Khai mạc Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6

27/08/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Sáng 27/8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần 6 để thảo luận các dự án luật. Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn tham dự Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh:VPQH

Cho ý kiến đối với 12 dự án luật

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Hội nghị tập trung sẽ thảo luận, cho ý kiến đối với 12 dự án luật, trong đó có 11 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua, gồm: Luật Địa chất và khoáng sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật Phòng không nhân dân.

Một dự án Luật được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 là Luật Điện lực (sửa đổi). “Nếu được chuẩn bị tốt, Quốc hội thảo luận đạt sự đồng thuận cao thì UBTVQH xem xét, phối hợp với Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 theo quy trình tại một kỳ họp” - Chủ tịch Quốc hội cho biết.
 
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: VPQH


Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, các dự án thảo luận tại Hội nghị lần này điều chỉnh nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có những luật rất quan trọng đối với hệ thống chính trị và đảm bảo quyền, lợi ích của người lao động và doanh nghiệp như Luật Công đoàn (sửa đổi), Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi)); liên quan đến nhiều ngành, nhiều địa phương như Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; gắn với bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, được người dân rất quan tâm như Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ…

Tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua, các đại biểu Quốc hội đã rất quan tâm với hơn 200 lượt ý kiến phát biểu, tranh luận tại hội trường, gần 900 lượt ý kiến phát biểu tại tổ về những vấn đề lớn, căn bản và nhiều điều khoản cụ thể.

Ngay sau Kỳ họp thứ 7, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội phối hợp với các cơ quan của Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến này, bám sát các quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc chỉ đạo đã được thống nhất từ đầu khi xây dựng và đưa các dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong quá trình hoàn thiện, chỉnh lý luật.

Đồng thời, UBTVQH yêu cầu các cơ quan phải lưu ý kiến nghị của các cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, các vấn đề địa phương, người dân, doanh nghiệp gặp vướng mắc, cần tháo gỡ… để chỉnh lý, hoàn thiện các quy định.

Trên cơ sở đó, tại Phiên họp chuyên đề pháp luật và phiên thường kỳ tháng 8/2024, UBTVQH đã xem xét, kết luận về việc tiếp thu, chỉnh lý đối với từng dự án luật và chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ trình
“Hội nghị hôm nay, trong đó, lưu ý nhiều vấn đề mới, nhiều quy định còn ý kiến khác nhau cần được các vị đại biểu Quốc hội đóng góp ý kiến để có cơ sở thống nhất hướng chỉnh lý, tiếp tục hoàn thiện dự án trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 tới đây” - Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ.
 
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cùng các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: VPQH

Ưu tiên cao nhất cho chất lượng dự án luật

Để việc thảo luận đạt hiệu quả cao, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội chuyên trách và các đại biểu tham dự Hội nghị tập trung phân tích, thảo luận, thể hiện rõ quan điểm đối với những nội dung cơ quan chủ trì thẩm tra báo cáo, xin ý kiến, những nội dung còn có các phương án khác nhau; cho ý kiến rõ các dự án đã đủ điều kiện để trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tới hay chưa.
 
“Tôi đề nghị bám sát nguyên tắc đã thống nhất từ đầu nhiệm kỳ là ưu tiên cao nhất cho chất lượng dự án luật, không chạy theo số lượng. Chỉ những dự án luật bảo đảm chất lượng, giải quyết thỏa đáng các vấn đề vướng mắc thì mới trình Quốc hội thông qua. Những vấn đề thực tiễn đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, có sự thống nhất cao thì quyết tâm thực hiện; những vấn đề chưa rõ, còn nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, thực hiện thí điểm khi cơ quan có thẩm quyền cho phép” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
 
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các đại biểu rà soát kỹ lưỡng các dự thảo luật xem đã quán triệt, thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng hay chưa. Các điều khoản cụ thể trong dự thảo luật đã bảo đảm tính hợp Hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ với các luật khác trong hệ thống pháp luật hay chưa. Cần lưu ý việc đánh giá tác động đối với những đề xuất quy định mới.
 
Đồng thời, cần quán triệt và thực hiện tốt Quy định 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Đặc biệt, các chính sách đã bảo đảm bảo việc không để sơ hở, phòng ngừa, ngăn chặn được tình trạng việc “tham nhũng chính sách”, lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của ngành, lĩnh vực cơ quan quản lý nhà nước chưa. Các vị đại biểu Quốc hội khi phát biểu cần thể hiện rõ quan điểm, khách quan, không né tránh đối với các nội dung nhạy cảm, dễ xảy ra trục lợi chính sách - Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.
 
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các cơ quan phối hợp, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ tài liệu và gửi các vị đại biểu Quốc hội ngay khi chỉnh lý, hoàn thiện xong, từng bước cố gắng khắc phục triệt để tình trạng chậm gửi tài liệu, đảm bảo đại biểu Quốc hội tiếp cận tài liệu trình tại kỳ họp sớm nhất, có đủ thời gian để nghiên cứu, quyết định, nhất là đối với những dự án luật, nghị quyết trình thông qua.

Nguyễn Hồng

Xem thêm »