Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn phát biểu tại Hội nghị
Tham dự Hội nghị, về phía Đoàn công tác của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình còn có các đồng chí: Đặng Bích Ngọc - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình; Hoàng Đức Chính - Bí thư Huyện ủy Lạc Sơn; Nguyễn Cao Sơn - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh Hòa Bình.
Về phía tỉnh Kon Tum có các đồng chí: Dương Văn Trang - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum; Phạm Đình Thanh - Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Kon Tum; đại diện lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH tỉnh, HĐND tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Kon Tum; lãnh đạo huyện Ngọc Hồi, cùng trên 300 cử tri là đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình sinh sống tại huyện Ngọc Hồi.
Hội nghị tiếp xúc cử tri còn có sự tham dự của các đồng chí: Nguyễn Tuấn Anh - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước; Bùi Đức Hinh - Chủ tịch HĐND tỉnh Hòa Bình; Nguyễn Thị Cẩm Phương - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hòa Bình; Đinh Công Sứ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình; Bùi Tiến Lực - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hòa Bình…
Tại Hội nghị, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc đã báo cáo với cử tri một số thông tin cơ bản về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Hòa Bình.
Theo đó, giai đoạn từ năm 2020 tới nay là thời kỳ đặc biệt khó khăn đối với cả nước nói chung và tỉnh Hòa Bình nó riêng do ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 và tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường.
Với sự quyết tâm, đoàn kết, thống nhất của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình, ủng hộ, chia sẻ, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế - xã hội của tỉnh Hòa Bình đã từng bước phục hồi, đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Giai đoạn 2021-2023, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân trên địa bàn tỉnh ước đạt 5,4%; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 70,16 triệu đồng; năng suất lao động ước đạt 2,67%; tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 18%; tổng thu ngân sách nhà nước đạt trên 17,1 nghìn tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 1,81%, Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 969,039 triệu USD, tăng 26,48% so với cùng kỳ, thực hiện 48,48% kế hoạch năm. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 685,275 triệu USD, tăng 17,61% so với cùng kỳ, thực hiện 49,8% kế hoạch năm. Thu ngân sách nhà nước ước thực hiện hết tháng 6/2024 đạt 3.366,5 tỷ đồng, bằng 83% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 58% so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh và bằng 178% so với cùng kỳ. Đến nay, toàn tỉnh có 2/10 huyện, thành phố và 80/129 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 62%).
Chính quyền và nhân dân tỉnh Hòa Bình đã triển khai thực hiện có hiệu quả 4 đột phá chiến lược của tỉnh, gồm: Thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; Hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, cải cách hành chính; Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; Phát triển nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm, tăng năng suất lao động.
Đề cập đến công trình Thủy điện Hòa Bình, bà Đặng Bích Ngọc cho biết, sau hơn 30 năm vận hành, đến tháng 9 năm 2023, Nhà máy đã cung cấp tổng sản lượng đạt mốc 270 tỷ kWh. Nhà máy Thủy điện Hòa Bình là một trong những đơn vị có đóng góp lớn trong cơ cấu thu ngân sách nhà nước và địa phương (1.000 - 1.400 tỷ đồng/năm). Đầu năm 2021, dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng chính thức được khởi công, xây dựng thêm 2 tổ máy công suất 240 MB, nâng tổng công suất nhà máy lên bằng công suất thủy điện Sơn La.
Với hồ chứa dung tích lớn lên đến 10 tỷ m3 nước, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đã tham gia tích cực và có hiệu quả trong việc chống lũ, bảo đảm an toàn cho đồng bằng Bắc Bộ và Thủ đô Hà Nội. Qua đó, đóng góp thiết thực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa của cả nước nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, 2.365 hộ dân của huyện Đà Bắc với 12.397 nhân khẩu đã rời xa nhà cửa, đất đai và nơi sinh sống gắn bó bao đời của mình để di dân đến các vùng kinh tế mới phục vụ cho công cuộc xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, trong đó có di dân đến huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum và được chia sẻ, hỗ trợ, đùm bọc, giúp đỡ về các điều kiện để người dân Hòa Bình sớm ổn định cuộc sống, hòa nhập cùng địa phương góp phần xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của huyện Ngọc Hồi như ngày nay…
Theo báo cáo của UBND huyện Ngọc Hồi, hiện nay, tổng số hộ dân của tỉnh Hòa Bình theo chương trình di dân đến sinh sống tại huyện là 764 hộ; trong đó có 24 hộ nghèo, 21 hộ cận nghèo, 7 hộ sản xuất kinh doanh giỏi, còn lại đa số hộ khá giả. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp của huyện luôn chăm lo đời sống tinh thần và vật chất cho người dân tỉnh Hòa Bình di dân đến sinh sống và làm việc tại huyện. Huyện Ngọc Hồi thường xuyên chỉ đạo và triển khai đẩy mạnh sản xuất hàng hóa nhằm tăng thu nhập, nâng cao mức sống cho người dân; đồng thời, chú trọng công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, phát triển giáo dục, nâng cao dân trí, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Nhìn chung, người dân các dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình theo chương trình di dân đến sinh sống tại huyện Ngọc Hồi chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương; thực hiện tốt nghĩa vụ của công dân trong việc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn.
Tại Hội nghị, cử tri huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) vui mừng, phấn khởi trước sự quan tâm mà Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình, cũng như cấp ủy, chính quyền 2 tỉnh đã giành cho bà con nhân dân trên địa bàn huyện Ngọc Hồi nói riêng, tỉnh Kon Tum nói chung.
Với tinh thần cầu thị, dân chủ, cử tri huyện Ngọc Hồi đã có những kiến nghị cũng như tâm tư, nguyện vọng gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình, trong đó cử tri thôn xã Pờ Y kiến nghị, hiện nay, cùng với sự phát triển của xã hội, văn hóa truyền thống của dân tộc Mường của bà con di dân có phần bị mai một. Để góp phần giữ gìn nét văn hóa truyền thống, đặc trưng của dân tộc Mường, người dân mong muốn Đoàn đại biểu Quốc hội cũng như cấp ủy, chính quyền tỉnh Hòa Bình quan tâm đầu tư xây dựng cho bà con nhân dân thôn Bắc Phong, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) một Nhà rông văn hóa theo truyền thống của dân tộc Mường để bà con có nơi duy trì, phát triển những truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.
Cử tri xã Sa Loong kiến nghị, bà con người Mường đang sinh sống tại xã Sa Loong mong muốn được Đoàn đại biểu Quốc hội, cấp ủy, chính quyền tỉnh Hòa Bình quan tâm hỗ trợ để bà con về học tập các mô hình phát triển du lịch cộng đồng tại quê hương để áp dụng tại nơi bà con đang sinh sống, qua đó góp phần phát triển văn hóa Mường tại chính nơi bà con đang sinh sống…
Cử tri xã Đăk Kan kiến nghị, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, 315 hộ/1.265 khẩu thuộc 2 huyện Đà Bắc và Cao Phong của tỉnh Hòa Bình đi di dân làm kinh tế mới tại địa bàn xã Đắk Kan, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum). Trong hơn 30 năm qua, được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền và sự nỗ lực vươn lên của người dân, đến nay đời sống kinh tế của người dân hầu hết ở mức khá, thu nhập bình quân cuối năm 2023 đạt 63,7 triệu/người/năm. Mong muốn của những người con xa quê hương là các cấp ủy, chính quyền tỉnh Hòa Bình tạo điều kiện, tổ chức các đợt thăm hỏi, đặc biệt là vào các dịp lễ vì đây là nguồn động viên tinh thần rất lớn để bà con có thêm động lực, yên tâm sinh sống, phát triển kinh tế vững mạnh hơn nữa trên quê hương thứ 2.
Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn trân trọng cảm ơn và tiếp thu các ý kiến của cử tri đồng thời giao các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét và có hướng hỗ trợ cho bà con, vì đây là những đề xuất có tính thiết thực đối với đời sống tinh thần của người dân.
Theo Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn, đa số bà con Hòa Bình di dân vào đây theo yêu cầu của Đảng và Nhà nước để phục vụ cho việc xây dựng Thủy điện Hòa Bình. Công trình Thủy điện Hòa Bình đã trở thành biểu tượng của cộng nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhờ sự đùm bọc, quan tâm của chính quyền địa phương, bà con Hòa Bình vẫn luôn hướng về quê hương. Bày tỏ sự thấu hiểu, chia sẻ với nguyện vọng của bà con, vì vậy, với kiến nghị thứ nhất, về việc bà con cần có không gian văn hóa để sinh hoạt và gìn giữ truyền thống quê hương, đồng chí Ngô Văn Tuấn cho rằng, điều này rất phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước. Việc gìn giữ di sản văn hóa của quê hương là nhu cầu hết sức chính đáng, cần được tôn trọng và hỗ trợ. Đồng chí Ngô Văn Tuấn ghi nhận đề nghị hỗ trợ của bà con, khẳng định sẽ trao đổi, bàn với địa phương về cách thức thực hiện dần dần từng bước. Cùng với đó là quan tâm hỗ trợ bà con phát triển kinh tế - xã hội.
Với kiến nghị thứ hai là về học tập mô hình phát triển du lịch cộng đồng, Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết: “Chúng tôi cũng nhất trí rất cao. Tôi đề nghị UBND tỉnh Kon Tum và chính quyền huyện Ngọc Hồi giúp tổ chức một đoàn khảo sát cho bà con vừa về thăm quê hương, vừa thăm quan các mô hình phát triển du lịch cộng đồng; cũng như có các lớp chia sẻ kinh nghiệm tại huyện Đà Bắc, Mai Châu (Hòa Bình). Đây là cách rất tốt để bà con vươn lên xóa nghèo, gìn giữ được văn hóa, giúp văn hóa hỗ trợ kinh tế phát triển”.
Với kiến nghị thứ ba là gìn giữ các truyền thống văn hóa của người Mường, Tổng Kiểm toán nhà nước cũng đề nghị chính quyền các địa phương quan tâm, phối hợp để bố trí một đoàn các nghệ nhân giỏi văn hóa Mường, chiêng Mường, chiêng Tây Nguyên cùng trao đổi, học tập lẫn nhau, làm sao để không gian văn hóa Tây Nguyên và văn hóa Tây Bắc hòa quyện, giúp phát triển được khối đại đoàn kết dân tộc.
Về kiến nghị của cử tri cần tăng cường các đoàn thăm hỏi bà con, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết: “Chúng tôi rất canh cánh chuyện này, vì biết bà con đi di dân rất vất vả. Sau hơn 30 năm bà con gắn bó với địa bàn mới, nơi ở mới, hằng năm, chúng tôi đều tổ chức các đoàn thăm hỏi, đi tới các địa phương có bà con của tỉnh Hòa Bình”…
Tại đây, Đoàn công tác đã tặng 296 suất quà cho các hộ dân thôn Bắc Phong, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi; tặng 98 suất quà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Ngọc Hồi; tặng 05 nhà Đại đoàn kết cho tỉnh Kon Tum và tặng quà cho Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Pờ Y./.
CTV