Đề cương kiểm toán chuyên đề “Việc quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện các chính sách ưu đãi người có công giai đoạn 2021-2023”

25/03/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn vừa ký Quyết định số 496/QĐ-KTNN về việc ban hành Đề cương kiểm toán chuyên đề “Việc quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện các chính sách ưu đãi người có công (NCC) giai đoạn 2021-2023”. Đề cương hướng dẫn Đoàn kiểm toán thu thập các thông tin cơ bản về hệ thống kiểm soát nội bộ (HTKSNB) của các đơn vị được kiểm toán, qua đó, đánh giá rủi ro và trọng yếu kiểm toán, xác định mục tiêu, giới hạn, phạm vi, nội dung, thủ tục kiểm toán.

Theo Đề cương, mục tiêu kiểm toán chuyên đề nhằm đánh giá, xác nhận tính trung thực, hợp lý của thông tin, số liệu kinh phí thực hiện các chính sách ưu đãi NCC giai đoạn 2021-202; đánh giá việc tuân thủ pháp luật; tính hiệu lực, hiệu quả trong việc quản lý và sử dụng kinh phí NSNN thực hiện các chính sách ưu đãi NCC giai đoạn 2021-2023 tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Thông qua kiểm toán chỉ ra các tồn tại, hạn chế, bất cập để kiến nghị với đơn vị được kiểm toán chấn chỉnh công tác quản lý; kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, hoàn thiện các cơ chế, chính sách còn bất cập; phát hiện kịp thời các sai phạm, hành vi tham nhũng, lãng phí và xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để kiến nghị xử lý theo đúng quy định của pháp luật đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện các chính sách ưu đãi NCC được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả. Đồng thời, cung cấp những thông tin, số liệu tin cậy cho Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và các cơ quan có thẩm quyền thực hiện chức năng kiểm tra, điều tra, giám sát quá trình quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện các chính sách ưu đãi NCC.

Căn cứ chuẩn mực KTNN số 1300, tất cả các đoàn kiểm toán phải tiến hành đánh giá Hệ thống kiểm soát nội bộ (HTKSNB) của các đơn vị được kiểm toán thông qua quá trình khảo sát thu thập thông tin, lập KHKT của đoàn kiểm toán nhằm xác định phạm vi kiểm toán phù hợp và đạt được các mục tiêu kiểm toán của cuộc kiểm toán.

Các vấn đề của HTKSNB cần được đánh giá bao gồm: môi trường kiểm soát, rủi ro trong hoạt động, hệ thống thông tin và hoạt động kiểm soát của đơn vị.

Trên cơ sở thông tin thu thập được và kết quả phân tích, đánh giá thông tin thực tế, các Đoàn kiểm toán thực hiện đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu và trọng yếu kiểm toán như sau:

Rủi ro có sai sót trọng yếu

Căn cứ vào Chuẩn mực KTNN, kết quả khảo sát thu thập thông tin và trong quá trình thực hiện kiểm toán, kiểm toán viên cần tiến hành các thủ tục phân tích một cách kỹ lưỡng các thông tin cũng như các đánh giá thông tin đã thu thập được trong công tác quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện các chính sách ưu đãi NCC giai đoạn 2021-2023 tại các bộ ngành và địa phương, hệ thống kiểm soát nội bộ để thiết kế các thủ tục kiểm toán cần thiết nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro có sai sót trọng yếu. Việc xác định rủi ro có sai sót trọng yếu cần được thực hiện một cách liên tục trong tất cả các bước của quy trình kiểm toán. Tuy nhiên ở bước chuẩn bị kiểm toán chỉ tiến hành xác định ở mức độ tổng thể để xác định các vấn đề cần lưu ý và cách thức xử lý cho các bước tiếp theo của quy trình.

Rủi ro tiềm tàng

- Do lịch sử, điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, trình độ quản lý với thời gian chiến tranh kéo dài, ác liệt, nhiều thời kỳ nên việc rà soát, xác định đối tượng thụ hưởng tiềm ẩn sai sót. Ngoài ra, số người được hưởng lợi từ chính sách ưu đãi cho NCC lớn và có sự biến động qua các năm nên việc cập nhật thông tin về các đối tượng không kịp thời dẫn đến còn bỏ sót đối tượng được hưởng hoặc vẫn chi chế độ cho các đối tượng đã cắt giảm.

- Việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện có lúc chưa kịp thời, chưa phù hợp, chưa bao quát hết các vấn đề phát sinh, đối tượng thụ hưởng.

- Nguồn kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi NCC được giao quản lý để triển khai thực hiện chính sách trên địa bàn rộng, phạm vi khắp cả nước với những đặc thù khác nhau tại các địa phương trong khi các văn bản hướng dẫn thực hiện nhiều nên việc triển khai các chính sách có thể thiếu thống nhất trong cách hiểu và thực hiện tại các đơn vị. Ngoài ra, việc xác nhận đối tượng được hưởng có sự tham gia của nhiều đơn vị ngoài ngành LĐTBXH, trong quá trình xác nhận có thể chưa kịp thời, thậm chí có thể xảy ra hiện tượng trục lợi chính sách NCC.

- Các đơn vị quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi NCC được giao, tiếp nhận, sử dụng nhiều nguồn kinh phí khác nhau với nhiều nội dung chi khác nhau có thể dẫn đến sử dụng sai nguồn, không đúng mục đích, nội dung chi, vượt định mức, ...

Rủi ro kiểm soát

- Nguồn kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi NCC được giao quản lý để triển khai thực hiện chính sách tại 63 tỉnh, thành phố và tại một số đơn vị trực thuộc Bộ LĐTBXH nên công tác kiểm tra, kiểm soát không được thực hiện thường xuyên, đầy đủ, khó phát hiện sai sót.

- Thời kỳ triển khai Pháp lệnh mới 02/2020/UBTVQH14 có hiệu lực từ ngày 01/7/2021 (thay thế Pháp lệnh số 26/2005/PL-UBTVQH11 và Pháp lệnh số 04/2012/PL-UBTVQH13) áp dụng nhiều quy định mới về đối tượng chi, mức chi so với pháp lệnh cũ dẫn đến khả năng đơn vị chi trả sai đối tượng, áp dụng chưa đúng hoặc chưa kịp thời chính sách hoặc chi trả chậm cho NCC trong thời gian chuyển giao.

- Công tác phối hợp tổ chức thực hiện giữa Bộ LĐTBXH với các địa phương chưa chặt chẽ, do vậy khó xác định chính xác nhu cầu thực tế của các địa phương dẫn đến giao dự toán không phù hợp phải hủy dự toán lớn. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong việc giải quyết hồ sơ tồn đọng có thể còn lúng túng; một số nơi còn thiếu cán bộ chuyên môn, nhất là ở cấp cơ sở cán bộ còn kiêm nhiệm, thiếu kinh nghiệm, năng lực hạn chế.

- Do việc thực hiện các quy trình, thủ tục kiểm soát tại các đơn vị tham gia thực hiện chính sách ưu đãi NCC có thể chưa đầy đủ, chặt chẽ nên có thể có rủi ro sau:

+ Tại các địa phương đặc biệt là cấp xã, người làm chính sách ưu đãi NCC phải kiêm nhiệm nhiều công việc dẫn đến công tác quản lý đối tượng chưa chặt chẽ hoặc có thể có hạn chế trong công tác kiểm soát chứng từ chi trả.

+ Việc kiểm tra, kiểm soát của hệ thống kiểm soát nội bộ tại Sở LĐTBXH; UBND cấp huyện; Phòng LĐTBXH huyện không thường xuyên, không đầy đủ dẫn đến có khả năng các đơn vị thực hiện không đúng quy định của chính sách.

+ Vai trò tham mưu, đề xuất trong việc tổng hợp, đánh giá và kiểm tra tình hình thực hiện không đảm bảo về số lượng và chất lượng, hạn chế trong công tác kiểm tra, kiểm soát và đề xuất các biện pháp khắc phục kịp thời những sai sót trong tổ chức thực hiện chính sách.

- Công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, việc xử lý các trường hợp vi phạm chưa đảm bảo đúng quy định (không kịp thời, thiếu nội dung, thiếu đề xuất...).

2. Trọng yếu kiểm toán

Tại Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Kiểm toán việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chính sách NCC

- Công tác tham mưu, xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về ưu đãi đối với NCC (tại Cục NCC). Đánh giá bất cập của cơ chế, chính sách (trong đó tập trung đánh giá phương pháp chi trả trực tiếp cho NCC và cơ cấu chi thực hiện chính sách ưu đãi NCC).

- Công tác lập, phân bổ kinh phí; việc quản lý và sử dụng nguồn kinh phí Pháp lệnh NCC; kinh phí quyết toán, chuyển số dư kinh phí (Vụ Kế hoạch - Tài chính và Cục NCC).

Tại các Tỉnh/Thành phố trực thuộc Trung ương 

(i) UBND cấp tỉnh (tập trung tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội)

- Đánh giá việc tham mưu, xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về ưu đãi đối với NCC.

- Kiểm toán việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chính sách NCC: Công tác lập, tổng hợp, phân bổ, giao và điều chỉnh dự toán kinh phí thực hiện các chính sách ưu đãi NCC; Công tác quyết toán.

(ii) Tại với các đơn vị được giao trực tiếp sử dụng kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi NCC

Kiểm toán việc lập dự toán kinh phí thực hiện các chính sách ưu đãi NCC; Kiểm toán việc quản lý và sử dụng nguồn kinh phí thực hiện chính sách đối với NCC có đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, định mức, thanh quyết toán...; việc thanh tra, kiểm tra, tự thực hiện kiểm tra việc thực hiện chính sách ưu đãi NCC.

Giới hạn kiểm toán

Theo Đề cương hướng dẫn, KTNN chỉ kiểm toán việc quản lý, sử dụng kinh phí nguồn ngân sách trung ương do ngành LĐTBXH quản lý; không kiểm toán việc quản lý, sử dụng nguồn ngân sách địa phương do qua thu thập thông tin tại 10 địa phương được kiểm toán năm 2024, có 02 địa phương (tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh Bến Tre) không phát sinh kinh phí thực hiện các chính sách chế độ ưu đãi NCC, 06/10 địa phương (Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Nam Định, tỉnh Bắc Giang, tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh Thái Bình) không tách riêng nguồn kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi NCC, chỉ thuộc một phần kinh phí sự nghiệp đảm bảo xã hội.

- Không điều tra, giám định tỷ lệ thương tật đối với người được hưởng chế độ, chính sách theo Pháp lệnh ưu đãi NCC;

- Không kiểm toán điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục hồ sơ xét, công nhận, cấp giấy chứng nhận đối tượng chính sách được hưởng chế độ ưu đãi NCC;

- Không kiểm toán việc sử dụng kinh phí cải tạo, xây dựng công trình ghi công liệt sỹ, mộ liệt sỹ do hạn chế về thời gian và nhân lực;

- Không thực hiện kiểm toán đối với những nội dung đã được các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán thực hiện liên quan đến giai đoạn 2021-2023;

- Không thực hiện đối chiếu với các đối tượng được thụ hưởng chính sách; không đối chiếu danh sách, kinh phí đã chi trả của tổ chức dịch vụ chi trả. Trong trường hợp cần thiết phải đối chiếu thì thực hiện theo quy định tại Quyết định số 1536/QĐ-KTNN ngày 12/12/2023 của Tổng Kiểm toán nhà nước về Ban hành Quy định việc kiểm tra, đối chiếu tại các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước.

- Kiểm toán trên cơ sở báo cáo số liệu, sổ kế toán, chứng từ kế toán, hồ sơ, tài liệu do đơn vị cung cấp; Không trực tiếp chứng kiến việc giao nhận vật tư, tài sản, hàng hoá; không trực tiếp đối chiếu, xác nhận các khoản nợ phải thu, nợ phải trả; không trực tiếp quan sát kiểm kê vật tư, hàng hóa, quỹ tiền mặt tại thời điểm 31/12; không xác minh, đối chiếu chứng từ, hóa đơn với bên cung cấp hàng hóa dịch vụ do hạn chế về thời gian và nhân lực.

Ngoài các giới hạn kiểm toán nêu trên, tùy theo tình hình khảo sát thực tế, các Đoàn kiểm toán sẽ xác định giới hạn và trình Lãnh đạo Kiểm toán nhà nước phê duyệt.

Để đạt được các mục tiêu kiểm toán, Đề cương hướng dẫn cụ thể các nội dung, thủ tục kiểm toán tại các đơn vị, phương án tổ chức các đoàn kiểm toán và mẫu biểu, hồ sơ kiểm toán./.

Hà Linh
 

Xem thêm »