(sav.gov.vn) - Sáng 08/7, Hội đồng khoa học Kiểm toán nhà nước (KTNN) tổ chức cuộc họp thẩm định đề cương Tài liệu chương trình bồi dưỡng kỹ năng phân tích và đánh giá chính sách công.

Quang cảnh cuộc họp.
TS. Hoàng Phú Thọ - Vụ trưởng Vụ Pháp chế làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định; cùng tham dự có các thành viên Hội đồng và Ban biên soạn tài liệu bồi dưỡng kỹ năng phân tích và đánh giá chính sách công (sau đây gọi tắt là Ban biên soạn)
Thực hiện Quyết định số 69/QĐ-KTNN ngày 23/01/2025 của Tổng Kiểm toán nhà nước về việc thành lập Ban biên soạn tài liệu bồi dưỡng kỹ năng phân tích và đánh giá chính sách công, Ban biên soạn đã họp, phân công nhiệm vụ các thành viên và tổ chức thực hiện việc biên soạn tài liệu.
Qua quá trình thảo luận, Ban biên soạn đề xuất một số nội dung thay đổi so với Chương trình bồi dưỡng kỹ năng phân tích và đánh giá chính sách công ban hành theo Quyết định số 32/QĐ-KTNN ngày 17/1/2023 của Tổng Kiểm toán nhà nước, nhằm nâng cao chất lượng tài liệu và giảm sự trùng lắp nội dung với một số chương trình bồi dưỡng khác của KTNN.
Theo đó, chương trình đào tạo dành cho đối tượng là Kiểm toán viên nhà nước cần bồi dưỡng, bổ trợ kiến thức và kỹ năng phân tích, đánh giá chính sách công, ưu tiên đối tượng là lãnh đạo cấp phòng trở lên. Tổng thời gian giảng dạy là 28 tiết, bao gồm 24 tiết giảng dạy và 4 tiết ôn tập, kiểm tra, làm bài thu hoạch.
Mục tiêu đào tạo nhằm giúp người học nắm được kiến thức và kỹ năng phân tích, đánh giá chính sách công; phân tích, đánh giá một số chính sách công cơ bản của Việt Nam, như: Chính sách kinh tế (đi sâu các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, giao thông); chính sách khoa học công nghệ; chính sách giáo dục; chính sách y tế; chính sách an sinh xã hội...
So với Chương trình bồi dưỡng ban hành theo Quyết định số 32/QĐ-KTNN ngày 17/1/2023, chương trình mới có một số thay đổi trong kết cấu, nội dung. Cụ thể: Một số nội dung như nhiệm vụ của KTNN trong việc phân tích, đánh giá chính sách thu, chi ngân sách nhà nước; nhiệm vụ của KTNN trong việc phân tích, đánh giá chính sách đầu tư công, chính sách tiền tệ… được chuyển sang Chuyên đề 1 - Tổng quan về phân tích, đánh giá chính sách công. Tại Chuyên đề 2 - Kỹ năng phân tích và đánh giá một số chính sách công, đi sâu phân tích, đánh giá một số chính sách công cụ thể, trong đó đề cập một số nội dung bất cập và hướng hoàn thiện chính sách nhìn từ kết quả kiểm toán.
TS. Lê Đình Thăng - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II thay mặt Ban biên soạn trình bày nội dung chương trình đào tạo.
Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng thẩm định nhấn mạnh, việc phân tích, đánh giá chính sách công là nội dung lớn, khó đối với cả người nghiên cứu, giảng dạy và càng khó hơn đối với Kiểm toán viên nhà nước. Do đó, kiểm toán viên phải có nền tảng vững chắc về tài chính - ngân sách, am hiểu sâu về pháp luật kinh tế, khả năng tư duy tổng hợp tốt mới có thể hoàn thành nhiệm vụ phân tích, đánh giá chính sách công trong hoạt động kiểm toán.
Chức năng, nhiệm vụ chủ yếu của KTNN kiểm toán công, trọng tâm là kiểm toán thu, chi ngân sách nhà nước, do đó, trong các cuộc kiểm toán, kiểm toán viên phải đưa ra ý kiến đánh giá, nhận xét về việc tuân thủ pháp luật và các cơ chế chính sách quản lý tài chính từ báo cáo kiểm toán của Tổ đến báo cáo kiểm toán của Đoàn kiểm toán. Vì vậy, Tổ trưởng Tổ kiểm toán và Trưởng Đoàn kiểm toán phải nắm vững kỹ năng phân tích, đánh giá chính sách công, có như vậy kiểm toán viên mới hoàn thành nhiệm vụ theo quy định Luật KTNN.
Đối với nội dung trong từng chuyên đề, các thành viên Hội đồng thẩm định đề nghị: Bổ sung nội dung về cơ sở lý luận xác định đối tượng và phạm vi đánh giá chính sách công vào Chuyên đề 1. Tại Chuyên đề 2 về kỹ năng phân tích, đánh giá chính sách công, cần kết cấu rõ các nội dung: Mục tiêu, hệ thống tiêu chí, đối tượng, phạm vi, nội dung trọng tâm, trình tự phân tích, đánh giá; những kết quả phân tích, đánh giá; ý kiến nhận nhận xét, kiến nghị của Kiểm toán viên nhà nước.
Các thành viên Hội đồng thẩm định nhấn mạnh, kiểm toán viên phải có nền tảng vững chắc về tài chính - ngân sách, am hiểu sâu về pháp luật kinh tế mới phân tích, đánh giá được chính sách công.
Kết luận cuộc họp, TS. Hoàng Phú Thọ đánh giá cao Ban biên soạn đã bám sát yêu cầu và thực tiễn của hoạt động kiểm toán để xây dựng đề cương chương trình đào tạo. Ban biên soạn cần tiếp thu tối đa ý kiến của Hội đồng thẩm định, trong đó lưu ý: Nghiên cứu thêm về đối tượng đào tạo; bổ sung đối tượng, phạm vi phân tích; các phương pháp so sánh; ví dụ minh họa.
Hội đồng thống nhất chương trình đạt yêu cầu.
Tin và Ảnh: Nguyễn Ly