Kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước: Phục vụ đắc lực cho những quyết định quan trọng của Quốc hội

26/12/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Trong Kế hoạch kiểm toán năm 2025 được Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn ký ban hành kèm theo Quyết định số 1975/QĐ-KTNN ngày 11/12/2024, Vụ Tổng hợp được giao thực hiện cuộc kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN), Báo cáo nợ công năm 2024. Đây là một trong số 116 nhiệm vụ kiểm toán mà Ngành sẽ thực hiện trong năm tới và là cuộc kiểm toán quan trọng nhất trong năm.

Quang cảnh Hội nghị Công bố quyết định Kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN và Báo cáo nợ công năm 2023 tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chiều 24/12. Ảnh: PV

Tinh thần khẩn trương, nhưng phải đảm bảo chất lượng, hiệu quả

Liên quan đến nội dung kiểm toán này, Vụ Tổng hợp (KTNN) vừa triển khai kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN và Báo cáo nợ công năm 2023 tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Cuộc kiểm toán năm nay được triển khai sớm hơn thường lệ nhưng vẫn gói gọn trong 45 ngày theo quy định nhằm có kết quả phục vụ kịp thời cho phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cuối tháng 3/2025 và kỳ họp Quốc hội cuối tháng 5/2025.

Bám sát mục tiêu, nội dung, phạm vi kiểm toán và kế hoạch kiểm toán tổng quát đã được lãnh đạo Ngành phê duyệt, Vụ Tổng hợp đã và đang khẩn trương triển khai gửi danh sách yêu cầu các tài liệu cần đơn vị được kiểm toán cung cấp, các hồ sơ, mẫu biểu kiểm toán... Tại nội bộ đơn vị, ngay sau khi công bố triển khai cuộc kiểm toán, lãnh đạo Vụ đã họp quán triệt, yêu cầu Đoàn kiểm toán và các Tổ kiểm toán tập trung nguồn lực, trí tuệ làm việc khẩn trương, nghiêm túc; tích cực áp dụng những kinh nghiệm, bài học từ các cuộc kiểm toán những năm trước; nỗ lực vượt qua khó khăn trong giai đoạn cuối năm công việc bộn bề... để đạt hiệu quả cao, chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu mà lãnh đạo KTNN đặt ra đối với cuộc kiểm toán này.

Nhấn mạnh yêu cầu đối với Đoàn kiểm toán, ông Hoàng Văn Lương - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp nêu rõ, cần tập trung đánh giá, xác nhận tính trung thực, hợp lý của Báo cáo quyết toán NSNN và Báo cáo nợ công năm 2023; đánh giá việc tuân thủ pháp luật trong công tác lập, giao và tổ chức thực hiện dự toán, quản lý, điều hành quyết toán NSNN và quản lý nợ công; đánh giá hiệu lực trong việc triển khai chính sách tài khóa, quản lý, điều hành NSNN và quản lý nợ công. Trong đó, tập trung vào các khoản thu, chi NSNN và nợ công năm 2023; việc chấp hành pháp luật, chính sách, chế độ quản lý tài chính, kế toán, quyết toán, quản lý nợ công; việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện dự toán NSNN và quản lý nợ công năm 2023.

Phân giao công việc cụ thể cho từng Tổ kiểm toán, ông Hoàng Linh - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Trưởng Đoàn kiểm toán - lưu ý: Tổ kiểm toán nợ công; Tổ kiểm toán chi thường xuyên, Tổ kiểm toán chi đầu tư và Tổ kiểm toán thu NSNN cố gắng bám sát các nội dung kiểm toán trọng tâm của Tổ, phấn đấu giai đoạn 1 (từ ngày 24/12/2024 - 15/01/2025) làm xong các nội dung và giai đoạn 2 (từ ngày 17/02-11/3/2025) chỉ còn trao đổi với các đơn vị được kiểm toán để thống nhất các số liệu quyết toán...

Lưu ý với Đoàn kiểm toán, cũng như các Tổ kiểm toán, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Minh Khương yêu cầu, phải làm rõ các khoản thu, chi NSNN từ ngày 01/01 của niên độ tài chính được kiểm toán; làm rõ các khoản chi chuyển nguồn; rà soát lại các khoản bổ sung có mục tiêu, bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung kế hoạch vốn; xác định kết dư NSNN và nguồn kết dư; xác định số nợ công cuối kỳ, số nợ đọng xây dựng cơ bản và nguồn nợ đọng; nguồn cải cách tiền lương; đánh giá mức độ tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp công lập có sử dụng kinh phí NSNN lớn…

Căn cứ quan trọng để Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước

Theo đánh giá của Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Minh Khương, cuộc kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN, Báo cáo nợ công là cuộc kiểm toán quan trọng nhất trong năm của KTNN. Kết quả của cuộc kiểm toán sẽ được Tổng Kiểm toán nhà nước báo cáo trước Quốc hội.

Thực hiện nhiệm vụ thường kỳ, cuối năm 2023, đầu năm 2024, Vụ Tổng hợp cũng đã chủ trì thực hiện cuộc kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN năm 2022 tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; được Tổng Kiểm toán nhà nước ký phát hành Báo cáo kiểm toán ngày 22/5/2024, gửi các đại biểu Quốc hội và trình bày trước Quốc hội. Báo cáo kiểm toán đã tập trung làm rõ nhiều vấn đề vĩ mô về quản lý, điều hành NSNN, được Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm, đánh giá cao và xem đây là căn cứ quan trọng để Quốc hội biểu quyết thông qua Quyết toán NSNN năm 2023 tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Thực tế cho thấy, qua kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN năm 2022, KTNN đã xác nhận quyết toán NSNN năm 2022 với tổng số thu cân đối NSNN là 2.713.787 tỷ đồng; tổng số chi cân đối NSNN là 2.897.466 tỷ đồng; bội chi NSNN là 293.313 tỷ đồng, bằng 3,07% GDP thực hiện; tính đến ngày 31/12/2022, tổng số nợ công là 3.557.668,28 tỷ đồng, giảm 1,63% so với năm 2021, bằng 37,26% so với GDP, nằm trong giới hạn cho phép của Quốc hội. Trên cơ sở đề xuất của Chính phủ và KTNN, Quốc hội đã phê chuẩn quyết toán NSNN theo những số liệu, nội dung quan trọng này.

Thông tin từ cuộc kiểm toán cũng là căn cứ để KTNN xây dựng Báo cáo ý kiến trình Quốc hội và tham gia thảo luận, thẩm tra về dự toán NSNN năm 2025; xây dựng Báo cáo ý kiến của KTNN về đánh giá tình hình thực hiện NSNN năm 2024, dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội làm tài liệu để Quốc hội xem xét, quyết định dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024./.

Theo Báo Kiểm toán số 52/2024

Xem thêm »