Phó Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Hà Minh Tuấn phát biểu khai mạc Tọa đàm
Đây là hoạt động do Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán (Trường) phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế tổ chức, nằm trong khuôn khổ Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng năm 2024 của KTNN. Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc Lăng Trịnh Mai Hương, Phó Giám đốc Trường Hà Minh Tuấn đồng chủ trì Tọa đàm.
Tọa đàm thu hút sự tham dự của hơn 90 lãnh đạo cấp vụ cấp phòng, công chức, kiểm toán viên của các đơn vị trực thuộc KTNN.
Khai mạc Tọa đàm, ông Hà Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trường cho biết, mục đích của buổi Tọa đàm nhằm chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, sự phát triển mới trong hoạt động kiểm toán của các SAI trên thế giới để áp dụng vào hoạt động kiểm toán của KTNN Việt Nam.
Nhấn mạnh 3 chủ đề lớn sẽ trao đổi trong khuôn khổ Tọa đàm là: Khung đo lường hoạt động của SAI; Việc ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI), đặc biệt là phân tích dữ liệu lớn trong hoạt động kiểm toán; Vai trò của KTNN Việt Nam trong việc thực hiện các ưu tiên phát triển quốc gia, ông Hà Minh Tuấn đề nghị các đại biểu tham dự tập trung trao đổi, thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, liên quan đến các chủ đề tại Tọa đàm để từ đó, chia sẻ những thông tin hữu ích, giúp nâng cao hiệu quả chất lượng công tác chuyên môn của đơn vị mình.
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực tế của đơn vị mình trong việc triển khai ứng dụng các kinh nghiệm quốc tế trong hoạt động kiểm toán. Có ý kiến cho rằng, cần đưa nội dung áp dụng SAI PMF vào quá trình đào tạo bồi dưỡng của KTNN đồng thời, phát triển hoàn thiện thêm những quy định liên quan đến việc áp dụng SAI PMF tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, cần xây dựng lộ trình cụ thể cho KTNN trong quá trình triển khai thực hiện kiểm toán vì các mục tiêu phát triển bền vững; nghiên cứu xây dựng mô hình đào tạo chuyên sâu để đào tạo được những chuyên gia cốt lõi trong phân tích dữ liệu lớn, ứng dụng vào hoạt động kiểm toán của KTNN...
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Nguyễn Việt Hùng, SAI PMF là một công cụ đo lường hoạt động do Tổ chức quốc tế Các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI) ban hành, giúp các SAI có một khung tổng thể để tự nguyện đánh giá hoạt động của mình so với các nguyên tắc của INTOSAI (INTOSAI-P), Chuẩn mực quốc tế dành cho các Cơ quan kiểm toán tối cao (ISSAIs) và các thông lệ tốt của quốc tế đã được xác lập dành cho hoạt động kiểm toán công từ bên ngoài, phục vụ giá trị và lợi ích của tất cả các bên liên quan.
Mục tiêu của SAI PMF là đưa ra một bức tranh tổng quan về hoạt động của SAI so với ISSAIs và các hướng dẫn thông lệ tốt của INTOSAI; đưa ra các đánh giá dựa trên bằng chứng về điểm mạnh, điểm yếu và nhu cầu tăng cường năng lực. Qua đó giúp nhận diện các giá trị và lợi ích của SAI và tạo thuận lợi cho việc đo lường, theo dõi, giám sát và quản lý hoạt động của SAI.
Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cho biết, SAI PMF được tất cả các tổ chức khu vực của INTOSAI áp dụng. Theo số liệu cập nhật mới nhất, trong cộng đồng INTOSAI, hiện có 111 báo cáo đánh giá SAI PMF được hoàn thiện với 20 báo cáo được phát hành công khai và 17 báo cáo đánh giá lặp lại.
"KTNN Việt Nam lần đầu tiên thực hiện đánh giá theo SAI PMF vào năm 2016. Đến nay, KTNN đang triển khai thực hiện đánh giá SAI PMF lần thứ hai" - ông Nguyễn Việt Hùng thông tin.
Đề xuất giải pháp để KTNN Việt Nam ứng dụng phân tích dữ liệu lớn một cách hiệu quả, TS. Lê Anh Vũ - Trưởng phòng Kiểm toán Công nghệ thông tin (KTNN chuyên ngành VII) - cho biết, KTNN Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý cho việc thu thập, kết nối, trao đổi và cung cấp dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán. Đồng thời, cần tập trung phát triển nền tảng dữ liệu lớn và các công cụ phân tích dữ liệu lớn để thu thập, quản lý, khai thác và phân tích hiệu quả lượng dữ liệu khổng lồ.
Muốn đáp ứng được yêu cầu của kiểm toán dữ liệu lớn, KTNN Việt Nam cần tiếp tục kiện toàn, bổ sung nguồn nhân lực cho hoạt động kiểm toán dữ liệu lớn, đặc biệt là nhân lực có trình độ chuyên môn cao về công nghệ thông tin, phân tích dữ liệu và ứng dụng AI; coi đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng về quản trị dữ liệu lớn, phân tích dữ liệu và ứng dụng AI cho đội ngũ cán bộ, kiểm toán viên là nhiệm vụ quan trọng - ông Lê Anh Vũ nhấn mạnh.
Để triển khai, thực hiện kiểm toán các ưu tiên phát triển quốc gia một cách có hiệu quả, trong thời gian tới, bà Trần Thị Minh Hà - Phó trưởng Phòng Kiểm toán hoạt động (Vụ Tổng hợp) - cho rằng, KTNN cần nhanh chóng xây dựng lộ trình triển khai kế hoạch kiểm toán liên quan, đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Đồng thời, bám sát chương trình giám sát tối cao của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để thực hiện kiểm toán nhằm kịp thời cung cấp thông tin cho Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện giám sát việc thực hiện các chương trình, nghị định đã được Quốc hội ban hành; tập trung nghiên cứu, xây dựng, triển khai kiểm toán công tác chuẩn bị trong việc thực hiện Các mục tiêu PTBV của Chính phủ, nhằm đánh giá mức độ hiệu quả, hiệu lực đối với các nỗ lực của Chính phủ trong việc áp dụng các mục tiêu PTBV vào bối cảnh của Việt Nam, cũng như duy trì, đảm bảo các nguồn lực, năng lực cần thiết và thiết lập một cơ chế giám sát, theo dõi, đánh giá và báo cáo tiến độ thực hiện Chương trình nghị sự 2030.
KTNN cần đẩy mạnh các nội dung liên quan đến đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng và cập nhật kiến thức thường xuyên, liên tục cho đội ngũ kiểm toán viên; ưu tiên nguồn lực về con người, tài chính, thời gian triển khai hoạt động kiểm toán nhằm đáp ứng tối đa yêu cầu kiểm toán các chương trình, dự án liên quan tới nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội - môi trường.
Ngoài ra, cần nghiên cứu, xem xét việc mời các chuyên gia từ cơ quan KTNN có kinh nghiệm về kiểm toán các mục tiêu phát triển bền vững sang Việt Nam để thảo luận, trao đổi, truyền đạt kinh nghiệm, kiến thức hoặc tư vấn, phối hợp với KTNN trong việc xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai, thực hiện kiểm toán.../.
Tin: M. Thúy
Ảnh: T. Xuyên