(sav.gov.vn) - Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp. Chỉ đạo này được đưa ra tại Văn bản số 6352/VPCP-KTTH ngày 9/7/2025 của Văn phòng Chính phủ.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương chủ động rà soát, kịp thời ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đồng bộ với việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp; kịp thời tập huấn, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có liên quan triển khai thực hiện các Nghị định của Chính phủ về phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương và các văn bản có liên quan bảo đảm việc tổ chức, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia không bị gián đoạn.
Các địa phương chủ động đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 của địa phương, phối hợp chặt chẽ với các chủ chương trình, Bộ Tài chính đề xuất giải pháp phù hợp cho giai đoạn tới.
Năm 2025 là năm kết thúc thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đến nay, các chương trình đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Cả nước có 79% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 51% số đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 12 tỉnh, thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ.
Tỷ lệ nghèo đa chiều năm 2024 (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025) đạt 4,06%, giảm 1,65% so với năm 2023, đạt mục tiêu đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 26%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn dưới 13,5%, đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. 10 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn; 1 huyện nghèo thoát nghèo (huyện A Lưới, TP. Huế).
Cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch, sinh kế của đồng bào dân tộc ngày càng đa dạng, phong phú. Số hộ nghèo giảm nhanh, 25/52 tỉnh thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có tỷ lệ giảm nghèo bình quân trên 3%/năm, vượt mục tiêu đề ra tại Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2030.
Về hạ tầng, 100% xã vùng dân tộc thiểu số có kết nối viễn thông và phủ sóng di động; 98,4% xã có đường ô tô đến trung tâm; 96,7% hộ dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới quốc gia; trên 90% xã có sóng phát thanh, truyền hình. Hệ thống giáo dục và y tế cũng được đảm bảo với 100% xã có trường lớp các cấp từ mầm non đến trung học cơ sở; 99,3% xã có trạm y tế, trong đó 83,5% đạt chuẩn và 69,1% có bác sĩ, y tá phục vụ người dân./.
Thảo chi