Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Kiểm toán nhà nước lần thứ VIII nhiệm kỳ 2025-2030

09/07/2025
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Kiểm toán nhà nước (KTNN) lần thứ VIII, Ban Chấp hành Đảng bộ KTNN vừa ban hành Chương trình hành động số 73-CTr/ĐU ngày 08/7/2025 thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ KTNN lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2025-2030 (Chương trình).

Ban Chấp hành Đảng bộ KTNN lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2025-2030 chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tham dự Đại hội. Ảnh: TL


Chương trình nhằm cụ thể hóa và vận dụng một cách tích cực, sáng tạo các quan điểm, chủ trương, đường lối, mục tiêu, nhiệm vụ đột phá chiến lược nêu trong Nghị quyết vào nhiệm vụ chính trị gắn với thực hiện thành công Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030; xác định các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ KTNN lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2025-2030. 

Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh

Trong công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ KTNN xác định nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên, góp phần xây dựng Đảng bộ thật sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, trong đó tập trung vào các nội dung: 

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đầy đủ Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quốc hội lần thứ I; các kế hoạch, chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương và của Đảng ủy cấp trên; đồng thời cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch, chỉ thị, nghị quyết của Đảng ủy KTNN để triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả trong toàn Đảng bộ. Tiến hành kiểm tra, đôn đốc; định kỳ sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm; nhân rộng điển hình, cách làm hay, sáng tạo; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. 

Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đảng viên gắn với thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, trong đó, đặc biệt quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, phát hiện, tuyển chọn và sử dụng cán bộ; xây dựng đội ngũ cấp uỷ có năng lực lãnh đạo, có bản lĩnh chính trị, đủ uy tín, trách nhiệm. 

Tiếp tục hướng dẫn và chỉ đạo các đơn vị đổi mới nội dung sinh hoạt chi bộ, nội dung sinh hoạt chuyên đề, đặc biệt ứng dụng công nghệ thông tin vào sinh hoạt chi bộ nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt. 

Làm tốt công tác phát triển Đảng theo hướng gắn với kết quả phấn đấu của quần chúng; xây dựng các tiêu chí đánh giá, xếp loại tổ chức cơ sở đảng và đảng viên theo kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị. Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình hiện nay; kịp thời xác minh làm rõ những vấn đề nghi vấn liên quan đến lịch sử chính trị cán bộ, đảng viên; xác minh thẩm tra kết nạp đảng viên mới theo đúng quy định. 

Đổi mới, tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, tổ chức đảng, Ủy ban kiểm tra các cấp. Nội dung kiểm tra, giám sát cần tập trung vào những vấn đề sát với yêu cầu lãnh đạo của Đảng bộ; tăng cường công tác tự kiểm tra và kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức và đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy. Giải quyết kịp thời, dứt điểm đơn, thư tố cáo, khiếu nại theo quy định của Đảng; xử lý nghiêm minh, kịp thời, chính xác, công khai đối với tập thể và cá nhân có vi phạm. 

Cải cách hành chính trong Đảng; đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng trên cơ sở tăng cường sự phối hợp giữa cấp ủy với lãnh đạo đơn vị trong công tác xây dựng Đảng và thực hiện nhiệm vụ chính trị; đề cao vai trò, trách nhiệm và thẩm quyền của người đứng đầu cấp ủy; thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, giữ vững kỷ cương kỷ luật; đẩy mạnh việc tự phê bình và phê bình. 

Lãnh đạo thực hiện thắng lợi, toàn diện nhiệm vụ chính trị 

Với vai trò là cơ quan kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, KTNN xác định nhiệm vụ chính trị trọng tâm là nâng cao chất lượng kiểm toán, đóng góp tích cực vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (PCTNLPTC) thúc đẩy quản trị tài chính công minh bạch, hiệu quả. Trong đó, tập trung vào các nội dung: 

Một là, nâng cao chất lượng kiểm toán, góp phần tích cực vào công tác đấu tranh PCTNLPTC.

Hai là, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán các cấp, hoạt động thanh tra, kiểm tra, kịp thời giải quyết khiếu nại, tố cáo và PCTNLPTC; tăng cường kiểm soát, thanh tra, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu; việc chấp hành Quy chế tổ chức hoạt động đoàn kiểm toán, Quy trình kiểm toán, Chuẩn mực kiểm toán nhà nước. 

Ba là, Bám sát chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục đánh giá, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, tăng cường, củng cố năng lực cho các đơn vị trực thuộc KTNN theo hướng phân công trách nhiệm, quyền hạn, nhiệm vụ rõ ràng, khắc phục tối đa việc chồng chéo chức năng nhiệm vụ giữa các đơn vị. Bên cạnh đó, sau khi kiện toàn tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị trực thuộc, KTNN tiếp tục rà soát, xác định cơ cấu công chức theo chuyên ngành đào tạo của các đơn vị cho phù hợp, nâng cao chất lượng công chức, viên chức và thực hiện nghiêm túc chính sách tinh giản biên chế theo quy định, đảm bảo bộ máy tinh gọn, hiệu quả. 

Bốn là, đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo thiết thực, đúng nhu cầu người học theo từng loại đối tượng, gắn lý luận với thực tiễn, kỹ năng xử lý trong từng lĩnh vực công tác, tiếp cận và vận dụng phương pháp kiểm toán hiện đại; tăng cường trao đổi, thảo luận, phù hợp với từng đối tượng học nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ KTNN “vừa hồng, vừa chuyên”, giỏi chuyên môn, tinh thông nghiệp vụ gắn với nâng cao đạo đức công vụ và PCTNLPTC; kết hợp đào tạo, bồi dưỡng với luân chuyển, điều động, biệt phái để rèn luyện cán bộ, kiểm toán viên trong hoạt động thực tiễn; xây dựng đội ngũ có chất lượng cao cũng như thu hút nhân tài có trình độ chuyên môn tổng hợp và khả năng phân tích vĩ mô để đáp ứng triển khai loại hình kiểm toán hoạt động và yêu cầu hội nhập quốc tế. 

Năm là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của KTNN theo tinh thần Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; tăng cường hội nhập, hợp tác quốc tế sâu rộng; đẩy mạnh việc trao đổi thông tin, học tập kinh nghiệm kiểm toán; tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế để tăng cường năng lực chuyên môn; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thành viên Ủy ban Kiểm toán ASOSAI nhiệm kỳ 2024 - 2027. 

Sáu là, Bám sát Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trong các hoạt động của KTNN, triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển và kiến trúc tổng thể CNTT của KTNN trong giai đoạn 2025 - 2030. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ cao, nhất là ứng dụng CNTT trong các hoạt động của KTNN, gắn với cải cách hành chính; hình thành hệ thống nền tảng quản trị thông minh, tạo nền tảng cho quá trình chuyển đổi phương pháp kiểm toán truyền thống sang phương pháp kiểm toán hiện đại dựa trên dữ liệu số; giảm dần thời gian kiểm toán trực tiếp tại đơn vị. 

Bảy là, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác thông tin, tuyên truyền của KTNN; tạo điều kiện để các cơ quan báo chí thực hiện các chương trình, bài viết chuyên sâu về hoạt động KTNN và công tác xây dựng Đảng; đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền, đáp ứng được yêu cầu đổi mới của báo chí hiện đại, báo chí số. 

Tám là, tiếp tục đổi mới công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn kiểm toán nhằm tham gia các ý kiến có trọng lượng vào chính sách kinh tế vĩ mô cũng như bất cập của chính sách, chế độ để kiến nghị giải pháp hoàn thiện. Hoàn thiện các quy định về khoa học công nghệ nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động khoa học công nghệ của KTNN hiệu quả, thông suốt. Chú trọng lĩnh vực thiết thực cần nghiên cứu, tăng cường đề tài theo cơ chế đặt hàng, đặc biệt là các đề tài cấp Bộ trọng điểm được bố trí kinh phí cao hơn gắn với quy trình lựa chọn, thẩm định, xét duyệt đề cương, đánh giá và nghiệm thu đề tài được thực hiện với những yêu cầu cao và khắt khe hơn. 

Chín là, hoàn thành cơ sở vật chất của Ngành và đảm bảo đồng bộ từ xây dựng hệ thống trụ sở mới của KTNN, trụ sở các KTNN khu vực, nhà lưu trú cho cán bộ, công chức, kiểm toán viên luân chuyển, điều động, trong đó chú trọng trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin cho các đơn vị KTNN chuyên ngành, khu vực để đáp ứng tốt yêu cầu ứng dụng CNTT vào hoạt động kiểm toán và quản lý hoạt động kiểm toán góp phần mạnh mẽ vào quá trình chuyển đổi số của KTNN. 

Giải pháp đột phá chiến lược

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu Chương trình đề ra, Đảng ủy KTNN tập trung lãnh đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp mang tính đột phá:

Thứ nhất, tăng cường ứng dụng Công nghệ thông tin, chuyển đổi số theo Nghị quyết số 57-NQ/TW làm cơ sở để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả kiểm toán, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng KTNN chuyên nghiệp, chất lượng.

Thứ hai, tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của KTNN theo tinh thần Nghị quyết số 66-NQ/TW làm cơ sở để đổi mới tổ chức và cơ chế hoạt động của KTNN, đáp ứng yêu cầu của Đảng và Nhà nước đối với KTNN trong kỷ nguyên mới.

Thứ ba, tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với việc thực hiện tinh giản biên chế và tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, là “chìa khóa then chốt” để nâng cao chất lượng công việc, gia tăng giá trị và hình ảnh của KTNN, cụ thể: 

04 chương trình công tác trọng tâm trong nhiệm kỳ

Đảng bộ KTNN xác định 04 nội dung đặc biệt quan trọng cần quyết tâm thực hiện trong nhiệm kỳ 2025-2030, gồm: 

Lãnh đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào các hoạt động của ngành theo Nghị quyết số 57-NQ/TW làm cơ sở để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả kiểm toán, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng KTNN chuyên nghiệp, chất lượng. 
 
Lãnh đạo hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của KTNN theo tinh thần Nghị quyết số 66-NQ/TW làm cơ sở để đổi mới tổ chức và cơ chế hoạt động của KTNN, đáp ứng yêu cầu của Đảng và Nhà nước đối với KTNN trong kỷ nguyên mới. 

Lãnh đạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với việc thực hiện tinh giản biên chế và tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW là “chìa khóa then chốt” để nâng cao chất lượng công việc, gia tăng giá trị và hình ảnh của KTNN. 

Lãnh đạo nâng cao chất lượng kiểm toán, tập trung kiểm toán chuyên đề, các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm. 

Đảng ủy KTNN cụ thể hóa Chương trình hành động của Đảng bộ KTNN vào chương trình công tác hàng năm của Đảng ủy và định kỳ kiểm tra, giám sát thực hiện; phổ biến, quán triệt Chương trình hành động này trong toàn Đảng bộ KTNN; lãnh đạo tổ chức thực hiện các Nghị quyết chuyên đề và Chương trình hành động này đảm bảo chất lượng, hiệu lực, hiệu quả. 

Chương trình hành động số 73-CTr/ĐU thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ KTNN lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2025-2030 xem tại đây.

Hà Linh

Xem thêm »