Ngày 09/10, Tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) Canada đã tiết lộ kết quả cuộc kiểm toán tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa tại Canada và trên thế giới nói chung. Cuộc kiểm toán được tiến hành trong 3 tuần trước khi các quốc gia hưởng ứng Ngày làm sạch thế giới 15/9/2018.
Các “ông lớn” xả thải gây ô nhiễm
Từ nhiều năm nay, ô nhiễm rác thải nhựa là vấn đề đáng lo ngại tại khắp các quốc gia, khu vực, từ các con sông đến những vùng đại dương, từ Bắc Cực đến Nam Cực. Trước thực trạng này, nhiều tháng qua, Greenpeace và các đồng minh tham gia Chiến dịch “Xóa bỏ rác thải nhựa (BFFP)” đã thực hiện 239 cuộc kiểm toán trên toàn cầu. Trong đó, có 5 cuộc kiểm toán được thực hiện tại Canada. Hàng nghìn tình nguyện viên đã góp hàng trăm giờ tham gia vào các cuộc kiểm toán trên. Họ đã chọn lọc, phân loại các loại rác thải nhựa được thu thập từ các bãi biển, con sông ở Canada và nhiều nơi trên toàn thế giới.
Qua kiểm toán, Greenpeace đã đưa ra một bức tranh toàn diện nhất về tình trạng ô nhiễm tồi tệ khắp toàn cầu, từ đó góp phần thức tỉnh các công ty đang hằng ngày xả rác thải nhiều nhất thế giới. Báo cáo kiểm toán của Greenpeace chỉ đích danh 5 công ty, tập đoàn đứng đầu danh sách có số lượng rác thải nhựa nhiều nhất ở Canada gồm: Công ty thực phẩm và đồ uống lớn nhất thế giới Nestlé, chuỗi nhà hàng kinh doanh đồ ăn nhanh đa quốc gia Tim Hortons, nhà sản xuất nước giải khát và thực phẩm hàng đầu thế giới PepsiCo, Tập đoàn Coca-Cola - nhà sản xuất, bán lẻ và tiếp thị nước giải khát hàng đầu thế giới và Tập đoàn McDonald - chuỗi nhà hàng kinh doanh đồ ăn nhanh lớn nhất thế giới. Số rác thải mang nhãn hiệu của 5 công ty này chiếm tới 46% trên tổng số 2.231 mẫu rác thải nhựa được thu thập trong quá trình kiểm toán.
Ngoài 5 công ty trên, một số công ty nổi tiếng khác cũng thải ra lượng rác nhựa lớn gây ô nhiễm hàng đầu tại Canada gồm: Tập đoàn Cà-phê Starbucks, Công ty Hershey sản xuất bánh kẹo, sô-cô-la, Công ty Sản xuất thực phẩm và dược phẩm Loblaw, Công ty Kinh doanh thực phẩm Danone, Tập đoàn Thực phẩm Costco, Tập đoàn Kinh doanh thực phẩm và dược phẩm hàng đầu Canada Metro và nhiều công ty khác.
Ông Sarah King, đại diện Greenpeace Canada cho biết: “Đã đến lúc chúng ta phải xem xét đến vai trò của các nhà sản xuất nhựa, các công ty, tập đoàn thực phẩm trên toàn thế giới. Các cuộc kiểm toán của Greenpeace đã tạo ra những bằng chứng cụ thể và không thể phủ nhận về cách thức các công ty, tập đoàn lớn đang tàn phá môi trường”.
Giảm và cấm sản phẩm nhựa sử dụng một lần, tránh nguy cơ ô nhiễm
Trên toàn thế giới, hơn 187.000 mẫu rác thải nhựa đã được Greenpeace kiểm toán. Các cuộc kiểm toán cho thấy, xét trên phạm vi toàn thế giới, số lượng rác thải mang thương hiệu các sản phẩm của Coca-Cola đứng đầu danh sách, tiếp theo là PepsiCo., Nestlé, Tập đoàn thực phẩm đa quốc gia của Pháp Danone và Mondelez International. Các kiểm toán viên còn chỉ rõ, bao bì thực phẩm là loại rác thải phổ biến nhất, tiếp theo là chai, lọ, nắp chai và các loại túi đựng hàng hóa. Việc tích cực thu gom và tái chế rác thải nhựa cũng không thể đối phó với tình trạng ô nhiễm môi trường đang lan rộng trên phạm vi toàn cầu, không thể giải quyết những hậu quả ngày càng nghiêm trọng mà ngành công nghiệp sản xuất đồ nhựa sử dụng một lần gây ra. Cách duy nhất để hạn chế mức độ ô nhiễm rác thải nhựa là ngăn chặn các công ty sản xuất các sản phẩm nhựa.
Một số báo cáo gần đây tiết lộ, sản lượng các sản phẩm nhựa sẽ tăng 40% trong thập kỷ tới, do đó, tình hình ô nhiễm môi trường sẽ tồi tệ hơn rất nhiều. Thông qua những phát hiện của các cuộc kiểm toán trên, Greenpeace đã kêu gọi các công ty sản xuất nhựa cam kết loại bỏ nhựa dùng một lần, đầu tư vào các mô hình sản xuất mới dựa trên các hệ thống tái sử dụng rác thải nhựa, ưu tiên các sản phẩm sinh học, hữu cơ, thân thiện với môi trường. Greenpeace cũng kiến nghị Chính phủ Canada cần có những quy định về vai trò, trách nhiệm của các công ty, tập đoàn lớn đối với vấn đề bảo vệ môi trường, đồng thời, đưa ra các mục tiêu giảm và cấm sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần.
(Theo Master.k8s.p4.greenpeace và Greenpeace)
(Báo Kiểm toán số 43/2018)