Ủy ban Kiểm toán Philippines: Ngân hàng thiệt hại hàng trăm triệu Pê-sô do “giao dịch phủi tay”

11/06/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Tổng cộng 14 cán bộ điều hành cấp cao là các thành viên Ban Giám đốc và Ban Giám sát rủi ro của Ngân hàng Phát triển quốc gia Philippines (DBP) hiện đang phải đối mặt với những cáo buộc hình sự của cơ quan điều tra do có liên quan đến đường dây giả mạo các giao dịch chứng khoán Chính phủ khiến ngân sách quốc gia bị thất thoát lớn.

Trụ sở Ngân hàng Phát triển quốc gia Philippines (DBP)


Những cáo buộc nói trên xuất phát từ kết quả của cuộc kiểm toán do Ủy ban Kiểm toán Philippines (COA) - cơ quan kiểm toán tối cao quốc gia Philippines - công bố hôm 29/5 vừa qua đối với hoạt động giao dịch chứng khoán trong năm 2014 của DBP. Theo Báo cáo kiểm toán, COA đã ghi nhận 28 giao dịch được thực hiện trong giai đoạn từ 29/01 đến 03/3/2014, liên quan đến trái phiếu kho bạc lãi suất cố định có kỳ hạn từ 20 đến 25 năm do Chính phủ Philippines phát hành với tổng giá trị 14,3 tỷ Pê-sô (320,9 triệu USD), là những hoạt động “mua bán chớp nhoáng” hay còn gọi là “giao dịch phủi tay”, khiến ngân hàng quốc doanh này phải gánh chịu một khoản mất mát lên tới 717,07 triệu Pê-sô (16,09 triệu USD) mà các cán bộ ngân hàng cho biết là được thực hiện để tránh thua lỗ thêm.
 
Theo điều tra của các kiểm toán viên, một số thành viên Ban Giám đốc và các cán bộ quản lý cấp cao của DBP được cho là đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thông qua việc mua và bán chứng khoán Chính phủ giữa DBP và Công ty đầu tư First Metro (FMIC) một công ty con của Tập đoàn ngân hàng MetroBank, mặc dù ý thức được rằng những “giao dịch phủi tay” này là bất hợp pháp, bị Ngân hàng Trung ương Philippines (BSP) ngăn cấm theo các quy định trong Luật Chứng khoán quốc gia. Chứng khoán Chính phủ có trị giá lên tới hàng tỷ Pê-sô này đã được DBP bán cho FMIC và mua lại ngay trong ngày với giá lỗ, dẫn đến khoản thiệt hại hơn 717 triệu Pê-sô. Do khoản lỗ này mà thu nhập ròng của DBP trong năm 2014 đã rớt xuống đáng kể, chỉ còn 4,5 tỷ Pê-sô so với 5,6 tỷ Pê-sô năm 2013. DBP lẽ ra đã phải nộp hàng triệu Pê-sô trong lợi nhuận của mình vào NSNN nếu như không có khoản lỗ bắt nguồn từ những giao dịch phi pháp trên.
 
Ngoài ra, COA cũng chỉ ra các cán bộ cấp cao của DBP đã thông qua một “chiến lược” được cho là vi phạm pháp luật, nhằm chuyển đổi số chứng khoán Chính phủ dài hạn trị giá 20 tỷ Pê-sô (448,89 triệu USD) từ chứng khoán sẵn sàng để bán thành chứng khoán giữ đến ngày đáo hạn, do Ban giao dịch trái phiếu của DBP thực hiện với FMIC là đối tác duy nhất trong một loạt các giao dịch mua và bán được thực hiện trong cùng ngày với cùng mức giá.
 
Qua kiểm toán, COA cho rằng những hành vi trên thể hiện những sơ sót, yếu kém trong vấn đề quản lý ngân hàng, những khoản lỗ phát sinh là không đáng có. Theo COA, tại thời điểm đó DBP đang nằm ở mức thanh khoản cao với số dư tiền mặt trung bình là 43,8 tỷ Pê-sô, vì thế không có lý do gì để bán tống số chứng khoán Chính phủ này.  
 
Được biết, trong số 14 cán bộ quản lý cấp cao bị cáo buộc có Chủ tịch DBP Gil Buenaventura và một số Giám đốc điều hành. Những người này bị buộc tội vi phạm Luật Chống tham nhũng, Luật Chứng khoán, Luật Quản trị DN 2011 và các quy định của BSP.
 
Trước đó, BSP đã yêu cầu Ban điều hành DBP tiến hành một cuộc điều tra nội bộ về những giao dịch khả nghi này và thực hiện các biện pháp xử lý thích đáng đối với những cán bộ có biểu hiện vi phạm. Phản hồi lại yêu cầu từ BSP, một cuộc điều tra đã được DBP khởi xướng ngay sau đó. Trong bản báo cáo phản hồi gửi tới BSP, DBP cho biết đã xử phạt hành chính đối với 3 cán bộ có liên quan trực tiếp đến khoản thua lỗ hơn 717 triệu Pê-sô của ngân hàng này về tội vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Kết quả cuộc điều tra nội bộ và hình thức xử phạt này của DBP được cho là chỉ dừng lại ở mức độ hành chính và chưa thỏa đáng vì đây là hành vi phạm tội nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới NSNN và lợi ích của người dân.

Theo Báo Kiểm toán số 24/2015

 

Xem thêm »