(sav.gov.vn) - Kiểm toán chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) không chỉ là việc xác nhận báo cáo tài chính, kết quả thực hiện các mục tiêu đã đề ra, mà quan trọng hơn là đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả của các cơ chế, chính sách.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã làm bộ mặt nông thôn thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần người dân nông thôn được nâng cao. Ảnh: ST
Khắc phục những bất cập từ cơ chế đến triển khai thực hiện
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 của 3 chương trình MTQG là 102.050 tỷ đồng, đã bố trí đủ 100% trong kế hoạch hằng năm. Tổng vốn sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 của 3 chương trình MTQG là 91.956,848 tỷ đồng, đã cân đối bố trí 97.889,823 tỷ đồng trong dự toán hằng năm, vượt 6% dự kiến.
Đến nay, chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã hoàn thành 6/9 nhóm mục tiêu được Quốc hội giao tại Nghị định số 120/2020/QH14. Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, đến hết năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều là 1,93%, tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo là 24,86%, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn 12,55% (giảm 3,95%), đạt chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao. Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, đến tháng 3/2025, cả nước có 78% xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 97,5% mục tiêu giai đoạn 2021-2025; có 6/15 huyện đã ra khỏi danh sách huyện “trắng xã nông thôn mới”; có 47,6% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; có 6 tỉnh đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG yêu cầu hoàn thành tổng kết việc thực hiện 3 chương trình MTQG trong quý II/2025; xây dựng hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư cho giai đoạn 2026-2030 bảo đảm thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, không chồng chéo và phù hợp với tình hình thực tiễn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/7/2025.
Bên cạnh những nỗ lực, cố gắng, kết quả tích cực, hành động quyết liệt của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân các địa phương, công tác thực hiện các chương trình MTQG vẫn còn nhiều hạn chế. Theo đó, công tác hoàn thiện thể chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình từ Trung ương đến địa phương còn chậm, chưa kịp thời, đồng bộ, ảnh hưởng lớn đến việc triển khai các khâu từ phân bổ, giao kế hoạch thực hiện, tổ chức giải thực hiện và giải ngân vốn chương trình tại các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Tiến độ phân bổ, sử dụng nguồn lực thực hiện các chương trình còn chậm, phải báo cáo Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân vốn sang các năm sau. Nhiều địa phương chưa chuẩn bị tốt việc xác định nhu cầu danh mục, nguồn lực đầu tư dự án các cấp ngày từ đầu giai đoạn, đầu năm kế hoạch, có tâm lý đợi có vốn mới triển khai thực hiện. Điều này dẫn đến không thể phân bổ vốn, giao kế hoạch dự toán sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao dự toán ngân sách nhà nước hằng năm.
Kết quả kiểm toán việc thực hiện các chương trình MTQG tại cơ quan chủ trì và một số địa phương của Kiểm toán nhà nước (KTNN) cũng đã chỉ rõ một số hạn chế, bất cập, cụ thể: Nghị quyết về thực hiện 3 chương trình MTQG ban hành từ giữa năm 2020 và 2021 nhưng đến giữa và cuối năm 2022, công tác phân bổ và giao vốn mới hoàn thành từ cấp Trung ương; đến tháng 3/2023 hầu hết các địa phương mới chỉ cơ bản hoàn thành quy trình, quy định thực hiện chương trình, thủ tục phân bổ, giao vốn tổ chức thực hiện trong khi thời gian kết thúc chương trình là 2025 dẫn đến khó khăn trong việc hoàn thành đúng tiến độ.
Việc phân bổ vốn sự nghiệp của 3 chương trình MTQG không được giao theo giai đoạn mà giao theo hằng năm, dẫn đến địa phương lúng túng, không chủ động dự kiến được nguồn kinh phí sự nghiệp của chương trình trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện. Nguyên nhân là do sự bất cập giữa quy định tại Điều 35 Nghị định 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ và Điều 42 của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015.
Từ các tồn tại, hạn chế được chỉ ra, KTNN đã kiến nghị Chính phủ, Nộ, ngành có liên quan sửa đổi Nghị định số 27/2022/NĐ-CP, Thông tư số 46/2022/TT-BTC, Thông tư số 53/2022/TT-BTC, Thông tư số 96/2021/TT-BTC, Thông tư số 17/2022/TT-BLĐTBXH… Các Báo cáo kiểm toán sau khi phát hành đã được Chính phủ, các đơn vị được kiểm toán đồng thuận cao và triển khai thực hiện. Trong đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sử dụng kết quả, phục vụ hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội về 3 chương trình, tổng hợp báo cáo Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Nghị quyết số 108/2023/QH15 ngày 29/11/2023 về kết quả giám sát chuyên đề các Chương trình MTQG. Từ đó, giao Chính phủ khẩn trương xây dựng Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình MTQG trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 Quốc hội khoá XV.
Các bất cập, hạn chế về cơ chế, chính sách đã được Chính phủ, các Bộ nghiêm túc tiếp thu và kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, như: Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022; Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023 thay thế Thông tư số 46/2022/TT-BTC ngày 28/7/2022 của Bộ Tài chính…
Tập trung đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả
Theo KTNN chuyên ngành IV, năm 2025 là năm cuối thực hiện các chương trình MTQG, vì vậy, để đánh giá tổng thể tác động của các Nghị quyết của của Quốc hội, Quyết định phê duyệt chương trình MTQG của Chính phủ, KTNN tập trung đánh giá kết quả đạt được so với tiến độ, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra; việc tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí quy định của các chương trình trong công tác lập, phân bổ, giao dự toán và kết quả giải ngân vốn ngân sách nhà nước của các chương trình mục tiêu quốc gia; việc bố trí vốn đối ứng của các địa phương theo tỷ lệ quy định; công tác quản lý, chỉ đạo thực hiện chương trình; việc tuân thủ các quy định của chương trình trong việc xác định đối tượng, nội dung chi và tiếp tục đánh giá các bất cập về cơ chế, chính sách sau khi đã được sửa đổi, bổ sung.
Các chương trình MTQG đều có dự án thành phần là đầu tư cơ sở hạ tầng, vì vậy, các Đoàn kiểm toán đánh giá việc tuân thủ quy trình trong việc lựa chọn danh mục đầu tư, xác định nhu cầu, đối tượng, quy mô, hiệu quả đầu tư; thông qua kết quả kiểm toán tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản để đánh giá có hay không việc lãnh phí trong việc sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả của cơ chế, chính sách là định hướng có chiều sâu, xác định được nguyên nhân từ gốc rễ của vấn đề, từ đó có kiến nghị hoàn thiện, khắc phục lỗ hổng thất thoát, lãng phí từ cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2026-2030.
Các Đoàn kiểm toán lồng ghép nội dung kiểm toán trọng tâm theo yêu cầu giám sát của Quốc hội đối với 3 chương trình MTQG; đánh giá việc tổ chức và thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình MTQG để tiếp tục thực hiện có hiệu quả trong giai đoạn 2026-2030./.
Thùy Lê - Theo Báo Kiểm toán