Ngành năng lượng Hàn Quốc: Đầu tư ra nước ngoài tràn lan, kém hiệu quả

30/07/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Ngày 13/7 vừa qua, Ủy ban Kiểm toán và Thanh tra Hàn Quốc (BAI) đã công bố một Báo cáo kiểm toán tạm thời và nhấn mạnh rằng, các DNNN ngành năng lượng của Hàn Quốc cần phải xem xét lại toàn bộ hoạt động đầu tư vào các dự án phát triển nguồn tài nguyên ở nước ngoài cũng như các kế hoạch phát triển lâu dài của họ sau khi để xảy ra những khoản thua lỗ và nợ đọng lên tới hàng chục tỷ USD trong hơn 3 thập kỷ qua.


Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á, phụ thuộc rất nhiều vào việc nhập khẩu các nguồn năng lượng đắt đỏ gây ra tình trạng lạm phát cho nước này. Từ năm 2008 đến 2013, khi cựu Tổng thống Lee Myung-bak còn đương nhiệm, nước này đã tập trung mở rộng và đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài để phát triển các nguồn dầu mỏ và khí đốt của quốc gia. Tuy nhiên, dưới sự điều hành, quản lý yếu kém của một số quan chức, nhiều DNNN đã phải gánh những khoản thiệt hại nặng nề khiến việc đầu tư thua lỗ, phải bán tháo tài sản.  
 
Bắt đầu từ tháng 3/2015, BAI đã tiến hành cuộc kiểm toán, tập trung thanh tra các cơ quan của Chính phủ, bao gồm: Bộ Chiến lược và Tài chính; Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng; cùng một số DNNN có tham gia vào các dự án năng lượng ở nước ngoài. Mục đích của cuộc kiểm toán nhằm đánh giá hiệu quả hoạt động đầu tư quốc tế, xem xét các khoản lỗ nhằm cơ cấu lại các DNNN kịp thời.
 
Kết quả kiểm toán tạm thời của BAI cho thấy, Chính phủ Hàn Quốc đã đầu tư gần 36 nghìn tỷ Won (31,5 tỷ USD) vào 169 dự án phát triển nguồn tài nguyên ở nước ngoài từ năm 1984 đến nay. Trong giai đoạn từ năm 2008 đến 2014, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Hàn Quốc (KNOC) đã đầu tư 21,7 nghìn tỷ Won vào 97 dự án, Tập đoàn Khí đốt Hàn Quốc (KOGAS) đầu tư 10,3 nghìn tỷ Won vào 25 dự án và Tập đoàn Tài nguyên Hàn Quốc (KORES) đã đầu tư 3,8 nghìn tỷ Won vào 47 dự án. Các khoản đầu tư không hiệu quả của 3 DNNN trên đã nâng tổng số tiền thiệt hại của Chính phủ lên tới 12,86 nghìn tỷ Won, bội chi 9,7 nghìn tỷ Won so với kế hoạch đầu tư ban đầu.

Không những thế, 3 DN trên đã cùng đầu tư gần 7,8 nghìn tỷ Won vào 23 dự án tại nước ngoài, tuy nhiên, sản phẩm từ các dự án này lại không được phép xuất khẩu. Ví dụ, KORES đã đầu tư khoảng 304 tỷ Won vào lĩnh vực khoáng sản ở Trung Quốc và Australia, tuy nhiên, 2 quốc gia này lại có lệnh cấm xuất khẩu các sản phẩm khoáng sản sang nước ngoài. BAI cho biết, 3 DN này đang có kế hoạch đầu tư thêm 46,6 nghìn tỷ Won vào 48 dự án, riêng giai đoạn 2015 đến 2019 là 24,5 nghìn tỷ Won. Tuy nhiên, các kiểm toán viên đánh giá các dự án đó là không khả quan và nếu các DN vẫn tiếp tục kế hoạch của mình, điều này có thể dẫn đến hậu quả là các khoản vay của họ sẽ tăng lên gấp đôi, gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ. Cụ thể, theo ước tính của BAI, tỷ lệ nợ của KNOC sẽ tăng mạnh từ 278 hiện nay lên 320 vào năm 2019; tương ứng là tỉ lệ nợ của KOGAS tăng từ 244 lên 277, của KORES tăng từ 134 lên mức đáng báo động 692.
 
Báo cáo của BAI nhấn mạnh: “Các DN trên đã không thiết lập hệ thống đánh giá lại tài sản hiện có của mình mà chỉ tập trung vào việc mở rộng đầu tư bằng cách tăng nợ và tăng vay từ Chính phủ. Họ cần phải đề ra các kế hoạch hành động nhằm tái đánh giá tài sản của DN, song song với công tác phân tích lợi nhuận đầu tư”. Trong cuộc họp báo công bố Báo cáo kiểm toán, Jeong Gil-young - một kiểm toán viên cao cấp của BAI cho biết: “Chúng tôi đang đặt ra nghi vấn tại sao Chính phủ lại đồng ý duyệt những khoản đầu tư cho các dự án ở nước ngoài với chi phí khổng lồ nhưng hoàn toàn không khả thi như vậy?”.

Có nhiều ý kiến cho rằng BAI chưa nên công bố Báo cáo kiểm toán khi hiện tại các dự án trên vẫn đang hoạt động và đang nhận được các khoản đầu tư dài hạn. Tuy nhiên, Bộ Năng lượng Hàn Quốc đã đồng ý với những đánh giá của kết quả kiểm toán tạm thời, vì vậy BAI cho biết, họ sẽ cố gắng công bố Báo cáo kiểm toán đầy đủ trong thời gian sớm nhất có thể.

Theo Báo Kiểm toán số 31/2015

Xem thêm »