KTNN chuyên ngành VI tổ chức đào tạo nội bộ đợt 2

21/02/2025
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Sáng 21/2, Kiểm toán nhà nước (KTNN) chuyên ngành VI tổ chức đào tạo nội bộ năm 2025 (Đợt 2) cho toàn thể cán bộ, công chức của đơn vị.

Quang cảnh buổi đào tạo nội bộ

Tại buổi đào tạo, ông Trần Văn Hảo - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI đã phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 106/CT-KTNN ngày 13/2/2025 của Tổng Kiểm toán nhà nước về việc tổ chức thực hiện Kế hoạch kiểm toán năm 2025.

Kiểm toán trưởng Trần Văn Hảo nhấn mạnh: Năm 2025 là cột mốc quan trọng trong việc thực hiện Kế hoạch Chiến lược phát triển KTNN đến 2030, năm tổ chức Đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Đây cũng là thời điểm toàn hệ thống chính trị đẩy mạnh công cuộc tinh gọn bộ máy, tạo tiền đề vững chắc để đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
 
Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI Trần Văn Hảo phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 106/CT-KTNN của Tổng Kiểm toán nhà nước về việc tổ chức thực hiện Kế hoạch kiểm toán năm 2025

Để thực hiện thắng lợi toàn diện nhiệm vụ chính trị năm 2025 với phương châm “An toàn - Uy tín”, Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu các đơn vị ưu tiên nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ trình ý kiến về dự toán và quyết toán NSNN, các nhiệm vụ theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ, phục vụ các chuyên đề giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đảm bảo tiến độ và chất lượng.

Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm toán, nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán và các kết luận, kiến nghị kiểm toán góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách, tiền tệ; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 1671/CT-KTNN ngày 01/10/2024 của Tổng Kiểm toán nhà nước về thực hiện một số biện pháp nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán của KTNN; đẩy mạnh kiểm toán tổng hợp nhằm đánh giá sâu sắc, toàn diện công tác quản lý, điều hành thu, chi NSNN, công tác quản lý, sử dụng tài sản công của từng cấp, từng đơn vị, cũng như tập trung đánh giá tính hiệu lực của cơ chế, chính sách có liên quan để kiến nghị hoàn thiện, khắc phục lỗ hổng thất thoát, lãng phí tiền, tài sản Nhà nước từ cơ chế, chính sách; tập trung kiểm toán các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng, lãng phí, tiêu cực như đầu tư công, quản lý, sử dụng đất đai, môi trường, tài nguyên, khoáng sản, đầu tư, góp vốn của các doanh nghiệp nhà nước, việc quản lý, sử dụng tài sản, tài chính công..., những vấn đề cấp bách, bức xúc, xã hội và dư luận quan tâm.

Tập trung làm tốt công tác quản lý và kiểm soát chất lượng các cuộc kiểm toán từ khâu chuẩn bị kiểm toán, tổ chức thực hiện kiểm toán đến khâu lập và phát hành Báo cáo kiểm toán. 100% các Đoàn kiểm toán được kiểm soát chất lượng, trong đó tổ chức kiểm soát đột xuất 20% số cuộc kiểm toán được giao năm 2025; kết hợp linh hoạt việc kiểm soát qua hồ sơ với kiểm soát trực tiếp để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến hoạt động của Đoàn kiểm toán và đơn vị được kiểm toán.

Các Đoàn kiểm toán, thành viên Đoàn kiểm toán tuân thủ đầy đủ quy định của Luật KTNN, Hệ thống Chuẩn mực KTNN, Quy trình kiểm toán của KTNN, Quy chế Kiểm soát chất lượng kiểm toán, Quy chế tổ chức và hoạt động Đoàn KTNN, Quy tắc ứng xử của Kiểm toán viên nhà nước; tăng cường trách nhiệm của Thủ trưởng các đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán trong kiểm tra, kiểm soát hoạt động kiểm toán.

Các đơn vị kiểm toán và đơn vị có liên quan tiếp tục nâng cao trách nhiệm giải trình và phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong quá trình kiểm toán; công khai kết quả kiểm toán; kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị và trả lời kiến nghị kiểm toán; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả, quản lý hoạt động kiểm toán; cập nhật đầy đủ, kịp thời thông tin, dữ liệu về hoạt động kiểm toán để cung cấp thông tin cho lãnh đạo KTNN phục vụ công tác quản lý, điều hành.

Các KTNN chuyên ngành, khu vực tổng hợp kết quả kiểm toán nổi bật (đặc biệt là kết quả, kiến nghị kiểm toán về cơ chế, chính sách) của đơn vị trong năm 2025 báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước, Lãnh đạo KTNN phụ trách, đồng thời gửi Văn phòng KTNN, Vụ Tổng hợp trước ngày 15/01/2026.
 
TS. Đặng Thị Hoàng Liên - Phó Vụ Trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán giới thiệu khái quát về Hệ thống chuẩn mực KTNN

Cũng tại buổi đào tạo, TS. Đặng Thị Hoàng Liên - Phó Vụ Trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán và bà Nguyễn Thanh Huệ - Trưởng phòng Doanh nghiệp và các tổ chức tài chính ngân hàng (Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán) đã giới thiệu khái quát về Hệ thống chuẩn mực KTNN ban hành kèm theo Quyết định 08/2024/QĐ-KTNN ngày 15/11/2024 của KTNN và tập huấn chuyên sâu, giải đáp về một số chuẩn mực liên quan đến kiểm toán báo cáo tài chính doanh nghiệp.

Hệ thống Chuẩn mực KTNN hiện hành gồm danh mục thuật ngữ và 43 chuẩn mực, quy định cho cả 3 loại hình kiểm toán: Kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động. Đây là lần thứ 4 KTNN ban hành Hệ thống Chuẩn mực, trước đó, KTNN đã ban hành Hệ thống Chuẩn mực năm 1999 (14 chuẩn mực); năm 2010 (với 21 chuẩn mực); năm 2016 (với 39 chuẩn mực). Hệ thống Chuẩn mực KTNN ban hành sau càng hoàn thiện, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và thông lệ quốc tế.

TS. Đặng Thị Hoàng Liên cho biết, Hệ thống Chuẩn mực KTNN ban hành năm 2024 có một số điểm mới nổi bật: Cập nhật, bổ sung những nội dung mới trong Hệ thống Chuẩn mực kiểm toán do INTOSAI ban hành 19, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam. KTNN không đưa vào Hệ thống Chuẩn mực KTNN sửa đổi lần này những quy định hoặc vấn đề mang tính chất hướng dẫn cụ thể, chi tiết về kỹ thuật, tổ chức, quản lý, điều hành hoạt động kiểm toán. Những vấn đề đó sẽ được nghiên cứu, xây dựng thành các hướng dẫn hoặc cẩm nang hướng dẫn các nghiệp vụ chuyên môn để đảm bảo tính ổn định, tính linh hoạt trong việc thực hiện chuẩn mực.
 
Các công chức, kiểm toán viên KTNN chuyên ngành VI tham dự buổi đào tạo nội bộ

Ngoài ra, để đảm bảo phù hợp với ISSAI, KTNN đã thay đổi số hiệu của Chuẩn mực KTNN cho phù hợp với số hiệu hệ thống ISSAI. Đặc biệt, Hệ thống Chuẩn mực KTNN lần này tăng 4 chuẩn mực so với Hệ thống Chuẩn mực năm 2016 do bổ sung những chuẩn mực mới theo ISSAI, gồm: Chuẩn mực số 150 - Năng lực của kiểm toán viên nhà nước; Chuẩn mực số 2701 - Trình bày các vấn đề kiểm toán quan trọng của cuộc kiểm toán trong báo cáo kiểm toán; Chuẩn mực số 2720 - Trách nhiệm của kiểm toán viên nhà nước đối với thông tin khác trong tài liệu có báo cáo tài chính đã được kiểm toán; Chuẩn mực số 2810 - Đưa ra ý kiến về báo cáo tài chính tóm tắt.

Hệ thống Chuẩn mực KTNN mới quy định rõ ràng hơn về trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn của KTNN, Kiểm toán viên nhà nước cũng như các đơn vị được kiểm toán và các đối tượng có liên quan, đảm bảo phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành, đồng thời thể hiện tính minh bạch trong vấn đề tổ chức hoạt động kiểm toán.

Tại buổi tập huấn, đại diện Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán cùng các công chức, kiểm toán viên KTNN chuyên ngành VI đã trao đổi, thảo luận, giải đáp một số nội dung liên quan đến kiểm toán báo cáo tài chính doanh nghiệp, như: Lập kế hoạch kiểm toán; xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu; kiểm toán báo cáo tài chính tổng hợp, báo cáo tài chính hợp nhất; kiểm soát chất lượng kiểm toán; tài liệu, hồ sơ kiểm toán; trách nhiệm của kiểm toán viên…

Tin và ảnh: Nguyễn Ly

Xem thêm »