GS,TS. Đoàn Xuân Tiên - nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước: Cơ cấu lại tài chính công để tăng cường hiệu quả sử dụng ngân sách
Cải cách tài chính công bao gồm 6 nội dung cơ bản: Cải cách thể chế liên quan đến pháp luật tài chính; Cơ cấu lại thu - chi ngân sách nhà nước; Cơ cấu lại nợ công đảm bảo an toàn nợ công; Cơ cấu lại, điều chỉnh cơ cấu đầu tư công tích cực, hiệu quả gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; Cơ cấu sắp xếp lại, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và Đổi mới, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập và cơ chế tài chính tự chủ.
Cơ cấu lại tài chính công là nội dung cốt lõi và bao trùm hoạt động cải cách, đổi mới tài chính công. Cơ cấu lại tài chính công là quá trình xem xét và cấu trúc lại một hoặc một số hoặc toàn bộ các nội dung liên quan đến tài chính công.
Đó cũng chính là quá trình điều chỉnh và cải cách các thành phần của tài chính công nhằm nâng cao hiệu quả, tính minh bạch và khả năng đáp ứng của hệ thống tài chính nhà nước; đề cập đến việc tái tổ chức, điều chỉnh cách thức thu chi, quản lý và phân bổ nguồn lực tài chính của nhà nước để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội một cách hiệu quả hơn.
Mục tiêu của cơ cấu lại tài chính công là tăng cường hiệu quả sử dụng ngân sách, cải thiện tính minh bạch và đảm bảo bền vững tài chính.
PGS,TS. Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính: Cơ chế, chính sách quản lý nguồn lực công chưa hoàn thiện
Hiện nay, việc phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực công chưa thực sự hợp lý, thiếu các cơ chế để đa dạng hóa nguồn lực và các biện pháp quản lý, nên một số lĩnh vực dịch vụ công như y tế, giáo dục vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu của xã hội trong việc tiếp cận và chất lượng còn chưa cao, đặc biệt ở các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Vấn đề công khai, minh bạch trong phân bổ, sử dụng nguồn lực công chưa đáp ứng nhu cầu của thực tiễn. Trong quản lý tài sản công và phân bổ ngân sách vẫn còn hiện tượng thiếu tinh thần trách nhiệm, thậm chí tham nhũng xảy ra, làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực công. Việc phân bổ nguồn lực công đôi khi thiếu cơ sở khoa học, không đồng đều, dẫn đến tình trạng chênh lệch phát triển giữa các vùng miền.
Các cơ chế, chính sách quản lý nguồn lực công chưa hoàn thiện, chưa đồng bộ và thậm chí chưa có sự đồng nhất của các chính sách. Mặc dù Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được văn phòng Quốc hội thông qua văn bản hợp nhất số 37/VBHN-VPQH ngày 27/12/2023 có hiệu lực từ 01/07/2024, nhưng việc rà soát, kiểm tra các nghị định, thông tư, quyết định để có thể chỉnh sửa các cơ chế, chính sách phân bổ, sử dụng nguồn lực công phù hợp với sự thay đổi của các luật mà Quốc hội vừa thông qua.
TS. Vũ Đình Ánh - Chuyên gia kinh tế: Trọng tâm quản lý nợ công là kiểm soát chặt chẽ tỷ lệ nợ công/GDP
Quản lý nợ công tại Việt Nam đã có nhiều tiến bộ vượt bậc đem lại những kết quả khả quan, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô, củng cố an ninh tài chính quốc gia.
Hiện nay, trọng tâm quản lý nợ công vẫn là kiểm soát chặt chẽ tỷ lệ nợ công/GDP thông qua việc kiểm soát và điều chỉnh xem xét các yếu tố cấu thành nợ công kể cả quy định trần nợ công phù hợp với năng lực nền kinh tế cũng như chuẩn hóa phương pháp tính nợ công theo thông lệ quốc tế.
Bên cạnh đó, yếu tố mật thiết gắn với quản lý nợ công chính là phải tăng hiệu quả đầu tư công. Theo lý thuyết, cứ 1% giải ngân đầu tư công tăng thêm sẽ tác động làm tăng 0,058% GDP.
Do đó, một mặt cần tập trung thúc đẩy giải ngân đầu tư công nhưng không phải giải ngân bằng mọi giá mà phải tập trung vào những dự án lớn, có hiệu quả và có sức lan tỏa cao.
Rõ ràng, với mức nợ thấp so với trần như hiện nay đã tạo ra nhiều dư địa vay nợ công để triển khai vay vốn cho những dự án lớn là động lực của nền kinh tế, tạo ra hiệu quả kinh tế nhanh nhất và bền vững nhất.
Trong bối cảnh đó, các chỉ tiêu an toàn nợ công cần tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ trong giới hạn được Quốc hội phê chuẩn, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia và góp phần củng cố dư địa chính sách tài khóa.
Ông Nguyễn Đình Sơn - Phó Kiểm toán trưởng KTNN Chuyên ngành VI: Cơ chế quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn nhiều vấn đề cần khắc phục
Tuy có những thành tựu nhất định, cơ chế quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề cần khắc phục.
Trước hết, thiếu sót trong công tác kiểm soát và giám sát dẫn đến tình trạng lãng phí, thất thoát trong sử dụng vốn nhà nước. Nhiều DNNN vẫn chưa có hệ thống báo cáo và đánh giá kết quả hoạt động rõ ràng, khiến cho việc quản lý trở nên khó khăn.
Bên cạnh đó, sự phân cấp không đồng đều giữa các cấp quản lý cũng là một vấn đề nan giải. Một số địa phương thiếu nguồn lực để quản lý vốn nhà nước hiệu quả, trong khi các DNNN lớn lại thường gặp khó khăn trong việc thực hiện các quy định liên quan đến kiểm soát chi tiêu và đầu tư.
Năng lực quản lý của những người đứng đầu DNNN cũng cần được nâng cao hơn nữa. Nhiều lãnh đạo chưa có đủ kinh nghiệm và kiến thức về quản lý tài chính hiện đại, dẫn đến việc ra quyết định không tối ưu và ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn nhà nước.
Để nâng cao hiệu quả quản lý vốn nhà nước, cần hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến quản lý tài chính công, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát tình hình tài chính của các DNNN. Bên cạnh đó, cần xây dựng các tiêu chuẩn và chỉ tiêu đánh giá hiệu quả sử dụng vốn nhà nước một cách khoa học và minh bạch.
Ông Trần Chí Trung - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (KTNN): Hướng dẫn nhiều nội dung kiểm toán có liên quan đến vấn đề cơ cấu lại tài chính công
Liên quan đến cơ cấu lại tài chính công giai đoạn 2021-2015, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 31/2021/QH15 liên quan đến tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có 3 nội dung trọng tâm là tái cơ cấu về đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng.
Khi thực hiện đánh giá về cơ cấu lại tài chính công, Vụ Tổng hợp đã tham mưu với lãnh đạo KTNN gắn những nội dung trọng tâm kiểm toán liên quan đến việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội.
Theo đó, tại các văn bản hướng dẫn của Ngành, ví dụ như Công văn số 129 năm 2024 hướng dẫn thực hiện kiểm toán đối với niên độ 2023, Vụ Tổng hợp đã hướng dẫn đánh giá việc thực hiện chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập. Trước đó, Vụ Tổng hợp đã tham mưu cho Tổng Kiểm toán nhà nước kiểm toán việc thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW năm 2017 liên quan đến chuyển đổi vị sự nghiệp công lập với phạm vi toàn Ngành và giao cho KTNN chuyên ngành III chủ trì xây dựng đề cương và tổng hợp kết quả kiểm toán.
Đối với ngân sách địa phương, những năm gần đây, nguồn thu sử dụng đất thông thường vẫn chiếm khoảng 30-40% trong cơ cấu thu. Nguồn thu sử dụng đất là nguồn thu không bền vững. Do đó, các công văn hướng dẫn của Vụ Tổng hợp đều yêu cầu các đoàn kiểm toán nghiên cứu và đánh giá về tính bền vững của nguồn thu ngân sách địa phương để đảm bảo nguồn lực bền vững cho ngân sách địa phương. Đây cũng là một trong những nội dung trong cơ cấu lại tài chính công.
Còn về nợ công, trong thời gian tới, Vụ Tổng hợp cũng sẽ lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, các ý kiến góp ý, cũng như căn cứ Nghị quyết của Quốc hội về chương trình hành động của Chính phủ để tiếp tục tham mưu cho Tổng Kiểm toán nhà nước hướng dẫn các đơn vị trong Ngành tập trung kiểm toán để đánh giá, làm nổi bật được việc cơ cấu lại tài chính công, trong đó có đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả và tính kinh tế của những chính sách liên quan đến cơ cấu lại tài chính công.
Tại Hội thảo, các đại biểu còn trao đổi, thảo luận về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu; cơ cấu lại tài chính công tại các Bộ, ngành...
VIẾT CHUNG