(sav.gov.vn) - Lựa chọn đúng, trúng đối tượng, nội dung kiểm toán sẽ đưa đến cách thức tổ chức kiểm toán phù hợp, cũng như giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương, đơn vị được kiểm toán. Đó là vấn đề Tổng Kiểm toán nhà nước quán triệt và được các đơn vị kiểm toán tập trung triển khai thực hiện ngay từ khi xây dựng kế hoạch kiểm toán cũng như xuyên suốt quá trình tổ chức kiểm toán.

Kiểm toán viên KTNN khu vực V thực hiện kiểm toán. Ảnh: TL
Tại Kiểm toán nhà nước (KTNN) khu vực V, việc lựa chọn các vấn đề kiểm toán mang hơi thở cuộc sống, gắn với các trụ cột phát triển kinh tế - xã hội đã mang đến những phát hiện nổi bật, các kiến nghị xác đáng, có ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển của địa phương.
Kiểm toán gắn với trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của địa phương
Thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, cũng như với tinh thần đồng hành, hỗ trợ của KTNN vì mục tiêu phát triển chung của địa phương, KTNN khu vực V đã tập trung nắm bắt tình hình của từng địa phương được giao kiểm toán để xác định những vấn đề đặc trưng, đặc thù của từng nơi, từ đó xây dựng kế hoạch kiểm toán cho phù hợp, trong đó tập trung kiểm toán gắn với trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành ngân sách của địa phương, kiến nghị cơ chế, chính sách hiệu quả đối với các Bộ, ngành có liên quan.
Xác định rõ đặc thù của các tỉnh miền Tây Nam Bộ - khu vực đơn vị được giao kiểm toán, Kiểm toán trưởng KTNN khu vực V Nguyễn Đức Sỹ nhận định, các địa phương trong vùng đều có chung đặc điểm là phần lớn điều kiện kinh tế - xã hội còn hạn chế, quy mô ngân sách nhỏ, thiên tai khắc nghiệt, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với khu vực sông, biển với những thuận lợi và thách thức riêng, khác biệt với nhiều khu vực khác trên cả nước. “Chỉ khi nhận diện rõ những rào cản, thách thức nổi cộm tại địa phương để kiểm toán và kiến nghị chấn chỉnh, tháo gỡ thì cuộc kiểm toán mới mang lại đóng góp, giá trị lớn nhất, như Tổng Kiểm toán nhà nước đã chỉ ra” - Kiểm toán trưởng KTNN khu vực V Nguyễn Đức Sỹ cho biết.
Trong lựa chọn nội dung kiểm toán, phải bám sát đặc thù của địa phương, đơn vị được kiểm toán; đồng thời tổ chức thực hiện kiểm toán phải phát huy tinh thần “chất lượng, chất lượng hơn nữa”, phải kịp thời phát hiện những bất cập về cơ chế, chính sách, đặc biệt là chính sách đặc thù của địa phương để đề xuất giải pháp khắc phục, giúp địa phương phát triển.
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn
Với tinh thần đó, đơn vị đã, đang và sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước, tập trung vào những vấn đề “nóng”, dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tại địa bàn được giao phụ trách kiểm toán, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh kiểm toán các nội dung gắn với trụ cột phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương trong năm 2025 và các năm tiếp theo. Trong đó, đơn vị sẽ tiếp tục đề xuất thực hiện các cuộc kiểm toán gắn với đặc thù địa phương như: Quản lý và bảo vệ rừng; quản lý đất đai; kiểm toán môi trường (đặc biệt là bảo vệ môi trường biển); quy hoạch và xây dựng đô thị; quy hoạch và xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp…
Liên quan đến vấn đề kiểm toán gắn với trụ cột phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực V Lại Xuân Nghị cho biết, thời gian qua, đơn vị đã tổ chức nhiều cuộc kiểm toán liên quan đến thủy hải sản, nông nghiệp; chính sách về phát triển khu công nghiệp; chính sách về phát triển kinh tế biển…, những vấn đề mang đặc trưng vùng Tây Nam Bộ và từng địa phương trong vùng. Thông qua các cuộc kiểm toán này, KTNN khu vực V đã đưa ra nhiều đánh giá, kiến nghị quan trọng, góp phần vào sự phát triển của địa phương, cũng như khẳng định uy tín, sự đồng hành, hỗ trợ của KTNN.
Bất cập trong quản lý, thu tiền sử dụng khu vực biển: Phát hiện nhỏ, giá trị lớn
Một trong những nội dung kiểm toán gắn với trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đã được KTNN khu vực V thực hiện thành công và có sức lan tỏa sâu rộng phải kể đến là cuộc kiểm toán ngân sách địa phương và Báo cáo quyết toán ngân sách địa phương năm 2022 tại tỉnh Kiên Giang, trong đó có nội dung đánh giá khoản thu từ tiền thuê mặt nước biển, khi Đoàn kiểm toán thực hiện kiểm toán thu ngân sách tại Cục Thuế tỉnh Kiên Giang.
Trực tiếp chỉ đạo cuộc kiểm toán khi đó, Phó Kiểm toán trưởng Lại Xuân Nghị - Trưởng đoàn kiểm toán - cho biết, tại thời điểm kiểm toán, địa phương chưa thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển dẫn đến khó xác định mốc cho thuê đất trên đất liền có vi phạm hành lang biển; chưa xác định được đường triều kiệt tại các đảo nên không có cơ sở để xác định được phần đất có mặt nước ven biển hay khu vực biển làm cơ sở chuyển thông tin cho cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính phù hợp với việc sử dụng đất có mặt nước ven biển hoặc khu vực biển.
Ngày 05/4/2022, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh ban hành Quyết định số 05/2022/QĐ-UBND về việc quy định mức thu tiền sử dụng Khu vực biển thuộc thẩm quyền giao khu vực biển của UBND tỉnh giai đoạn 2022-2025, có hiệu lực từ ngày 15/4/2022 là chậm so với thời hạn quy định tại điểm c khoản 2 Điều 34 Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10/02/2021 của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng tài nguyên (chậm nhất là ngày 27/6/2021). Những bất cập này dẫn đến việc cơ quan thuế áp dụng đơn giá thuê mặt nước biển thấp theo quy định cũ, làm ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách nhà nước.
“Việc phát hiện một số tồn tại, hạn chế trong quản lý thu tiền sử dụng khu vực biển và việc đưa ra kiến nghị để địa phương rà soát, khắc phục sẽ giúp tăng nguồn thu từ việc sử dụng khu vực biển cao hơn mức địa phương đang thu (do đơn giá có thể cao hơn khoảng 13,3 lần)” - Trưởng đoàn kiểm toán cho biết; đồng thời nhấn mạnh, việc chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong cơ chế, chính sách; các thủ tục giao khu vực biển nhằm giúp tỉnh có biện pháp khắc phục, bổ sung để phát huy tốt thế mạnh của địa phương về phát triển kinh tế biển.
Bên cạnh đó, Đoàn kiểm toán cũng chỉ ra một số vướng mắc trong thủ tục gia hạn, điều chỉnh thời gian cho thuê mặt nước biển cho mục đích nuôi trồng thủy sản chưa phù hợp với Luật Thủy sản năm 2017 có khả năng ảnh hưởng đến nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp đối với ngân sách nhà nước. Tỉnh Kiên Giang chưa thực hiện thu tiền sử dụng khu vực biển, chưa hoàn thành quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch 2017, chưa có quy hoạch không gian biển quốc gia, chưa có quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững dẫn đến khó khăn trong thủ tục giao sử dụng khu vực biển cho các tổ chức, cá nhân theo quy định…
Lý giải về quyết định lựa chọn kiểm toán các khoản thu tiền sử dụng khu vực biển; thu tiền thuê đất, mặt nước trong cuộc kiểm toán này, Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực V Lại Xuân Nghị cho biết là do “Kiên Giang là một trong những tỉnh có vùng biển rộng lớn với diện tích hơn 63.000km² và hơn 143 hòn đảo lớn nhỏ”, do đó, việc làm rõ chính sách liên quan đến nội dung này, tính trên tổng thể diện tích mặt nước tại tỉnh Kiên Giang sẽ có tác động rất lớn. Song các phát hiện, kiến nghị kiểm toán này “còn có ý nghĩa gợi mở, giúp các địa phương có biển nghiên cứu, hoàn thiện chính sách để áp dụng tại địa phương, tránh kẽ hở trong thực hiện và làm thất thu ngân sách” - ông Nghị cho biết thêm.
Sau khi báo cáo kiểm toán được phát hành, địa phương đang tích cực triển khai thực hiện theo kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN.
Thực tiễn cho thấy, những phát hiện, kiến nghị kiểm toán dù nhỏ nhưng đúng, trúng với đặc thù của địa phương luôn mang lại giá trị lớn cho cuộc kiểm toán, cũng như đóng góp hữu hiệu vào sự phát triển của địa phương được kiểm toán. Nhiều vấn đề được KTNN chỉ ra còn có ảnh hưởng sâu rộng, khi đề cập đến các cơ chế, chính sách chung, cũng như cơ chế quản lý tại nhiều địa phương có sự tương đồng về đặc thù trong phát triển kinh tế – xã hội. Báo Kiểm toán sẽ tiếp tục thông tin./.
Theo Báo Kiểm toán số 8/2025