Hy Lạp công bố báo cáo kiểm toán sơ bộ về nợ công

13/07/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Ủy ban Kiểm toán về nợ công được thành lập tháng 4/2015, theo lệnh triệu tập của Chủ tịch Quốc hội Hy Lạp Zoi Konstantopoulou, có nhiệm vụ điều tra sự hình thành và diễn tiến của cuộc khủng hoảng nợ công, cách thức và lý do để các món nợ được thỏa thuận, và tác động của nó đến nền kinh tế và người dân. Ủy ban này hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức về các vấn đề liên quan đến các khoản nợ của Hy Lạp, cả trong nước và quốc tế, để hình thành cơ sở lập luận và các lựa chọn liên quan đến việc xóa bỏ các khoản nợ. Ông Eric Toussaint - Chủ tịch Ủy ban quốc tế về xóa nợ cho các nước nghèo, đã được yêu cầu hỗ trợ giám sát cuộc kiểm toán.

Ngày 17/6, Ủy ban Kiểm toán về nợ công của Hy Lạp đã công bố bản báo cáo sơ bộ, trong đó khẳng định khoản nợ mà quốc gia này phải gánh từ các chủ nợ là “phi lý, không chính đáng” và vi phạm trực tiếp quyền con người của người dân Hy Lạp.

Theo bản báo cáo kết quả kiểm toán sơ bộ, Quốc hội Hy Lạp đã nhận định, toàn bộ chương trình điều chỉnh áp đặt đối với Hy Lạp là một chương trình có khuynh hướng chính trị. Đồng thời, Hy Lạp chính là nạn nhân của một cuộc tấn công có tổ chức, có sự tính toán; việc chuyển nợ tư thành nợ công là vi phạm luật pháp; những thỏa thuận với bộ ba chủ nợ, gồm: Liên minh châu Âu (EU), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) - gọi tắt là Troika, là vi phạm trực tiếp quyền căn bản của người dân Hy Lạp.

Nguyên nhân chính dẫn đến khủng hoảng nợ của Hy Lạp là do khả năng quản trị tài chính công yếu kém của nước này với những khoản chi tiêu quá lớn và vượt khả năng kiểm soát của Chính phủ. Kết quả là thâm hụt ngân sách quốc gia của Hy Lạp đã vượt trên 13 GDP và tổng nợ công chạm mức 130 GDP.

Ngày 18/6, nhiều cuộc đàm phán giữa Hy Lạp và các chủ nợ kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào. Hy Lạp đã không thể hoàn trả khoản nợ 1,7 tỷ USD trước thời hạn chót ngày 30/6 vừa qua cho IMF và hậu quả là sẽ không được nhận bất kỳ khoản viện trợ nào từ IMF cho đến khi nợ được trả. Tuyên bố vỡ nợ đối với khoản vay của IMF đồng nghĩa với việc Hy Lạp đã bước một chân ra khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) với tương lai u ám. Các chủ nợ của Hy Lạp như ECB và các nước châu Âu khác cũng có nguy cơ phải đối diện với các khoản thiệt hại ngay lập tức. Tuy nhiên, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã từ chối yêu cầu của các chủ nợ về việc tiếp tục cắt giảm lương và lương hưu để lấy tiền trả nợ. Quyết định này góp phần đẩy Hy Lạp vào cuộc suy thoái, hàng tỷ USD đang bị rút khỏi hệ thống ngân hàng. Cuộc trưng cầu ý dân về việc liệu Hy Lạp có thể chấp thuận điều kiện của các chủ nợ quốc tế để nhận được sự cứu trợ tài chính hay không vừa được tổ chức ngày 05/7 vừa qua theo đề nghị của Thủ tướng Alexis Tsipras được xem là mang tính quyết định đối với số phận của Hy Lạp. Trong kết quả kiểm phiếu chính thức được công bố vào chiều cùng ngày, 61 cử tri nói "không" với các biện pháp thắt lưng buộc bụng. Đảng cầm quyền Syriza của Hy Lạp cho rằng các điều kiện cứu trợ của các chủ nợ châu Âu và IMF đặt ra là không thể chấp nhận được. Điều này càng tăng thêm khả năng buộc Hy Lạp rời khỏi khối 19 quốc gia sử dụng đồng Euro. Châu Âu có thể sẽ phải chịu thiệt hại tới 1.000 tỷ Euro, đồng thời châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng mới của Eurozone.

Theo nhận định của Chủ tịch Nhóm các Bộ trưởng Tài chính các nước Eurozone Jeroen Dijsselbloem, dù kết quả trưng cầu ý dân phản đối biện pháp thắt lưng buộc bụng hà khắc, nhưng trong thời gian tới Hy Lạp vẫn sẽ phải thực hiện những kế hoạch tái cơ cấu nợ. Được biết, năm 2012, Hy Lạp đã được tái cơ cấu nợ, xóa bỏ nhiều khoản tín dụng của các chủ nợ tư nhân, vốn chiếm từ 15 đến 20 tổng nợ của Hy Lạp và có thời hạn thanh toán kéo dài đến hàng thập niên. Sau 5 năm kể từ khi chương trình điều chỉnh kinh tế bắt đầu, Hy Lạp vẫn chìm sâu trong cuộc khủng hoảng. Sự kiện nợ công của Hy Lạp đã trở thành trường hợp suy thoái lớn nhất và lâu nhất xảy ra ở châu Âu trong thời bình. Giờ đây, Hy Lạp đang ở ngã ba đường của việc lựa chọn giữa đẩy mạnh các chương trình điều chỉnh kinh tế vĩ mô mà các chủ nợ áp đặt hay thực hiện một thay đổi thực sự để phá vỡ xiềng xích của nợ công. Liệu câu trả lời “không” từ phía người dân có gia tăng lợi thế cho Athens trên bàn đàm phán với các chủ nợ và các chủ nợ có sẵn sàng rút lại các yêu sách cải cách, thắt lưng buộc bụng đã đưa ra và chấp thuận cấp thêm tiền cứu nguy cho Hy Lạp hay không cho đến nay vẫn là bài toán chưa có lời giải.

(Nguồn: Greek Reporter và Euro Observer)

Theo Báo Kiểm toán số 28/2015

Xem thêm »