự án); hồ sơ thiết kế bản vẽ kết cấu với bản vẽ kiến trúc còn chưa thống nhất (huyện Mường Khương 01 dự án); (iii) Tại Dự án Khu tái định cư Cảng hàng không Lào Cai (giai đoạn II), phê duyệt quy mô tuyến đường H6 tại bước phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi chưa phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng khu tái định cư cảng hàng không Lào Cai và chủ trương đầu tư đã được phê duyệt; quy mô tuyến đường tránh tỉnh lộ chưa phù hợp với chủ trương đầu tư được duyệt; quy mô công trình giữa chủ trương đầu tư với quy hoạch điều chỉnh được duyệt chưa thống nhất với nhau; chậm thu hồi tiền tạm ứng, thiếu chứng chỉ chất lượng, xuất xứ…; (iv) Bố trí kế hoạch vốn cho dự án nhóm C quá thời hạn (huyện Bảo Yên 01 dự án); (v) Tiến độ thực hiện dự án còn chậm so với quy định hợp đồng (Thành phố Lào Cai 01 dự án; Sở Giao thông vận tải - Xây dựng 01 dự án; Thị xã Sa Pa 01 dự án; huyện Văn Bàn 02 dự án; huyện Bảo Yên 03 dự án; huyện Mường Khương 03 dự án); (vi) Quy định về giá hợp đồng trong các hợp đồng chưa phù hợp với hình thức hợp đồng (huyện Bảo Yên); (vii) Công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán và công tác nghiệm thu thanh toán còn sai sót, qua kiểm toán giảm trừ 84 triệu đồng; Giá trị nghiệm thu khối lượng hoàn thành, giảm trừ 9,863 tỷ đồng; Giá trị dự toán, giảm trừ 2,171 tỷ đồng; Giá trị hợp đồng còn lại, giảm trừ 2,777 tỷ đồng.

Ngoài ra, kết quả kiểm toán cho thấy nội dung tại khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 21/2019/NQ-HĐND ngày 06/12/2019 của HĐND tỉnh Lào Cai quy định “Trong thời gian giữa 02 kỳ họp, Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án cần thiết, thuộc quy mô nhóm C theo quy định tại Điều 8 Luật Đầu tư công...”, tuy nhiên quy định tại Điều 8 Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 là phân loại dự án nhóm A.
 
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Bất cập về chính sách trong công tác quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng

Cuộc kiểm toán Chuyên đề việc quản lý, sử dụng Quỹ bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2020-2022 được KTNN khu vực VII thực hiện lồng ghép trong cuộc kiểm toán ngân sách địa phương năm 2022 tại tỉnh Lào Cai.

Nội dung kiểm toán tập trung đánh giá: Công tác chỉ đạo điều hành; ban hành các văn bản; việc chấp hành pháp luật, chế độ, hướng dẫn thực hiện theo nhiệm vụ được giao; việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng.

Qua kiểm toán, cho thấy công tác quản lý, sử dụng kinh phí cho trồng rừng thay thế và chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (BV&PTR) tỉnh Lào Cai cơ bản tuân thủ quy định, góp phần vào công tác BV&PTR, bảo tồn đa dạng sinh học, cải thiện chất lượng môi trường sinh thái; nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn; đảm bảo an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý điều hành thu chi ngân sách, quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công, việc quản lý, sử dụng Quỹ BV&PTR của tỉnh Lào Cai và các đơn vị được kiểm toán còn một số hạn chế chủ yếu đó là: Việc xác định diện tích rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2021 chưa đảm bảo thời gian quy định; còn 03 dự án chậm nộp tiền trồng rừng thay thế; đến thời điểm kiểm toán (ngày 31/5/2023) có 31.389 triệu đồng đã quá hạn 12 tháng nhưng chưa chuyển về Quỹ BV&PTR Việt Nam; Quỹ chậm thanh toán tiền DVMTR; một số huyện, thị xã chưa phê duyệt Phương án sử dụng tiền DVMTR cho công tác quản lý, bảo vệ rừng của UBND cấp xã; quyết toán một số khoản chi khi chưa đủ điều kiện; chưa kê khai thuế TNDN (5% trên doanh thu) theo quy định.

Bên cạnh đó, kết quả kiểm toán đã chỉ ra những bất cập về chính sách như: Tại khoản 6 Điều 57 của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP không có quy định các cơ sở nuôi trồng thủy sản là hợp tác xã phải thực hiện chi trả trực tiếp tiền dịch vụ môi trường rừng. Do vậy, Quỹ BV&PTR tỉnh Lào Cai không có căn cứ để rà soát, quản lý thu tiền dịch vụ môi trường rừng đối với các đối tượng là cơ sở nuôi trồng thủy sản là Hợp tác xã. Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp, tuy nhiên, trong đó không có quy định xử phạt đối với hành vi chậm nộp tiền trồng rừng thay thế, dẫn đến chưa có căn cứ để xử phạt.

Kiến nghị để nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công

Qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị nộp ngân sách nhà nước các khoản thuế 70 triệu đồng; thu hồi nộp NSNN 64, 723 tỷ đồng, trong đó các khoản chi sai quy định 225 triệu đồng, kinh phí thừa 64,498 tỷ đồng; giảm dự toán, giảm thanh toán năm sau 44,290 tỷ đồng.

Kiến nghị chủ đầu tư có trách nhiệm giảm trừ khi thanh toán 4,131 tỷ đồng và thu hồi, nộp trả ngân sách 69 triệu đồng. Trường hợp không giảm trừ, thu hồi được thì xử lý trách nhiệm chủ đầu tư theo quy định.

Đồng thời, KTNN kiến nghị: (i) Điều chỉnh giảm giá trị trúng thầu gói thầu xây lắp số 04 của dự án Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Lào Cai, số tiền 68 triệu đồng; (ii) Huyện Mường Khương bố trí đủ 70% tăng thu năm 2022 làm nguồn CCTL năm 2023 số tiền 4,949 tỷ đồng; (iii) Huyện Bảo Yên bố trí hoàn trả nguồn phụ cấp lương theo biên chế, vị trí việc làm dùng chi trả các chế độ đảm bảo xã hội số tiền 3,073 tỷ đồng; (iv) Chủ đầu tư rà soát, tập hợp chứng chỉ chất lượng, xuất xứ của 02 Trạm biến áp KIOSK trọn bộ 560KVA - 35(22)/0,4Kv (Trạm T3, T4) làm cơ sở nghiệm thu theo quy định, số tiền 3,672 tỷ đồng; (v) Sở Tài chính theo dõi nguồn kinh phí CCTL tính tăng thêm các đơn vị số tiền 1,723 tỷ đồng; (vi) Nộp trả Quỹ BV&PTR tỉnh Lào Cai (nộp trả nguồn dịch vụ môi trường rừng) số tiền 6 triệu đồng.

Bên cạnh kiến nghị về xử lý tài chính, KTNN kiến nghị UBND tỉnh Lào Cai và các đơn vị trực thuộc được kiểm toán chấn chỉnh, rút kinh nghiệm đối với những hạn chế, tồn tại đã được nêu trong BCKT. Cụ thể, KTNN kiến nghị:

Sở Tài chính: Xác định chính xác nguồn và nhu cầu kinh phí CCTL; Rà soát, nộp trả kinh phí hết nhiệm vụ chi; Chủ động tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp để thu hồi vốn tạm ứng nhàn rỗi của ngân sách địa phương kéo dài nhiều năm.

Sở Kế hoạch và Đầu tư: Tham mưu phân bổ, giao kế hoạch vốn đảm bảo thời gian, danh mục chi tiết theo quy định; đồng thời đảm bảo bố trí vốn để thu hồi ứng trước dự toán theo quy định.
 
Kho bạc nhà nước: Tăng cường theo dõi, đôn đốc và báo cáo kịp thời tình hình thu hồi tạm ứng vốn đầu tư (các dự án tạm ứng quá hạn, kéo dài và có nhiều vướng mắc). Chỉ đạo KBNN huyện Văn Bàn thực hiện hạch toán đúng tiểu mục theo hướng dẫn tại khoản 4 Điều 1 Thông tư số 93/2019/TT-BTC ngày 31/12/2019 của Bộ Tài chính.

Sở Tài nguyên & Môi trường phối hợp với các cơ quan liên quan: (i) Kiểm tra xác định lại vị trí thửa đất của Công ty CP Đầu tư Việt Nhật thuê đất tại phường Cầu Mây thị xã Sa Pa để thông báo thông tin địa chính làm cơ sở cơ quan thuế xác định đơn giá thuê đất theo đúng quy định, truy thu tiền thuê đất (nếu có); (ii) Kiểm tra, rà soát các diện tích đất các đơn vị đang quản lý, sử dụng chưa đầy đủ thủ tục thuê đất để xử lý theo quy định, đồng thời kiểm tra, xác định diện tích, thời gian thuê đất để truy thu tiền thu đất theo quy định của: Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam, Công ty cổ phần xây dựng Việt Thái, Công ty cổ phần xây lắp và vận tải Long Vũ; (iii) Kiểm tra xác định việc các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính chưa làm thủ tục thuê đất; (iv) Kiểm tra xác định chính thức tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với quặng Apatit loại 3 của Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam kê khai năm 2022 theo quy định.

Quỹ phát triển đất: Đôn đốc thu hồi các khoản tạm ứng quá hạn, tiền trích thiếu về quỹ phát triển đất của các huyện các năm trước.

Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng: Đôn đốc các đơn vị nộp tiền trồng rừng thay thế đảm bảo thời gian quy định.

Quỹ Bảo vệ môi trường: Đôn đốc thu hồi tiền ký quỹ bảo vệ môi trường của các đơn vị chưa nộp về quỹ theo quy định.

Ngoài ra, KTNN kiến nghị UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo các cơ quan rà soát kinh phí trồng rừng thay thế đã quá hạn 12 tháng kể từ khi Chủ dự án nộp tiền vào Quỹ, nếu không bố trí đủ diện tích đất để trồng rừng thay thế, UBND tỉnh báo cáo Bộ NN&PTNT để xử lý theo quy định. Chỉ đạo các huyện, thành phố rà soát, điều chỉnh giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% đối với khối lượng hoàn thành nghiệm thu theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ.

Đối với UBND thành phố, thị xã, huyện được kiểm toán chi tiết:

UBND huyện Văn Bàn: Chỉ đạo Chi cục Thuế kiểm tra xác định việc Tờ khai quyết toán phí bảo vệ môi trường năm 2022 bổ sung lần 01 của Chi nhánh Công ty cổ phần xây dựng giao thông 18 tại Lào Cai chưa quy đổi từ số lượng quặng thành phẩm ra số lượng quặng nguyên khai.

UBND thị xã Sa Pa: (i) Kiểm tra việc tính tiền sử dụng đất của ông Nguyễn Văn Tiến để xử lý theo quy định; (ii) Báo cáo UBND tỉnh vướng mắc hoạt động của Ban quản lý Khu du lịch sinh thái Hàm Rồng thị xã Sa Pa để xử lý theo quy định của pháp luật.

UBND huyện Mường Khương, Bảo Yên phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra xác định rõ nguyên nhân và thực trạng việc bỏ địa chỉ kinh doanh, không thực hiện nghĩa vụ ngân sách đối với diện tích đất đã được cho thuê của các tổ chức, các nhân để xử lý theo quy định.

UBND các huyện, thị xã, thành phố phê duyệt phương án sử dụng tiền DVMTR cho công tác quản lý, bảo vệ rừng của UBND cấp xã theo quy định tại khoản 4 Điều 70 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP.

Các huyện, thị xã, thành phố và các Sở bố trí vốn hoàn trả vốn ứng, phí ứng vốn từ Quỹ phát triển đất theo quy định.

Đối với các chủ đầu tư được kiểm toán chi tiết:

Báo cáo cấp có thẩm quyền cân đối bố trí vốn xử lý nợ đọng XDCB theo quy định (huyện Văn Bàn; huyện Bảo Yên; huyện Mường Khương; Thị xã Sa Pa).

Rà soát, phê duyệt điều chỉnh quy mô công trình giữa chủ trương đầu tư và dự án được duyệt cho phù hợp (Huyện Bảo Yên); rà soát đảm bảo hồ sơ thiết kế với bản vẽ kiến trúc cho khớp đúng (Huyện Mường Khương).

Rà soát, điều chỉnh quy định về giá hợp đồng trong các hợp đồng cho phù hợp với hình thức hợp đồng đã ký theo quy định tại Điều 15 của Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ (Huyện Bảo Yên).

Chấn chỉnh công tác quản lý tiến độ thực hiện dự án, đồng thời báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các hợp đồng chậm tiến độ thực hiện dự án theo quy định (Thành phố Lào Cai; Sở Giao thông vận tải - Xây dựng; Thị xã Sa Pa; Huyện Văn Bàn; Huyện Bảo Yên; huyện Mường Khương).

Đối với Dự án Khu tái định cư Cảng hàng không Lào Cai (giai đoạn II): (i) Rà soát, trình phê duyệt điều chỉnh Chủ trương đầu tư về kích thước chiều rộng nền đường, mặt đường của 08 tuyến đường cho phù hợp với quy hoạch điều chỉnh; (ii) Rà soát, trình điều chỉnh quy mô tuyến đường H6 tại bước phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi cho phù hợp với quy hoạch chi tiết; (iii) Rà soát, trình phê duyệt chủ trương đầu tư quy mô tuyến đường tránh tỉnh lộ 151C cho phù hợp với TCVN 4054-2005; (iv) Rà soát, điều chỉnh quy định về giá hợp đồng trong hợp đồng xây dựng cho phù hợp; (v) Rà soát, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, báo cáo cấp có thẩm quyền gia hạn tiến độ thực hiện hợp đồng, tiến độ thực hiện dự án; (vi) Rà soát, thực hiện thu hồi vốn tạm ứng Gói thầu xây lắp số 01 theo quy định 20,858 tỷ đồng.

Qua kết quả kiểm toán, KTNN kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan trong việc chậm rà soát, xử lý theo quy định đối với việc Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam đang sử dụng diện tích đất cho hoạt động khai thác khoáng sản, nhưng chưa có hồ sơ thuê đất. Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong việc điều chỉnh quy mô dự án Kè 2 bên suối khu trung tâm xã Bản Hồ, thị xã Sa Pa (bảo vệ dân cư), nạo vét lòng suối, dẫn đến mất tiền khảo sát, thiết kế nhưng không sử dụng do cắt giảm 01 tuyến kè (Tuyến kè bờ tả Suối Nậm Pu 200m).

KTNN kiến nghị HĐND tỉnh Lào Cai: Rà soát, sửa đổi nội dung quy định tại khoản 2 Điều 1 của Nghị quyết số 21/2019/NQ-HĐND ngày 06/12/2019 đang quy định “Trong thời gian giữa 02 kỳ họp, Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án cần thiết, thuộc quy mô nhóm C theo quy định tại Điều 8 Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14…” thành “Trong thời gian giữa 02 kỳ họp, Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án cần thiết, thuộc quy mô nhóm C theo quy định tại Điều 10 Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14…”,  cho đúng quy định tại Luật đầu tư công số 39/2019/QH14.

Kiến nghị Bộ Tài chính: Khi thẩm định nguồn và nhu cầu thực hiện CCTL, các chính sách an sinh xã hội năm 2022 của tỉnh Lào Cai thì lưu ý nguồn thực hiện CCTL còn dư chuyển năm 2023 kiểm toán xác định 697.361trđ (trong đó nguồn năm trước chuyển sang 39.004trđ; nguồn tăng thu thực hiện so với dự toán năm 2021 để tạo nguồn CCTL tăng 01trđ) và lưu ý một số chính sách nguồn trung ương đảm bảo tỉnh đang báo cáo thiếu nguồn trong năm 2022 là 40,115 tỷ đồng.

Kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Tiếp tục trình Chính phủ bố trí vốn để thu hồi ứng trước dự toán ngân sách trung ương đối với các công trình, dự án của tỉnh Lào Cai đã qua nhiều năm, số tiền 589,030 tỷ đồng.

Kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tham mưu cho Chính phủ xem xét, sửa đổi, bổ sung: (i) Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ: bổ sung quy định việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đối với cơ sở nuôi trồng thủy sản là hợp tác xã; (ii) Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ: bổ sung quy định xử phạt đối với hành vi chậm nộp tiền trồng rừng thay thế của các chủ dự án.

Hà Linh
 

Xem thêm »