Kiểm toán góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả đầu tư công

26/10/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Nâng cao hiệu lực, hiệu quả đầu tư công (ĐTC), tạo đà thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - đó là nhiệm vụ cần sự chung tay của các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán. Vậy Kiểm toán nhà nước (KTNN) cần làm gì để góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ này?

Đó là một trong những câu hỏi được đặt ra tại Diễn đàn: “Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - Những nút thắt và vai trò của KTNN” vừa được KTNN tổ chức thành công.

Tăng dần kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề về đầu tư công

Các tham luận và ý kiến tại Hội thảo chuyên đề về ĐTC và Phiên toàn thể trong khuôn khổ Diễn đàn đã khẳng định vai trò quan trọng của KTNN đối với công tác quản lý, sử dụng các nguồn lực ĐTC qua thực tiễn kiểm toán. Minh chứng là, những năm gần đây, KTNN đã tăng dần các cuộc kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề, tập trung đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực của các chương trình, dự án ĐTC. Trong đó, các cuộc kiểm toán hoạt động trong lĩnh vực ĐTC với số lượng, chất lượng ngày càng được nâng lên. Có thể kể đến một số cuộc kiểm toán tiêu biểu như: Kiểm toán hoạt động việc thực hiện các mục tiêu xây dựng và phát triển khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, Dự án cấp nước và nước thải đô thị vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB), công tác lập, phân bổ vốn đầu tư Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…

"Giai đoạn 2017-2022, KTNN thực hiện 53 cuộc kiểm toán hoạt động về ĐTC. Các cuộc kiểm toán tập trung vào những vấn đề nóng được dư luận xã hội, Quốc hội và cử tri quan tâm, phục vụ các chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội.
Qua kiểm toán, KTNN chỉ rõ nhiều bất cập trong cơ chế, chính sách cũng như quá trình tổ chức thực hiện các dự án. Các bất cập, vướng mắc này được Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành IV Vũ Thanh Hải đúc kết thành 5 nhóm vấn đề sau: Thứ nhất, công tác chuẩn bị đầu tư thường diễn ra trong quá trình tương đối dài, thậm chí kéo dài một vài năm đối với những dự án lớn. Công tác này nếu không được thực hiện tốt dễ làm phát sinh bất cập. Việc điều chỉnh đối với những vấn đề phát sinh trong quá trình chuẩn bị đầu tư mất nhiều thời gian, làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn ĐTC.

Thứ hai, một trong những yếu tố chính làm ảnh hưởng đến hiệu quả ĐTC là những vướng mắc liên quan đến cơ chế đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư và vấn đề chuyển đổi đất nông nghiệp, đất rừng. Thứ ba, việc lựa chọn nhà thầu, quản lý tiến độ dự án cũng như quy định về trách nhiệm của các bên trong thực hiện hợp đồng vẫn còn những hạn chế, dẫn đến khi phát sinh vấn đề, việc phối hợp, xử lý mất nhiều thời gian. Thứ tư, việc lựa chọn, bố trí vốn cho từng dự án chưa đảm bảo kịp thời, đầy đủ, đúng tiêu chí, chưa ưu tiên cho những dự án cấp bách, quan trọng, dự án có khối lượng lớn. Thứ năm, mặc dù cơ chế, chính sách thường xuyên được rà soát, sửa đổi nhưng từng góc độ, từng vấn đề vẫn còn những bất cập, mâu thuẫn.

Trên cơ sở phát hiện những bất cập, hạn chế, KTNN đã kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương và các ban quản lý dự án kịp thời khắc phục những thiếu sót trong công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý dự án; đồng thời kiến nghị xem xét, sửa đổi các quy định, chính sách không còn phù hợp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả triển khai các dự án ĐTC.

Có thể thấy, vai trò của KTNN đối với việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả các dự án ĐTC ngày càng được khẳng định qua hoạt động kiểm toán. Chia sẻ tại Diễn đàn, các đại biểu cho rằng, vai trò này cần được phát huy hơn nữa, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay.

Lựa chọn chủ đề phù hợp, đổi mới nội dung và phương pháp

Năm 2023, khối lượng vốn ĐTC phải giải ngân rất lớn, ước tính khoảng 30 tỷ USD. Việc giải ngân số vốn này sẽ tạo đà thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Với nhiệm vụ kiểm toán các dự án đầu tư, KTNN cần tiếp tục có các giải pháp để nâng cao chất lượng kiểm toán, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân cũng như gia tăng hiệu lực, hiệu quả các dự án ĐTC, tạo đà tăng trưởng.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Vũ Thanh Hải cho rằng, KTNN cần lựa chọn chủ đề kiểm toán trên cơ sở bám sát chỉ đạo của lãnh đạo KTNN cũng như mục tiêu, định hướng phát triển của Ngành. Các cuộc kiểm toán cần tập trung vào những vấn đề lớn, vấn đề được Đảng, Nhà nước và xã hội quan tâm, có ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Đặc biệt, cần tăng cường kiểm toán hoạt động, đi vào vấn đề đặt ra từ thực tiễn, góp phần giải quyết các vướng mắc trong giải ngân vốn ĐTC.

Cùng với việc lựa chọn chủ đề phù hợp, theo ông Hải, KTNN cần đổi mới phương pháp và nội dung kiểm toán theo hướng: Nhận diện được những bất cập, khó khăn trong quá trình giải ngân vốn; tập trung đánh giá chính sách để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật; chú trọng đánh giá các vấn đề liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, định mức mới, công nghệ mới…

Cũng từ thực tiễn kiểm toán, KTNN chuyên ngành II cho rằng, KTNN cần thực hiện các cuộc kiểm toán hoạt động chuyên sâu về ĐTC, có quy mô toàn Ngành. Chú trọng kiểm toán đối với các dự án lớn, dự án quan trọng quốc gia ngay từ khâu chuẩn bị đầu tư (kiểm toán báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, chủ trương đầu tư, sự cần thiết đầu tư), trong đó tập trung đánh giá sự cần thiết đầu tư, quy mô và nội dung đầu tư. Đánh giá hiệu quả, tác động đối với kinh tế - xã hội, ảnh hướng tới môi trường và các yếu tố khác khi dự án được chấp thuận đầu tư.

"Khi chỉ ra những nút thắt trong ĐTC, KTNN nên có thêm số liệu để minh họa, dẫn chứng. Cần lựa chọn những vấn đề trọng tâm để đánh giá." - Bà Vũ Hoàng Quyên - Chuyên gia kinh tế và quản trị cấp cao của WB

Đưa ra khuyến nghị với KTNN, bà Vũ Hoàng Quyên - Chuyên gia kinh tế và quản trị cấp cao của WB - cũng nhấn mạnh: Thời gian tới, KTNN cần tăng cường kiểm toán hoạt động với chuyên đề mang tính chuyên sâu về ĐTC và có thể nghiên cứu kiểm toán chuyên đề về ĐTC gắn với mục tiêu tăng trưởng, phát triển của Việt Nam, trong đó lưu ý chuyên đề về liên kết vùng hay ĐTC để khuyến khích thúc đẩy tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, các chương trình mục tiêu quốc gia…

Việc thực hiện những cuộc kiểm toán chuyên sâu về ĐTC với quy mô toàn Ngành theo gợi ý của các chuyên gia sẽ giúp KTNN có những ý kiến quan trọng với Quốc hội, Chính phủ về quyết sách đầu tư các chương trình, dự án có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội hiện nay./.

Theo Báo Kiểm toán số 43/2023

Xem thêm »