(sav.gov.vn) - Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, Hệ thống Chuẩn mực kiểm toán nhà nước (CMKTNN) vừa ban hành có nhiều điểm mới, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và thông lệ quốc tế. Đây là điều kiện quan trọng để Kiểm toán nhà nước (KTNN) nâng cao tính chuyên nghiệp, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động kiểm toán, góp phần xây dựng nền tài chính quốc gia lành mạnh, phát triển bền vững.
Thưa Tổng Kiểm toán nhà nước! KTNN vừa ban hành Hệ thống CMKTNN gồm 43 chuẩn mực. Với vai trò Trưởng Ban Chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Hệ thống CMKTNN, ông có thể cho biết vì sao KTNN lại sửa đổi, ban hành Hệ thống chuẩn mực mới ở thời điểm này?
Hệ thống CMKTNN năm 2016 được xây dựng trên cơ sở tuân thủ Luật KTNN, tiếp thu có chọn lọc các chuẩn mực thuộc Hệ thống chuẩn mực kiểm toán quốc tế (ISSAI) do INTOSAI - Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao ban hành, phù hợp với pháp luật Việt Nam, cơ chế quản lý của Việt Nam, điều kiện và môi trường hoạt động kiểm toán của KTNN Việt Nam. Sau hơn 8 năm áp dụng vào thực tiễn, Hệ thống CMKTNN năm 2016 đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả và hiệu lực hoạt động của KTNN.
Tuy nhiên, các cơ sở cho việc xây dựng và áp dụng Hệ thống CMKTNN năm 2016 đều thay đổi, gồm: Luật KTNN sửa đổi, bổ sung năm 2019, Hệ thống Chuẩn mực kiểm toán quốc tế do INTOSAI ban hành đã chuyển đổi thành Khung các tuyên bố chuyên môn của INTOSAI (IFPP), điều kiện và thực tiễn hoạt động kiểm toán của KTNN Việt Nam cũng có nhiều thay đổi. Đặc biệt, Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 (Giai đoạn 2021-2030) ban hành kèm theo Nghị quyết số 999/2020/UBTVQH14 ngày 16/9/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đặt ra yêu cầu cần phải tiếp tục hoàn thiện Hệ thống CMKTNN phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng yêu cầu kiểm toán trong môi trường kỹ thuật số.
Do đó, việc ban hành Hệ thống CMKTNN mới là hết sức cần thiết nhằm cập nhật các sửa đổi, bổ sung của Hệ thống ISSAI; đảm bảo phù hợp với pháp luật, cơ chế quản lý của Việt Nam, điều kiện và môi trường hoạt động của KTNN Việt Nam. Trên cơ sở nghiên cứu, tổng kết gần 8 năm áp dụng Hệ thống CMKTNN năm 2016, KTNN đã tiến hành rà soát, sửa đổi cho phù hợp, đảm bảo tính kế thừa, tính khả thi, phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn hoạt động kiểm toán cũng như các quy định pháp luật mới hiện hành.
CMKTNN bao gồm các quy tắc đạo đức nghề nghiệp giúp kiểm toán viên nhà nước giữ gìn và nâng cao đạo đức và bản lĩnh nghề nghiệp; là các nguyên tắc nền tảng, khung định hướng, yêu cầu, trình tự thủ tục mà kiểm toán viên nhà nước phải nghiên cứu, áp dụng thực hiện trong quá trình kiểm toán. Hệ thống CMKTNN là các hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ bảo đảm tính chuyên nghiệp, khách quan cho kiểm toán viên nhà nước, cung cấp phương pháp tiếp cận, cách thức thu thập, đánh giá bằng chứng kiểm toán và đưa ra ý kiến kiểm toán. Qua đó đạt được mục tiêu cuộc kiểm toán đặt ra, đảm bảo để kết quả kiểm toán được đánh giá khách quan, trung thực đáp ứng niềm tin của người sử dụng báo cáo kiểm toán; góp phần tăng cường tính công khai, minh bạch, kỷ luật và kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; cung cấp cho Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan chức năng và đơn vị được kiểm toán nhiều kiến nghị có giá trị thực tiễn; đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu về thông tin phục vụ hoạt động giám sát và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.
Vậy Hệ thống CMKTNN vừa ban hành có điểm gì mới so với Hệ thống CMKTNN năm 2016 và các Hệ thống CMKTNN trước đó, thưa ông?
Hệ thống CMKTNN ban hành, ngày càng hoàn thiện và phù hợp hơn với thực tiễn Việt Nam, cũng như thông lệ quốc tế, là kim chỉ nam cho hoạt động kiểm toán của KTNN. 4 CMKTNN được bổ sung vào Hệ thống CMKTNN năm 2024 gồm: CMKTNN 150 - Năng lực của kiểm toán viên nhà nước, CMKTNN 2701 - Trình bày các vấn đề kiểm toán quan trọng của cuộc kiểm toán trong báo cáo kiểm toán, CMKTNN 2720 - Trách nhiệm của kiểm toán viên nhà nước đối với thông tin khác trong tài liệu có báo cáo tài chính đã được kiểm toán, CMKTNN 2810 - Đưa ra ý kiến về báo cáo tài chính tóm tắt.
Với quan điểm sửa đổi, bổ sung Hệ thống CMKTNN để đáp ứng các yêu cầu đặt ra từ thực tiễn hoạt động kiểm toán của KTNN, phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như các quy định pháp luật mới ban hành, Hệ thống 43 CMKTNN lần này có một số điểm mới nổi bật sau:
Thứ nhất, Hệ thống ISSAI có nhiều sự thay đổi cả về cấp độ, tên và số hiệu của các chuẩn mực, một số ISSAI được sửa đổi, bổ sung nhiều về nội dung và kết cấu như ISSAI 2315 (Xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu) và ISSAI 2540 (Ước tính kế toán). Bên cạnh việc biên tập và nhấn mạnh các nguyên tắc về đạo đức nghề nghiệp, Hệ thống ISSAI mới cũng đề cao về năng lực của kiểm toán viên và đã xây dựng bổ sung ISSAI 150 (Năng lực chuyên môn). Trên cơ sở những thay đổi của Hệ thống ISSAI, Hệ thống CMKTNN năm 2016 đã được cập nhật theo hướng sửa đổi, bổ sung, ghép, tách các CMKTNN và xây dựng mới một số CMKTNN cho phù hợp và thống nhất với Hệ thống ISSAI sửa đổi, bổ sung.
Thứ hai, trên cơ sở sửa đổi, bổ sung theo Luật KTNN, các quy định và pháp luật của Việt Nam, một số CMKTNN trong Hệ thống CMKTNN vừa ban hành được biên tập, cập nhật, bổ sung một số nội dung cụ thể hóa Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.
Thứ ba, để bảo đảm phù hợp với thực tiễn hoạt động kiểm toán và xu thế phát triển của công nghệ thông tin, một số CMKTNN đã được bổ sung và lồng ghép các quy định về ứng dụng công nghệ thông tin như xác định, đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu và lập kế hoạch kiểm toán…
Thứ tư, Hệ thống CMKTNN mới đã thay đổi cả về số lượng CMKTNN và kết cấu, nội dung của từng CMKTNN so với Hệ thống CMKTNN năm 2016. Một số nội dung được nhiều CMKTNN nhấn mạnh như đạo đức nghề nghiệp, năng lực chuyên môn của kiểm toán viên nhà nước để nâng cao hơn nữa tính độc lập, khách quan và chuyên nghiệp của kiểm toán viên nhà nước cũng như chất lượng và hiệu lực của hoạt động kiểm toán của KTNN.
Với những điểm mới quan trọng đó, ông kỳ vọng Hệ thống CMKTNN lần này có ý nghĩa như thế nào đối với hoạt động kiểm toán cũng như sự phát triển của KTNN trong thời gian tới, thưa ông?
Việc sửa đổi Hệ thống CMKTNN lần này có ý nghĩa rất quan trọng đối với vấn đề phát triển bền vững về tổ chức, hoạt động cũng như việc nâng cao vị thế, uy tín của KTNN trong thời gian tới.
Trước hết, Hệ thống CMKTNN sẽ là cơ sở vững chắc cho việc hoàn thiện quy trình kiểm toán của KTNN, các hướng dẫn kiểm toán cho các lĩnh vực, hoạt động của KTNN phát sinh trong thực tiễn.
Hệ thống CMKTNN giúp cho kiểm toán viên nhà nước tiếp cận hiệu quả hơn, phù hợp với các vấn đề thực tiễn đặt ra; góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động kiểm toán; hướng tới đáp ứng yêu cầu về đổi mới công nghệ kiểm toán, đặc biệt là việc áp dụng công nghệ 4.0 trong tổ chức hoạt động kiểm toán; tạo điều kiện cho kiểm toán viên nhà nước trong xu thế và tiến trình hội nhập quốc tế.
Hệ thống CMKTNN được sửa đổi là một trong những điều kiện để nâng cao chất lượng kiểm toán, góp phần tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, tạo dựng lòng tin, độ tin cậy của lãnh đạo các cấp, các đơn vị và cộng đồng xã hội đối với hoạt động kiểm toán nhà nước.
Theo ông, đâu là những điều kiện cần thiết để Hệ thống CMKTNN mới ban hành sớm đi vào thực tiễn?
Việc sớm đưa Hệ thống CMKTNN mới ban hành vào thực tiễn hoạt động kiểm toán là một trong những ưu tiên hàng đầu của Ngành trong thời gian tới. Để triển khai một cách toàn diện và hiệu quả, cần xây dựng một kế hoạch, lộ trình thực hiện áp dụng CMKTNN một cách cụ thể và khả thi.
Trước hết, cần nâng cao nhận thức của toàn Ngành về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc áp dụng và tuân thủ Hệ thống CMKTNN. Có như vậy, việc áp dụng Hệ thống CMKTNN vào thực tiễn mới thực chất và hiệu quả.
Các đơn vị trực thuộc KTNN phải xác định việc áp dụng Hệ thống CMKTNN là nhiệm vụ trọng tâm, cần ưu tiên thực hiện, trên cơ sở đó chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai áp dụng.
Để áp dụng Hệ thống CMKTNN vào thực tiễn một cách thống nhất và toàn diện thì cần phải đào tạo, tập huấn. Tuy nhiên, công tác đào tạo, tập huấn cần phải đổi mới về cả hình thức và phương pháp. Tập huấn chung toàn Ngành và đào tạo tại từng đơn vị trực thuộc; đào tạo lý thuyết đi đôi với thực hành và cầm tay chỉ việc. Cùng với đó phải đánh giá kết quả đào tạo, tập huấn định kỳ, đồng thời, kết hợp đánh giá cụ thể thông qua kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
Ngoài ra, các đơn vị được kiểm toán, các cơ quan của Quốc hội, các Bộ, ngành, địa phương và công chúng cũng cần được tăng cường nhận thức một cách rõ ràng hơn về địa vị pháp lý, vai trò và chức năng của KTNN trong kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, qua đó hỗ trợ giám sát, tăng cường chất lượng phối hợp để các CMKTNN mới ban hành thực sự đi vào cuộc sống, giúp KTNN tăng cường năng lực, phát huy tốt vai trò, vị thế, góp phần xây dựng nền tài chính quốc gia ngày càng minh bạch, lành mạnh và phát triển bền vững.
Xin trân trọng cảm ơn ông!./.
Theo Báo Kiểm toán