GS,TS. Đoàn Xuân Tiên - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu nhấn mạnh cơ sở pháp lý, cơ sở lý luận để KTNN thực hiện kiểm toán môi trường
GS,TS. Đoàn Xuân Tiên - Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, nguyên Phó Tổng KTNN làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu; cùng tham dự có các thành viên Hội đồng nghiệm thu và Ban đề tài.
Theo ThS. Trần Việt Sơn, những năm qua, các cụm công nghiệp (CCN), khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) ngày càng khẳng định vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước, đẩy mạnh xuất khẩu, chuyển dịch cơ cấu mặt hàng và thị trường xuất khẩu theo hướng tích cực, tạo công ăn việc làm, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển về kinh tế là gánh nặng ô nhiễm môi trường, gây ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống, sản xuất và sức khỏe của người dân, trong đó, không thể không kể đến các nguồn chất thải từ thải từ CCN, KCN, KKT.
Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ môi trường và sự phát triển bền vững, cũng như thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng về nhiệm vụ bảo vệ môi trường, KTNN đã tổ chức các cuộc kiểm toán môi trường, trong đó có kiểm toán môi trường tại KKT, KCN. Một số cuộc kiểm toán nổi bật: Kiểm toán công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghiệp, nhà máy nhiệt điện; kiểm toán công tác quản lý chất thải y tế; phế liệu nhập khẩu…
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, số lượng doanh nghiệp cũng như quy mô, loại hình sản xuất trong các KKT, KCN rất đa dạng, theo đó công nghệ xử lý chất thải, loại chất thải cũng rất đa dạng, tạo ra thách thức khi xác định tiêu chí và phương pháp tiếp cận cuộc kiểm toán. Vấn đề này đặt ra cho KTNN yêu cầu về việc xây dựng hướng dẫn kiểm toán, bao gồm: phương pháp tiếp cận, xác định được nội dung, trọng tâm kiểm toán, tổ chức thực hiện và đánh giá thực trang theo các tiêu chí kiểm toán dựa trên hướng dẫn kiểm toán môi trường đã được ban hành. Hơn nữa, do giới hạn về thời gian, điều kiện nhân lực và những khó khăn trong công tác thu thập số liệu đòi hỏi kiểm toán viên cần có những bước chuẩn bị kỹ lương ngay từ khâu lập kế hoạch kiểm toán.
Từ kết quả nghiên cứu, phân tích, thu thập và tổng hợp các thông tin, Ban đề tài đề xuất xây dựng Hướng dẫn kiểm toán công tác quản lý môi trường đối với các cơ sở công nghiệp, dịch vụ. Trong đó, hướng dẫn chi tiết các bước thực hiện đối với một cuộc kiểm toán từ khâu chuẩn bị kiểm toán; thực hiện kiểm toán; lập và gửi báo cáo kiểm toán; theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.
Ngoài ra, Ban đề tài đã xây dựng mẫu các mục tiêu, nội dung, tiêu chí kiểm toán để các đơn vị chủ trì kiểm toán, kiểm toán viên xem xét, tham khảo, áp dụng vào thực tiễn kiểm toán. Đối với mỗi tiêu chí kiểm toán đều cụ thể các tài liệu cần thu thập, các thủ tục kiểm toán cần thực hiện và dự kiến các phát hiện kiểm toán. Đồng thời, Ban Đề tài đã đề xuất một số giải pháp, điều kiện để triển khai, áp dụng Hướng dẫn vào thực tiễn kiểm toán bảo đảm chất lượng, hiệu quả và hiệu lực.
Tại buổi nghiệm thu, Hội đồng khoa học đánh giá, trong bối cảnh tác động của môi trường đến đời sống kinh tế, xã hội ngày một lớn, kiểm toán công tác quản lý môi trường nói chung, quản lý môi trường đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp, dịch vụ nói riêng là nhu cầu cấp thiết và là lĩnh vực ngày càng được chú trọng của các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới. Do đó, việc lựa chọn nghiên cứu đề tài “Xây dựng hướng dẫn kiểm toán công tác quản lý môi trường đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp, dịch vụ” có ý nghĩa về lý luận và thực tiễn.
Để đề tài hoàn thiện và có tính ứng dụng cao, các thành viên Hội đồng khoa học đề nghị Ban đề tài bổ sung lý luận về hướng dẫn kiểm toán công tác quản lý môi trường của KTNN; vai trò của kiểm toán công tác quản lý môi trường; chức năng của KTNN trong việc tổ chức kiểm toán đối với công tác quản lý môi trường tại doanh nghiệp; đặc điểm của các cơ sở sản xuất công nghiệp, dịch vụ tác động đến kiểm toán công tác quản lý môi trường.
Ban đề tài nghiên cứu và bổ sung phân tích chế độ, chính sách của KTNN liên quan đến kiểm toán môi trường, đặc biệt là Hướng dẫn số 1581/QĐ-KTNN và Hướng dẫn số 101/QĐ-KTNN của KTNN về hướng dẫn kiểm toán môi trường; thực tiễn áp dụng các văn bản, quy định trên trong quá trình kiểm toán môi trường tại các cơ sở sản xuất công nghiệp, dịch vụ của KTNN. Trên cơ sở đó, đánh giá các kết quả làm được, hạn chế, nguyên nhân. Từ kết quả phân tích, đánh giá thực trạng hướng dẫn kiểm toán môi trường, kết hợp với đặc điểm hoạt động của cơ sở sản xuất công nghiệp, dịch vụ ảnh hưởng tới công tác kiểm toán, Ban đề tài tăng cường tính cụ thể của hướng dẫn kiểm toán, đặc biệt là lựa chọn mẫu, kỹ thuật thu thập dữ liệu, và phân tích các yếu tố môi trường.
Nghiên cứu bổ sung một số khía cạnh: Điều kiện sử dụng các công nghệ hiện đại; Đánh giá tác động của các kết luận kiểm toán; Các rào cản và giải pháp; Phát triển chỉ số đánh giá hiệu quả; Bổ sung quy định về tránh chồng chéo các hoạt động thanh tra, kiểm tra về môi trường của cơ quan chuyên ngành và cơ quan KTNN.
GS,TS. Đoàn Xuân Tiên - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu nhấn mạnh, môi trường và bảo vệ môi trường là vấn đề quan trọng, đặt biệt là trong bối cảnh phát triển bền vững là mục tiêu tất cả các quốc gia đều hướng tới. Kiểm toán môi trường đóng vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu kiểm soát, giúp bảo vệ môi trường. Với ý nghĩa đó, KTNN chú trọng kiểm toán sâu lĩnh vực này, đồng thời quan tâm đến những giải pháp để nâng cao chất lượng kiểm toán, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ kiểm toán được hiệu quả.
Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban đề tài tiếp thu tối đa các ý kiến của Hội đồng nghiệm thu, trong đó cần làm rõ: cơ sở pháp lý kiểm toán môi trường, sử dụng công nghệ trong hoạt động kiểm toán môi trường (quan trắc, viễn thám, map…); cụ thể hóa các hướng dẫn kiểm toán; nghiên cứu bổ sung các quy định mới, cập nhật thông tin, dữ liệu mới liên quan đến môi trường, trong đó có các cam kết quốc tế…
Tin và ảnh: Nguyễn Ly