Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Quy định số 189-QĐ/TW ngày 08/10/2024 của Bộ Chính trị

09/12/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Ngày 6/12/2024, Ban cán sự đảng Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã ban hành Kế hoạch số 249-KH/BCSĐ thực hiện Quy định số 189-QĐ/TW ngày 08/10/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý sử dụng tài chính, tài sản công.

Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII. Ảnh: ST


Ban cán sự đảng KTNN yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu các cấp, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động KTNN nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong triển khai thực hiện Quy định số 189-QĐ/TW; chấp hành nghiêm chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của của KTNN trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; nhận diện rõ những hành vi tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công để phòng, tránh, đấu tranh, phê bình, xử lý kỷ luật theo quy định đối với 23 nhóm hành vi theo Quy định số 189-QĐ/TW; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy định số 189-QĐ/TW để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công của KTNN và qua hoạt động kiểm toán của KTNN. 

Cùng với đó, nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, gia tăng hiệu lực và kiến nghị kiểm toán; tiếp tục phát huy vai trò KTNN là công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản cộng và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. 

Nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm

Tuyên truyền, phổ biến, quán triệt 

Tổ chức phổ biến, quán triệt đến từng cấp ủy, người đứng đầu các cấp, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động của KTNN về mục tiêu, ý nghĩa, nội dung của Quy định số 189-QĐ/TW, nhấn mạnh vai trò quan trọng trong việc kiểm soát quyền lực và ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực trong công tác quản lý tài chính, tài sản cộng của KTNN và thông qua hoạt động kiểm toán của KTNN. Theo đó, nguyên tắc kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công phải bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất, toàn diện, trực tiếp, tuyệt đối của Đảng; chấp hành nghiêm chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định, quy chế của KTNN về quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. 

Xây dựng, hoàn thiện về thể chế 

Căn cứ Quy định số 189-QĐ/TW để nghiên cứu rà soát, đề xuất ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý có liên quan đến việc kiểm soát quyền lực, phòng chống, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công của KTNN và qua hoạt động kiểm toán của KTNN; tham gia ý kiến việc thực hiện luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội về lĩnh vực tài chính ngân sách, tài sản công theo yêu cầu của Quốc hội. 

Phân công, phân nhiệm rõ ràng, cụ thể đối với từng nhiệm vụ để từng cá nhân, tập thể được giao chủ trì hoặc cá nhân, tập thể phối hợp có trách nhiệm thực hiện nghiêm và báo cáo kịp thời trong quá trình thực hiện. 

Công tác kiểm toán 

Nâng cao chất lượng đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. 

Thực hiện có hiệu quả việc trình ý kiến với Quốc hội xem xét, quyết định dự toán ngân sách nhà nước, quyết định phân bổ ngân sách trung ương, quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước. 

Tham gia với các cơ quan của Quốc hội trong hoạt động giám sát việc thực hiện luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội trong việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. 

Công tác kiểm tra, giám sát 

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra đối với cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên và người có thẩm quyền trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; đồng thời chỉ đạo thường xuyên kiểm soát chất lượng kiểm toán và công tác giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo. Qua đó, kịp thời phát hiện các hành vi sai phạm, tham nhũng, tiêu cực để xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước về quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công và Quy định số 189- QĐ/TW. 

Công tác phối hợp 

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để phòng, chống, đấu tranh, phê bình, xử lý kỷ luật theo quy định đối với những cá nhân, tập thể vi phạm. 

Theo Kế hoạch, Ban cán sự đảng phối hợp với Đảng ủy KTNN triển khai ngay công tác tuyên truyền, phổ biển, quán triệt Quy định số 189-QĐ/TW đến từng cấp ủy, người đứng đầu các cấp, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động của KTNN (trong quý IV năm 2024 và thường xuyên trong năm). Các đơn vị trực thuộc KTNN phải thường xuyên, liên tục tuyến truyền, phổ biến, quán triệt Quy định số 189- QĐ/TW tạo thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Ngành, thực hiện tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy định số 189-QĐ/TW đối với từng cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên và người có thẩm quyền trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Đặc biệt, cần phân tích, làm rõ những hành vi tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; chủ thể kiểm soát quyền lực, chủ thể chịu sự kiểm soát quyền lực, phạm vi, phương thức kiểm soát quyền lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. 

Tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, thực hiện nghiêm các chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử của công chức, Kiểm toán viên nhà nước trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Bổ sung nội dung của Quy định số 189-QĐ/TW và các chỉ thị, kế hoạch của Ban cán sự đảng, Đảng ủy nhằm triển khai thực hiện Quy định số 189-QĐ/TW vào Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chương trình đào tạo, bồi dưỡng của KTNN hằng năm. 

Tổ chức rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản, quy định, quy chế về quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công của KTNN; đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng hướng dẫn, quy trình kiểm toán của KTNN, hướng dẫn hướng kiến nghị của KTNN khi phát hiện các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công thông qua hoạt động kiểm toán, đảm bảo tính thống nhất và phù hợp với các nội dung của Quy định số 189-QĐ/TW. 

Nâng cao chất lượng công tác xây dựng, thẩm định, ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm toán năm của KTNN, trong đó tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, bức xúc, dư luận quan tâm. Đồng thời, kiểm toán đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả của cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn định mức trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công để kiến nghị hoàn thiện, khắc phục lỗ hổng từ cơ chế, chính sách nhằm chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực; tập trung giải quyết kịp thời các kiến nghị của đơn vị được kiểm toán còn tồn đọng. 

Tăng cường công khai kết quả kiểm toán, kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán theo quy định. Đặc biệt thực hiện hiệu quả việc cung cấp đầy đủ các Báo cáo kiểm toán đến Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội bằng hình thức điện tử theo tinh thần chỉ đạo của Quốc hội tại Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. 

Bổ sung nội dung thực hiện Quy định số 189-QĐ/TW vào chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm soát chất lượng kiểm toán để thực hiện hằng năm, đột xuất theo yêu cầu. Hằng năm, thực hiện kiểm điểm, đánh giá, xếp loại đảng viên, công chức, viên chức gắn với kết quả thực hiện Quy định số 189. QĐ/TW và các quy định khác của Đảng, Nhà nước. 

Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để tiếp nhận, xử lý kịp thời, nghiêm minh khi phát hiện hoặc nhận được tin báo về việc cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên và người có thẩm quyền trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công của KTNN vi phạm Quy định số 189-QĐ/TW và các quy định khác của Đảng, Nhà nước. 

Thủ trưởng đơn vị, người đứng đầu các cấp ủy đảng gương mẫu đi đầu thực hiện trách nhiệm nêu gương trong việc thực hiện Quy định số 189-QĐ/TW cũng như trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Thực hiện việc phân giao nhiệm vụ (lãnh đạo phụ trách, đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp) gắn với tiến độ thực hiện cụ thể làm cơ sở đánh giá kết quả thực hiện, quy trách nhiệm đồng thời hạn chế tối đa vi phạm, khuyết điểm, tiêu cực. 

PV

Xem thêm »