Tổ chức kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất bãi bồi và đất có mặt nước ven biển vào mục đích phi nông nghiệp

27/12/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Chiều 27/12, Hội đồng khoa học Kiểm toán nhà nước (KTNN) tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Tổ chức kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển vào mục đích phi nông nghiệp” do ThS. Cao Minh Xuyến - Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực XII và ThS. Đào Trọng Khánh - Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VIII đồng chủ nhiệm.

TS. Bùi Quốc Dũng - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu

TS. Bùi Quốc Dũng - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu; cùng tham dự có các thành viên Hội đồng và Ban chủ nhiệm đề tài.
 
Vùng ven biển có vị trí địa lý, kinh tế, quốc phòng an ninh quan trọng đối với cả nước, là vùng có các nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng; có hệ thống giao thông thuận tiện; là môi trường thuận lợi để tiếp nhận các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, vùng ven biển cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như bão, lũ lụt, khô hạn, nắng nóng và quá trình xâm nhập mặn qua các cửa sông và mạch nước ngầm; hiện tượng xói lở bờ biển, cửa lạch; hiện tượng bồi lắng các cửa sông… đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của người dân.
 
Việc sử dụng đất bãi bồi ven biển (BBVB), đất có mặt nước ven biển (MNVB) vào các mục đích phi nông nghiệp có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây, trong đó tăng mạnh nhất là đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đất giao thông; đất thương mại, dịch vụ du lịch… tạo điều kiện thu hút việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động, đẩy mạnh quá trình phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống của người dân ven biển.
 
Tuy nhiên, kết quả kiểm toán cho thấy, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số những hạn chế như: Diện tích đất BBVB, đất có MNVB nhiều địa phương chưa được đo đạc, xác định diện tích ranh giới trên bản đồ địa chính; Trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các địa phương ven biển chưa thể hiện đất BBVB, đất có MNVB; Công tác giao đất, cho thuê đất còn thiếu thống nhất giữa các địa phương ven biển trên cả nước, còn nặng về thủ tục hành chính; Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong quá trình quản lý sử dụng đất BBVB, đất có MNVB chưa được các tỉnh có biển quan tâm thực hiện thường xuyên…
 
Để nâng cao chất lượng kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất BBVB, đất có MNVB vào mục đích phi nông nghiệp, nhóm tác giả đã nghiên cứu và làm rõ cơ sở lý luận và thực trạng quản lý, sử dụng đất BBVB, đất có MNVB vào mục đích phi nông nghiệp; phân tích việc tổ chức kiểm toán, chỉ ra các hạn chế, từ đó đưa ra các giải pháp cụ thể; kiến nghị cấp có thẩm quyền hoàn thiện các cơ chế, chính sách còn bất cập trong quản lý, sử dụng đất BBVB, đất có MNVB vào mục đích phi nông nghiệp.
 
Quang cảnh cuộc họp

Đề tài được kết cấu gồm 3 chương: Chương 1 - Một số vấn đề chung về tổ chức kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất BBVB, đất có MNVB vào mục đích phi nông nghiệp; Chương 2 - Thực trạng việc tổ chức kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất BBVB, đất có MNVB vào mục đích phi nông nghiệp tại KTNN; Chương 3 - Giải pháp hoàn thiện, nâng cao chất lượng tổ chức kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất BBVB, đất có MNVB vào mục đích phi nông nghiệp.
 
Tại cuộc họp, các thành viên của Hội đồng nghiệm thu đánh giá đề tài có ý nghĩa cả về mặt lý luận và thực tiễn; mục tiêu nghiên cứu rõ ràng, cụ thể, thiết thực. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu phù hợp với mục tiêu, đảm bảo xác định được nội dung và cơ sở để khẳng định được kết quả nghiên cứu đúng đắn, sát thực nhằm đạt được mục tiêu đã định. Kết quả nghiên cứu có tính mới trong việc xem xét đánh giá thực trạng hoạt động của KTNN trong thời gian vừa qua.
 
Ban chủ nhiệm đề tài trình bày kết quả nghiên cứu.

Để hoàn thiện đề tài, Hội đồng nghiệm thu khuyến nghị Ban đề tài bổ sung thống kê tổng thể diện tích, mục đích sử dụng, hiệu quả kinh tế, xã hội của việc sử dụng đất BBVB, đất có MNVB vào mục đích phi nông nghiệp hiện nay; rà soát cơ sở pháp lý, hệ thống hóa, sơ đồ hóa để tránh trùng lặp và trực quan; bổ sung và biên tập làm rõ hơn thực trạng, vướng mắc, nguyên nhân của hạn chế trong công tác tổ chức kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất BBVB, đất có MNVB vào mục đích phi nông nghiệp.
 
Ban đề tài nghiên cứu bổ sung thêm các khía cạnh môi trường thông qua các quy định liên quan đến bảo vệ hệ sinh thái, cụ thể: Luật Bảo vệ môi trường quy định về bảo vệ đất ngập nước và sinh cảnh tự nhiên liên quan; Nghị định 66/2019/NĐ-CP về bảo tồn và phát triển rừng ngập mặn, có thể gián tiếp áp dụng cho quản lý đất ven biển và các nghiên cứu gần đây về ứng dụng công nghệ số (AI, GIS) trong kiểm toán và quản lý đất đai hoặc có thể đưa vào kiến nghị giải pháp. Ban đề tài nghiên cứu chức năng nhiệm vụ của các cơ quan liên quan để xây dựng đề cương kiểm toán, các tiêu chí kiểm toán phù hợp.
 
TS. Nguyễn Ngọc Hà - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phản biện 1 góp ý với Ban đề tài. 

TS. Bùi Quốc Dũng - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đánh giá đề tài được nghiên cứu công phu, đầu tư nhiều thời gian vào việc tìm hiểu tài liệu tham khảo trong nước và quốc tế, nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật; phân tích, đánh giá tốt thực trạng kiểm toán từ các cuộc kiểm toán đã triển khai.
 
Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban đề tài tiếp thu ý kiến của Hội đồng nghiệm thu, trong đó lưu ý về việc biên soạn một số nội dung tránh trùng lặp, đảm bảo tính logic, tập trung vào nội dung nghiên cứu; nêu bật được tính cần thiết phải triển khai kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất BBVB, đất có MNVB vào mục đích phi nông nghiệp, từ đó làm nổi bật kết quả kiểm toán của KTNN.
 
Hội đồng nghiệm thu đánh giá đề tài xếp loại Khá.
 
Tin và ảnh: Nguyễn Ly

Xem thêm »