Nghị quyết 43/2022/QH15 tạo động lực cho phục hồi, phát triển kinh tế

26/04/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước (KTNN) cho thấy, sau gần 02 năm triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 (Nghị quyết số 43), Chính phủ, các Bộ, cơ quan, địa phương đã nỗ lực triển khai quyết liệt các nhiệm vụ được giao. Việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết đã giúp kinh tế vĩ mô tiếp tục được giữ ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo…

Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội làm việc với các Bộ, ngành về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023

Thực hiện nhiều cuộc kiểm toán đánh giá việc thực hiện các chính sách hỗ trợ

Đại dịch Covid-19 đã tác động và ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động của các doanh nghiệp và đời sống của nhân dân. Trước bối cảnh đó, Quốc hội khóa XV đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội với nhiều chính sách mạnh mẽ, quyết liệt, chưa từng có tiền lệ nhằm hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch gây ra, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế.

Trên cơ sở các chính sách được Quốc hội quyết nghị, ngày 30/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhằm triển khai, cụ thể hóa các quyết sách tại Nghị quyết số 43 và ban hành các giải pháp thuộc thẩm quyền của Chính phủ nhằm triển khai Chương trình một cách tổng thể, đồng bộ.

Khoản 3 Điều 7 Nghị quyết số 43 quy định, KTNN tổ chức thực hiện kiểm toán hằng năm việc tổ chức thực hiện Chương trình, bảo đảm thực hiện nhanh, hiệu quả, công khai, minh bạch, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối các năm 2022, 2023 và kỳ họp giữa năm 2024.

Báo cáo với Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 43, KTNN đã xây dựng kế hoạch kiểm toán năm 2023 và tiến hành một số cuộc kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ Chương trình.

Cụ thể là, kiểm toán chuyên đề "Công tác lập, phân bổ vốn đầu tư Chương trình phục và phát triển kinh tế - xã hội; việc thực hiện các chính sách đầu tư phát triển theo Nghị quyết 43/2022/QH15"; kiểm toán chuyên đề "Việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động đang ở thuê, ở trọ, làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 tại Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và một số địa phương"; kiểm toán hoạt động "Việc quản lý và sử dụng Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích" và "Chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP".

Bên cạnh các cuộc kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động, KTNN đã ban hành văn bản định hướng một số nội dung trọng yếu cần tập trung đánh giá trong các cuộc kiểm toán trong năm 2023 đối với niên độ ngân sách 2022 như: Đánh giá việc triển khai và thực hiện chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Nghị định số 34/2022/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022; công tác điều hoà, phân bổ nguồn vốn đầu tư công của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và nguồn vốn đầu tư công của chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15...
 
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ báo cáo với Đoàn giám sát một số kết quả kiểm toán chủ yếu của KTNN về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15
 

Tiến độ giải ngân các dự án còn chậm so với yêu cầu

Việc Quốc hội kịp thời ban hành Nghị quyết số 43/2023/QH15 và các cấp, các ngành tổ chức thực hiện Nghị quyết đã tạo động lực cho việc phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19 với nhiều kết quả quan trọng trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cải thiện đời sống của nhân dân, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ nêu rõ, sau gần 02 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực, triển khai quyết liệt các nhiệm vụ được giao. Việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết đã đạt được một số kết quả chủ yếu. Theo đó, kinh tế vĩ mô nước ta tiếp tục được giữ ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; nhất là trong bối cảnh nhiều yếu tố bất lợi ở trong và ngoài nước.

Kết quả kiểm toán cho thấy, tính đến hết tháng 08/2023, tổng số thuế, phí, lệ phí đã miễn, giảm lũy kế thực hiện theo các chính sách thuộc Chương trình là 102.831 tỷ đồng (năm 2022 là 60.531 tỷ đồng, 08 tháng năm 2023 là 42.300 tỷ đồng), trong đó năm 2022 bằng 94,5% dự kiến khi xây dựng Chương trình. Kết quả này đã góp phần tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng trong nước; góp phần giảm chi phí đầu vào, kiềm chế lạm phát, đặc biệt trong bối cảnh giá nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh tăng cao.
 
Chính phủ đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, đến nay, lãi suất cho vay đã có xu hướng giảm; công tác phòng, chống dịch Covid-19 được thực hiện quyết liệt, tập trung, có hiệu quả nên dịch bệnh được kiểm soát, tạo điều kiện để hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại trạng thái bình thường mới;  góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội;..

Tuy nhiên, qua kết quả kiểm toán cho thấy, việc triển khai, tổ chức thực hiện Chương trình còn tồn tại, hạn chế, vướng mắc, bất cập. Điển hình như, tiến độ giải ngân của nhiều dự án rất chậm so với yêu cầu của Nghị quyết số 43; kết quả thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất 2% cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi… còn rất thấp so với kế hoạch đề ra; việc triển khai chính sách hỗ trợ  tiền thuê nhà cho người lao động còn vướng mắc, lúng túng và khó khăn trong quá trình thực hiện, ảnh hưởng đến tiến độ…

Căn cứ kết quả kiểm toán, KTNN đã đề xuất nhóm giải pháp về áp dụng cơ chế đặc thì khi thực hiện Chương trình; đồng thời, có những kiến nghị cụ thể với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành địa phương liên quan nhằm đảm bảo tiến hộ, hiệu quả thực hiện Chương trình.

Kết quả kiểm toán đã được cung cấp kịp thời, phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội. Các thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực, nghiêm túc của KTNN trong việc chuẩn bị tài liệu, báo cáo. KTNN đã báo cáo tóm tắt, thực hiện giải trình những nội dung thuộc chức năng nhiệm vụ của mình liên quan đến chuyên đề giám sát; báo cáo đã bám sát yêu cầu của Đoàn giám sát, được chuẩn bị tương đối kỹ lưỡng, nội dung rõ ràng.

Theo Đoàn giám sát, KTNN theo chức năng, nhiệm vụ của mình đã khẩn trương, nghiêm túc, tích cực triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội. Đây là những căn cứ quan trọng giúp Đoàn giám sát trong quá trình tổng hợp cũng như kiến nghị với Quốc hội nhiều nội dung quan trọng liên quan đến Nghị quyết số 43/2022/QH15 và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia./.

Nguyễn Hồng
 

Xem thêm »