(sav.gov.vn) - Kiểm toán chuyên đề (KTCĐ) không chỉ là một cuộc kiểm toán có phạm vi rộng, quan trọng hơn đó là sự đóng góp thiết thực của Kiểm toán nhà nước (KTNN) vào sự phát triển bền vững của đất nước thông qua việc cung cấp những báo cáo có giá trị chiến lược, giúp Chính phủ và Quốc hội điều chỉnh chính sách kịp thời. Ngoài việc phát hiện sai sót trong thu - chi, sử dụng tài sản công, KTNN nhận diện những chính sách không phù hợp, gây cản trở phát triển và khuyến nghị sửa đổi.

KTNN tổ chức Tọa đàm Chia sẻ kinh nghiệm kiểm toán việc quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư cho lĩnh vực khoa học công nghệ giai đoạn 2020-2022 tại các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương. Ảnh: TL
Bài 1: Nhiều chủ đề nóng, được xã hội quan tâm
Thực tiễn cho thấy, yêu cầu và kỳ vọng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và người dân đối với hoạt động kiểm toán ngày càng cao về tính đa dạng, chuyên sâu và kịp thời. Trong bối cảnh đó, KTNN đã triển khai các cuộc KTCĐ giúp nhận diện các bất cập, rủi ro quản lý điều hành ở phạm vi rộng, góp phần nâng cao chất lượng quản lý tài chính công, tài sản công.
Lựa chọn chủ đề đúng, trúng
Giai đoạn 2020-2025, KTNN đã triển khai hơn 140 cuộc KTCĐ, trong đó có nhiều cuộc được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, như: Huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ; việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2023; việc quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng có sự trợ giá của Nhà nước giai đoạn 2022-2023; kiểm toán công tác quản lý chất thải y tế, phế liệu nhập khẩu, việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công gắn với các mục tiêu phát triển bền vững; giải pháp giảm sử dụng túi ni lông…
Báo cáo KTCĐ phải có tác động sâu rộng, gây chú ý lớn; cảnh tỉnh được việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; kiến nghị cơ chế, chính sách, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan; phải đi sâu hơn nữa về kiểm toán chất lượng cơ chế, chính sách để chỉ ra điểm nghẽn cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn
Đặc biệt, thực hiện nhiệm vụ Quốc hội giao, KTNN đã triển khai các cuộc KTCĐ nhằm cung cấp thông tin, phục vụ hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cung cấp cho Chính phủ phục vụ công tác quản lý, điều hành. Cụ thể như: Chuyên đề công tác lập, phân bổ vốn đầu tư Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; việc thực hiện các chính sách đầu tư phát triển theo Nghị quyết số 43/2022/QH15; chuyên đề việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực trọng điểm theo Nghị quyết số 43/2022/QH15...
Với lợi thế phạm vi kiểm toán kéo dài theo cả giai đoạn, tập trung vào một vấn đề, một chương trình hoặc một chính sách, kết quả KTCĐ đưa ra bức tranh tổng thế nhìn nhận vấn đề trong một quá trình để đánh giá toàn diện tính kinh tế, tính hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Ưu thế này giúp các cuộc KTCĐ đi sâu làm rõ đến tận cùng của vấn đề, phục vụ tốt cho công tác quản lý, điều hành ngân sách nhà nước, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, đồng thời tạo lòng tin trong dư luận và công chúng.
Theo Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II Lê Đình Thăng, việc lựa chọn chủ đề kiểm toán có ý nghĩa quan trọng, là điều kiện tiên quyết xác lập giá trị của một cuộc kiểm toán. Do vậy, các đơn vị đầu tư thời gian và nhân lực nghiên cứu, đề xuất các chuyên đề kiểm toán, dành đủ thời gian khảo sát, chuẩn bị để đảm bảo chất lượng chủ đề và khả thi trong thực hiện.
Từ thực tiễn hoạt động của đơn vị, Kiểm toán trưởng KTNN khu vực V Nguyễn Đức Tín nhấn mạnh, việc lựa chọn chủ đề kiểm toán phải đúng, trúng, đó là các lĩnh vực, hoạt động quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công có nhiều tồn tại, hạn chế cần phải chấn chỉnh, cũng như có nhiều bất cập, vướng mắc trong thực hiện cơ chế, chính sách và pháp luật liên quan; đồng thời phải phù hợp với chuyên môn, năng lực của kiểm toán viên nhà nước. Đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán phải tổ chức khảo sát, nắm bắt đầy đủ các thông tin, số liệu, tình hình thực hiện của lĩnh vực, hoạt động dự kiến chọn KTCĐ tại các đơn vị có liên quan, đánh giá được sự cần thiết phải kiểm toán và khả năng thực hiện của kiểm toán viên để có cơ sở lựa chọn chủ đề cho đúng.
Đưa ra ý kiến để hoàn thiện cơ chế, chính sách
Bên cạnh những kiến nghị xử lý tài chính, cảnh báo và hạn chế tình trạng thất thoát, lãng phí, sử dụng không hiệu quả nguồn lực công, kết quả KTCĐ chỉ ra tồn tại, bất cập về cơ chế, chính sách, văn bản hướng dẫn của Nhà nước, những yếu kém, hạn chế của hệ thống quản lý và kiến nghị khắc phục.
Tại cuộc KTCĐ Công tác lập, phân bổ vốn đầu tư Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, kết quả kiểm toán đã cho thấy, các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đề xuất thực hiện chủ yếu là các dự án mới (255/264 dự án) chưa có trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nên khó đáp ứng nguyên tắc giải ngân nhanh, hấp thụ ngay vào nền kinh tế; nhiều đơn vị chậm trễ trong công tác chuẩn bị đầu tư, phê duyệt dự án ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ mục tiêu của Chương trình. Từ những nguyên nhân đã được chỉ rõ, KTNN đã đưa ra những khuyến cáo và đảm bảo Chương trình hiệu quả, đạt mục tiêu đề ra.
Hay như với cuộc KTCĐ việc quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư cho khoa học công nghệ tại các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, KTNN đã chỉ sự thiếu đồng bộ trong các văn bản quy phạm pháp luật khiến thị trường khoa học công nghệ có nhiều điểm nghẽn. Từ đó, KTNN kiến nghị với Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung rà soát việc thực hiện các quy định tại Luật Khoa học công nghệ và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; báo cáo Chính phủ trình Quốc hội để thể chế hóa và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước về phát triển khoa học công nghệ.
Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II Lê Thị Hồng Hạnh nhấn mạnh, điều quan trọng của cuộc KTCĐ là đưa ra ý kiến để hoàn thiện cơ chế chính sách. Đây là điều khác biệt hoàn toàn với cuộc kiểm toán tài chính công, tài sản công. Với cuộc kiểm toán tài chính công, tài sản công, việc xác nhận số liệu tài chính rất quan trọng và chức năng chính của KTNN là đánh giá và xác nhận. Còn với KTCĐ, bên cạnh việc chỉ ra những bất cập, vướng mắc của cơ chế, văn bản quy phạm pháp luật, KTNN còn đưa ra các kiến nghị để hoàn thiện cơ chế đó.
Để có được những kết quả kiểm toán với nhiều phát hiện nổi bật, lãnh đạo KTNN đã sát sao, chỉ đạo kịp thời, định hướng nhiều nội dung từ khâu lựa chọn chủ đề, xây dựng đề cương, tổ chức kiểm toán, đến việc ban hành quy chế phối hợp trong triển khai thực hiện các cuộc KTCĐ. KTNN kỳ vọng, kết quả mỗi cuộc KTCĐ không chỉ có số liệu mà còn là một câu chuyện tổng hợp, mang tính vĩ mô, góp phần tư vấn cơ chế, chính sách./.
Thùy Lê - Theo Báo Kiểm toán số 21/2025