(sav.gov.vn) - Thực hiện Quyết định số 514/QĐ-KTNN ngày 15/3/2024 của Tổng Kiểm toán nhà nước, từ ngày 19/3 - 17/5, Kiểm toán nhà nước (KTNN) chuyên ngành III đã triển khai kiểm toán chuyên đề “việc thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 giai đoạn 2021 - 2023” tại Bộ Y tế và các đơn vị trực thuộc. Qua kiểm toán, KTNN chỉ ra nhiều bất cập, hạn chế trong công tác sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập tại Bộ.
Ảnh minh họa. Nguồn: ST
Thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW, Bộ Y tế đã thể chế hóa chủ trương của Đảng, từng bước được hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, tham mưu ban hành/ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế, sắp xếp, tổ chức lại, tinh giản đầu mối và biên chế, tăng tính tự chủ; cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập (viết tắt ĐVSNCL); thực hiện chủ trương xã hội hoá đã góp phần tăng thêm nguồn lực. Đến năm 2021, đã thực hiện vượt mục tiêu Nghị quyết 19, cụ thể: Số biên chế sự nghiệp hưởng lương từ NSNN giảm 30,4% so với năm 2015 vượt mục tiêu (giảm tối thiểu 10%); số đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên tăng 37,6% so với năm 2015 (vượt mục tiêu 27,6%); chi NSNN cho hoạt động thường xuyên của đơn vị sự nghiệp công lập giảm 47,5% với năm 2015.
Kết quả kiểm toán cho thấy, việc tham mưu ban hành/ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật còn chậm.
Theo đó, Bộ Y tế chưa hoàn thành kịp thời, đầy đủ, đồng bộ việc thể chế hoá các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính; chậm tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy hoạch mạng lưới các cơ sở y tế; chậm xây dựng Thông tư ban hành tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Y tế; chậm ban hành hướng dẫn về vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong ĐVSN y tế công lập thuộc các Bộ, ngành và địa phương…
Ngoài ra, Bộ chưa hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công; chưa hoàn thành việc xây dựng danh mục dịch vụ công, định mức kinh tế kỹ thuật làm căn cứ xây dựng giá dịch vụ, xây dựng dự toán; ban hành Thông tư số 13/2023/TT-BYT ngày 29/6/2023 quy định khung giá KCB theo yêu cầu mức giá tối thiểu bằng giá KCB do BHYT thanh toán và cơ cấu chỉ gồm 02 yếu tố chi phí trực tiếp và tiền lương là không phù hợp với với lộ trình tính giá.
Đối với việc sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL, đến năm 2021, Bộ chỉ giảm 8,2% ĐVSNCL so với năm 2015 (mục tiêu là giảm bình quân cả nước là 10%); chưa xây dựng Đề án đầu tư phát triển một số bệnh viện hiện đại ngang tầm khu vực và quốc tế (2021-2023), Đề án chuyển các bệnh viện thuộc Bộ Y tế về địa phương quản lý, Đề án sắp xếp lại các đơn vị làm nhiệm vụ kiểm nghiệm, kiểm định, kiểm chuẩn...
Kết quả kiểm toán cũng chỉ rõ, Bộ chưa tổ chức thực hiện Nghị định số 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng NSNN.
Còn một số đơn vị chưa/không thực hiện sắp xếp để giảm đầu mối, giảm trùng lắp về chức năng nhiệm vụ theo hướng tinh gọn, giảm mạnh đầu mối, bỏ cấp trung gian; một số đơn vị có số lượng cấp phó cao hơn quy định.
Một số bệnh viện còn tình trạng một số danh mục (thuốc, vật tư y tế) của dịch vụ y tế có trong định mức, song không sử dụng hoặc định mức cao/thấp hơn số lượng thực tế sử dụng...; xây dựng giá dịch vụ KCB theo yêu cầu có chi phí thuế TNDN 2% và một số yếu tố chi phí không hợp lý, không đồng nhất giữa các dịch vụ, chưa có cơ sở hoặc thực tế không phát sinh (chi phí thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao, khấu hao TSCĐ, chi phí duy tu bảo dưỡng trang thiết bị, thay thế vật tư, chi phí tiền lương, chi phí đào tạo, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu khoa học...); một số bệnh viện không có thuyết minh cơ sở ban hành mức giá giường bệnh theo yêu cầu, một số yếu tố chi phí như chi phí vật tư thay thế, khấu hao, vật tư tiêu hao, thực tế thấp hơn hoặc không được trang bị.
Bộ chưa thực hiện thanh tra, kiểm tra sát sao hoạt động xã hội hoá, liên doanh liên kết theo Chỉ thị số 22/CT-BYT tại các đơn vị trực thuộc để kịp thời nắm bắt những tồn tại hạn chế, chấn chỉnh kịp thời. Bộ Y tế không quản lý công tác hội nhập quốc tế và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh; không báo cáo được số lượng và hoạt động của các đơn vị ngoài công lập thực hiện các dịch vụ sự nghiệp công thuộc ngành lĩnh vực quản lý.
Từ kết quả kiểm toán, KTNN kiến nghị Bộ Y tế:
Xây dựng hoặc rà soát sửa đổi, bổ sung danh mục sự nghiệp công, định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí theo ngành, lĩnh vực để ban hành/tham mưu ban hành đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước đối với từng loại hình dịch vụ sự nghiệp công.
Rà soát sửa đổi Thông tư số 13/2023/TT-BYT ngày 29/06/2023 Quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước cung cấp: Về quy định khung giá dịch vụ KCB theo yêu cầu đảm bảo phù hợp Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH 15 ngày 09/01/2023 (có hiệu lực từ 01/01/2024).
Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó tăng cường công tác kiểm tra về hoạt động hoạt động liên doanh, liên kết tại các đơn vị trực thuộc; kiểm tra việc áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh, các nhiệm vụ thí điểm khác.
Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực. Phối hợp với Bộ Tài chính hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định.
Hà Linh