Hiệu lực kiến nghị kiểm toán: Từ con số “biết nói” đến mục tiêu cao hơn trong nhiệm kỳ mới

17/07/2025
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Việc thực hiện kiến nghị kiểm toán không chỉ là trách nhiệm pháp lý của đơn vị được kiểm toán, mà còn phản ánh tính minh bạch, kỷ luật trong quản lý tài chính công. Hệ thống giám sát đa tầng - từ Quốc hội, Chính phủ đến các Bộ, ngành và địa phương - đang được củng cố và hoàn thiện, hình thành mạng lưới giám sát toàn diện, góp phần bảo đảm hiệu lực thực thi các kiến nghị, hướng tới một nền quản trị công khai, liêm chính và phát triển bền vững.

Việc thực hiện nghiêm túc kiến nghị tại nhiều Bộ, ngành, địa phương góp phần hoàn thiện thể chế và gia tăng tính minh bạch trong tài chính công. Ảnh: ST

Nơi nào quyết liệt, trách nhiệm - nơi đó tỷ lệ cao

Thực hiện kiến nghị kiểm toán là chặng cuối nhưng đặc biệt quan trọng của quy trình kiểm toán, nhằm hiện thực hóa các phát hiện kiểm toán thành kết quả cụ thể. Quá trình này giúp siết chặt kỷ luật tài chính công, phòng ngừa thất thoát, lãng phí ngân sách, đồng thời lan tỏa tinh thần quản trị liêm chính và hiệu quả sử dụng tài sản công.

Luật Kiểm toán nhà nước (KTNN) quy định rõ: Các đơn vị được kiểm toán có trách nhiệm thực hiện đầy đủ kiến nghị liên quan đến sai sót, vi phạm trong quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công. Đây không chỉ là nghĩa vụ pháp lý, mà còn là trách nhiệm giải trình trước Nhà nước và xã hội.

Theo ông Lê Đình Thăng - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II, không ít tổ chức, cá nhân từng cho rằng việc thực hiện kiến nghị là trách nhiệm của KTNN, trong khi KTNN chỉ đóng vai trò đưa ra kết luận, kiến nghị, khuyến nghị. Chính đơn vị được kiểm toán mới là chủ thể bắt buộc phải thực hiện và chịu trách nhiệm giải trình về kết quả.

Thực tiễn cho thấy, việc thực hiện nghiêm túc kiến nghị tại nhiều Bộ, ngành, địa phương đã cải thiện đáng kể hiệu quả quản lý, đồng thời đóng góp vào hoàn thiện thể chế và gia tăng tính minh bạch trong tài chính công.

Từ phía doanh nghiệp, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) mong muốn tiếp tục được KTNN chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc chính sách, góp phần nâng cao hiệu quả quản trị, sử dụng vốn và tài sản nhà nước trong doanh nghiệp. Việc thực hiện đầy đủ kiến nghị kiểm toán không chỉ là tuân thủ pháp luật mà còn giúp doanh nghiệp nhà nước nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.

Tại Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), tỷ lệ thực hiện kiến nghị luôn duy trì ở mức cao nhờ quy trình rõ ràng: phân công cụ thể, quy định thời hạn hoàn thành, định kỳ báo cáo KTNN. Trong năm 2023, Bộ này đã thực hiện 100% các kiến nghị liên quan đến thu ngân sách như thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế TNCN, phí, lệ phí…, đồng thời hoàn thành đầy đủ các khoản thu hồi, giảm chi ngân sách.

Tương tự, Bộ Tài chính cũng thể hiện quyết tâm cao ngay sau khi nhận báo cáo kiểm toán, đã tổ chức họp toàn Vụ Kế hoạch - Tài chính để rút kinh nghiệm, xác định nội dung sai sót và ban hành chỉ đạo khắc phục trong toàn ngành. Bộ cũng chủ động phổ biến Quyết định số 420/QĐ-KTNN hướng dẫn bằng chứng thực hiện kiến nghị đến các đơn vị liên quan và duy trì phối hợp thường xuyên với các trưởng đoàn, tổ trưởng kiểm toán để tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Ở cấp địa phương, tỉnh Bắc Giang (nay là tỉnh Bắc Ninh) đạt tỷ lệ thực hiện kiến nghị kiểm toán niên độ 2021 tới 99,94%. Tại Quảng Ninh, sau khi kiểm toán Dự án cao tốc Vân Đồn - Tiên Yên, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tổ chức họp, chỉ đạo các sở, ngành và ban quản lý dự án thực hiện triệt để 100% kiến nghị xử lý tài chính.

Thực tế khẳng định, vai trò và tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu là yếu tố quyết định. Nơi nào lãnh đạo tích cực, phân công rõ ràng thì tỷ lệ thực hiện kiến nghị luôn ở mức cao.

Giám sát toàn diện, chặt chẽ

Nếu trách nhiệm thực hiện kiến nghị thuộc về đơn vị được kiểm toán, thì giám sát lại là chức năng của hệ thống giám sát đa tầng. Từ Quốc hội, Chính phủ đến các Bộ, ngành và địa phương, hệ thống này chính là “lá chắn” ngăn ngừa kiến nghị bị bỏ ngỏ hoặc thực hiện hình thức.

Theo Tuyên bố Lima - văn kiện nền tảng của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) - để thực thi hiệu quả kiến nghị kiểm toán, sự vận động từ Chính phủ và Quốc hội là yếu tố then chốt. Thực tế tại Việt Nam đã chứng minh luận điểm này.
 

Tỷ lệ thực hiện kiến nghị kiểm toán đã tăng từ 74,7% (giai đoạn 2015-2020) lên 81% (giai đoạn 2020-2025). Ảnh: ST


Tháng 9/2023, lần đầu tiên Ủy ban Tài chính - Ngân sách (nay là Ủy ban Kinh tế và Tài chính) của Quốc hội tổ chức Phiên giải trình về thực hiện kiến nghị kiểm toán. Phiên họp đã phân tích nguyên nhân tồn đọng, quy trách nhiệm và đề xuất giải pháp cụ thể. Theo ông Nguyễn Hữu Phúc - Kiểm toán trưởng KTNN khu vực IV - chính sự kiện này tạo “cú hích” mạnh mẽ, thúc đẩy các Bộ, ngành, địa phương xử lý dứt điểm các kiến nghị tồn đọng. Nhờ đó, tỷ lệ thực hiện kiến nghị kiểm toán đã tăng từ 74,7% (giai đoạn 2015-2020) lên 81% (giai đoạn 2020-2025).

Nhiều địa phương cũng phát huy vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân (HĐND) thông qua Quy chế phối hợp giữa KTNN khu vực với UBND và HĐND các tỉnh. Báo cáo kiểm toán được gửi kịp thời làm cơ sở phê duyệt quyết toán ngân sách địa phương. UBND phải khắc phục sai sót trước khi HĐND thông qua quyết toán, tạo sức ép rõ ràng. Tại cấp Bộ, các vụ tài chính, kế hoạch cũng tham gia giám sát việc thực hiện kiến nghị ở các đơn vị trực thuộc.

Đáng chú ý, ngày 28/02/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 04/2023/UBTVQH15 quy định mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN, bao gồm hành vi không thực hiện kiến nghị kiểm toán. Đây là hàng rào pháp lý nhằm nâng cao kỷ cương tài chính công.

Để gia tăng hiệu lực thực thi kiến nghị kiểm toán, nhiều kiểm toán trưởng kiến nghị hoàn thiện chế tài, kể cả xử lý hình sự với các trường hợp không thực hiện kiến nghị, gây hậu quả nghiêm trọng cho ngân sách.

Ông Vũ Khánh Toàn - Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VI - nhấn mạnh: cần duy trì phối hợp hiệu quả giữa các Ban của Quốc hội, Bộ, ngành và địa phương để giám sát chéo, đồng thời đôn đốc, nhắc nhở kịp thời các đơn vị thực hiện kiến nghị. Đặc biệt, phải đề cao vai trò người đứng đầu đơn vị được kiểm toán, gắn trách nhiệm với cơ chế kiểm điểm cụ thể.

Mặc dù kết quả thực hiện kiến nghị những năm gần đây đã có chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn rào cản cả khách quan lẫn chủ quan khiến một số kiến nghị chưa được xử lý dứt điểm. Điều này đặt ra yêu cầu KTNN cần tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, củng cố hệ thống giám sát, tăng cường tính răn đe - từ đó góp phần xây dựng nền quản trị công khai, minh bạch và phát triển bền vững.

Minh Anh - Theo Báo Kiểm toán

Xem thêm »