Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

15/07/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 141/2024/QH15 ngày 29/6/2024 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Bế mạc Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV. Ảnh: VPQH


Quốc hội thống nhất đánh giá, sau 2,5 ngày làm việc nghiêm túc, dân chủ, trách nhiệm, tinh thần xây dựng cao, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 đã thành công tốt đẹp, thu hút được sự quan tâm của Nhân dân và cử tri cả nước. Quốc hội ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Kiểm toán nhà nước trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ trên các lĩnh vực, đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Qua chất vấn, Quốc hội nhận thấy vẫn còn một số tồn tại, hạn chế và bất cập cần khắc phục trong công tác quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực. Quốc hội cơ bản tán thành với các giải pháp, cam kết mà Bộ trưởng các Bộ: Tài nguyên và Môi trường; Công Thương; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tổng Kiểm toán nhà nước và các thành viên khác của Chính phủ đã báo cáo tại phiên chất vấn.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Kiểm toán nhà nước và các cơ quan liên quan tập trung thực hiện các nội dung sau đây:

Đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường

Thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ưu tiên nguồn lực nghiên cứu, điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Trong năm 2025, tổng kết việc thi hành và nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về việc khai thác, sử dụng tài nguyên biển. Đẩy nhanh chuyển đổi số, sớm hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo quốc gia, hệ thống hỗ trợ công tác quản lý về giao, sử dụng khu vực biển. Kiện toàn, nâng cao năng lực bộ máy cơ quan quản lý tổng hợp biển, hải đảo; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực biển. Chú trọng bảo vệ các hệ sinh thái biển, đảo; phát triển các khu bảo tồn biển; xây dựng, triển khai Đề án kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải ở khu vực ven biển, trên đảo. Huy động các nguồn vốn đầu tư để phát triển các ngành kinh tế biển, đặc biệt là các ngành kinh tế biển mới.

Đối với lĩnh vực công thương

Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về thương mại điện tử và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong việc quản lý, giám sát và giải quyết tranh chấp trực tuyến trong hoạt động thương mại điện tử. Nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện quy định xác thực tài khoản người bán cá nhân và cung cấp thông tin trên các ứng dụng thương mại điện tử. Đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Tăng cường hoạt động tuyên truyền để người tiêu dùng nghiên cứu kỹ thông tin sản phẩm, người bán hàng trong giao dịch trên không gian mạng. Kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa trong thương mại điện tử; đấu tranh với các hành vi gian lận thương mại, hành vi hạn chế cạnh tranh và cạnh tranh không lành mạnh, sản xuất hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch

Tổ chức thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về văn hoá trong các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, đề án đã được ban hành, nhất là bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật về văn hóa; tập trung hoàn thiện dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8. Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, ngăn ngừa nguy cơ mai một văn hóa của các dân tộc thiểu số, đặc biệt là các dân tộc thiểu số rất ít người và phát triển mạng lưới thiết chế văn hóa, thể thao, chú trọng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở. Tăng cường đầu tư gắn với đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đối với Kiểm toán nhà nước

Rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Kiểm toán nhà nước và các văn bản liên quan đến chuẩn mực kiểm toán nhà nước, quy trình kiểm toán, hồ sơ kiểm toán. Đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030; tập trung kiểm toán những vấn đề "nóng", được dư luận xã hội, Quốc hội và cử tri quan tâm. Cung cấp kịp thời báo cáo kiểm toán cho cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra. Đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới phương pháp và cách thức tổ chức thực hiện kiểm toán, từng bước chuyển đổi từ cách tiếp cận kiểm toán truyền thống sang cách tiếp cận kiểm toán số dựa trên nền tảng dữ liệu lớn với sự hỗ trợ của công nghệ.

Xem Nghị quyết số 141/2024/QH15 tại đây

Hà Linh

Xem thêm »